Chiến tranh ở Ukraine: với Vatican “yêu kẻ thù” có ý nghĩa gì?

https://i0.wp.com/phanxico.vn/wp-content/uploads/2024/03/Chien-tranh-o-Ukraine-voi-Vatican-yeu-ke-thu-co-y-nghia-gi.jpg?resize=696%2C415&ssl=1

Binh sĩ Ukraine tác chiến.

Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 25 tháng 02 minh họa bản chất của chính sách ngoại giao Vatican: phục vụ nền hòa bình công bằng và lâu dài. Chúng ta không thể hiểu được mục đích này nếu Phúc âm không dạy “Hãy yêu kẻ thù của mình”, nhà địa chính trị Jean-Baptiste Noé nhắc: “Để yêu kẻ thù, trước hết phải định nghĩa kẻ thù”.

https://i0.wp.com/phanxico.vn/wp-content/uploads/2024/03/Chien-tranh-o-Ukraine-.jpg?resize=580%2C418&ssl=1

Nhà địa chính trị Jean-Baptiste Noé, tác giả quyển “Phanxicô, nhà ngoại giao” (François le diplomate, nxb. Salvato)

Đức Phanxicô nói về cuộc chiến ở Ukraine khi ngài nhắc lại những gì là cốt lõi của chính sách ngoại giao của Vatican trong giờ Kinh Truyền Tin ngày ngày 25 tháng 2. Những lời vang vọng trong Tin Mừng ngày hôm trước: “Đừng ghét kẻ thù của mình.” Vì thế ngài xin “khôi phục lại một chút nhân tính nhỏ bé, điều này sẽ tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao nhằm tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài”. Nếu có một kẻ xâm lược – Nga – và một kẻ bị tấn công – Ukraine -, thì ngài nhắc lại nguồn gốc cuộc xung đột có từ lâu, trước cuộc tấn công tháng 02 năm 2022. Nếu chúng ta muốn xây dựng một nền hòa bình công bằng và lâu dài, chúng ta cần phải giải quyết những gốc rễ sâu xa này.

Tin Mừng ngày 24 tháng 02 (Mt 5) kể lại những lời dạy khó khăn nhất của Chúa Kitô: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ anh em.” Trong bối cảnh chiến tranh, những từ này dường như không thể chịu đựng được. Làm sao chúng ta có thể yêu đức quốc xã xâm chiếm nước Pháp, yêu Liên Xô chiếm đóng Ba Lan hay người Nga ném bom Kiev? Tuy nhiên, đây là những từ làm nền tảng cho bản chất ngoại giao của Vatican.

Muốn điều tốt cho kẻ thù của bạn

Những lời được Thánh Mátthêu thuật lại không xóa bỏ sự phân biệt giữa bạn và thù, thậm chí những lời này còn khẳng định, thực sự có kẻ thù và có kẻ bách hại, như thế loại bỏ một loại chủ nghĩa hòa bình và chủ nghĩa lý tưởng, hai ý tưởng có xu hướng phủ nhận sự tồn tại của đối thủ và kẻ thù. Nhưng Thánh Mátthêu nói rõ, khi đối diện với họ, chúng ta phải yêu thương họ và cầu nguyện cho họ. Sự tinh tế nằm ở việc xác định ý nghĩa của việc “yêu” kẻ thù trong thời chiến. Thông điệp liên tục của các giáo hoàng kể từ Đức Lêô XIII, dựa trên truyền thống lâu đời của Giáo hội, là chúng ta phải mong muốn điều tốt cho kẻ thù của mình. Chống lại chủ nghĩa Quốc xã là một cách giúp đỡ người Đức và Đức Piô XII luôn phân biệt giữa hệ tư tưởng Đức quốc xã, được một số lượng lớn người Đức bảo vệ, và người Đức, một số người trong số họ phản đối, thậm chí chống lại chế độ.

Hòa bình không thể dựa trên hận thù và oán giận

Vì thế bước đầu tiên để yêu thương kẻ thù của bạn là không chủ yếu hóa họ. Vì vậy, không có chuyện “người Nga” chống lại “người Ukraine”, ngay cả khi để cho thuận tiện, chúng ta thường dùng số nhiều để bao hàm. Trong cuộc xung đột này, chúng ta thấy có những người Nga phản đối chính sách của Vladimir Putin, cũng như có những người Ukraine ủng hộ việc thống nhất với Nga. Trong giới thân cận của tổng thống Vladimir Putin cũng như tổng thống Volodymyr Zelensky đều có những ý kiến trái ngược, bất đồng nhau, ít nhiều đã nói lên. Chúa Kitô nhắc chúng ta lỗi lầm luôn mang tính cá nhân chứ không bao giờ mang tính tập thể, và do đó không thể có hình phạt tập thể nào gọi là hình phạt công bằng. “Trừng phạt” Nga hay “trừng phạt” người Nga đều vô nghĩa. Chỉ những tội phạm được xác nhận và xét xử mới có thể bị trừng phạt.

Cái bẫy của xung đột ý thức hệ

Xung đột ý thức hệ cũng không có chỗ đứng. Đó không phải là “dân chủ” hay “độc tài”. Chiến tranh không phải là cuộc thập tự chinh vì các giá trị mà là phương tiện tái lập công lý. Đây chính là điều mà Đức Piô XII đã bảo vệ trước tổng thống Roosevelt và Đức Gioan Phaolô II trong các cuộc tấn công chống lại Iraq năm 1991 và 2003. Nếu chúng ta rơi vào cuộc xung đột ý thức hệ, vì không thể xây dựng hòa bình khi chúng ta không thể thỏa hiệp với những ý tưởng xấu. Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, bây giờ đến lượt giáo hoàng Phanxicô cố gắng tránh cái bẫy xung đột ý thức hệ.

Vì vậy, xác định kẻ thù là điều kiện đầu tiên để yêu thương họ. Xác định có nghĩa là “định ranh giới”, “hạn chế phạm vi” trong tổng thể. Do đó, Đức Phanxicô muốn nhìn tất cả nguyên nhân của cuộc chiến này, những nguyên nhân trực tiếp (cuộc xâm lược ngày 24 tháng 02), cũng như những nguyên nhân sâu xa (chính sách của Ukraine với những người nói tiếng Nga, việc mở rộng NATO).

Không có tình yêu mà không có công lý

Khía cạnh khác của tình yêu là công lý, một khái niệm cơ bản trong triết học chính trị, nhưng gần như đã biến mất hoàn toàn khỏi các cuộc tranh luận chính trị. Và Đức Phanxicô không bao giờ ngưng nói về công lý, trong giờ Kinh Truyền Tin tuần vừa qua, ngài nói về “một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

Giáo hoàng và Ukraine, hòa bình sẽ không có được nếu không có công lý

Hòa bình chính đáng không thể dựa trên hận thù và oán giận, điều mà Thánh Mátthêu nói trong Tin Mừng của ngài. Yêu kẻ thù và kẻ bách hại, là không hận thù họ. Thậm chí còn lớn hơn nữa: có thể tha thứ cho họ nếu họ xin tha thứ. Tuy nhiên, trong cuộc xung đột như cuộc chiến ở Ukraine, hai dân tộc rất gần gũi nhau, chia sẻ với nhau rất nhiều về lịch sử và văn hóa, thì sự tha thứ là điều chính yếu. Hòa bình chỉ có thể trở lại khi hàng rào hận thù do thảm sát và dội bom biến mất, như đã biến mất giữa người Pháp và người Đức. Tha thứ không phải là quên, như các lễ kỷ niệm ngày 11 tháng 11 và ngày 8 tháng 5 cho thấy, nhưng đó là phương tiện thiết yếu để không đổ lỗi cho con cái về lỗi lầm của cha ông. Người Nga sinh năm 2022 sẽ không thể chịu trách nhiệm về cuộc chiến bắt đầu vào năm đó. Và nếu chúng ta muốn hòa bình thắng thế và thực sự giành chiến thắng thì chúng ta sẽ phải trải qua quá trình hòa giải. Đây là vai trò không thể thiếu của ngoại giao Vatican và cũng là vai trò của Giáo hội chính thống ở Ukraine và Nga.

fr.aleteia.org, Jean-Baptiste Noé, nhà địa chính trị, 2024-02-29

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng