Kết thúc thời đại của ba Giáo hoàng

Ngày xửa ngày xưa có ba giáo hoàng. Một là Giáo hoàng Trắng, Pontifex Maximus, Người đứng đầu Giáo hội công giáo và nhất là Đại diện Chúa Kitô. Sau đó là Giáo hoàng đen, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, ngoài các lời khấn khác, Dòng Tên còn có lời khấn vâng lời Giáo hoàng, cuối cùng là Giáo hoàng đỏ: bộ trưởng bộ Truyền bá Đức tin, sau này gọi là bộ Truyền giáo các Dân tộc. Tại sao gọi cả ba là “giáo hoàng”?

Với Giáo hoàng Trắng, không có gì để nói vì ai cũng biết, đó là giáo hoàng của Rôma. Giáo hoàng đen có biệt danh này vì chức vụ của giáo hoàng này là suốt đời và quyền lực của ngài trong Dòng Tên là tuyệt đối. Giáo hoàng Đỏ được gọi như vậy vì bộ Truyền giáo là một cơ quan đặc quyền, có quyền tự chủ về tài chính và các vùng đất truyền giáo, trong đó bộ trưởng có thể bổ nhiệm giám mục – trường hợp duy nhất khi bộ Giám mục không đảm nhiệm được chức vụ lựa chọn các ứng cử viên cho chức giám mục.

Tuy nhiên, dưới thời Đức Phanxicô thì ba giáo hoàng này đã trở thành một Giáo hoàng Trắng. Đơn giản, đó chính là ngài.

Bản thân ngài là tu sĩ Dòng Tên, và dĩ nhiên với các tu sĩ Dòng Tên, ngài là điểm tham chiếu còn quan trọng hơn Bề trên Tổng quyền, dù ngài cẩn thận tránh tỏ ra ảnh hưởng trực tiếp trên Dòng Tên. Điểm nổi bật, ngài thường nhấn mạnh đến sự thuộc về Dòng của mình, trong các chuyến tông du ngài luôn gặp các tu sĩ Dòng Tên địa phương, ngài ứng xử hơi giống bề trên của Dòng.

Còn với Giáo hoàng Đỏ, vị trí phản ánh một chút cuộc cải cách Giáo triều của Đức Phanxicô cho đến ngày nay. Người đứng đầu bộ Truyền giáo bây giờ là thứ trưởng dưới quyền vì chính giáo hoàng là người đứng đầu Bộ. Bản thân Bộ là kết quả của sự sáp nhập hai bộ khác nhau, bộ Truyền giáo các Dân tộc và Hội đồng Tòa Thánh cổ võ Tái Loan báo Tin Mừng. Như thế có nghĩa có những lãnh vực khác uyển chuyển hơn vì tân phúc âm hóa chắc chắn không liên quan gì đến việc lựa chọn bổ nhiệm các giám mục, còn việc truyền giáo cho các dân tộc vẫn có thẩm quyền, ít nhất là ở các vùng đất truyền giáo…

Nhất là, cuộc cải cách của Giáo triều đã lấy đi quyền tự chủ tài chính của bộ Truyền giáo. Từ nay mọi chuyện đều nằm dưới sự kiểm soát của các kiểm toán viên của Ban Thư ký Kinh tế, và mệnh lệnh mới gần như là cho thuê các bất động sản, chuyên nghiệp hóa mọi thứ và vì thế mất đi những khách hàng quan trọng nhất, hay đúng hơn những người đầu tiên được hưởng lợi của bộ: người nghèo và các tu sĩ.

Sự sụp đổ của Giáo hoàng Đỏ là dấu chỉ của một cơ chế tập trung hóa ở Vatican không ngừng tăng và Đức Phanxicô dự vào một cuộc đấu tranh lớn lao nhằm thay đổi não trạng, một đổi mới tinh thần đã được thể hiện trong Thượng hội đồng Giám mục, hiệp thông, tham gia và sứ mệnh.

Từ ngữ “thượng hội đồng” giờ đây trở thành một từ ngữ của một đổi mới vì thượng hội đồng có thể dẫn đến những quyết định gây tranh cãi làm cho các nghị phụ thượng hội đồng ở mọi phía rất  lo sợ.

Tuy nhiên, sự thay đổi não trạng dưới thời Đức Phanxicô dường như cho thấy Tòa Thánh được xem như bất cứ một công ty nào, và giáo hoàng là Giám đốc điều hành. Đặc biệt ngay từ đầu triều là sự xuất hiện của các ủy viên, ủy ban và cố vấn bên ngoài, làm nặng thêm gánh nặng tài chánh cho Tòa thánh, nhưng không có giải pháp nào khác ngoài việc đề xuất cho Tòa thánh và Thành phố Vatican trong các việc như các công ty trên thị trường tài chính.  Vì vậy, trong việc tìm cách đổi mới mang tính thiêng liêng, Đức Phanxicô đã chấp nhận việc thế tục hóa Tòa thánh, trong một tiến trình đi đôi với tiến trình Vatican hóa Tòa thánh.

Trước Tòa thánh, có Nhà nước Thành phố Vatican, nơi dường như kiểm soát tất cả, quyết định tất cả và có quyền lực gần như  vô hạn. Chỉ cần ghi nhận, Đức Phanxicô đã trao quyền đặc biệt cho các thẩm phán Vatican, với bốn bản Chỉ dụ trong quá trình điều tra dẫn đến phiên tòa xét xử việc quản lý quỹ của Phủ Quốc vụ khanh Tòa thánh.

Việc Vatican hóa này được kết nối với một chủ đề ít được khám phá khác: Ý hóa – hoặc tái năng động – của Vatican và Tòa thánh dưới thời Đức Phanxicô. Đây là sự quay trở lại quá khứ, vì tất cả các công việc được thực hiện trước đây đều nhằm mục đích chính xác là giải phóng Tòa thánh khỏi ảnh hưởng của người hàng xóm nặng nề là nước Ý. Khi Cơ quan Thông tin Tài chánh được thành lập, ngay lập tức cơ quan này được giao cho các cựu nhân viên của Ngân hàng Ý. Nhưng sau đó Vatican thay đổi định hướng, tạo một tổ chức quốc tế hơn, ít phụ thuộc vào những ý tưởng đặc trưng của cơ cấu Nhà nước.

Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ về chuyện này, tất cả các vụ tai tiếng tài chính gần đây của Vatican đều bắt nguồn và tiến triển trong bối cảnh của Ý. Ngay cả phiên tòa gần đây của Vatican liên quan đến việc đầu tư vào một bất động sản ở London, chủ yếu có sự tham gia của các bên trung gian người Ý, đã là mục tiêu của các cuộc điều tra nêu bật mối liên hệ với các chính trị gia, nhà quản lý hoặc thậm chí các cơ quan mật vụ Ý và được quản lý bởi các quan tòa Ý chỉ làm việc bán thời gian ở Vatican, đây là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của hệ thống tư pháp Vatican, trong số những vấn đề khác được ủy ban MONEYVAL của Hội đồng Châu Âu nhấn mạnh.

Các dấu hiệu rất nhiều

Ngày 15 tháng 2, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm tướng về hưu Salvatore Farina đứng đầu Ban Giám đốc Cơ sở hạ tầng và Dịch vụ của Thành quốc Vatican. Đáng chú ý là tướng Farina thay thế một linh mục, cựu giám đốc điều hành Quân đội Ý được kêu gọi để quản lý Ban Giám đốc Cơ sở hạ tầng và Dịch vụ, có vai trò kiểm soát việc gọi thầu theo luật thầu mới của thị trường công cộng của Vatican.

Năm 2020, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm năm nhân vật có nhiệm vụ tham gia và quản lý các chuyến viếng thăm của các Nguyên thủ quốc gia và các nhân vật đến gặp Đức Phanxicô – những người này ở trong hàng ngũ của văn phòng nghi lễ của Ý. Theo một nghĩa nào đó, đây là dấu hiệu của sự yếu đuối, vì Tòa thánh có ngôn ngữ nghi lễ riêng, có trước tiếng Ý và ngày càng bị hiểu lầm.

Việc tập trung quyền lực vào tay Giáo hoàng, với sự kết thúc của kỷ nguyên ba giáo hoàng và sự can thiệp lan rộng của giáo hoàng trong các quyết định, một cách nghịch lý lại dẫn đến một cái nhìn trái ngược với cái nhìn của Đức Phanxicô đưa ra: cấu trúc Nhà nước chiếm ưu thế hơn cấu trúc Tòa Thánh, và do đó bộ máy quan liêu trở nên quan trọng hơn sứ mệnh – điều này được chứng nhận khi ngài đổi Văn phòng Từ thiện Tông đồ thành bộ Bác ái, loại bỏ một tổ chức của gia đình giáo hoàng để quan liêu hóa và quốc hữu hóa tổ chức từ thiện của giáo hoàng.

Nhưng nếu Nhà nước là đức tin và nếu Nhà nước sống trong một bệnh viện dã chiến” theo quy định vì chưa thực sự được đào tạo luật Vatican, thì cần phải lấy các điểm tham khảo. Và điểm tham khảo đầu tiên luôn là Ý.

Vì vậy, một cách nào đó, con đường phát triển và độc lập đã dừng lại. Nhân danh những cải cách cần thiết, ngày nay chúng ta thấy mình đang có một sự đoạn tuyệt đáng kể với quá khứ gần đây, nhằm mục đích thay đổi mọi thứ và thể hiện sự thay đổi. Trong nhiều trường hợp, các yêu cầu khác nhau không được lắng nghe. Một tầm nhìn được áp đặt, cùng với ý tưởng – như cuộc tranh luận về Fiducia supplicans, Tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin về chúc phúc cho các cặp vợ chồng bất hợp lệ – rằng những người chỉ trích cuộc cải cách hoặc nêu bật các khía cạnh quan trọng của nó chỉ đơn giản là không hiểu điều gì đang xảy ra.

Cuối cùng, điều này có thể được xem như một sự thực dân hóa ý thức hệ đầy nghịch lý và tàn bạo được thực hiện trong khi Giáo hoàng lên án nó.

korazym.org, Andrea Gagliarducci, 2024-02-19

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Hai tuần V Phục Sinh: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng