Khai mạc Đại hội Caritas Việt Nam năm 2023

KHAI MẠC ĐẠI HỘI CARITAS VIỆT NAM NĂM 2023

Thứ Tư 27/09, Đại Hội Caritas Việt Nam 2023 được khai mạc. Từ sáng sớm khuôn viên TTMV Giáo phận Kon Tum và Nhà Thờ Chánh Toà Kon Tum nhộn nhịp hơn bởi có thêm sự hiện diện đông đảo và thân tình của quý khách. Ngoài Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Giám mục Giáo phận Bùi Chu, Chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam, còn có sự hiện diện của Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum, Chủ tịch UB Thánh Nhạc; Đức cha Đa minh Hoàng Minh Tiến, Giám mục Giáo phận Hưng Hoá, Chủ tịch UBLBTM; Đức Cha Đa minh Nguyễn Văn Mạnh, Giám Mục Giáo phận Đà Lạt, Chủ tịch UBMVGĐ; Cha Giuse Đỗ Hiệu, Tổng Đại diện Giáo phận Kon Tum; Cha Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh, Đại diện Giám Mục vùng Gia Lai; quý Cha Quản hạt, quý Cha Quản lý, Thư ký Toà Giám mục Giáo phận Kon Tum; quý Đại diện Dòng tu Nam và Dòng tu Nữ; quý vị khách Chính quyền, Ban Hội đồng Mục vụ Giáo phận Kon Tum cùng quý vị Ân nhân, đặc biệt có sự tham dự của 800 Hội viên Caritas Kon Tum.

Đúng 8g00, quý Đức cha, quý Cha, quý Đại biểu và khách mời qui tụ tại Nhà Thờ Chánh Tòa Kon Tum để tham dự Thánh Lễ Khai mạc do Đức Cha Tôma chủ tế. Trong bài giảng, Đức cha nhấn mạnh đến 'Đức ái', đó là nhân đức quan trọng và sống còn trong cuộc sống của mỗi người. Đức cha diễn giải đến Bài ca Đức ái của thánh Phaolô (1Cr 13) và ngài mời gọi các thành viên Caritas khi làm việc bác ái thì làm với tấm lòng chân thành, vui vẻ và tự nguyện. Với bài Tin mừng 'Dụ ngôn người Samaritanô Nhân hậu', Đức cha mời gọi mỗi thành viên hãy trở nên người thân cận với những người dễ bị tổn thương, người nghèo khổ đang cần đến sự phục vụ của mỗi người. Và chúng ta chỉ có thể kính trọng người nghèo với đức tin mà chính Chúa Giêsu đã đồng hoá với người bé nhỏ nhất, người đói khát, người không có áo mặc (Mt 28). Hình ảnh Đức Kitô đói khát vẫn đang hiện diện và còn rất nhiều xung quanh chúng ta. Vì thế chúng ta hãy ra đi và đến với họ.

Sau thánh lễ, Đại Hội di chuyển về lại TTMV và lắng nghe Đức cha chủ tịch UBBAXH - Caritas Việt Nam đọc diễn văn khai mạc với chủ đề: “Đến Với Người Nghèo”.

Trong bài diễn văn, Đức Cha dẫn nhập nhiệm vụ của Giáo hội là giải phóng và thăng tiến người nghèo “Giáo hội của những người nghèo”. Các hình thức và đối tượng người nghèo rất đa dạng, từ nghèo vật chất đến nghèo tinh thần, từ nghèo trong các mối tương quan và nghèo trong các hình thức khác. Từ sự đa dạng này, Đức cha nhấn mạnh về hai tâm tình của người hội viên Caritas cần có khi đến với người nghèo đó là: Biết chạnh lòng thương người nghèo như Thầy Giêsu đã khóc thương Lazarô; và khi dấn thân phục vụ người nghèo thì cần thiết phải đặt nền tảng trên sự cầu nguyện, để cảm nghiệm được tình thương Chúa dành cho ta để ta có thể mở rộng trái tim yêu thương khi phục vụ người nghèo. Đức cha cũng nhắc nhở việc thực hành dấn thân phục vụ người nghèo qua các hoạt động bác ái: Biết tìm đến với người nghèo; Biết gặp gỡ người nghèo và lắng nghe họ; Biết sẻ chia với người nghèo.

Tiếp đến, Cha Giuse Ngô Sĩ Đình, OP, Giám đốc Caritas Việt Nam báo cáo Tổng kết 4 năm về nhân sự cũng như hoạt động của Caritas Việt Nam trên toàn quốc từ năm 2019 - 2023. Báo cáo cho biết Caritas trên toàn quốc có 245 nhân viên văn phòng; 131.360 Hội viên các Giáo phận; 30.367 Cộng tác viên và Tình nguyện viên. Các hoạt động gồm Cứu trợ khẩn cấp và tái thiết, Chăm sóc và Hỗ trợ người nghèo, đặc biệt hỗ trợ người nghèo trong thời gian đại dịch Covid-19; Hỗ trợ người có HIV/AIDS; Hỗ trợ Người khuyết tật/Người phong; Phòng chống buôn người; Chương trình trao học bổng “Con Đường Sáng”; Chiến dịch “Togther We” Chúng ta Cùng nhau chăm sóc thiên nhiên và chăm sóc con người; Xây dựng mạng lưới Caritas Việt Nam.

11g15, Đại Hội hân hoan chào đón các vị khách Chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Dẫn đoàn, bà Đào Thị Đượm, Phó phòng Công giáo, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ đọc thư chúc mừng và trao tặng lẵng hoa của ông Vũ chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ nội vụ. Trong thư ông bày tỏ sự nuối tiếc không thể đến Đại Hội. Ông đánh giá cao những công việc bác ái của Caritas đã làm cho người nghèo. Đây là những giá trị yêu thương, tôn trọng phẩm giá con người, phù hợp với chủ chương của đất nước đề ra đó là 'không ai bị bỏ lại phía sau'. Kế đó là trao tặng các lẵng hoa chúc mừng từ Ban Tôn giáo Chính phủ cũng như quý vị đại diện cho Chính quyền Tỉnh và Thành phố Kon Tum. 

Buổi chiều, Đại hội lắng nghe bài tham luận của Đức cha Đa minh Hoàng Minh Tiến, Chủ tịch UBLBTM trình bày “Liên hệ giữa Mục vụ Bác ái Xã hội và Mục vụ Rao giảng Tin Mừng”.

Bài tham luận nhấn mạnh đến việc ưu tiên rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, trong đó việc rao giảng Tin Mừng là bản chất của Giáo hội (sắc lệnh về Tôn giáo của Công đồng Vatincan II) qua 3 điều: Hãy tin và đi ra khỏi nơi an toàn đến vùng ngoại biên để rao giảng Tin mừng cho người nghèo với tâm hồn bác ái rộng mở; Việc rao giảng Tin mừng qua ngôn ngữ bác ái sẽ tác động đến tâm hồn người nghèo; Mục đích của Tin mừng là đưa người ta đến ơn cứu độ. Do đó, công việc Bác ái Kitô giáo là phương thế để có thể tiếp cận, lôi cuốn trong việc rao giảng Tin mừng, hay nói cách khác, việc thực hiện công việc Bác ái Kitô giáo sẽ là hạt giống được gieo xuống, là sự lôi cuốn dần thấm đậm Tin mừng vào đời sống của người nghèo.

Tiếp đến là bài tham luận của Đức cha Đa minh Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBMVGĐ trình bày về Đức ái trong bối cảnh các gia đình trong tình trạng chông chênh. Trước những hoàn cảnh gia đình như vậy, các thành viên Caritas làm gì? Loại trừ họ hay chạnh lòng thương, giúp đỡ, đón nhận họ. Hình ảnh Chúa Giêsu gặp gỡ và làm cho người phụ nữ Samari biến đổi là gương mẫu và giải pháp cho chọn lựa của mỗi người Kitô, nhất là thành viên Caritas.

Sau giờ giải lao, Đại Hội dành thời gian còn lại trong ngày lắng nghe “Hiệp Hành cùng Caritas Kon Tum” do Caritas Kon Tum chia sẻ. Đầu tiên, anh Phêrô Trương Xuân Long trình bày tổng quan của vùng đất Kon Tum, nhân sự, hội viên Caritas cũng như các hoạt động bác ái của Caritas Kon Tum đã và đang làm cho những người rất cần được phục vụ. Caritas Kon Tum đã thực hiện rất nhiều dự án, hoạt động bác ái để thăng tiến người dân nơi đây, trong đó việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, chăm sóc các bệnh nhân phong được chú trọng hơn bởi đây là nhu cầu rất cần thiết.

Tiếp đến, hai đại diện chia sẻ thực tế về Caritas Giáo xứ hoạt động (1) chị Catarina Đỗ Thị Mỹ Ly chia sẻ về Caritas Giáo xứ Phương Nghĩa đóng góp cho các hoạt động bác ái như giúp đỡ người già, học bổng cho các em học sinh nghèo, hỗ trợ lương thực cho các giáo xứ khó khăn hơn; (2) Chú Nuê thuộc Giáo xứ Tea Rơ Xá, thuộc làng phong nơi Caritas Kon Tum đến chăm sóc hàng tuần chia sẻ về tinh hình và sự hỗ trợ của Caritas Kon Tum. Chú cho biết hiện nay làng vẫn còn 61 người, họ được hỗ trợ lương thực, thuốc men và rửa vết thương. Hiện nay ở Kon Tum có hơn 200 bệnh nhân phong, Gia Lai 752 bệnh nhân phong.

Cha Micae Gia Thu OFM là người rất đắc lực trong việc chăm sóc và lo cho bệnh nhân phong, cũng chia sẻ về các bệnh nhân phong. Cha đang điều hành một bệnh xá để chăm sóc cho các bệnh nhân phong.

Sau cùng, Cha Giacôbê Trần Tấn Việt, Giám đốc Caritas Kon Tum đã gởi gắm tâm tình phục vụ cũng như lòng biết ơn qua vũ điệu bài hát và món quà nhỏ đến các Đại biểu.

Ngày làm việc thứ hai của Đại Hội khép lại sau giờ Kinh chiều.

Nguồn: caritasvietnam.org 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng