GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ: BÀI 141 - TẠI SAO NGƯỜI CÔNG GIÁO TÔN KÍNH ĐỨC MẸ?
Hỏi: Có lần con trò chuyện với một bạn Tin Lành. Bạn ấy không tin Đức Mẹ Đồng Trinh. Con không biết phải giải thích cho bạn ấy làm sao? Xin giúp con với!
Trả lời: Nói về tín điều Đức Mẹ đồng trinh trọn đời, cha Cao Gia An, SJ. đã có bài giải đáp trong bộ sách này ở tập 3 rồi, bạn tìm đọc nhé. Bài này xin chia sẻ về lòng sùng kính Đức Mẹ cách chung, bởi vì anh em Tin Lành không chỉ không tin Đức Mẹ đồng trinh, mà còn không tin nhận nhiều điều khác về Đức Mẹ, thậm chí bài bác luôn cả việc sùng kính Đức Mẹ.
Trước hết, cần nói rằng đã có nhiều người hiểu sai ý nghĩa việc tôn kính Đức Mẹ của người Công giáo. Họ dựa vào câu Kinh Thánh: "Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta" (Xh 20, 3) và cho rằng việc tôn kính Đức Mẹ là sai. Đây là cách hiểu Kinh Thánh thiển cận và hẹp hòi, cho nên dẫn đến việc cố tình gán ghép rằng người Công Giáo thờ Đức Mẹ. Lẽ dĩ nhiên người Công Giáo chỉ tôn thờ Một Thiên Chúa Ba Ngôi mà thôi. Đối với Đức Mẹ, người Công giáo không tôn thờ, nhưng có thái độ tôn kính cách đặc biệt, bởi vì Đức Mẹ đã có một vai trò rất đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Lần giở Kinh Thánh, bạn có thể thấy ngay từ khởi đầu của lịch sử cứu độ, Thiên Chúa muốn chọn Đức Mẹ để giúp loài người đương đầu với lực lượng Sự dữ, như được chép trong những trang đầu tiên khi Thiên Chúa phán với ma quỷ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người nữ, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi” (St 3,15). Người Nữ này là ai nếu không phải là Đức Trinh Nữ Maria sẽ xuất hiện cùng với Chúa Kitô khi thời gian đến hồi viên mãn? (x. Gl 4,4).
Rồi trong bất cứ giai đoạn quan trọng nào của cuộc đời Chúa Cứu Thế, chúng ta luôn nhìn thấy hình ảnh của Ðức Mẹ. Khi dâng Chúa Hài Nhi trong đền thờ (Lc 2, 22), khi ẵm Chúa Hài Nhi trốn chạy sang Ai cập (Mt 2,14), khi trở về sinh sống tại Nazareth (Mt 2, 21). Đức Mẹ đã hiện diện trong tiệc cưới ở Cana và đã xin Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên, lúc khởi đầu sứ vụ công khai của Người (Ga 2, 3). Mẹ hằng dõi bước theo Chúa trong hành trình rao giảng của Người (Mt 12, 46). Lúc Chúa chịu khổ hình, Mẹ đứng dưới chân thánh giá để chứng kiến cái chết của Con mình (Ga 19, 25). Mẹ đã cùng chịu khổ hình với Chúa, hiệp thông với những đau khổ của Người, đúng như lời Kinh Thánh: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà" (Lc 2, 35).
Vì đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô, Ðức Maria được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt tôn kính. Ngay từ buổi đầu, sau khi Chúa Giêsu về trời, các tông đồ đã quây quần bên Đức Mẹ để nhờ Mẹ và cùng với Mẹ cầu nguyện chờ đón Chúa Thánh Thần (Cv 1,14). Ngày nay, Giáo Hội vẫn không suy giảm lòng tôn kính ấy. Và Đức Mẹ vẫn luôn đồng hành cùng Giáo Hội, bằng việc ban phát các ơn lành, bằng việc hiện ra ở nhiều nơi để nhắc nhở con cái cải thiện đời sống và tôn thờ Chúa cho phải đạo.
Thực ra vì không muốn tôn kính Đức Mẹ nên người ta đưa mới ra lý luận rằng chúng ta chỉ cần tôn thờ Chúa Kitô và Thiên Chúa là đủ rồi. Nhưng sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy: “Những gì đức tin Công Giáo tin về Mẹ Maria, đều đặt nền tảng trên những gì đức tin đó tin về Đức Kitô” và “những gì đức tin dạy về Mẹ Maria, lại làm sáng tỏ đức tin vào Đức Kitô” (số 478). Như thế, vai trò của Đức Mẹ dù là phụ thuộc nhưng gắn liền vào vai trò của Đức Kitô không thể tách rời. Cho nên, lòng tôn kính đặc biệt dành cho Đức Trinh Nữ Maria cũng không thể tách rời khỏi sự tôn thờ dành cho Đức Kitô.
Không chỉ yêu mến và tôn kính, người Công Giáo cũng thường cậy nhờ Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp trước tòa Chúa. Sự tôn kính đi liền với lòng cậy trông. Từ những thời rất xa xưa các tín hữu đã ẩn náu dưới sự che chở của Đức Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó. Đây cũng là điều mà anh em thuộc các hệ phái ly khai và lạc giáo phản kháng chúng ta, dựa vào lời Kinh Thánh: “Chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu” (1Tm 2, 5). Cho nên việc cầu nguyện với Đức Mẹ, nhìn nhận Mẹ là Đấng trung gian, Đấng bảo trợ, Đấng ban phát các ơn… là hoàn toàn trái với Kinh Thánh.
Nhưng chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi ngược lại: Phải chăng Thiên Chúa đã tự mình thực hiện hết mọi công việc, còn những ai được Thiên Chúa sử dụng, thì họ chỉ là những dụng cụ, như cái cuốc cái xẻng trong tay người thợ mà thôi? Phải chăng Đức Mẹ cũng chỉ là một dụng cụ thụ động giống như thế, chứ không phải Đức Mẹ đã chủ động chấp nhận qua lời "Xin vâng", để việc Chúa nhập thể được hoàn thành; và phải chăng Đức Mẹ đã không cộng tác tích cực trong công cuộc cứu độ, để chúng ta có thể nói rằng: Đức Mẹ là người cứu giúp chúng ta?
Đã hẳn, Đức Giêsu Kitô là trung gian duy nhất theo nghĩa là chỉ duy mình Người mới đã đem lại ơn cứu rỗi cho con người. Ngoài Người ra không ai có thể đem ơn cứu độ. Nhưng không phải chỉ có mình Chúa Giêsu mới cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Trong thời Cựu Ước, ông Môsê giữ vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và dân, nhiều lần ông đã cầu xin Chúa nguôi cơn thịnh nộ mà bỏ ý định giáng phạt dân (Xh 32, 11–33, 23). Thánh Phaolô thì nói rằng: "Lúc nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em:..." (2Tx 1, 11); đồng thời ngài cũng kêu gọi: "Thưa anh em, xin anh em cũng cầu nguyện cho chúng tôi nữa" (1Tx 5, 25; 2Tx 3, 1). Ngài cũng nói: “Tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người…” (1Tm 2, 1). Vậy nếu như chúng ta cần đến lời cầu nguyện cho nhau, thì có lý do gì ngăn cản chúng ta cầu xin cùng Đức Mẹ, là Đấng đầy ơn phúc, Đấng ở cùng Thiên Chúa, là Mẹ hằng cứu giúp? Thư Giacôbê viết: "Lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực" (Gc 5, 16). Đó là lý do mà người Công Giáo luôn thầm thĩ: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội…” cùng với nhiều lời cầu nguyện khác nữa.
Mặt khác, khi chúng ta cầu nguyện cùng Đức Mẹ, thì chúng ta không dừng lại ở Đức Mẹ, mà là cách chúng ta tiến đến sự kết hợp sâu xa hơn với Người Con của Mẹ. Câu châm ngôn cổ truyền của các tín hữu Công Giáo là “Ad Jesum per Mariam”, nghĩa là đến với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ và nhờ Đức Mẹ, một cách cầu nguyện tuyệt vời nhất.
Với lòng tôn kính Ðức Mẹ cách thực sự, chúng ta thấy vai trò của Đức Maria không làm lu mờ hay giảm bớt vài trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ sức mạnh của sự trung gian ấy. Chúng ta cũng biết rằng mệnh lệnh duy nhất của Ðức Mẹ đã được ghi lại trong Kinh Thánh, là phải vâng lời Chúa trọn vẹn: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5).
Thánh Irene, một nhà thần học lỗi lạc của Kitô giáo vào thế kỷ thứ hai, đã nói: “Nhờ sự vâng phục, Đức Maria đã trở nên căn nguyên của ơn cứu rỗi cho chính mình và cho hết thảy chúng ta”. Không phải Mẹ đã làm nên ơn cứu độ, nhưng Mẹ đã làm trung gian cho ơn cứu độ. Với lời xin vâng của mình, Đức Maria đã trở thành Đấng mang ơn cứu độ đến cho mọi người, mọi nơi, mọi thời. Với lời xin vâng của mình, Đức Maria không chỉ trở thành Mẹ của Đấng cứu độ, mà còn trở thành Mẹ của tất cả những ai đã được Con Mẹ cứu độ. Đây là lý do sâu xa nhất vì sao người Kitô hữu thuộc mọi dân và mọi thời đều tôn kính Mẹ. Còn những ai chủ trương chỉ tôn thờ Chúa Kitô mà không tôn kính Mẹ của Chúa, người Mẹ mà chính Chúa cũng rất mực yêu mến, thì thiếu sót biết chừng nào. Nữ sĩ Xuân Quỳnh có những lời thơ rất hay viết về người mẹ chồng của mình như sau: “Mẹ tuy không đẻ không nuôi, mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”. Thật là chính đáng phải không? Vậy thì lẽ nào chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, lại không biết yêu mến người Mẹ yêu dấu của Đấng chúng ta tôn thờ? Chính Mẹ đã cho Người bú sữa mình, đã nuôi nấng, đã giữ gìn, đã dưỡng dục và hy sinh Người vì chúng ta.
Bạn thân mến, trên đây là nền tảng cốt yếu của việc tôn kính Đức Mẹ, nắm vững được điều này, cũng như tin tưởng tuyệt đối vào đức tin tông truyền của Hội Thánh Công Giáo, chúng ta sẽ vững vàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về đức tin của chúng ta.
Còn việc Đức Maria Đồng trinh, cha Cao Gia An SJ đã giải thích ở tập 3 rồi, ở đây chỉ xin tóm tắt mấy ý chính như sau: Thiên Chúa muốn Chúa Giêsu Kitô có một người Mẹ thực sự là loài người, nhưng chỉ có một Người Cha là Thiên Chúa. Ngài muốn khai mở một thời kỳ mới nơi Chúa Giêsu, khởi đầu này là do chính Chúa Cha, chứ không do bất cứ một quyền lực trần thế nào khác. Do đó, việc Đức Maria đồng trinh là điều căn bản cho cuộc đời Chúa Giêsu.
Trong Tin Mừng Thánh Luca, Đức Maria hỏi Sứ Thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1, 34). Sứ Thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa… vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 34-35).
Trước khi các giáo phái Tin Lành tách ra khỏi giáo hội Roma (thế kỷ 16), sự đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ đã luôn luôn được dạy và tin tưởng. Giáo hội từ thuở ban đầu luôn luôn gọi Ðức Mẹ là Thánh Nữ Ðồng Trinh và Mẹ đã sống và chết như một trinh nữ. Tất cả các kinh tin kính cổ thời nhất đều nhấn mạnh đến điều Ðức Maria trọn đời đồng trinh. Các Thánh phụ trong giáo hội đều viết về Ðức Mẹ đồng trinh trọn đời. Ngay cả các nhà cải cách Tin Lành như Luther, Calvin, và Zwingli cũng đã đồng ý về sự đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ. Chỉ từ thế kỷ XVII trở đi, các giáo phái Tin Lành mới càng ngày càng đi xa đạo lý về Đức Mẹ của các vị sáng lập, trở nên những người từ chối và đả kích việc sùng kính Đức Mẹ.
Để bác bỏ niềm tin về Đức Mẹ Đồng Trinh, anh em Tin Lành thường dựa vào những câu Kinh Thánh có nhắc đến anh chị em Đức Giêsu (Mc 3, 31-35 chẳng hạn). Nhưng thực ra các Tin Mừng, khi nói đến “anh chị em” Chúa Giêsu là nói đến anh chị em họ của Người. Vì Trong tiếng Araméen là tiếng mẹ đẻ của Chúa Giêsu, chỉ có một từ để chỉ anh em và chị em, được dùng cho cả anh chị em ruột cũng như anh em chị em họ, vì thế mới có những cắt nghĩa và gán ghép sai lạc.
Cũng xin chia sẻ thêm với bạn rằng việc sùng kính Đức Mẹ hay các thánh phải luôn luôn trở thành việc noi gương bắt chước nhân đức của các ngài. Chỉ tôn kính mà thôi thì chưa đủ, chúng ta phải noi gương bắt chước tinh thần và đời sống của Đức Mẹ nữa. Chúng ta phải noi gương Mẹ sẵn sàng đón nhận những trách nhiệm mà Thiên Chúa trao ban, noi gương Mẹ phục vụ trong âm thầm, noi gương Mẹ để ý đến những nhu cầu và khó khăn của người khác, noi gương Mẹ luôn theo sát Chúa Giêsu trong suốt cả đời sống...Lòng sùng kính Đức Mẹ như thế sẽ không làm chúng ta xa Chúa Kitô hay mọi người, nhưng trái lại, nó đưa chúng ta đến gần Chúa Kitô và mọi người hơn nữa. Cuối cùng, mời bạn lắng nghe lời khuyên sau đây của Giáo Hội: “Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng, lòng tôn kính chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Ðức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 66-67).
Nguồn: hdgmvietnam.com