Chúa là Đấng từ bi nhân hậu

Nhiều người quan niệm rằng, giáo lý cổ xưa thường hay trình bày về Thiên Chúa như là vị thẩm phán công thẳng, làm cho người nghe hiểu về đạo Chúa như là một tôn giáo của sự sợ hãi. Lối quan niệm và cách trình bày như thế quả thật là không đúng. Hãy dừng lại, hãy đọc và cảm nghiệm những lời diễn tả sự ngọt ngào, dịu dàng đầy yêu thương của Thiên Chúa nơi thánh vịnh 103 (102); đồng thời, cùng với tác giả cầu nguyện - cảm tạ tình yêu Thiên Chúa qua từng lời của thánh vịnh.

Thánh vịnh 103 (102) kể về chuyện một tội nhân được ơn tha thứ lên đền thờ dâng lễ tạ ơn và kể ra các ơn mình lãnh nhận. Các bạn hữu và thân nhân cùng đi với người ấy và cùng dự tiệc để hòa chung niềm tri ân. Thánh vịnh 103 (102) cũng là bài ca tụng Thiên Chúa – Đấng rất tốt lành, Ngài chính là tình yêu thương xót. Lòng Thương Xót của Ngài vượt cao hơn những yếu đuối lỗi lầm của loài người chúng ta.

Mở đầu thánh vịnh, tác giả nhắc nhở chúng ta điều quan trọng nhất cho đời sống thiêng liêng của minh bằng một mệnh lệnh, rằng không được quên ân huệ của Thiên Chúa.

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,

toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,

chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Tác giả thánh vịnh còn muốn chúng ta hãy nhớ và nhắc lại luôn luôn đến những điều Chúa làm cho chúng ta (cc.3-5): Chúa tha thứ, Chúa chữa lành, Chúa cứu chuộc, Chúa bao bọc chúng ta bằng ân nghĩa và lượng hải hà, Chúa đội mũ triều thiên cho chúng ta và ban cho đời chúng ta được chứa chan hạnh phúc, cho tuổi xuân chúng ta được mạnh mẽ tựa chim bằng.

Chuỗi hành động yêu thương về mặt thiêng liêng này, Chúa đã làm để cho chúng ta được hạnh phúc và tự tin mà cải thiện cuộc sống của mình sao cho hoàn thiện.

Cùng một cách như vậy, tác giả cho thấy bản chất của Thiên Chúa là Thương Xót (cc.6-10): Ngài phân xử công minh và bênh quyền lợi cho những ai bị áp bức; Ngài mặc khải cho thấy đường lối và những kỳ công của Ngài; Ngài tiết lộ danh tính: Ngài là Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Ngài không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Ý nghĩa sâu xa của lời thánh vịnh giúp ta hiểu rõ hơn về bản chất của Thiên Chúa, Ngài là ai, Ngài hành xử với chúng ta thế nào để chúng ta hiểu về Ngài và đi theo đường lối kiên định và ý muốn cứu độ của Ngài.

Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,

tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.

Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,

tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

Như người cha chạnh lòng thương con cái,

Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.

Tác giả thánh vịnh một lần nữa bày tỏ sự cao cả của Chúa qua một loạt các câu so sánh. Nhưng, dù cho chúng ta có chiêm ngưỡng và miêu tả sự hiện hữu của Thiên Chúa bao nhiêu đi nữa, thì sự thật về điều đó vẫn luôn lớn lao hơn những gì chúng ta có thể hiểu được. Ngay cả vũ trụ của chúng ta cũng không thể so sánh được với sự vô tận và vĩnh cửu của tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa đã biết tất cả sự hữu hạn của chúng ta trong sự hiểu biết về chính Ngài. Tất cả những so sánh mãi mãi cũng không thể diễn tả hết mà chỉ giúp chúng ta hiểu được một phần nào đó chính sự thật mà thôi.

Tiếp đến, tác giả thánh vịnh lại đưa ra một tuyên bố giúp chúng ta hiểu rằng, cuộc sống tồn tại trong thời gian hữu hạn, trong khi Lời Chúa và chính Chúa cho chúng ta biết rằng những gì thuộc về Thiên Chúa thì vô hạn (cc.15-18).

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,

tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

một cơn gió thoảng là xong,

chốn xưa mình ở cũng không biết mình.

Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại,

dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn...

Thánh vịnh kết thúc bằng bốn mệnh lệnh chúc tụng Chúa như phần mở đầu, khiến cho thánh vịnh như một ca khúc dài mà trong đó điệp khúc được lặp lại.

Chúc tụng Chúa đi, hỡi muôn vì thiên sứ,

bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người,

luôn sẵn sàng phụng lệnh.

Chúc tụng Chúa đi, toàn thể thiên binh,

hằng hầu cận và tuân hành thánh ý.

Chúc tụng Chúa đi, muôn vật Chúa tạo thành,

thuộc quyền Người thống trị khắp nơi nơi.

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!

Lạy Chúa Giêsu, Chúa chính là khuôn mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình – Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót. Xin làm cho Hội thánh phản chiếu khuôn mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này. Chúa là Đấng phục sinh vinh hiển, xin làm cho chúng con cảm nhận được Thiên Chúa luôn luôn quan tâm, yêu mến và thứ tha. Amen.

Nguồn: vietnamese.rvasia.org

bài liên quan mới nhất

Thứ Bảy tuần V Phục Sinh: "Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng