Bài giảng của Đức cha Giuse Nguyễn Năng (Lễ nhận Tòa Tổng Giám mục Hà Nội của Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên)

Chắc hẳn hôm nay cộng đoàn Dân Chúa của Tổng Giáo phận Hà Nội mang những cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Anh chị em buồn vì ĐHY Phêrô từ nay không còn thi hành trách nhiệm mục tử của giáo phận nữa. Tám năm rưỡi qua đi với biết bao biến cố đồng hành bên nhau đã tạo nên những tình cảm quí mến thân tình không dễ phôi phai. Đồng thời anh chị em lại vui mừng vì hôm nay đón vị mục tử mới của đoàn chiên tổng giáo phận. Nói theo ngôn ngữ bình dân, thì hôm nay một người nghỉ hưu, hết chức hết quyền, còn một người lên chức, từ vai trò là lãnh đạo của một giáo phận miền duyên hải lên địa vị cai quản của tổng giáo phận thủ đô.

Đó là những tình cảm và suy nghĩ tự nhiên. Nhưng chúng ta cần lắng nghe các Bài đọc Lời Chúa để hiểu biến cố hôm nay trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáo hội. Trong Giáo hội, không có ngôn ngữ của chức tước địa vị, mà chỉ có ngôn ngữ của Kinh Thánh, đó là sứ vụ và phục vụ. Cha phó, cha chánh xứ, cha quản hạt, giám mục phụ tá, giám mục phó, giám mục chính tòa, tổng giám mục, đó không phải là từ ngữ diễn tả chức tước, danh dự và quyền lực, nhưng đó là các trách nhiệm mục vụ, là sứ vụ, là thừa tác vụ ở những vai trò khác nhau.

Thánh Phêrô được Đức Kitô Phục sinh trao cho nhiệm vụ “chăn các chiên con chiên mẹ của Ta”. Là vị Giáo hoàng tiên khởi, là người đứng đầu Giáo hội phổ quát, thánh Phêrô không phải là chủ tịch của một tổng công ty quốc tế, nhưng là người phục vụ đoàn chiên ; mà đoàn chiên này là của Chúa chứ không phải của ngài. Ngài được đặt làm Tông đồ trưởng không phải vì ngài tài giỏi đạo đức, vì chính ngài đã nhiều lần bị Chúa khiển trách, hơn nữa đã chối Chúa ba lần. Chúa chọn ngài sau khi ngài đã tuyên xưng tình yêu đối với Chúa ; ngài yêu Chúa thật lòng nhưng cũng chẳng dám tự hào mình yêu mến Chúa hơn những người khác, mà chỉ biết khiêm tốn tin tưởng nơi Chúa là Đấng “biết mọi sự”.

Như vậy Giáo hội vượt lên trên ý niệm của một tổ chức xã hội với những cơ cấu, chức vụ, quyền hành và lợi lộc. Giáo hội là đoàn dân của Chúa, là cộng đoàn đức tin và đức mến, được xây dựng trên nền tảng tình yêu.

Như thánh Phêrô, ĐHY Phêrô đã phục vụ Dân Chúa với tất cả lòng yêu mến và tin tưởng phó thác. Nhận trách nhiệm mục tử vào một thời điểm hết sức khó khăn, ĐHY hoàn toàn cậy trông vào quyền năng của Đức Kitô Phục sinh là “Đấng biết mọi sự”, âm thầm phục vụ để cho “Chúa được lớn lên”, còn ngài thì xóa mình đi, như châm ngôn giám mục của ngài. ĐHY đã thực hành lời của thánh Phaolô khuyên Timôthêô là giám mục của giáo đoàn Êphêsô : “có thời người ta không chịu nghe giáo lý lành mạnh nữa”, nhưng mục tử cứ phải “rao giảng lời Phúc Âm, lúc thuận lợi cũng như không thuận lợi, để thuyết phục, khiển trách và khuyên lơn, với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn”. Dù bối cảnh bên ngoài có phức tạp, ĐHY vẫn một lòng yêu mến gắn bó với Chúa và bình thản rao giảng Lời Chúa, và chỉ rao giảng Phúc Âm mà thôi, với tâm hồn hiền hòa khiêm tốn.

Đến nay sứ vụ của ĐHY đã kết thúc tốt đẹp, Dân Chúa cùng tạ ơn với ngài. Dù ngài không còn giữ trách nhiệm mục tử của đoàn chiên, nhưng ngọn lửa tình yêu của ngài với Chúa và với đoàn chiên vẫn không tắt mà còn nóng cháy hơn. Cuộc đời của một giám mục hay linh mục không bao giờ có chuyện về hưu, mà chỉ là thay đổi công việc. Như ĐHY đã nói trong thánh lễ tạ ơn ngày 3-12-2018, từ nay sứ vụ của ngài là âm thầm cầu nguyện và hy sinh đền tội, cho mình và cho đoàn chiên. Cũng như Thánh giá là sức mạnh của Giáo hội, thì lời cầu nguyện và những hy sinh của ĐHY cũng như của mọi anh chị em đang đau khổ chính là sức mạnh cho Dân Chúa tại tổng giáo phận này.

Với thánh lễ hôm nay, tổng giáo phận Hà Nội bước sang trang sử mới, trong sự chăm sóc mục vụ của Đức Tân Tổng giám mục Giuse. Từ nay ngài là người kế vị tông đồ tại Tòa Hà Nội này. Việc kế vị tông đồ không phải là sự chuyển giao quyền lực như quan niệm thế gian, nhưng là tiếp nối sứ vụ và trách nhiệm tông đồ. Các Bài đọc Lời Chúa hôm nay do chính Đức Tổng giám mục chọn, như một cách để nói lên những ước mơ và định hướng cho sứ vụ tông đồ tương lai.

Với Bài đọc 1 trích từ sách tiên tri Isaia, Đức Tổng giám mục ước mong cộng đoàn Dân Chúa cùng với ngài hăng say dấn thân loan báo Tin Mừng. “Đẹp thay bước chân người đi rao giảng Tin Mừng”. ĐTC Phanxicô mời gọi Giáo hội hãy “đi ra”, ra khỏi chính mình để đến với biết bao nhiêu người chưa nhận biết Chúa Giêsu và giới thiệu chân lý cứu độ cho họ. ĐTC mong muốn tất cả mọi hoạt động mục vụ phải lấy truyền giáo làm định hướng căn bản. Vùng đất truyền giáo chẳng ở đâu xa, nhưng tại chính thủ đô này. Giáo hội không được đóng khung co cụm trong các sinh hoạt củng cố nội bộ, không được tự mãn với các thành tích và bề dày của quá khứ, không thể loay hoay với các quyền lợi của mình. ĐTC Phanxicô nói : phải “đi ra”, “không thể chấp nhận tình trạng như hiện tại”. Càng khép kín để củng cố, Giáo hội lại càng ốm yếu và mất sức sống. Trái lại, càng đi ra loan báo Tin Mừng, Giáo hội càng tăng thêm sức sống và niềm vui.

Trong Bài đọc 2, thánh Phaolô chỉ thị cho giám mục Timôthêô phải “kiên nhẫn rao giảng Phúc Âm, lúc thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi”. Loan báo Tin Mừng là loan báo Chúa Giêsu và Lời của Chúa chứ không phải bất cứ điều gì khác. Hoạt động Phúc Âm hóa đòi người tông đồ đi theo đường lối của Tin Mừng, cư xử và hành động theo các nguyên tắc của Tin Mừng chứ không theo lý lẽ và khôn ngoan thế gian. Biết bao việc làm trong Giáo hội phát xuất từ thiện chí và nhiệt tình muốn làm sáng danh Chúa, nhưng vì không theo đường lối và cách ứng xử của Tin Mừng, nên rốt cuộc chính những công việc tưởng chừng như tốt đẹp ấy không những không làm sáng danh Chúa mà còn tạo thêm nhiều vấn đề phức tạp khó khăn. Người môn đệ phải luôn kiên trì rao giảng Phúc Âm và đi theo đường lối của Phúc Âm. Lời Chúa là ánh sáng và chân lý, Thánh giá là sức mạnh và khôn ngoan, Phục sinh là tin vui và hy vọng. Chỉ có Lời Chúa mới cứu được thế giới, chứ không phải bất cứ lý thuyết nào khác, không phải bất cứ sức mạnh hay sự khôn ngoan nào khác. ĐTC Phanxicô cảnh giác chúng ta : để thực thi sứ vụ Phúc Âm hóa, người môn đệ cần phân định cách sáng suốt và thận trọng kẻo “đánh mất chính Tin Mừng”, và đừng để cho “tính thế tục len lỏi vào đời sống của Giáo hội”.

Quả vậy, bài Tin Mừng cho thấy Giáo hội không phải là một tập thể xã hội như các tập thể khác. Giáo hội của Chúa được xây dựng trên lòng mến : đó là cộng đoàn của những người yêu mến Chúa, kết hợp mật thiết với Chúa, và nhờ hiệp thông với Chúa, các Kitô hữu sẽ hiệp thông với nhau. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho Giáo hội : “Xin cho họ nên một, để thế gian tin rằng Cha đã sai con”. Nếu sự hiệp thông là căn tính của Giáo hội và làm nên sức mạnh của Giáo hội, thì ngược lại, sự chia rẽ và phân tán làm cho Giáo hội suy yếu và có nguy cơ đánh mất tính khả tín của mình. Các thành phần Dân Chúa của tổng giáo phận có rất nhiều tiềm năng về nhân sự và vật lực. Nếu tất cả được tập trung và thống nhất qui về một mối dưới sự lãnh đạo của thuyền trưởng là Đức Tổng Giám mục Giuse, thì đó sẽ là một tổng lực rất lớn. Nhưng sự hiệp thông của Giáo hội không chỉ cần thiết để làm nên sức mạnh, mà hơn nữa, còn làm cho Giáo hội trở thành dấu chỉ đáng tin có sức thuyết phục cho công cuộc Phúc Âm hóa.

Trong sách kinh của giáo phận Phát Diệm có kinh “Cầu cho Đức giám mục” với những lời như sau : “Lạy Chúa, xin cho mọi thành phần Dân Chúa trong cộng đoàn giáo phận chúng con, từ linh mục, tu sĩ đến giáo dân trẻ già, đều luôn thấy hình ảnh của Đức Kitô sống động nơi Đức Giám mục của mình, mà mến yêu trọng kính, tin phục vâng lời. Xin cho tất cả chúng con, tùy khả năng và địa vị, góp phần cộng tác với Đức Giám mục chúng con, để làm cho Giáo hội Chúa nơi địa phương này, trở nên thực sự là dấu chỉ sự hiện diện của Nước Chúa, nước sự thật, sự sống, nước công chính, yêu thương và an bình”.

Lời nguyện này cũng chính là lời cầu chúc của toàn thể cộng đoàn kính dâng Đức Tổng giám mục Giuse và toàn thể Dân Chúa trong Tổng Giáo phận Hà Nội.

+Gm Giuse Nguyễn Năng
Giáo phận Phát Diệm

bài liên quan mới nhất

Ngày 24/11: Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng