Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 14 Thường niên năm A

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

Số 514-521: Hiểu biết các mầu nhiệm của Đức Kitô, hiệp thông trong các mầu nhiệm của Người

Số 238-242: Chúa Cha được mạc khải nhờ Chúa Con

Số 989-990: Xác sống lại

Bài Ðọc I: Dcr 9, 9-10

Bài Ðọc II: Rm 8, 9. 11-13

Phúc Âm: Mt 11, 25-30

Số 514-521: Hiểu biết các mầu nhiệm của Đức Kitô, hiệp thông trong các mầu nhiệm của Người

514. Có nhiều điều liên quan đến Chúa Giêsu mà loài người tò mò muốn biết, nhưng lại không được các sách Tin Mừng nói đến. Tin Mừng hầu như không nói gì về cuộc sống của Người ở Nazareth, và một phần lớn cuộc đời công khai của Người cũng không được kể lại[1]. Những gì đã được viết ra trong các Tin Mừng, được kể lại là “để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).

515. Các sách Tin Mừng đã được viết ra bởi những người trong số những người đầu tiên đã có đức tin[2], và muốn cho những người khác được tham dự vào đức tin đó. Đã được biết Chúa Giêsu là ai trong đức tin, họ có thể thấy và chỉ cho người khác thấy những dấu tích của mầu nhiệm của Người trong suốt cuộc đời trần thế của Người. Từ những mảnh tã quấn thân ngày Người Giáng Sinh[3], cho đến chút giấm lúc Người chịu khổ hình[4], và tấm khăn liệm ngày Người Phục Sinh[5], mọi sự trong cuộc đời Chúa Giêsu đều là dấu chỉ của mầu nhiệm của Người. Qua những cử chỉ, những phép lạ, những lời nói của Người, Người mạc khải “nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9). Như vậy, nhân tính của Người xuất hiện như một “bí tích”, nghĩa là, một dấu chỉ và dụng cụ của thần tính của Người, và của ơn cứu độ mà Ngươi mang lại: những gì hữu hình trong cuộc đời trần thế của Người, dẫn chúng ta đến với mầu nhiệm vô hình, là địa vị làm Con Thiên Chúa của Người và sứ vụ cứu chuộc của Người.

Những nét chung của các mầu nhiệm của Chúa Giêsu

516. Cả cuộc đời của Đức Kitô là một Mạc khải về Chúa Cha: những lời Người nói, những việc Người làm, những lúc Người im lặng, những đau khổ Người chịu, cách thế Người sống và giảng dạy. Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga l4,9), và Chúa Cha nói: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Vì Chúa chúng ta đã làm người để chu toàn thánh ý của Chúa Cha[6], nên ngay cả những điểm nhỏ nhặt nhất trong các mầu nhiệm của Người đều biểu lộ cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta[7].

517. Cả cuộc đời của Đức Kitô là một mầu nhiệm Cứu chuộc. Ơn Cứu chuộc đến với chúng ta trước hết nhờ Máu Người đổ ra trên thập giá[8], nhưng mầu nhiệm này được thực hiện qua cả cuộc đời Đức Kitô: ngay trong việc Người Nhập Thể, Người đã trở nên nghèo để lấy cái nghèo của Người mà làm cho chúng ta nên giàu có[9]; trong cuộc sống ẩn dật, Người vâng phục[10] để sửa lại sự bất phục tùng của chúng ta; khi giảng dạy, lời Người nói thanh tẩy những người nghe[11]; khi chữa bệnh và trừ quỷ, “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17)[12]; khi phục sinh, Người làm cho chúng ta được nên công chính[13].

518. Cả cuộc đời của Đức Kitô là một mầu nhiệm Quy tụ: tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm, đã nói, và đã chịu đau khổ, đều có mục đích là để phục hồi con người sa ngã về lại ơn gọi đầu tiên của họ:

“Khi nhập thể và làm người, Đức Kitô đã quy tụ nơi mình lịch sử lâu dài của nhân loại, và đã đem lại ơn cứu độ cho chúng ta theo con đường tắt, để những gì xưa kia chúng ta đã mất nơi Ađam, tức là không còn là hình ảnh và giống như Thiên Chúa nữa, thì nay chúng ta được nhận lại trong Đức Kitô Giêsu”[14]. “Chính vì thế Đức Kitô đã trải qua mọi tuổi đời, để cho mọi người lại được hiệp thông với Thiên Chúa”[15].

Chúng ta hiệp thông với các mầu nhiệm của Chúa Giêsu

519. Mọi sự phong phú của Đức Kitô là dành cho mọi người và là tài sản của mọi người[16]. Đức Kitô không sống cho bản thân Người, nhưng cho chúng ta, từ lúc Người nhập thể “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”[17], cho đến khi Người chịu chết “vì tội lỗi chúng ta” (1Cr 15, 3) và sống lại “để chúng ta được nên công chính” (Rm 4, 25). Cả bây giờ nữa, Người vẫn là trạng sư của chúng ta “trước mặt Chúa Cha” (1Ga 2, 1), “vì Người hằng sống để chuyển cầu” cho chúng ta (Dt 7, 25). Với tất cả những gì Người đã sống và đã chịu đựng một lần cho mãi mãi vì chúng ta, giờ đây Người luôn hiện diện “trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24) đến muôn đời.

520. Trong cả cuộc đời của Người, Chúa Giêsu tỏ mình là mẫu mực của chúng ta[18]: chính Người là “con người hoàn hảo”[19], Người mời gọi chúng ta trở nên môn đệ của Người và bước đi theo Người; qua việc tự hạ của Người, Người ban cho chúng ta một gương mẫu để bắt chước[20]; qua việc cầu nguyện của Người, Người lôi kéo chúng ta cầu nguyện[21]; qua sự nghèo khó của Người, Người kêu gọi chúng ta tự nguyện chấp nhận sự thiếu thốn và những cơn bách hại[22].

521. Tất cả những gì chính Người đã sống, Đức Kitô làm cho chúng ta được sống những điều đó trong Người, và Người sống những điều đó trong chúng ta. “Khi nhập thể, Con Thiên Chúa một cách nào đó đã nên một với mọi người”[23]. Chúng ta được kêu gọi nên một với Người; chính Người làm cho chúng ta, với tư cách là những chi thể của Thân Thể Người, được hiệp thông với những gì Người đã sống trong thân thể Người vì chúng ta và nên như mẫu mực cho chúng ta:

Chúng ta phải tiếp nối và hoàn thành nơi bản thân chúng ta các giai đoạn của cuộc đời Chúa Giêsu và các mầu nhiệm của Người, và thường xuyên cầu xin… để Người hoàn tất và kiện toàn những điều ấy trong chúng ta và trong toàn thể Hội Thánh Người…. Vì Con Thiên Chúa có ý truyền thông, mở rộng và tiếp tục các mầu nhiệm của Người trong chúng ta và trong toàn thể Hội Thánh Người,… hoặc bằng các ân sủng Người quyết định ban cho chúng ta hoặc bằng những hiệu quả Người muốn thực hiện nơi chúng ta qua các mầu nhiệm ấy. Bằng cách này, Người muốn hoàn tất các mầu nhiệm của Người trong chúng ta[24].

Số 238-242: Chúa Cha được mạc khải nhờ Chúa Con

238. Việc khẩn cầu Thiên Chúa với tước hiệu là “Cha” đã được biết đến trong nhiều tôn giáo. Thượng Đế thường được coi như “cha của các vị thần và của người phàm”. Trong dân Israel, Thiên Chúa được gọi là Cha, với tư cách là Đấng tạo dựng trần gian[25]. Hơn nữa Thiên Chúa còn là Cha vì Ngài đã lập Giao ước và ban Lề luật cho dân được gọi là “Israel con đầu lòng của Ta” (Xh 4, 22). Ngài cũng được gọi là Cha của vua Israel[26]. Và đặc biệt hơn nữa, Ngài là “Cha của người nghèo”, của cô nhi, quả phụ, những kẻ được Ngài thương yêu che chở[27].

239. Khi gọi Thiên Chúa là “Cha”, ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc thứ nhất và là Đấng uy quyền siêu việt trên hết mọi sự, đồng thời là Đấng nhân hậu và yêu thương chăm sóc mọi con cái của Ngài. Tình phụ tử này của Thiên Chúa cũng có thể được diễn tả qua hình ảnh tình mẫu tử[28]. Hình ảnh tình mẫu tử nói lên rõ hơn sự gần gũi của Thiên Chúa và sự thân mật giữa Thiên Chúa với thụ tạo của Ngài. Như vậy, ngôn ngữ đức tin múc nguồn nơi kinh nghiệm phàm nhân về cha mẹ, các vị này một cách nào đo, là những đại diện đầu tiên của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng kinh nghiệm đó cũng cho thấy rằng, cha mẹ phàm nhân có thể phạm sai lầm và họ có thể làm méo mó dung mạo của tình phụ tử và mẫu tử. Vì vậy phải nhớ rằng, Thiên Chúa siêu việt hẳn trên sự phân biệt phái tính của phàm nhân. Ngài không là nam mà cũng không là nữ. Ngài là Thiên Chúa. Ngài cũng siêu việt hẳn trên sự làm cha làm mẹ của người phàm[29], mặc dù Ngài là nguồn gốc và là chuẩn mực[30] của chức năng làm cha làm mẹ: không ai là cha như Thiên Chúa là Cha.

240. Chúa Giêsu đã mạc khải Thiên Chúa là “Cha” theo một nghĩa chưa từng có: Ngài là Cha không những vì Ngài là Đấng Tạo Hoá, nhưng từ đời đời Ngài là Cha trong tương quan với Con duy nhất của Ngài, Đấng từ đời đời là Con trong tương quan với Cha của Người: “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11, 27).

241. Vì vậy các Tông Đồ tuyên xưng Chúa Giêsu là “Ngôi Lời”, “lúc khởi đầu…vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1), là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1, 15), và là “phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1, 3).

242. Sau các ngài, Hội Thánh tiếp nối Truyền thống Tông Đồ, trong Công đồng chung thứ nhất họp tại Nicêa năm 325, đã tuyên xưng Chúa Con “đồng bản thể với Chúa Cha”[31], nghĩa là, Người là một Thiên Chúa duy nhất cùng với Chúa Cha. Công đồng chung thứ hai họp tại Constantinôpôli năm 381, vẫn duy trì cách diễn tả trong công thức của tín biểu Nicêa và đã tuyên xưng: “Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời, Người là Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”[32].

Số 989-990: Xác sống lại

989. Chúng ta tin một cách chắc chắn và hy vọng một cách chính xác rằng: cũng như Đức Kitô đã thật sự sống lại từ cõi chết và sống muôn đời, thì cũng vậy, những người công chính sau cái chết của mình sẽ sống muôn đời với Đức Kitô phục sinh, Đấng sẽ làm cho họ sống lại vào ngày sau hết[33]. Sự sống lại của chúng ta, cũng như sự sống lại của Người, sẽ là công trình của Ba Ngôi Chí Thánh:

“Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8, 11)[34].

990. Từ “thân xác” được dùng ở đây để chỉ con người trong thân phận yếu đuối và phải chết của nó[35]. “Xác sống lại” có nghĩa là sau khi chết, không những linh hồn bất tử được có sự sống, mà cả “thân xác phải chết” (Rm 8,11) của chúng ta cũng sẽ được đảm nhận lại sự sống.

Bài Ðọc I: Dcr 9, 9-10

"Này vua ngươi khiêm tốn đến với ngươi".

Trích sách Tiên tri Dacaria.

Ðây Chúa phán: "Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng! Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Ðấng công chính và là Ðấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ. Người đã loại bỏ các chiến xa khỏi Ephraim, và ngựa khỏi Giêrusalem. Cung tên chiến trận sẽ được phá huỷ. Người sẽ công bố hoà bình cho các dân tộc. Quyền bính của Người sẽ bành trướng từ biển này đến biển nọ, từ sông cái đến tận cùng trái đất".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11. 13cd-14

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (c. 1).

Xướng: 1) Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời.

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (c. 1).

2) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (c. 1).

3) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (c. 1).

4) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên.

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (c. 1).

Bài Ðọc II: Rm 8, 9. 11-13

"Nếu nhờ thần trí mà anh em đã giết được hành động của xác thịt, thì anh em sẽ được sống".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.

Anh em thân mến, chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động (xấu xa của) thân xác, thì anh em sẽ được sống.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 17

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 25-30

"Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. - Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.

"Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".

Ðó là lời Chúa.

Nguồn: hdgmvietnam.com

Những bài đã thực hiện:

NĂM A

Chúa nhật 14 Thường niên năm A

Chúa nhật 13 Thường niên năm A

Chúa nhật 12 Thường niên năm A

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A

Lễ Mình và Máu Thánh Đức Kitô năm A

Lễ Chúa Ba Ngôi năm A

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm A

Lễ Chúa Thăng Thiên Năm A

Chúa nhật 6 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 5 Phục Sinh Năm A 

Chúa nhật 4 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 3 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật 2 Phục Sinh Năm A

Chúa nhật Lễ Chúa Phục Sinh

Thứ Sáu Tuần Thánh - Tưởng niệm Cuộc thương khó

Thứ Năm Tuần Thánh - Lễ Tiệc Ly

Chúa nhật Lễ Lá năm A

Chúa nhật 5 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 4 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 3 Mùa Chay năm A

Chúa nhật 2 Mùa Chay năm A

Lời giới thiệu chuyên mục: Giáo lý cho Bài giảng Chúa nhật và Lễ trọng


[1]X.Ga 20,30.

[2]X.Mc 1,1; Ga 21,24.

[3]X.Lc 2,7.

[4]X.Mt 27,48.

[5]X.Ga 20,7.

[6]X.Dt 10,5-7.

[7]X.1Ga 4,9.

[8]X.Ep 1,7; Cl 1,13-14 (Vulgata); 1 Pr 1,18-19.

[9]X.2Cr 8,9.

[10]X.Lc 2,51.

[11] X.Ga 15,3.

[12]X. Is 53,4.

[13]X. Rm 4,25.

[14]Thánh Irênê, Adversus haereses, 3, 18, 1: SC 211, 342-344 (PG 7, 932).

[15]Thánh Irênê, Adversus haereses, 3, 18, 7: SC 211, 366 (PG 7, 937); x. Id., Adversus haereses, 2, 22, 4: SC 294, 220-222 (PG 7, 784).

[16]X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor hominis, 11: AAS 71 (1979) 278.

[17]Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.

[18]X.Rm 15,5; Pl 2,5.

[19]CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 38: AAS 58 (1966) 1055.

[20]X.Ga 13,15.

[21]X.Lc 11,1.

[22]X.Mt 5,11-12.

[23]CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1042.

[24]Thánh Gioan Eudes, Le royaume de Jésus, 3,4: Oeuvres complètes, v.1 (Vannes 1905) 310-311.

[25]X.Đnl 32,6; Ml 2,10.

[26]X.2Sm 7,14.

[27]X.Tv 68,6.

[28]X.s 66,13; Tv 131,2.

[29]X.Tv 27,10.

[30]X.Ep 3,14-15; Is 49,15.

[31]Tín biểu Nicêa: DS 125.

[32]Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.

[33]X.Ga 6,39-40.

[34]X.1Tx 4,14; 1 Cr 6,14; 2 Cr 4,14; Pl 3,10-11.

[35]X.St 6,3; Tv 56,5; Is 40,6.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 28/4: Thánh Phêrô Channe – Linh mục, tử đạo (1803-1841)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng