Các chữ khó hiểu trong Kinh Nôm: phép ngắm Ro-sa

Kinh VĂN CÔI THÁNH NGUYỆT TÁN TỤNG THI CA (Thơ ca khen ngợi: tháng thánh Văn côi) trong nội dung chính có VĂN CÔI THẬP NGŨ SỰ THI CA (Thơ ca mười lăm sự Văn côi).

Vậy ai là tác giả bài kinh này, xin tham khảo trích một đoạn viết của ông Lê Đình Bảng, nhà nghiên cứu thơ văn Công giáo:

…”Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca do cử nhân Phạm Trạch Thiện, gồm 252 câu thơ phức hợp (thất ngôn liên vận, lục bát và biến thể lục bát), một áng kinh văn đã thực sự đi vào lòng người và tồn tại đến nay ở nhiều cộng đoàn dân Chúa. Sở dĩ bản văn này còn sống mãi trong dòng chảy của lễ nhạc phụng tự, vì nó hội đủ những nhân tố làm nên một tác phẩm văn học nghệ thuật: Lời hay, ý đẹp, kết cấu chặt chẽ, lại có cả cung giọng như dân ca dân nhạc Việt Nam. Khi thì khấp khởi reo vui như điệu xuân nữ, lưu thủy, hành vân: lúc lại bi ai sầu tình, ủ dột như điệu lâm khốc, biệt hành….(hết trích).

Bản gốc kinh được viết bằng chữ Nôm, nội dung kinh lại hay sử dụng âm Hán tự (đôi khi Việt hoá tiếng Bồ- La) lại có những âm Việt cổ đã mai một ngày nay không còn sử dụng, nên có các chữ không hiểu nghĩa nhưng vì học thuộc lòng, cứ thế mà đọc làu làu. Nay tôi  giải thích các từ ngữ đó, để cho thấu hiểu đúng nghĩa với “khẩu tụng tâm suy” nhá bà con nhà đạo! Xin mở bản kinh ra để dễ bề đối chiếu.

***

1-Tràng châu: chuỗi ngọc.

2-Bao nả: (phương ngữ) bao nhiêu.

3-Chăng tá: chẳng nhẽ.

4-Ruộng Y-ghê: Y-ghê: nghĩa là Giáo hội, (phiên âm từ tiếng Bồ Đào nha Igreja hoặc tiếng Tây Ban Nha Iglesia, bắt nguồn từ tiếng Latin Ecclesia, có gốc từ tiếng Hy Lạp)

5-Tư mộ công ân: mến công ơn cách riêng

6-Mộc bản thùy nguyên giai hữu tự,Ðức cơ phúc chí khỉ vô do:

Gốc cây từ trước đều đã có thứ tự, tâm đức trong lòng khởi đầu đã có sẵn (vô do là không rõ nguyên nhân, dưng không). Có bản kinh viết “vô ro” là phương ngữ 1 số tỉnh miền Bắc, không có trong Từ điển Hán- Việt.

7-Khai tác thánh chi đồ: Khai mở miền đất thánh.

8-Kìa Hà lạc thấy còn cảm thán, Nọ cam đường thi tán tam chương:

Điển tích cổ chữ Hán:

Hà lạc: một quẻ bói trong Kinh Dịch.

Cam đường: xưa ông Thiệu Bá truyền đức chính của vua Văn Vương dưới gốc cây đỗ lễ (cây cam đường) Khổng tử trong kinh Thi làm bài thơ chỉ có 3 dòng .

Tế phế cam đường 
Vật tiễn vật phạt. 
Thiệu Bá sở bạt.

Dịch nghĩa: 

Cây cam đường un tùm, 
Chớ xén chớ chặt, 
Vì là nơi ông Thiệu Bá ở đấy.

Vậy câu này có nghĩa: Kìa quẻ bói khi thấy còn than thở, đó cây cam đường  còn ca tụng ba hồi. (phải đọc tiếp nối câu dưới mới hiểu rõ mạch thơ)

9-Ngoạn hứng chỉn không bao là chán: ngắm thích mãi không khi nào chán.

10-Tự nhi sinh tử tử nhi sinh: Từ sống và chết, chết rồi lại được sống.

11- Con về giữ vẹn đạo thần hôn: thần hôn là sớm chiều.

12- Thánh Simê kính tạ khen Người; Simê là cụ Si-mê-on ẵm kính Chúa hài đồng khi Đức mẹ dâng trong đền thờ.

13-Cảm nhớ khong khen công cứu chuộc: khong có nghĩa là khoanh tay, khúm núm, cúi đầu; một số bản in sai thành "không" (hoàn toàn khác nhau)

14-Thái linh chi giả tư kỷ bản, Chước lễ toàn giả thám kỷ nguyên:
Đấng linh thiêng cho riêng mình có cội, múc lấy khuôn mẫu (để) tất cả mọi người tìm ra được nguồn .

 15-Thanh hư linh hựu quang mang khải, Hồng bạch huyền hoa phúc úc khai:  Trời xanh thiêng liêng phù hộ, ánh sáng mở tràn đầy .
Hoa hồng huyền nhiệm giãi ra, phước ân nở chẳng quên.
Chữ bạch huyền ở đây không phải là trắng đen mà giãi bày một huyền nhiệm.

Khẩu tụng tâm suy là vậy! Đấy vỡ nhẽ ra rồi nhá!

 

Bùi Nghiệp

bài liên quan mới nhất

ĐTC Phanxicô: không phải con cái, nhưng chính sự ích kỷ là vấn đề của thế giới

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng