Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 26 Thường niên năm A

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

WHĐ (29.09.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

Số 1807: Người công chính được nhận biết qua việc cư xử ngay thẳng thường xuyên đối với người khác

Số 2842: Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể ban cho chúng ta những tâm tình như Đức Kitô Giêsu đã có

Số 1928-1930, 2425-2426: Bổn phận công bằng xã hội

Số 446-461: Quyền chủ tể của Đức Kitô

Số 2822-2827: "Ý Cha thể hiện"

Bài Ðọc I: Ed 18, 25-28

Bài Ðọc II: Pl 2, 1-5 {hoặc 1-11}

Phúc Âm: Mt 21, 28-32

Số 1807: Người công chính được nhận biết qua việc cư xử ngay thẳng thường xuyên đối với người khác

1807Công bằng là nhân đức luân lý cốt tại một ý chí liên lỉ và vững chắc, quyết tâm trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và với người lân cận. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là “nhân đức thờ phượng”. Đối với người ta, công bằng là tôn trọng quyền lợi của mỗi người và thiết lập sự hài hòa trong các tương quan nhân loại, sự hài hòa này đưa tới việc không thiên vị đối với các nhân vị và đối với công ích. Người công bằng, thường được nhắc đến trong Thánh Kinh, có nét đặc biệt là sự ngay thẳng thường xuyên trong các ý nghĩ của mình và ngay thẳng trong cách hành động đối với người lân cận. “Ngươi không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào” (Lv 19,15). “Người làm chủ hãy đối xử công bằng và đồng đều với các nô lệ, vì biết rằng cả anh em nữa cũng có một Chủ ở trên trời” (Cl 4,1).

Số 2842: Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể ban cho chúng ta những tâm tình như Đức Kitô Giêsu đã có

2842. Từ “như” ở đây không phải là trường hợp duy nhất trong giáo huấn của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48); “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36); “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Chúng ta không thể tuân giữ điều răn của Chúa, nếu chỉ bắt chước mẫu gương của Chúa theo dáng vẻ bên ngoài. Vấn đề ở đây là phải tham dự một cách sống động và “tận đáy lòng” vào sự thánh thiện, vào lòng thương xót, vào tình yêu của Thiên Chúa chúng ta. Chỉ có Thần Khí, “nhờ Ngài mà chúng ta sống” (Gl 5,25), mới có thể làm cho chúng ta có được những tâm tình như Đức Kitô Giêsu đã có[1]. Lúc đó hai việc tha thứ có thể trở nên một, nghĩa là, “biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,32).

Số 1928-1930, 2425-2426: Bổn phận công bằng xã hội

1928. Xã hội bảo đảm công bằng xã hội, khi tạo điều kiện để các đoàn thể và mỗi cá nhân có được những gì họ có quyền hưởng theo bản tính và ơn gọi của họ. Công bằng xã hội được liên kết với công ích và với việc thực thi quyền bính.

TÔN TRỌNG NHÂN VỊ

1929. Không thể có công bằng xã hội, nếu không có sự tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người. Nhân vị là mục đích tối hậu của xã hội, vì xã hội được quy hướng về nhân vị:

“Việc bảo vệ và thăng tiến phẩm giá của nhân vị được Đấng Tạo Hóa uỷ thác cho chúng ta, và bất cứ ở thời đại nào trong lịch sử, các người nam và người nữ đều mắc nợ về điều đó, vì nhiệm vụ đã lãnh nhận”[2].

1930. Sự tôn trọng nhân vị bao hàm việc tôn trọng các quyền phát xuất từ phẩm giá của nhân vị, xét như một thụ tạo. Các quyền đó có trước xã hội và được ấn định cho xã hội. Các quyền đó đặt nền cho tính hợp pháp về mặt luân lý của mọi quyền bính: khi khinh miệt hay phủ nhận các quyền đó trong luật thiết định của mình, là xã hội phá huỷ tính hợp pháp về mặt luân lý của chính mình[3]. Không có sự tôn trọng như vậy, quyền bính chỉ có thể dựa trên sức mạnh hay bạo lực, để bắt buộc những người dưới quyền mình phải tuân phục. Hội Thánh có bổn phận nhắc nhở những người thiện chí về những quyền này và phân biệt chúng với những yêu sách thái quá hoặc sai lầm.

2425. Hội Thánh chấp nhận các ý thức hệ chuyên chế và vô thần, trong thời đại ngày nay, được nối kết với mọi hình thái chuyên chế độc tài. Đàng khác, Hội Thánh cũng phi bác chủ nghĩa cá nhân trong việc thực hành của “Chủ nghĩa tư bản” và việc cho luật thị trường là tối thượng trên lao động của con người[4]. Việc điều hành kinh tế chỉ dựa trên kế hoạch tập trung làm băng hoại tận nền tảng các mối dây liên kết xã hội; việc điều hành kinh tế chỉ theo luật thị trường xúc phạm đến sự công bằng xã hội, “bởi vì có những đòi hỏi của con người không thể thoả mãn được nhờ thị trường”[5]. Phải ủng hộ sự điều hành hợp lý đối với thị trường và các sáng kiến kinh tế, theo một bậc thang giá trị đúng đắn và nhằm vào công ích.

HOẠT ĐỘNG KINH TẾ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI

2426. Việc phát triển các hoạt động kinh tế và sự gia tăng sản xuất nhằm phục vụ các nhu cầu của con người. Đời sống kinh tế không chỉ nhằm để làm ra nhiều sản phẩm, gia tăng lợi nhuận hoặc quyền lực; nhưng trước tiên nó nhắm tới việc phục vụ các nhân vị, con người toàn diện và toàn thể cộng đồng nhân loại. Hoạt động kinh tế phải được hướng dẫn theo những phương pháp và luật lệ riêng, phải được thực thi trong các giới hạn của trật tự luân lý, theo sự công bằng xã hội, để phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa về con người[6].

Số 446-461: Quyền chủ tể của Đức Kitô

446. Trong bản dịch các sách Cựu ước ra tiếng Hy lạp, YHWH, danh không thể xưng mà Thiên Chúa dùng để tự mạc khải cho ông Môisen[7], được dịch là Kyrios (“Chúa”). Từ đó, tước hiệu “Chúa” trở thành danh xưng thông dụng nhất để nói lên chính thần tính của Thiên Chúa Israel. Tân Ước dùng tước hiệu “Chúa”, theo nghĩa mạnh như trên, cho Chúa Cha, và đồng thời, và đây là điều mới mẻ, cũng dùng cho Chúa Giêsu, qua đó nhìn nhận Người chính là Thiên Chúa[8].

447. Chính Chúa Giêsu nhận tước hiệu ấy cho mình một cách mặc nhiên khi tranh luận với các người Pharisêu về ý nghĩa thánh vịnh 110[9], nhưng khi nói chuyện với các Tông Đồ thì Người nhận một cách minh nhiên[10]. Trong suốt cuộc đời công khai của Người, những cử chỉ thống trị của Chúa Giêsu trên thiên nhiên, trên bệnh tật, trên ma quỷ, trên sự chết và tội lỗi, chứng tỏ Người có quyền tối thượng của Thiên Chúa.

448. Trong các sách Tin Mừng, khi thưa chuyện với Chúa Giêsu, người ta rất thường gọi Người là “Chúa”. Tước hiệu này cho thấy lòng tôn kính và tin tưởng của những người đến với Chúa Giêsu và mong đợi Người cứu giúp và chữa lành[11]. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, khi thưa như vậy, người ta nhìn nhận mầu nhiệm thần linh của Chúa Giêsu[12]. Khi gặp gỡ Chúa Giêsu Phục sinh, việc gọi tước hiệu ấy trở thành việc thờ lạy: “Lạy Chúa của con! lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28). Lúc đó, việc gọi Người như vậy còn mang ý nghĩa kính yêu và thân ái, là điểm riêng của truyền thống Kitô giáo: “Chúa đó!” (Ga 21,7).

449. Khi dành cho Chúa Giêsu tước hiệu thần linh là “Chúa”, những lời tuyên xưng đức tin tiên khởi của Hội Thánh xác quyết ngay từ đầu[13] rằng quyền năng, danh dự và vinh quang thuộc về Chúa Cha cũng thuộc về Chúa Giêsu[14], bởi vì Người “vốn dĩ là Thiên Chúa” (Pl 2,6), và bởi vì Chúa Cha đã làm tỏ hiện quyền chủ tể này của Chúa Giêsu khi cho Người sống lại từ cõi chết và tôn dương Người trong vinh quang của Ngài[15].

450. Ngay từ đầu lịch sử Kitô giáo, việc xác quyết quyền chủ tể của Chúa Giêsu trên trần gian và trên lịch sử[16] cũng có nghĩa là nhìn nhận rằng, con người không được để cho tự do cá nhân của mình suy phục một cách tuyệt đối bất cứ quyền bính trần thế nào, nhưng chỉ suy phục một mình Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu Kitô: Hoàng đế Cêsar không phải là “Chúa”[17]. Hội Thánh “tin rằng mình gặp được chìa khóa, trung tâm và cứu cánh của toàn thể lịch sử nhân loại nơi Chúa và Thầy của mình”[18].

451. Kinh nguyện Kitô giáo được ghi dấu bằng tước hiệu “Chúa”, dù là lời mời gọi cầu nguyện “Chúa ở cùng anh chị em”, dù là câu kết thúc lời nguyện: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”, hay cả trong tiếng kêu đầy tin tưởng và hy vọng “Maran atha” (“Chúa đến!”) hoặc “Marana tha” (“Lạy Chúa, xin ngự đến!”) (l Cr l6,22). “Amen. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20).

452. Thánh Danh Giêsu có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”. Hài nhi sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria được gọi là “Giêsu”: “Vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

453. Danh hiệu “Kitô” có nghĩa là “Đấng được xức dầu”, “Đấng Messia”. Chúa Giêsu là Đấng Kitô bởi vì “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38). Người là “Đấng phải đến” (Lc 7,19), là đối tượng của niềm hy vọng của Israel[19].

454. Danh hiệu “Con Thiên Chúa” nói lên mối tương quan duy nhất và vĩnh cửu của Chúa Giêsu Kitô với Thiên Chúa, Cha của Người. Người là Con Một của Chúa Cha[20] và là chính Thiên Chúa[21]. Ai muốn trở thành Kitô hữu, người ấy nhất thiết phải tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa[22].

455. Danh hiệu “Chúa” nói lên quyền tối thượng của Thiên Chúa. Tuyên xưng hay kêu cầu Chúa Giêsu là Chúa, là tin vào thần tính của Người. “Không ai có thể nói rằng‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3).

TẠI SAO NGÔI LỜI LÀM NGƯỜI?

456. Cùng với Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli, chúng ta tuyên xưng: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”[23].

457. Ngôi Lời đã làm người để cứu độ chúng ta, bằng cách giao hòa chúng ta với Thiên Chúa: Thiên Chúa “đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10). “Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến làm Đấng cứu độ thế gian” (1 Ga 4,14). “Chúa Giêsu đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi” (1 Ga 3,5):

“Bản tính chúng ta vì bệnh tật nên cần được chữa lành, vì sa ngã nên cần được nâng dậy, vì đã chết nên cần được phục sinh. Chúng ta đã đánh mất việc thông phần vào sự thiện, nên cần được dẫn trở về sự thiện. Chúng ta bị vây hãm trong bóng tối, nên cần đến ánh sáng. Chúng ta bị tù đầy nên mong người cứu chuộc; bị thua trận, nen cần người trợ giúp, bị áp bức dưới ách nô lệ nên chờ người giải phóng. Đó lại là những lý do nhỏ bé và không xứng đáng để làm cho Thiên Chúa động lòng hay sao? Những lý do ấy không đủ để Thiên Chúa xuống viếng thăm bản tính nhân loại, trong lúc nhân loại đang ở trong tình trạng khốn cùng và bất hạnh hay sao?”[24]

458. Ngôi Lời đã làm người để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống” (l Ga 4,9). “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

459. Ngôi Lời đã làm người để trở thành gương mẫu thánh thiện cho chúng ta. “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi…” (Mt 11,29). “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga l4,6). Và trên núi Hiển Dung, Chúa Cha đã truyền: “Hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7)[25]. Người đúng là gương mẫu của các mối phúc thật và là chuẩn mực của Luật mới: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Tình yêu này đòi hỏi người ta thật sự hiến thân để đi theo Người[26].

460. Ngôi Lời đã làm người để làm cho chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr l,4). “Chính vì điều này mà Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người, Đấng là Con Thiên Chúa trở nên Con Người, đó là để cho loài người, khi kết hợp với Ngôi Lời của Thiên Chúa và nhận quyền làm nghĩa tử, thì được trở nên con cái Thiên Chúa”[27]. “Chính Người đã làm người, để chúng ta được trở thành những vị thần”[28]. “Con Một Thiên Chúa, bởi muốn cho chúng ta được tham dự vào thần tính của Người, nên đã mang lấy bản tính của chúng ta, để Đấng đã làm người, làm cho người ta trở thành những vị thần”[29].

Số 2822-2827: "Ý Cha thể hiện"

2822. Ý muốn của Cha chúng ta là “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,3-4). Ngài “kiên nhẫn… vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong” (2 Pr 3,9)[30]. Mệnh lệnh của Ngài, gồm tóm mọi mệnh lệnh khác, và diễn tả tất cả ý muốn của Ngài, là chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta[31].

2823. Thiên Chúa “cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Ngài đã định từ trước … là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. Cũng trong Đức Kitô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Ngài, đã tiền định cho chúng ta đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Ngài” (Ep 1,9-11). Vì thế chúng ta tha thiết cầu xin để kế hoạch lân tuất này được thực hiện trọn vẹn dưới đất, như đã được thực hiện trên trời.

2824. Ý Cha được thực hiện một cách tuyệt hảo và một lần cho mãi mãi, trong Đức Kitô, và qua ý chí nhân loại của Người. Khi vào trần gian, Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7)[32]. Chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể nói: “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Ngài” (Ga 8,29). Khi cầu nguyện trong cơn hấp hối, Người hoàn toàn vâng phục ý Cha: “Xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42)[33]. Vì vậy, Chúa Giêsu “đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa” (Gl 1,4). “Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế” (Dt 10,10).

2825. Chúa Giêsu, “dầu là Con Thiên Chúa, đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8), phương chi chúng ta, là những thụ tạo và là tội nhân, đã được nhận làm nghĩa tử trong Người. Chúng ta cầu xin Chúa Cha cho ý muốn của chúng ta được kết hợp với ý muốn của Con Ngài, để chu toàn thánh ý của Cha, là kế hoạch cứu độ hầu cho trần gian được sống. Trong công việc này, chúng ta hoàn toàn bất lực, nhưng nhờ kết hợp với Chúa Giêsu và nhờ quyền năng Thánh Thần của Ngài, chúng ta có thể phó dâng cho Chúa Cha ý muốn của chúng ta và quyết định chọn điều Con Ngài luôn luôn chọn: đó là làm điều đẹp lòng Cha[34].

“Khi gắn bó với Đức Kitô, chúng ta có thể nên một lòng trí với Người, và nhờ đó thực thi ý muốn của Người để, ý Chúa đã nên trọn trên trời thế nào, thì cũng được thể hiện dưới đất như vậy”[35].

“Hãy xem Chúa Giêsu Kitô dạy chúng ta sống khiêm tốn như thế nào, khi Người cho chúng ta thấy rằng nhân đức của chúng ta không chỉ tùy thuộc công sức của mình nhưng còn nhờ ân sủng từ trên cao. Ngoài ra, Người ra lệnh cho mỗi người chúng ta khi cầu nguyện, phải quan tâm đến toàn thế giới. Vì Người không dạy: ‘Xin cho ý Cha thể hiện’ nơi tôi hay nơi anh em, nhưng nói chung là ở mọi nơi ‘dưới đất’, để sai lầm bị loại bỏ và chân lý được gieo trồng, để thói xấu bị hủy diệt, nhân đức được nảy nở, và như vậy ‘dưới đất’ không còn gì khác với ‘trên trời’ nữa”[36].

2826. Nhờ cầu nguyện, chúng ta có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa[37], và kiên nhẫn để thi hành ý Ngài[38]. Chúa Giêsu dạy chúng ta vào Nước Trời, không phải bằng lời lẽ, nhưng bằng việc thi hành “ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời” (Mt 7,21).

2827. “Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì Ngài nhậm lời kẻ ấy” (Ga 9,31)[39]. Lời cầu nguyện của Hội Thánh đạt được quyền năng như thế là vì được thực hiện trong Danh Thánh của Chúa Giêsu, nhất là trong Thánh Lễ, và nhờ lời chuyển cầu hiệp thông với Mẹ Thiên Chúa[40], và với toàn thể các Thánh, là những vị “làm đẹp lòng” Chúa, bởi vì các vị đó đã không muốn điều gì khác ngoài thánh ý Ngài:

“‘Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’, chúng ta có thể diễn tả mà không sợ sai như sau: Ý Cha thể hiện trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con thế nào, thì trong Hội Thánh cũng như vậy; như trong Phu Quân đã chu toàn thánh ý của Cha thế nào, thì trong Hiền Thê đã kết ước với Người cũng như vậy”[41].

Bài Ðọc I: Ed 18, 25-28

"Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, nó sẽ được sống".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa phán: "Các ngươi đã nói rằng: "Ðường lối của Chúa không chính trực". Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Chúa (c. 6a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, và con luôn luôn cậy trông vào Chúa.

Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Chúa (c. 6a).

2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin đừng nhớ lỗi lầm khi con còn trẻ và tội ác, nhưng hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.

Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Chúa (c. 6a).

3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho con nhận biết đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

Ðáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Chúa (c. 6a).

Bài Ðọc II: Pl 2, 1-5 {hoặc 1-11}

"Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, nếu có sự an ủi nào trong Ðức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác. Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô.

{Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong hoả ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.}

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 21, 28-32

"Nó hối hận và đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!" Nó thưa lại rằng: "Con không đi". Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: "Thưa cha, vâng, con đi". Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" Họ đáp: "Người con thứ nhất". Chúa Giêsu bảo họ: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài".

Ðó là lời Chúa.

Nguồn: hdgmvietnam.com


[1] X. Pl 2,1.5.

[2] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 47: AAS 80 (1988) 581.

[3] X. ĐGH Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in terris, 61: AAS 55 (1963) 274.

[4] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 10: AAS 83 (1991) 804-806; Ibid., 13: AAS 83 (1991) 809-810; Ibid., 44: AAS 83 (1991) 848-849.

[5] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, 34: AAS 83 (1991) 836.

[6] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 64: AAS 58 (1966) 1086.

[7] X. Xh 3,14.

[8] X. 1 Cr 2,8.

[9] X. Mt 22,41-46; Cv 2,34-36; Dt 1,13.

[10] X. Ga 13,13.

[11] X. Mt 8,2; 14,30; 15,22.

[12] X. Lc 1,43; 2,11.

[13] X. Cv 2,34-36.

[14] X. Rm 9,5; Tt 2,13; Kh 5,13.

[15] X. Rm 10,9; 1 Cr 12,3; Pl 2,9-11.

[16] X. Kh 11,15.

[17] X. Mc 12,17; Cv 5,29.

[18] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 10: AAS 58 (1966) 1033; x. Ibid., 45: AAS 58 (1966) 1066.

[19] X. Cv 28,20.

[20] X. Ga 1,14.18; 3,16.18.

[21] X. Ga 1,1.

[22] X. Cv 8,37; 1 Ga 2,23.

[23] DS 150.

[24] Thánh Grêgôriô Nyssenô, Oratio catechetica 15,3: TD 7,78 (PG 45, 48).

[25] X. Đnl 6,4-5.

[26] X. Mc 8,34.

[27] Thánh Irênê, Adversus haereses, 3, 19, 1: SC 211, 374 (PG 7, 939).

[28] Thánh Athanasiô Alexandrinô, De Incarnatione, 54, 3: SC 199, 458 (PG 25, 192).

[29] Thánh Tôma Aquinô, Officium de festo corporis Christi, Ad Matutinas, In primo Nocturno, Lectio 1: Opera omnia, v.29 (Parisiis 1876) 336.

[30] X. Mt 18,14.

[31] X. Ga 13,34; 1 Ga 3; 4; Lc 10, 25-37.

[32] X. Tv 40,8-9.

[33] X. Ga 4,34; 5,30; 6,38.

[34] X. Ga 8,29.

[35] Ôrigiênê, De oratione, 26, 3: GCS 3, 361 (PG 11, 501).

[36] Thánh Gioan Kim Khẩu, In Matthaeum homilia 19, 5: PG 57, 280.

[37] X. Rm 12,2; Ep 5,17.

[38] X. Dt 10,36.

[39] X. 1 Ga 5,14.

[40] X. Lc 1,38.49.

[41] Thánh Augustinô, De sermone Domini in monte, 2, 6, 24: CCL 35, 113 (PL 34, 1279).

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng