Giáo lý cho Bài giảng lễ Chúa Nhật IIPhục Sinh, năm A – Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH
CHÚA NHẬT LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

Số 448, 641-646: Những lần hiện ra của Đức Kitô Phục Sinh

Số 1084-1089: Sự hiện diện tác thánh của Đức Kitô Phục Sinh trong phụng vụ

Số 2177-2178, 1342: Thánh lễ ngày Chúa nhật

Số 654-655, 1988: Sự tái sinh của chúng ta trong sự Phục sinh của Đức Kitô

Số 976-983, 1441-1442: “Tôi tin phép tha tội”

Số 949-953, 1329, 1342, 2624, 2790: Hiệp thông các của cải thiêng liêng

Số 448, 641-646: Những lần hiện ra của Đức Kitô Phục Sinh

448. Trong các sách Tin Mừng, khi thưa chuyện với Chúa Giêsu, người ta rất thường gọi Người là “Chúa”. Tước hiệu này cho thấy lòng tôn kính và tin tưởng của những người đến với Chúa Giêsu và mong đợi Người cứu giúp và chữa lành[1]. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, khi thưa như vậy, người ta nhìn nhận mầu nhiệm thần linh của Chúa Giêsu[2]. Khi gặp gỡ Chúa Giêsu Phục sinh, việc gọi tước hiệu ấy trở thành việc thờ lạy: “Lạy Chúa của con! lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28). Lúc đó, việc gọi Người như vậy còn mang ý nghĩa kính yêu và thân ái, là điểm riêng của truyền thống Kitô giáo: “Chúa đó!” (Ga 21,7).

641. Bà Maria Magđalêna và các phụ nữ thánh thiện, những người đã đến để hoàn thành việc xức dầu cho thân thể của Chúa Giêsu[3], vốn được mai táng cách vội vã vào chiều ngày Thứ Sáu vì đã đến ngày sabat[4], là những người đầu tiên được gặp Đấng Phục Sinh[5]. Như vậy, các phụ nữ là những sứ giả đầu tiên loan báo sự sống lại của Đức Kitô cho chính các Tông Đồ[6]. Sau đó Chúa Giêsu hiện ra với các ông, trước hết là với ông Phêrô, sau đó với nhóm Mười Hai[7]. Vì vậy ông Phêrô, người đã được kêu gọi để củng cố đức tin của các anh em mình[8], đã thấy Đấng Phục Sinh trước các anh em và dựa trên chứng từ của ông mà cộng đoàn kêu lên: “Chúa đã sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon” (Lc 24,34).

642. Tất cả những gì đã xảy ra trong những ngày lễ Vượt Qua đó, đòi buộc mỗi vị Tông Đồ, đặc biệt là ông Phêrô, xây dựng một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đã bắt đầu từ sáng ngày Vượt Qua. Với tư cách là những chứng nhân của Đấng Phục Sinh, các ngài mãi là những tảng đá nền móng của Hội Thánh Người. Đức tin của cộng đoàn các tín hữu tiên khởi được xây dựng trên lời chứng của những con người cụ thể mà các Kitô hữu quen biết và phần đông lúc đó còn sống giữa họ. “Những chứng nhân về cuộc Phục Sinh của Đức Kitô”[9] trước hết là ông Phêrô và Nhóm Mười Hai, nhưng không chỉ có các vị ấy: ông Phaolô nói đến hơn năm trăm người đã được Chúa Giêsu hiện ra một lượt, rồi với ông Giacôbê và với tất cả các Tông Đồ[10].

643. Trước những lời chứng đó, không thể giải thích rằng sự phục sinh của Đức Kitô nằm bên ngoài trật tự thể lý, và không thể không công nhận sự phục sinh đó có tính cách là một sự kiện lịch sử. Qua các sự kiện, người ta thấy rõ là đức tin của các môn đệ đã bị lung lay tận gốc do cuộc khổ nạn và cái Chết trên thập giá của Thầy họ, mà chính Người đã báo trước[11]. Sự chấn động tâm hồn do cuộc khổ nạn gây nên là mạnh mẽ đến nỗi các môn đệ (hoặc ít nhất một số người trong họ) không tin ngay lời loan báo về việc Sống Lại. Các sách Tin Mừng không hề trình bày cho chúng ta thấy một cộng đoàn đầy hứng khởi thần bí; nhưng cho chúng ta thấy những môn đệ mất tinh thần (“buồn rầu”: Lc 24,17) và hoảng sợ[12]. Vì vậy họ đã không tin các phụ nữ thánh thiện từ ngôi mộ trở về, và những lời của các bà, họ “cho là chuyện vớ vẩn” (Lc 24,11)[13]. Khi Chúa Giêsu hiện ra với Nhóm Mười Một chiều ngày Vượt Qua, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người, sau khi Người sống lại” (Mc 16,14).

644. Các môn đệ, cả khi đứng trước thực tại Chúa Giêsu phục sinh, vẫn còn nghi ngờ[14]; đối với các ông, coi như không thể nào có việc ấy: họ tưởng là thấy ma[15], “các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng” (Lc 24,41). Ông Tôma cũng đã nghi ngờ như vậy[16], và trong dịp hiện ra lần cuối cùng mà sách Matthêu thuật lại, “có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17). Vì vậy, giả thuyết cho rằng sự Phục Sinh là “sản phẩm” của lòng tin (hay sự dễ tin) của các Tông Đồ, không có cơ sở. Hoàn toàn trái lại, đức tin của các ông vào sự Phục Sinh phát xuất từ kinh nghiệm trực tiếp về thực tại Chúa Giêsu sống lại, dưới tác động của ân sủng của Thiên Chúa.

Trạng thái nhân tính đã phục sinh của Đức Kitô

645. Chúa Giêsu phục sinh liên hệ trực tiếp với các môn đệ của Người qua đụng chạm[17] và qua việc chia sẻ thực phẩm[18]. Như vậy, Người mời gọi họ nhìn nhận Người không phải là ma[19], nhưng nhất là để các ông thấy rõ rằng thân thể phục sinh của Người đang hiện diện với các ông, chính là thân thể đã bị hành hạ và bị đóng đinh vào thập giá, bởi vì thân thể đó vẫn còn mang các dấu vết của cuộc khổ nạn của Người[20]. Tuy nhiên, thân thể đích thực và hiện thực này đồng thời có những đặc tính mới của một thân thể vinh hiển: thân thể đó không còn bị ràng buộc trong không gian và thời gian nữa, nhưng có thể tự do hiện diện ở đâu và lúc nào Người muốn[21], bởi vì nhân tính của Người không còn có thể bị ràng buộc ở trần thế nữa và chỉ thuộc về quyền năng thần linh của Chúa Cha[22]. Cũng vì vậy, Chúa Giêsu phục sinh hoàn toàn tự do để hiện ra như Người muốn: dưới hình dạng một người làm vườn[23] hoặc “dưới một hình dạng khác” (Mc 16,12), không giống hình dạng các môn đệ đã quen, chính là để khơi dậy đức tin của các ông[24].

646. Sự Phục Sinh của Đức Kitô không phải là việc trở lại với cuộc sống trần thế, giống như trường hợp của những kẻ Người đã cho sống lại trước cuộc Vượt Qua: con gái ông Giairô, người thanh niên Naim, anh Lazarô. Các sự kiện này là những biến cố kỳ diệu, nhưng những người được hưởng phép lạ đó, nhờ quyền năng của Chúa Giêsu, chỉ trở lại với cuộc sống trần thế “thông thường”. Một lúc nào đó họ sẽ lại chết. Sự phục sinh của Đức Kitô thì hoàn toàn khác hẳn. Trong thân thể phục sinh của Người, Người chuyển từ trạng thái phải chết sang một sự sống khác vượt trên thời gian và không gian. Thân thể của Chúa Giêsu trong sự Phục Sinh đầy tràn quyền năng của Chúa Thánh Thần; thân thể này tham dự vào sự sống thần linh trong trạng thái vinh quang của Người, đến độ thánh Phaolô đã có thể nói Đức Kitô là một người thiên giới[25].

Số 1084-1089: Sự hiện diện tác thánh của Đức Kitô Phục Sinh trong phụng vụ

1084. Đức Kitô, Đấng “ngự bên hữu Chúa Cha” và tuôn đổ Thánh Thần trên Thân Thể của Người là Hội Thánh, từ nay hoạt động qua các bí tích do chính Người thiết lập để truyền thông ân sủng của Người. Các bí tích là những dấu chỉ khả giác (các lời nói và các hành động) mà loài người chúng ta hiện nay vẫn có thể hiểu được. Các bí tích thực hiện cách hữu hiệu ân sủng mà chúng nói lên, nhờ hành động của Đức Kitô và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.

1085. Trong phụng vụ của Hội Thánh, Đức Kitô chủ yếu biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Trong cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Người bằng lời giảng dạy và tham dự trước vào mầu nhiệm đó bằng các hành động của Người. Khi Giờ của Người đến[26], Chúa Giêsu đã sống biến cố độc nhất của lịch sử, một biến cố không qua đi: Chúa Giêsu chịu chết, chịu mai táng, sống lại từ cõi chết và ngự bên hữu Chúa Cha “một lần cho mãi mãi” (Rm 6,10; Dt 7,27; 9,12). Đó là biến cố xác thực, đã xảy ra trong lịch sử của chúng ta, nhưng là biến cố độc nhất. Tất cả những biến cố khác của lịch sử đã xảy ra một lần rồi qua đi, chìm vào dĩ vãng. Trái lại, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô không thể chỉ tồn tại trong quá khứ, bởi vì chính Người đã dùng cái chết của Người mà huỷ diệt sự chết, và bất cứ điều gì Đức Kitô là, bất cứ điều gì Người đã làm và đã chịu vì tất cả mọi người, những điều đó đều tham dự vào tính vĩnh cửu của Thiên Chúa, và như vậy đều vượt trên mọi thời gian và luôn là hiện tại. Biến cố Thập Giá và Phục Sinh vẫn đang tồn tại và lôi kéo mọi sự tới sự sống.

... từ Hội Thánh thời các Tông Đồ...

1086. “Như Đức Kitô được Chúa Cha sai đi thế nào, thì chính Người cũng sai các Tông Đồ, được đầy tràn Thánh Thần, như vậy, không những để khi công bố Tin Mừng cho mọi thụ tạo, các Tông Đồ loan báo rằng Con Thiên Chúa đã nhờ sự chết và sự sống lại của Người, mà giải thoát chúng ta khỏi quyền lực Satan và sự chết, và đưa chúng ta vào Nước của Chúa Cha, nhưng còn để các Tông Đồ thực thi công trình cứu độ, mà các ông đã rao giảng, nhờ Hy Lễ và các bí tích, là trung tâm điểm của toàn thể đời sống phụng vụ”[27].

1087. Như vậy, Đức Kitô Phục sinh, khi ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ, đã trao cho các ông quyền thánh hóa của Người[28]: Các ông trở nên những dấu chỉ bí tích của Đức Kitô. Nhờ quyền năng của cùng một Chúa Thánh Thần, các ông trao quyền thánh hóa ấy cho những người kế nhiệm. Việc “kế nhiệm Tông Đồ” này xây dựng nên toàn bộ đời sống phụng vụ của Hội Thánh; chính việc kế nhiệm đó mang tính bí tích và được lưu truyền qua bí tích Truyền Chức thánh.

... đang hiện diện trong phụng vụ trần thế...

1088. “Để thực hiện một công cuộc lớn lao như vậy (phân phát hoặc truyền thông công trình cứu độ của Người), Đức Kitô luôn hiện diện trong Hội Thánh Người, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong Hy tế Thánh lễ cũng như trong con người thừa tác viên, “Đấng xưa đã tự hiến trên thánh giá, thì nay chính Người dâng hiến qua thừa tác vụ của các tư tế”, và nhất là Người hiện diện dưới hình bánh hình rượu Thánh Thể. Người hiện diện bằng quyền năng của Người trong các bí tích, đến nỗi khi một ai đó làm Phép Rửa, thì đó là chính Đức Kitô làm Phép Rửa. Người hiện diện trong Lời của Người, vì chính là Người đang nói, khi Kinh Thánh được đọc lên trong Hội Thánh. Cuối cùng, Người hiện diện khi Hội Thánh cầu nguyện và hát Thánh vịnh, như chính Người đã hứa: ‘Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ’ (Mt 18, 20)”[29].

1089. “Trong công cuộc lớn lao như vậy, qua đó Thiên Chúa được tôn vinh cách hoàn hảo và con người được thánh hoá, Đức Kitô hằng liên kết với Hội Thánh là Hiền Thê rất yêu quý của Người, và Hội Thánh kêu cầu Người là Chúa của mình và nhờ Người mà phụng thờ Chúa Cha hằng hữu”[30].

Số 2177-2178, 1342: Thánh lễ ngày Chúa nhật

2177. Việc giữ ngày Chúa nhật và cử hành bí tích Thánh Thể của Chúa là trung tâm của đời sống Hội Thánh. “Theo truyền thống tông đồ, mầu nhiệm Vượt Qua được cử hành trong ngày Chúa nhật, ngày đó phải được giữ như là ngày lễ buộc chính yếu trong Hội Thánh toàn cầu”[31].

“Và cũng phải giữ như là ngày lễ buộc chính yếu những ngày lễ Sinh Nhật Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, lễ Hiển Linh, lễ Thăng Thiên, lễ Mình và Máu Rất Thánh Đức Kitô, lễ thánh Maria Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm và lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, lễ thánh Giuse, lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, và sau cùng là lễ các Thánh”[32].

2178. Từ thời các Tông Đồ, các Kitô hữu đã có thói quen tập họp nhau ngày Chúa nhật[33]. Thư gửi tín hữu Do thái nhắc nhớ rằng: “Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp như vài người quen làm, trái lại phải khuyến khích nhau” (Dt 10,25).

“Truyền thống còn giữ được một bài huấn đức vẫn luôn hợp thời: “Hãy tới nhà thờ sớm, lại gần Chúa và xưng thú tội lỗi, hãy thống hối bằng kinh nguyện…. Tham dự vào phụng vụ thánh đến hết lời nguyện hiệp lễ và đừng ra về trước khi có lời giải tán…. Như chúng tôi thường nói: ngày này được ban cho anh em để cầu nguyện và nghỉ ngơi. Đây là ngày Chúa đã tạo nên, ta hãy phấn khởi và mừng vui trong ngày đó”[34].

1342. Ngay từ đầu, Hội Thánh đã trung thành tuân giữ mệnh lệnh này của Chúa. Về Hội Thánh tại Giêrusalem có bài tường thuật như sau:

“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.... Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,42.46).

Số 654-655, 1988: Sự tái sinh của chúng ta trong sự Phục sinh của Đức Kitô

654. Trong mầu nhiệm Vượt Qua có hai khía cạnh: Đức Kitô, nhờ sự Chết của Người, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, nhờ sự Phục Sinh của Người, mở đường cho chúng ta tiến vào cuộc sống mới. Trước hết, đây là sự công chính hoá, phục hồi chúng ta trong ân sủng của Thiên Chúa[35], để “cũng như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết…, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4). Đời sống mới này cốt tại việc chiến thắng cái chết của tội lỗi, và việc tham dự mới vào ân sủng[36]. Đời sống mới hoàn thành ơn được làm nghĩa tử, bởi vì người ta trở thành anh em của Đức Kitô, như chính Chúa Giêsu gọi các môn đệ Người sau cuộc phục sinh của Người: “Về báo cho anh em của Thầy” (Mt 28,10)[37]. Anh em đây không phải do bản tính, nhưng do hồng ân của ân sủng, bởi vì ơn được làm nghĩa tử cho chúng ta thật sự thông phần vào sự sống của Người Con Một, sự sống đó đã được mạc khải trọn vẹn trong sự Phục Sinh của Người.

655. Cuối cùng, sự phục sinh của Đức Kitô – và chính Đức Kitô phục sinh – là nguyên lý và nguồn mạch cho chúng ta ngày sau được sống lại: “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.... Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15,20-22). Trong khi mong đợi việc hoàn thành này, Đức Kitô phục sinh sống trong trái tim các tín hữu của Người. Nơi Người, các Kitô hữu được nếm “những sức mạnh của thế giới tương lai” (Dt 6,5) và đời sống của họ được Đức Kitô lôi cuốn vào trong lòng đời sống thần linh[38], “để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5,15).

1988. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta được tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô khi chết cho tội lỗi, và được tham dự vào sự phục sinh của Người khi được sinh vào đời sống mới; chúng ta là những chi thể của Thân Thể Người là Hội Thánh[39], là những ngành nho được ghép vào Cây nho là chính Đức Kitô[40]:

“Nhờ Thần Khí chúng ta được dự phần vào Thiên Chúa. Nhờ sự truyền thông Thần Khí, chúng ta được trở nên những người đồng phận với bản tính thần linh…. Vì thế, những ai có Thần Khí ngự nơi mình, đều được thần linh hóa”[41].

Số 976-983, 1441-1442: “Tôi tin phép tha tội”

976. Tín biểu các Tông Đồ kết hợp đức tin về ơn tha tội không những với đức tin vào Chúa Thánh Thần mà còn với đức tin về Hội Thánh và về sự hiệp thông của các Thánh. Chúa Kitô phục sinh, khi ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ của Người, Người ban cho họ quyền năng thần linh riêng của Người để tha tội: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).

Có một Phép Rửa để tha tội

977. Chúa chúng ta đã gắn liền ơn tha tội với đức tin và bí tích Rửa Tội: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-16). Bí tích Rửa Tội là bí tích đầu tiên và chính yếu để tha tội, bởi vì bí tích này kết hợp chúng ta với Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại vì sự công chính hoá của chúng ta[42], để “chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4).

978. “Khi lần đầu chúng ta tuyên xưng đức tin và được tẩy sạch nhờ Phép Rửa thánh thiêng, thì ơn tha thứ được ban cho chúng ta một cách hết sức dư dật, đến nỗi không còn tội lỗi nào phải tẩy xóa, dù là tội tổ tông hay những tội riêng do thiếu sót hoặc do lỗi phạm, không còn phải chịu hình phạt nào để đền tội. Tuy nhiên, không ai được giải thoát khỏi mọi yếu đuối của bản tính nhờ ân sủng của bí tích Rửa Tội: nhưng đúng hơn, chúng ta vẫn phải chiến đấu chống lại những quấy nhiễu của dục vọng, nó không ngừng xúi giục chúng ta phạm tội”[43].

979. Trong cuộc chiến chống việc hướng chiều về sự dữ này, ai là người có đủ nghị lực và cảnh giác để tránh được mọi vết thương của tội lỗi? “Vì vậy, bởi vì trong Hội Thánh cần phải có quyền tha tội theo một thể thức khác với bí tích Rửa Tội, nên chìa khóa Nước Trời đã được ký thác cho Hội Thánh, nhờ đó tội của mọi hối nhân có thể được tha thứ, cho dù họ có phạm tội mãi đến ngày cuối cùng của cuộc đời”[44].

980. Nhờ Bí tích Thống Hối, người đã được rửa tội có thể được giao hoà với Thiên Chúa và với Hội Thánh:

“Các Giáo phụ có lý khi gọi bí tích Thống Hối là ‘một Phép Rửa cực nhọc’[45]. Bí tích Thống Hối này là cần thiết cho những người sa ngã sau khi chịu Phép Rửa, để được cứu độ, như Phép Rửa là cần thiết cho những người chưa được tái sinh”[46].

Quyền chìa khoá

981. Đức Kitô, sau cuộc Phục Sinh của Người, đã sai các Tông Đồ Người đi “nhân danh Người, mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47). Các Tông Đồ và những vị kế nhiệm các ngài chu toàn “chức vụ giao hoà” (2 Cr 5,18) không những bằng việc loan báo cho người ta ơn tha thứ của Thiên Chúa, mà Đức Kitô đã có công đạt được cho chúng ta, và bằng việc kêu gọi người ta hối cải và tin, mà còn bằng việc truyền thông cho họ ơn tha thứ tội lỗi nhờ bí tích Rửa Tội, và bằng việc giao hoà họ với Thiên Chúa và với Hội Thánh nhờ quyền chìa khóa các ngài đã lãnh nhận từ Đức Kitô:

“Hội Thánh đã lãnh nhận chìa khóa Nước Trời, để trong Hội Thánh nhờ Máu Đức Kitô và tác động của Chúa Thánh Thần, việc tha thứ tội lỗi được thể hiện. Trong Hội Thánh, linh hồn đã chết do tội lỗi được hồi sinh để được cùng sống với Đức Kitô, nhờ ân sủng của Người mà chúng ta được cứu độ”[47].

982. Không có tội nào, dù nặng nề đến mấy, mà Hội Thánh không thể tha thứ. “Không người nào, dù gian ác và xấu xa đến đâu, lại không thể hy vọng chắc chắn mình được tha thứ, miễn là người đó thật sự thống hối về các lầm lạc của mình”[48]. Đức Kitô, Đấng đã chết cho tất cả mọi người, muốn rằng: các cửa của sự tha thứ trong Hội Thánh của Người luôn rộng mở cho bất cứ ai bỏ tội lỗi trở về[49].

983. Việc dạy giáo lý phải cố gắng khơi dậy và nuôi dưỡng nơi các tín hữu niềm tin về sự cao cả khôn sánh của hồng ân mà Chúa phục sinh đã làm cho Hội Thánh của Người: đó là sứ vụ và quyền năng tha thứ thật sự các tội lỗi, nhờ thừa tác vụ của các Tông Đồ và của những vị kế nhiệm các ngài:

“Chúa muốn các môn đệ của Người có một quyền năng lớn lao: Người muốn các tôi tớ thấp hèn của Người nhân danh Người mà thực hiện tất cả những gì Người đã làm khi còn tại thế”[50].

“[Các tư tế] đã lãnh nhận quyền năng mà Thiên Chúa đã không ban cho các Thiên thần hoặc các Tổng lãnh Thiên thần…. Bất cứ điều gì các tư tế làm nơi đất thấp, thì trên trời cao, Thiên Chúa đều phê chuẩn”[51].

“Nếu trong Hội Thánh không có ơn tha tội, thì không có một hy vọng nào: nếu trong Hội Thánh không có ơn tha tội, thì không có hy vọng nào về đời sống tương lai và sự giải thoát vĩnh cửu. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban cho Hội Thánh của Ngài hồng ân này”[52].

1441. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội[53]. Bởi vì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nên Người nói về mình: “Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” (Mc 2,10), và Người thực thi quyền thần linh này: “Con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5)[54]. Hơn nữa, dựa vào quyền bính thần linh của mình, Đức Kitô còn ban quyền đó cho những con người[55] để họ thực thi quyền tha tội nhân danh Người.

1442. Đức Kitô đã muốn toàn thể Hội Thánh của Người, trong kinh nguyện, đời sống và các hoạt động của mình, là dấu chỉ và dụng cụ cho ơn tha thứ và giao hoà mà Người đã thủ đắc cho chúng ta, bằng máu châu báu của Người. Tuy nhiên, Người đã ủy thác việc thực thi quyền tha tội cho thừa tác vụ Tông Đồ. Chính thừa tác vụ này đã lãnh nhận “chức vụ giao hoà” (2 Cr 5,18). Vị Tông Đồ được sai đi nhân danh Đức Kitô; và chính Thiên Chúa, qua vị Tông Đồ, khuyên bảo và nài xin: “Hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20).

Số 949-953, 1329, 1342, 2624, 2790: Hiệp thông các của cải thiêng liêng

949. Trong cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem, các môn đệ “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

Sự hiệp thông trong đức tin. Đức tin của các tín hữu là đức tin của Hội Thánh, được đón nhận từ các Tông Đồ, là kho tàng của sự sống, một kho tàng khi được truyền thông thì lại thêm phong phú.

950. Sự hiệp thông các bí tích. “Quả vậy, hoa trái của tất cả các bí tích thuộc về hết mọi tín hữu; nhờ các bí tích này, giống như nhờ những mối dây thánh thiêng, họ được gắn liền và kết hợp với Đức Kitô, nhất là nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó, như qua một cái cửa, họ tiến vào Hội Thánh. Các Giáo phụ giải thích rằng, ‘các Thánh thông công’ trong Tín biểu phải được hiểu là sự hiệp thông các bí tích…. Danh xưng [hiệp thông] này phù hợp với tất cả các bí tích, vì tất cả đều kết hợp chúng ta với Thiên Chúa…; tuy nhiên danh xưng ấy thích hợp hơn cho bí tích Thánh Thể, là bí tích thực hiện sự hiệp thông này”[56].

951. Sự hiệp thông các đặc sủng: Trong sự hiệp thông của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần “ban phát các ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi bậc sống” để xây dựng Hội Thánh[57]. “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7).

952. “Đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32): “Kitô hữu thật sự không sở hữu một điều gì, mà không cho rằng đó là của chung cho mình cùng với tất cả những người khác; vì vậy họ phải mau mắn và sẵn sàng làm nhẹ bớt sự cùng khốn của những người túng thiếu”[58]. Kitô hữu là người quản lý tài sản của Chúa[59].

953. Sự hiệp thông đức mến: Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình” (Rm 14,7). “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau; Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là Thân Thể của Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,26-27). Đức mến “không tìm tư lợi” (1 Cr 13,5)[60]. Việc nhỏ nhất trong các hành vi của chúng ta được làm trong đức mến đều sinh lợi ích cho mọi người, trong sự liên đới hỗ tương với tất cả mọi người, kẻ sống và kẻ chết, sự liên đới đó được đặt nên trong mầu nhiệm “các Thánh thông công”. Mọi tội lỗi đều làm tổn thương sự hiệp thông này.

1329. Bữa ăn tối của Chúa[61], bởi vì Hội Thánh tưởng niệm bữa Tiệc Ly Chúa cùng ăn với các môn đệ Người hôm trước ngày Người chịu nạn, và đây như là việc tham dự trước vào Tiệc Cưới của Con Chiên[62] trong thành Giêrusalem thiên quốc.

Việc Bẻ Bánh, vì nghi thức này, nét đặc thù của bữa ăn Do Thái, đã được Chúa Giêsu sử dụng khi Người dâng lời chúc tụng và phân phối bánh với tư cách người chủ tiệc[63], đặc biệt trong bữa Tiệc Ly[64]. Nhờ cử chỉ này, các môn đệ nhận ra Người sau khi Người sống lại[65]; và các Kitô hữu tiên khởi đã dùng thuật ngữ “Bẻ Bánh” để nói về các buổi cử hành Thánh Thể của họ[66]. Như vậy họ muốn nói lên rằng, tất cả những ai cùng ăn một tấm bánh duy nhất được bẻ ra, là Đức Kitô, thì được hiệp thông với Người và làm thành một thân thể trong Người[67].

Cộng đoàn Thánh Thể (Synaxis), bởi vì bí tích Thánh Thể được cử hành trong cộng đoàn các tín hữu, đó là cách diễn tả hữu hình về Hội Thánh[68].

1342. Ngay từ đầu, Hội Thánh đã trung thành tuân giữ mệnh lệnh này của Chúa. Về Hội Thánh tại Giêrusalem có bài tường thuật như sau:

“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.... Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,42.46).

2624. Trong cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem, các tín hữu “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Chuỗi thứ tự ấy là nét đặc thù của việc cầu nguyện của Hội Thánh: việc cầu nguyện đặt nền tảng trên đức tin tông truyền, được chứng thực bằng tình bác ái, được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể.

2790. Theo ngữ pháp, “của chúng con” nói lên một thực tại chung cho nhiều người. Chỉ có một Thiên Chúa, Ngài được nhận biết là Cha bởi những kẻ, nhờ tin vào Con độc nhất của Ngài, đã được Ngài tái sinh nhờ nước và Chúa Thánh Thần[69]Hội Thánh chính là sự hiệp thông mới này giữa Thiên Chúa với con người: vì được kết hợp với Người Con độc nhất, Đấng đã trở nên “trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8, 29), Hội Thánh được hiệp thông với cùng một Chúa Cha, trong cùng một Chúa Thánh Thần[70]. Khi cầu nguyện với Cha “(của) chúng con”, mỗi người đã được rửa tội đều cầu nguyện trong sự hiệp thông đó: “Các tín hữu… tuy đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý” (Cv 4,32).

Nguồn: hdgmvietnam.com

Giáo lý cho bài giảng các Chúa nhật và Lễ trọng:

NĂM B

Chúa nhật 3 Phục Sinh năm B

Chúa nhật 2 Phục Sinh - Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót

Chúa nhật Lễ Chúa Phục Sinh

Thứ Sáu Tuần Thánh - Tưởng niệm Cuộc thương khó

Thứ Năm Tuần Thánh - Lễ Tiệc Ly

Chúa nhật Lễ Lá niên năm B

Lễ Thánh Giuse (19.03)

Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B

Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B

Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B

Chúa nhật 2 Mùa Chay năm B

Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B

Chúa nhật 6 Thường niên năm B

Chúa nhật 5 Thường niên năm B

Chúa nhật 4 Thường niên năm B

Chúa nhật 3 Thường niên năm B (Chúa nhật Lời Chúa)

Chúa nhật 2 Thường niên năm B

Lễ Hiển Linh

Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (01/01)

Lễ Thánh Gia năm B

Lễ Chúa Giáng Sinh (25/12)

Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm B

Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm B

Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm B

Chúa nhật 1 Mùa Vọng năm B

NĂM A

Chúa nhật 34 Thường niên năm A – Lễ Chúa Kitô Vua

Chúa nhật 33 Thường niên năm A

Chúa nhật 32 Thường niên năm A

Chúa nhật 31 Thường niên năm A

Chúa nhật 30 Thường niên năm A

Chúa nhật 29 Thường niên năm A

Chúa nhật 28 Thường niên năm A

Chúa nhật 27 Thường niên năm A

Chúa nhật 26 Thường niên năm A

Chúa nhật 25 Thường niên năm A

Chúa nhật 24 Thường niên năm A

Chúa nhật 23 Thường niên năm A

Chúa nhật 22 Thường niên năm A

Chúa nhật 21 Thường niên năm A

Chúa nhật 20 Thường niên năm A

Chúa nhật 19 Thường niên năm A

Chúa nhật 17 Thường niên năm A

Chúa nhật 16 Thường niên năm A

Chúa nhật 15 Thường niên năm A

Chúa nhật 14 Thường niên năm A

Chúa nhật 13 Thường niên năm A

Chúa nhật 12 Thường niên năm A

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A

Lễ Mình và Máu Thánh Đức Kitô năm A

Lễ Chúa Ba Ngôi năm A

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A

Lễ Chúa Thăng Thiên Năm A

Chúa nhật 6 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 5 Phục Sinh Năm A 

Chúa nhật 4 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 3 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 2 Phục Sinh - Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót

Chúa nhật Lễ Chúa Phục Sinh

Thứ Sáu Tuần Thánh - Tưởng niệm Cuộc thương khó

Thứ Năm Tuần Thánh - Lễ Tiệc Ly

Chúa nhật Lễ Lá năm A

Chúa nhật 5 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 4 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 3 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 2 Mùa Chay năm A

LỄ TRỌNG

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08.12)

Lời giới thiệu chuyên mục: Giáo lý cho Bài giảng Chúa nhật và Lễ trọng


[1] X. Mt 8,2; 14,30; 15,22.

[2] X. Lc 1,43; 2,11.

[3] X. Mc 16,1; Lc 24,1.

[4] X. Ga 19,31.42.

[5] Mt 28,9-10; Ga 20,11-18.

[6] X. Lc 24,9-10.

[7] X. 1 Cr 15,5.

[8] X. Lc 22,31-32.

[9] X. Cv 1,22.

[10] X. 1 Cr 15,4-8.

[11] X. Lc 22,31-32.

[12] X. Ga 20,19.

[13] X. Mc 16,11.13.

[14] X. Lc 24,38.

[15] X. Lc 24,39.

[16] X. Ga 20,24-27.

[17] X. Lc 24,39; Ga 20,27.

[18] X. Lc 24,30.41-43; Ga 21,9.13-15.

[19] X. Lc 24,39.

[20] X. Lc 24,40; Ga 20,20.27.

[21] X. Mt 28,9.16-17; Lc 24,15.36; Ga 20,14.19.26; 21,4.

[22] X. Ga 20,17.

[23] X. Ga 20,14-15.

[24] X. Ga 20,14.16; 21,4.7.

[25] X. 1 Cr 15,35-50.

[26] X. Ga 13,1; 17,1.

[27] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 6: AAS 56 (1964) 100.

[28] X. Ga 20,21-23.

[29] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 7: AAS 56 (1964) 100-101.

[30] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 7: AAS 56 (1964) 101.

[31] Bộ Giáo Luật, điều 1246,1.

[32] Bộ Giáo Luật, điều 1246,1.

[33] X. Cv 2,42-46; 1 Cr 11,17.

[34] Pseuđô-Êusêbiô Alexandria, Sermo de die Dominica: PG 861, 416 và 421.

[35] X. Rm 4,25.

[36] X. Ep 2,4-5; 1 Pr 1,3.

[37] X. Ga 20,17.

[38] X. Cl 3,1-3.

[39] X. 1 Cr 12.

[40] X. Ga 15,1-4.

[41] Thánh Athanasiô Alexandria, Epistula ad Serapionem, 1, 24: PG 26, 585-588.

[42] X. Rm 4,25.

[43] Catechismus Romanus, 1, 11, 3: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 123.

[44] Catechismus Romanus, 1, 11, 4: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 123.

[45] X. Thánh Grêgôriô Nazianzênô, Oratio 39, 17: SC 358, 188 (PG 36, 356).

[46] CĐ Triđentinô, Sess. 14a, Doctrina de sacramento Paenitentiae, c. 2: DS 1672.

[47] Thánh Augustinô, Sermo 214, 11: ed. P. Verbraken: Revue Bénédictine 72 (1962) 21 (PL 38, 1071-1072).

[48] Catechismus Romanus, 1, 11, 5: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 124.

[49] X. Mt 18,21-22.

[50] Thánh Ambrôsiô, De Paenitentia 1, 8, 34: CSEL 73, 135-136 (PL 16, 476-477).

[51] Thánh Gioan Kim Khẩu, De sacerdotio 3, 5: SC 272, 148 (PG 48, 643).

[52] Thánh Augustinô, Sermo 213, 8, 8: ed. G. Morin, Sancti Augustini sermones post Maurinos reperti (Guelferbytanus 1, 9) (Romae 1930) 448 (PL 38, 1064).

[53] X. Mc 2,7.

[54] Lc 7,48.

[55] X. Ga 20,21-23.

[56] Catechismus Romanus, 1, 10, 24: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 119.

[57] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 12: AAS 57 (1965) 16.

[58] Catechismus Romanus, 1, 10, 27: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 121.

[59] X. Lc 16,1-3.

[60] X. 1 Cr 10,24.

[61] X. 1 Cr 11,20.

[62] X. Kh 19,9.

[63] X. Mt 14,19; 15,36; Mc 8,6.19.

[64] X. Mt 26,26; 1 Cr 11,24.

[65] X. Lc 24,13-35.

[66] X. Cv 2,42.46; 20,7.11.

[67] X. 1 Cr 10,16-17.

[68] X. 1 Cr 11,17-34.

[69] X. 1 Ga 5,1; Ga 3,5.

[70] X. Ep 4,4-6.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 24/11: Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng