Chìa khóa dẫn đến thành công và tình yêu

Cách đây nhiều năm, Stanley Coopersmith, thuộc đại học California bỗng tò mò thắc mắc chẳng hiểu tại sao một số người thì thành công đang khi những người khác cũng có tài và cơ hội mà trái lại thất bại.

Ðể trả lời cho câu hỏi này, ông đã bỏ ra sáu năm nghiên cứu theo dõi 1,700 sinh viên qua những năm trưởng thành quan trọng của họ.

Những khám phá của Stanley Coopersmith thật đáng lưu ý. Chúng cho thấy là tác nhân quan trọng nhất góp phần vào việc thành bại là cái nhìn về chính mình (self-image).

Người luôn có cái nhìn tích cực về mình thì dễ thành công. Còn người có cái nhìn tiêu cực về mình thì dễ thất bại. Nói cách khác nếu chúng ta nhận thấy mình có giá trị hoặc đáng yêu, chúng ta hẳn sẽ dễ thành công trong việc chúng ta làm. Nhưng nếu chúng ta không xem mình là có giá trị hoặc đáng yêu thì chắc hẳn chúng ta sẽ thất bại.

Tuy nhiên hậu quả của cái nhìn về chính mình còn rộng hơn thế nữa. Các nhà tâm lý học cho biết rằng hình ảnh chúng ta có về chính mình là chìa khoá dẫn đến thành công-- không chỉ về phương diện người tài khéo mà còn về tư cách Kitô hữu nữa.

Tại sao thế?

Xin thưa: sự thành công của chúng ta xét với tư cách Kitô hữu được đo lường bằng khả năng yêu mến Chúa và đồng loại của chúng ta. Các cuộc nghiên cứu cho thấy người có cái nhìn tích cực về mình thì có khả năng yêu mến Chúa và tha nhân nhiều hơn những người có cái nhìn tiêu cực về mình.

Tại sao lại như thế?

Vì tình yêu là sự tự hiến. Tình yêu là quà tặng của một người cho một người khác với bản thân mình. Và đây chính là sự gay go. Nếu chúng ta không nghĩ rằng mình có giá trị hay đáng yêu thì chúng ta sẽ coi mình là một thứ đồ vặt vãnh khi trao tặng chính mình như một món qùa cho kẻ khác, dù kẻ ấy là người mình kính trọng và khâm phục. Chúng ta sẽ không chịu khoác lên mình giấy bóng kiếng (ăn mặc tươm tất), cột quanh người giây đỏ và đặt chân lên ngưỡng cửa của kẻ khác nếu chúng ta tự nghĩ mình là đồ rác rưởi.

Ðiều này nêu lên một câu hỏi quan trọng. Làm thế nào chúng ta khai triển được hình ảnh chúng ta có về mình? Chúng ta đào đâu ra những ý nghĩ mình là người có giá trị và đáng yêu?

Câu trả lời cho vấn nạn này sẽ làm chúng ta kinh hãi. Chúng ta có được ý nghĩa này là từ những người khác, đặc biệt những người gần gũi chúng ta nhất như gia đình chúng ta.

Nếu kẻ khác xem chúng ta chẳng có giá trị và chẳng đáng yêu thì lúc đó chúng ta tự thấy mình không có giá trị và không đáng yêu. Ngược lại nếu họ xem chúng ta có giá trị và đáng yêu thì lúc đó chúng ta sẽ bắt đầu tự thấy mình có giá trị và đáng yêu.

Xem ra thật đáng sợ khi kẻ khác, đặc biệt là những người thân thiết nhất với chúng ta lại nắm giữ chìa khoá để tạo ra hình ảnh chúng ta có về mình. Khi bình phẩm về sự kiện đáng sợ này, nhà tâm lý học Bonaro Overstreet nói: “Chúng ta không chỉ là người mà còn là người thợ nặn ra anh em chúng ta nữa”.

Khi bình phẩm về tầm quan trọng của kẻ khác trong việc khuôn đúc ra hình ảnh mà chúng ta có về mình, Robet Bierstedt thuộc đại học Nữu Ước có nói: “Tôi không phải là hình ảnh mà tôi tự gán cho mình, tôi cũng không phải là hình ảnh mà anh gán cho tôi, mà tôi chính là hình ảnh tôi nghĩ rằng anh gán cho tôi”.

Nói cách khác, nếu tôi nghĩ anh cho tôi là đồ bỏ, thì cuối cùng tôi sẽ phát triển cái hình ảnh của tôi có về mình đó.

Ðiều này dẫn chúng ta đến một kết luận thực tiễn.

Với tư cách Kitô hữu, chúng ta tin Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Người; nên chúng ta phải có hình ảnh tích cực về mình hơn bất cứ ai. Bài Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh đến sự kiện này. Chúa Giêsu nói rằng Cha chúng ta trên trời biết cả đến số sợi tóc trên đầu chúng ta.

Dưới con mắt Chúa, chúng ta có một giá trị khôn kể. Người yêu chúng ta vô cùng. Người yêu và Người xem chúng ta có giá trị đến độ Người đã sai con một Người đến cứu chúng ta khỏi tội lỗi.

Như thế điều quan trọng là chúng ta phải cư xử với nhau giống như cách thức Cha chúng ta đã cư xử với chúng ta, điều quan trọng là chúng ta phải truyền lại cho kẻ khác chính sứ điệp Chúa đã truyền cho chúng ta, đó là: Chúng ta có giá trị đáng yêu vượt quá mọi suy tính. Nếu chúng ta cư xử với ké khác kém hơn thế thì chúng ta đã truyền lại cho họ một lời dối trá, dối trá khủng khiếp. Chúng ta bảo với họ là họ không có giá trị hoặc không đáng yêu. Không chỉ chúng ta nói dối họ mà chúng ta còn tiêu hủy khả năng yêu thương của họ như Thánh Kinh từng dạy bảo họ.Vì nếu chúng ta trao cho họ ý tưởng họ là kẻ vô giá trị và không đáng yêu thì họ sẽ không thể nào yêu kẻ khác được.

Thật khá ngạc nhiên khi Thánh Phaolô viết cho các Kitô Hữu ở Corintô như sau: “Giả như tôi có thể nói được các ngôn ngữ của loài người, và ngay của các Thiên Thần nhưng nếu tôi không có tình yêu thì lời nói của tôi khác gì tiếng đồng kêu hay tiếng chuông vang ồn ào? Giả như tôi có đặc sủng thuyết giảng, biết đủ mọi thứ bí mật, giả như tôi có đức tin mạnh mẽ đến chuyển núi dời non, nhưng nếu tôi không có tình yêu thì tôi chả là gì hết”. “Tôi có thể cho đi tất cả những gì tôi có, ngay cả hiến dâng thân xác để bị thiêu đốt, nhưng nếu tôi không có tình yêu thì điều ấy chả ích gì cho tôi hết” ( 1Cr 13: 1-3).

Bài phúc âm hôm nay nói cho chúng ta một sứ điệp quan trọng đó là chúng ta thực sự có giá trị và đáng yêu. Chính Chúa đã bảo cho chúng ta là nói lại cho nhau nghe sứ điệp tình yêu này, đặc biệt cho đám người trẻ. Hạnh phúc trong tương lai của họ nơi trần thế này và trong cả cuộc sống mai hậu tùy thuộc vào điều ấy.

Chúng ta hãy dùng những lời Chúa Giêsu để kết thúc:

Như Cha yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con... Thầy nói với các con điều này để niềm vui của Thầy ở trong các con và niềm vui các con được trọn vẹn này, đây là lệnh truyền của Thầy: “Các con hãy yêu thương nhau”. (Ga 15:9,11,17)

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng