Ý Nghĩa Và Lịch Sử Của Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa
Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa là một Đại Lễ nằm trong Năm Phụng Vụ của Giáo hội Công Giáo. Đại Lễ này được cử hành nhằm tuyên xưng niềm tin vào sự hiện diện đích thực và sống động của Chúa Giê-su Ki-tô trong Bí Tích Thánh Thể. Trong tiếng La-tinh, Đại Lễ này có tên là: Sollemnitas Sanctissimi Corporis et Sanguinis Christi[1].
Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa được cử hành vào thứ Năm sau Chúa Nhật Kính Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau Đại Lễ Phục Sinh, và do đó, thường rơi vào thời điểm từ 21 tháng 05 tới 24 tháng 06. Việc chọn ngày thứ Năm như là một ngày cố định để cử hành Đại Lễ trên, đứng trong mối liên kết mật thiết với ngày thứ Năm Tuần Thánh, tức ngày mà chính Chúa Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Do đặc tính tĩnh lặng của Tuần Thánh, nên ngày thứ Năm Tuần Thánh không cho phép người ta được biểu lộ sự trang trọng, sự vui mừng và sự lộng lẫy của một ngày Đại Lễ. Vì lý do đó nên Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa được cử hành vào thứ Năm đầu tiên sau tuần Bát Nhật kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Tuy nhiên, vì lý do mục vụ, nên tại hầu hết các quốc gia, trong đó có cả Việt nam, Đại Lễ này không được cử hành đúng vào thứ Năm nêu trên như tại Vatican và tại một số quốc gia Công giáo khác (chẳng hạn như tại Đức hay Áo), nhưng được dời sang ngày Chúa Nhật sau đó.[2]
Phần quan trong nhất của Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa chính là Thánh Lễ. Những bản văn Phụng Vụ của Thánh Lễ này đều liên quan tới mầu nhiệm Thánh Thể. Tại nhiều nơi, chẳng hạn như tại Rô-ma, Thánh Lễ này thường được cử hành ngoài trời, và cụ thể là tại một quảng trường công cộng.
Theo truyền thống, một cuộc Cung Nghinh Thánh Thể hay cũng còn được gọi là cuộc Rước Kiệu Thánh Thể, sẽ được tiến hành ngay sau Thánh Lễ nêu trên. Trong cuộc Cung Nghinh này, các tín hữu sẽ xếp hàng, vừa đi vừa cầu nguyện hoặc hát Thánh Ca, để Cung Nghinh Thánh Thể trên các con đường của thành phố hay của Giáo xứ, từ nơi vừa cử hành Thánh Lễ đến một địa điểm khác đã được xác định, và thường là một Ngôi Thánh Đường hay một Tu Viện. Đích thân vị chủ tế của Thánh Lễ vừa nêu, hay cũng có thể là một Linh mục đồng tế, hoặc một Phó tế, sẽ mang Mặt Nhật với Mình Thánh Chúa trên tay, và đi cuối cùng đoàn rước. Cuộc Cung Nghinh Thánh Thể sẽ có ít nhất là một trạm hay nhiều nhất là 4 trạm bên ngoài trời; mỗi trạm đều có một bàn thờ được trang hoàng sẵn. Khi tới mỗi trạm, người mang Mặt Nhật sẽ đặt Mặt Nhật lên bàn thờ tại đó. Và trong lúc vị chủ sự xông hương trước Thánh Thể trong Mặt Nhật, thì Ca Đoàn hát một bài Thánh Ca. Sau bài Thánh Ca, một đoạn Tin Mừng sẽ được đọc to cho mọi người nghe. Sau đó là những lời nguyện do đích thân vị chủ sự đọc. Đọc xong lời nguyện trên, vị chủ sự sẽ ban Phép Lành Thánh Thể theo mọi hướng mặt trời và trên thành phố hay trên Giáo xứ. Sau Phép Lành này, đoàn Cung Nghinh lại tiếp tục rước Thánh Thể tới trạm khác. Cuộc Cung Nghinh sẽ kết thúc tại một nguyện đường của một Tu Viện hay tại Thánh Đường của một Giáo xứ khác, hoặc cũng có thể là tại Thánh Đường của chính Giáo xứ mình, với Kinh Tantum ergo trước khi vị chủ sự ban Phép Lành cuối cùng, và Kinh Te Deum sau khi Phép Lành được ban.
Tại một số vùng biển mà ở đó dân cư sống rải rác trên các hòn đảo nhỏ nằm gần nhau, hay tại những vùng mà dân cư sống chung quanh những chiếc hồ lớn, những cuộc Cung Nghinh Thánh Thể còn được thực hiện bằng thuyền hay bằng tàu, chẳng hạn như tại vùng Traunsee hay tại vùng Hallstätter See của Châu Âu.
Theo truyền thống, ý nghĩa của cuộc Cung Nghinh Thánh Thể phát xuất từ hình ảnh về cuộc hành trình của dân Chúa. Chúa Ki-tô, „Bánh Hằng Sống“, hiện diện ở giữa cuộc hành trình này. Tuy nhiên, việc liên kết cuộc Cung Nghinh với Thánh Lễ được nhấn mạnh nhiều hơn.
Lịch sử của Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa
Đại Lễ này được cử hành lần đầu tiên vào năm 1246 tại Giáo Phận Lüttich, hay cũng còn được gọi là Giáo phận Liège, nằm tại khu vực miền Bắc nước Bỉ. Vào năm 1264, với Tông Sắc „Transiturus de hoc mundo“, Đức Thánh Cha Urban IV đã ra lệnh phải cử hành Đại Lễ này trên toàn Giáo hội. Nguyên nhân dẫn tới quyết định này chính là Phép Lạ Máu Thánh tại Bolsena vào năm 1263. Hồi ấy, một Linh mục tại Prag (Tiệp Khắc) có tên là Peter, đã nghi ngờ về sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể. Trong lúc dâng Lễ, và sau khi đọc lời Truyền Phép, vị Linh mục này đã cầm lấy Mình Thánh và bẻ ra để trao cho các tín hữu. Khi Mình Thánh được bẻ ra như thế, vị Linh mục này đã thấy những giọt máu rỉ ra từ Mình Thánh. Và ngay trong năm 1263, sự kiện vừa kể đã được Đức Thánh Cha Urban IV công nhận là một phép lạ thực sự. Trong bức Tông Sắc của mình, Đức Urban IV đã viết rằng: „Để củng cố và đề cao Đức Tin chân thật, sau khi cân nhắc cẩn thận, Ta truyền lệnh rằng, ngoài những cuộc tưởng nhớ hằng ngày mà Giáo hội thể hiện đối với Bí Tích rất thánh này, mỗi năm sẽ còn có một Đại Lễ đặc biệt nữa được cử hành vào một ngày nhất định, và cụ thể là vào ngày thứ Năm sau tuần Bát Nhật kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong ngày đó, dân thánh thiện sẽ sốt sắng và mau chóng tập trung lại trong các ngôi Thánh Đường của chúng ta, và tại đó, các bài Thánh Ca sẽ được vang lên bởi các Giáo sĩ và các Giáo dân với trọn niềm vui thánh thiện.“ [3].
Tuy nhiên, nguyên nhân đầu tiên dẫn tới việc thiết lập Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa lại chính là cuộc thị kiến của Thánh Nữ Juliana thành Lüttich (*khoảng 1192; † 5.04.1258). Vị Thánh này là một Nữ Đan Sĩ Dòng Thánh Au-gút-ti-nô. Thánh Nữ kể rằng, trong một cuộc thị kiến xảy ra vào năm 1209, Thánh Nữ đã nhìn thấy mặt trăng bị đốm ở một điểm. Chúa Ki-tô giải thích cho Thánh Nữ biết rằng, mặt trăng tượng trưng cho Năm Phụng Vụ của Giáo hội, đốm đen trên mặt trăng là sự biểu thị cho biết rằng, trong Năm Phụng Vụ vẫn còn thiếu một Đại Lễ, đó là Đại Lễ Kính Bí Tích Bàn Thánh. Sau báo cáo của Thánh Nữ Juliana, Đức Cha Robert I của Giáo Phận Lüttich đã thiết lập Đại Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa cho riêng Giáo Phận mình, và Đại Lễ này được cử hành lần đầu tiên tại đó vào năm 1246. Dưới thời Đức Urban IV, Đại Lễ này đã được cử hành trên toàn Giáo hội. Đại Lễ được Đức Urban IV thiết lập với Tông Sắc „Transiturus de hoc mundo“, là Đại Lễ đầu tiên được điền vào trong Lịch Phụng Vụ của toàn Giáo hội bởi một Đức Giáo Hoàng.
Trước đó, vào năm 1215, Công Đồng Lateran IV đã giải thích rõ ràng về sự biến thể của Bí Tích Thánh Thể với học thuyết về Transsubstantiatio (Biến đổi bản thể), và nâng học thuyết này lên thành tín điều. Giáo hội Công Giáo dậy rằng, trong Thánh Lễ, hình bánh và rượu, nhờ vào sự biến đổi bản thể, sẽ thực sự trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô, và Chúa Ki-tô hiện diện và lưu lại trong hình bánh và rượu ấy[4].
Sau khi Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa được thiết lập, Thánh Thomas Aquin đã soạn ra một bản Lễ riêng cho các giờ Kinh Phụng Vụ cũng như cho Thánh Lễ của ngày Đại Lễ này. Ngoài Thánh Thomas, nhiều tác giả khác cũng đã sáng tác ra những Thánh Thy cho Đại Lễ vừa kể. Trong số các Thánh Thy nói lên được đặc tính quan trọng nhất của ngày Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa, có các Thánh Thy sau đây: Panis angelicus, Pange lingua, Adoro te devote, Verbum supernum prodiens und die Sequenz Lauda Sion[5].
Dưới thời phong trào cải cách, các anh em Thệ Phản đã chống lại việc cử hành Đại Lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa, vì họ cho rằng, Đại Lễ này không có nền tảng trong Kinh Thánh[6].
Tuy nhiên, Công Đồng Tren-tô (1545 -1563) đã xác nhận Đại Lễ này, và đồng thời, còn nâng Đại Lễ này lên thành một sự chứng minh chống lại phong trào cải cách. Công Đồng đã đưa ra tuyên bố như sau: „Công Đồng của Giáo Hội Thánh Thiện xin tuyên bố rằng, Đại Lễ này là một tập tục tuyệt hảo, chân thật và có tính xây dựng đời sống thiêng liêng;… Công Đồng cũng xin tuyên bố rằng, Bí Tích trổi vượt và đáng kính này sẽ được cung nghinh trên các con đường và tại những quảng trường công cộng, trong tất cả các năm.“ [7]
Dưới thời phong trào Ánh Sáng, những cuộc cung nghinh Thánh Thể lại bị chỉ trích, và thậm chí cón bị cấm ở nhiều nơi tại Âu Châu[8].
Dưới thời Đức Quốc xã, nhiều người tại châu Âu đã coi những cuộc cung nghinh Thánh Thể như là một sự biểu dương Đức Tin của mình nhằm chống lại thế giới quan của chủ nghĩa Đức Quốc Xã cũng như chống lại chế độ độc tài này [9][10].
Vào năm 1959, Thánh Bộ Lễ Nghi của Tòa Thánh Vatican đã đưa ra tuyên bố rằng: những cuộc Cung Nghinh Thánh Thể không phải là Phụng Vụ, nhưng chỉ là một trong những cách thức biểu lộ lòng đạo đức trong quyền hạn của các Đức Giám Mục[11].
Chú thích:
[1] Xc: CALENDARIUM ROMANUM GENERALE;
[2] Hướng dẫn cử hành Phụng Vụ; Quy tắc chung về sự cộng tác giữa Linh mục, Phó tế và Giáo dân trong lãnh vực Phụng Vụ; Ban thư ký của HĐGM Đức 08.01.1999. 7. Aufl. Bonn 2007.
[3] ĐTC Urban IV.: Tông Sắc thiết lập Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa, 11.08.1264. Bản dịch của Georg Ott. In: Georg Ott: Eucharisticum. Pustet, Regensburg 1869;
[4] Raymonde Foreville: Lateran I–IV. (Lịch sử các Công Đồng chung, cuốn 6). NXB Matthias-Grünewald, Mainz 1970;
[5] Giấy phép xuất bản Thánh Thy Panis angelicus; Bản dịch mới của Thánh Thy Pange lingua do Liborius Lumma thực hiện; Déodat de Séverac, Tantum Ergo (1920);
[6] Martin Luther: Chú giải chương VI của Tin Mừng theo Thánh Gio-an, 1530; Tuyển tập các bài giảng của Giáo hội, 1521; Các diễn văn đọc lúc dự tiệc;
[7] Hans Grassl, Alfons Beckenbauer: Đại Lễ Kính Chúa. In: Herbert Schindler (Hrsg.): Bayern im Rokoko. NXB Nam Đức, München 1989, ISBN 3-7991-6434-0, S. 142.
[8] Josef Pfennigmann: Lối đạo đức bình dân và chứng từ tại Altbayern. In: Herbert Schindler (Hrsg.): Bayern im Rokoko. NXB Nam Đức, München 1989, ISBN 3-7991-6434-0, S. 132.
[9] Hans Michael Ehl, Willi Keller, Martin Koch, Jörg Vins: Đại Lễ hay ngày nghỉ? Đại Lễ Ngũ Tuần, Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa và chim bồ câu; khi những biểu tượng nổi tiếng trở thành những điều bí ẩn; SWRcont.ra, 21. Mai 2010, 11
[10] Bernd Distelkamp: Siegburger Blätter, Nr. 21, Februar 2009; bes. S. 7.(pdf, 418 kB)
[11] History-st-benedikt.herbern.de/Prozessionen.pdf
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – (tổng hợp và biên dịch)
Nguồn: simonhoadalat.com