Sáng hôm mồng 07/9 tại Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho các thành viên của Hiệp hội Kinh thánh Ý và các tham dự viên Tuần lễ Kinh thánh Quốc gia buổi tiếp kiến riêng.
Tuần lễ Kinh thánh Quốc gia lần thứ 47 với chủ đề “Giao ước và các hiệp ước giữa chủ nghĩa phổ quát và chủ nghĩa đặc thù”, diễn ra tại Rôma từ ngày mồng 04-08/9/2023.
Dưới đây là nội dung bài diễn từ của Đức Thánh Cha:
DIỄN TỪ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN TUẦN LỄ KINH THÁNH QUỐC GIA
LẦN THỨ 47
Anh chị em thân mến, xin chào!
Tôi vui mừng được gặp tất cả anh chị em, các thành viên của Hiệp hội Kinh thánh Ý và các giáo sư Kinh thánh, quy tụ tại Rôma để tham dự Tuần lễ Kinh thánh Quốc gia lần thứ-47. Chủ đề mà anh chị em đã chọn cho cuộc gặp gỡ này–“Giao ước và các hiệp ước giữa chủ nghĩa phổ quát và chủ nghĩa đặc thù”–rất gần gũi với tâm hồn tôi và là một trong những mối quan tâm chính hiện nay của Giáo hội. Thật vậy, ba giao ước mà anh chị em đang suy tư có liên quan mật thiết với những mối tương quan của Giáo hội với thế giới đương đại.
Giao ước với Noah tập trung vào mối tương quan giữa con người và thụ tạo. Giao ước với Abraham tập trung vào ba tôn giáo độc thần lớn có cùng nguồn gốc: niềm tin vào Thiên Chúa như một điều kiện của sự hiệp nhất và sinh hoa trái. Cuối cùng, giao ước Sinai liên quan đến hồng ân Lề Luật và việc tuyển chọn Israel làm khí cụ cứu độ cho mọi dân tộc.
Đây là những chủ đề xuyên suốt Cựu Ước và Tân Ước, với những căng thẳng và cải cách không ngừng dao động giữa tính phổ quát của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, không có ai bị loại trừ, và tính đặc thù của việc lựa chọn, được thống nhất bởi đặc tính hiệp nhất: tính không thể thay đổi của các hồng ân và lời kêu gọi của Thiên Chúa (Rm 11, 29), lời đề nghị hiệp thông liên lỉ và đa dạng của Ngài, như Thánh Gioan Phaolô II đã nói (x.Gặp gỡ với Cộng đồng Dothái, Mainz, ngày 17/11/1980, 3).
Giờ đây, chúng ta hãy suy tư một chút về tính thời sự của ba chủ đề này và, dưới ánh sáng của chúng, về giá trị công việc của anh chị em.
Như chúng ta đã nói, giao ước với Noah bao hàm một sự tham chiếu rõ ràng đến mối tương quan giữa con người và thụ tạo. Trong trình thuật về trận lụt (x.St 6, 9), qua sự công chính của Tổ Phụ, Thiên Chúa khôi phục lại niềm hy vọng và ơn cứu độ cho nhân loại–vốn bị tàn phá bởi hận thù và bạo lực. Sự công chính này tự nó có một chiều kích sinh thái không thể thiếu, trong việc “khôi phục và tôn trọng những nhịp điệu do bàn tay của Đấng Tạo Hóa khắc ghi trong thiên nhiên” (Thông điệp Laudato si', 71). Vì vậy, giao ước Noah chưa bao giờ thất bại về phía Thiên Chúa, tiếp tục thúc đẩy chúng ta sử dụng hợp lý và tỉnh táo các nguồn tài nguyên của hành tinh, đây là một mối quan tâm rất nghiêm trọng vào thời điểm này.
Chủ đề thứ hai có giao ước của Abraham có biểu tượng, chung cho ba tôn giáo độc thần lớn. Đây cũng là một hình ảnh hợp thời và có ý nghĩa quan trọng. Thật vậy, như Công đồng Vatican II dạy, trong thời điểm bị chấn động bởi tiếng vang của cái chết và chiến tranh, niềm tin chung vào một vị Thiên Chúa duy nhất mời gọi và khuyến khích chúng ta sống như anh chị em. Chính trong điều này, “được kêu gọi lãnh nhận thiên chức làm người và làm con Thiên Chúa, chúng ta có thể và phải cộng tác, không bạo động, không xảo trá để xây dựng một thế giới trong hòa bình đích thực” (Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 92).
Cuối cùng, chủ đề thứ ba là hồng ân luật pháp và việc tuyển chọn dân Israel. Đây cũng là điều quan trọng. Thật vậy, trong Kinh thánh, khi chống lại mọi cám dỗ của lối đọc riêng biệt, thì tính đặc thù của việc lựa chọn luôn phục vụ lợi ích phổ quát và không bao giờ rơi vào những hình thức tách biệt hay loại trừ. Thiên Chúa không bao giờ chọn ai đó để loại trừ người khác, nhưng luôn bao gồm tất cả mọi người. Sự tuyển chọn của Thiên Chúa luôn mang chiều kích xã hội và truyền giáo này. Đó là một lời cảnh báo quan trọng cho thời đại chúng ta, trong đó xu hướng chia rẽ ngày càng tăng là đào mương và dựng hàng rào giữa các cá nhân và giữa các dân tộc, gây phương hại đến sự hiệp nhất của nhân loại vốn đang đau khổ, và của chính Nhiệm Thể Đức Kitô, theo kế hoạch của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ này của anh chị em gợi lại một giá trị khác nữa mà tôi muốn nhấn mạnh: đó là cùng nhau làm việc phục vụ Lời. Thật vậy, đây là một phần trong nỗ lực hợp tác lớn hơn mà Hiệp hội Kinh thánh cống hiến lâu dài cho Giáo hội ở Ý. Là một trong những Hiệp hội Thần học đầu tiên ở đất nước này, và vẫn còn hiện diện ở nhiều giáo phận khác nhau, nhất là qua sự cổ vũ các Tuần lễ Kinh thánh của giáo phận, được hiệp hội hỗ trợ với sự cộng tác của Tông đồ Kinh thánh của Hội đồng Giám mục Ý. Tôi hy vọng rằng sự hiện diện này sẽ phát triển trên toàn lãnh thổ, tránh mọi hình thức chủ nghĩa ưu tú và loại trừ. Hiệp hội Kinh thánh cũng hợp tác với Học viện Kinh thánh Giáo hoàng, vào thời điểm quyết định đối với việc cải cách các trường Đại học Giáo hoàng, nơi mà việc liên minh giữa các tổ chức học thuật không phải lúc nào cũng dễ dàng. Dù thế, đối với nhiều thành viên của Hiệp hội, Học viện Kinh thánh Giáo hoàng luôn là “ngôi trường cũ” vốn nuôi dưỡng họ trong việc nghiên cứu và hoạt động tông đồ. Và điều này cho thấy một điển hình về sức mạnh tổng hợp mà điều cấp thiết là phải thúc đẩy ở Roma và ở những nơi khác, giữa các viện nghiên cứu khác nhau, nhất là để không gặp phải nguy cơ bị dập tắt không thể khắc phục được.
Các bạn thân mến, hãy tiến bước trong sứ mạng giúp dân Chúa nuôi dưỡng Lời Chúa, để Kinh Thánh ngày càng trở thành gia sản của tất cả mọi người: “Kinh Thánh là cuốn sách của dân Chúa, mà trong khi lắng nghe, người ta vượt qua được sự phân tán và chia rẽ để tiến tới sự hiệp nhất” (Tông sắc Aperuit illis, 4). Đây có phần là “sự năng động của Chúa”: Người sai đi và dường như phân tán, nhưng sau đó lại quy tụ lại trong sự hiệp nhất.
Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi! Xin cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: press.vatican.va
Nguồn: hdgmvietnam.com