Cầu cho các tín hữu đã qua đời

Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước: Ông Giuđa quyên được khoảng 2000 quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì tin rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc ngu xuẩn. Ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi (xem Macabê quyển 2, chương 12, từ câu 43 đến 46).

Khi dâng các việc hy sinh hãm mình, và cầu nguyện cho những người đã khuất, chúng ta tuyên xưng niềm tin (1) vào sự sống lại và sự sống đời đời, (2) vào mầu nhiệm các thánh thông công, và (3) vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta cũng bày tỏ lòng hiếu thảo và lòng bác ái đối với những người đã ra đi trước chúng ta. Chúng ta cũng ý thức hơn về thân phận chóng qua của mình, để biết ra công tìm kiếm Chúa, là hạnh phúc đích thực. Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời không chỉ là tháng của những người chết, mà còn là tháng của những người sống, đang trên đường: bước vào ánh sáng vinh quang.

Các linh hồn ở trong luyện ngục là ở trong niềm hy vọng. Hy vọng, vì họ biết mình vẫn còn ở trong tình trạng ân sủng của Thiên Chúa, nhất là họ biết rằng: họ sẽ được đảm bảo sự sống thiên đàng bên Chúa. Đây là một giai đoạn chuẩn bị sau cùng để họ được vào cõi sống đời đời. Chính vì thế, dù có phải trải qua lửa luyện tội đau đớn, họ vẫn không hề bi quan, nhưng đầy tràn niềm vui và hy vọng. Ta hãy năng nhớ đến họ trong lời cầu nguyện, và những hy sinh của mình, vì chắc chắn rằng: một khi được giải thoát, họ cũng sẽ nhớ đến chúng ta trên thiên đàng.

Để giải thoát ta khỏi quyền lực Thần chết, Đức Kitô đã đến để mang lấy thân phận phải chết của chúng ta. Người thực hiện thánh ý của Chúa Cha là muốn cứu độ tất cả mọi người. Người đã chết vì chúng ta, đã làm hy tế xá tội cho chúng ta. Nhờ cái chết của Người, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa, hầu có thể lãnh nhận gia nghiệp muôn đời. Người đã chiến thắng tử thần bằng sự phục sinh vinh hiển, nên quyền lực của Thần chết đã bị vô hiệu hóa. Kể từ đó, tương quan của chúng ta với sự chết đã thay đổi, vì Đức Kitô chiến thắng: sẽ luôn chiếu soi cho những ai đang ngồi trong bóng tử thần.

Sự chết nhắc nhở ta về bản chất thật ngắn ngủi, mong manh của đời người trên dương thế. Đứng trước định mệnh khắt nghiệt này, chúng ta dễ sầu đau, đôi khi thất vọng chán chường. Tuy nhiên, sự khôn ngoan đích thực thì vượt xa hơn thế: khi ta nhận biết thân phận mình nằm trong bàn tay Thiên Chúa. Điều đó giúp ta khám phá ý nghĩa sự sống đích thực qua sự chết. Khi nghĩ đến những người đã chết, chúng ta cũng phải nghĩ tới cái chết của chính bản thân mình. Đó là chuyến đi cuối cùng, một chuyến đi quyết định và quan trọng hơn tất cả, chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.

Cầu cho cha mẹ đã qua đời:

1. Xin Chúa í a chúc lành, cho đời cha mẹ của con, công ơn, là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn, con sinh đến trong đời, an vui, nhờ có ơn Trời, và ơn cha mẹ, suốt đời, coi nhẹ khổ đau. Xin cho cha mẹ con, thoát khỏi sầu vương, lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.

2. Kim ô bóng đã khuất rồi, để lại ánh chiều mờ sương, than ôi, mẹ cha mến thương, đã ra đi, vĩnh biệt cõi đời. Con nay đã nên người, an vui, hay phải u sầu, còn đâu tiếng cười, đâu lời: khuyên của mẹ cha. Xin cho cha mẹ con, thoát khỏi sầu vương, lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.

3. Canh khuya tiếng khóc thâm tình, vang vọng, với từng lời kinh, van xin cùng Đức Nữ Trinh, đưa mẹ cha, thoát khỏi luyện hình. Con đền đáp ân tình, hy sinh, như chuỗi hãm mình, cầu cho cha mẹ, sống tình Chúa Trời ngàn thu. Xin cho cha mẹ con, thoát khỏi sầu vương, lửa luyện hình, mau lên tới Thiên Đình, vui hưởng thanh bình, ngày quang vinh.

Nguồn: giaophanvinhlong.net

bài liên quan mới nhất

Thứ Ba tuần V Phục Sinh: "Thầy ban bình an của Thầy cho các con"

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng