ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
mười một năm nhìn lại
Ngày 13/3/2013, Đức hồng y Jorge Mario Bergoglio, Tổng giám mục Buenos Aires, Argentina, được bầu làm Giáo hoàng, lấy danh hiệu Phanxicô. Ngày 19/3/2013, lễ Thánh Giuse, tại quảng trường Đền thờ Thánh Phêrô, ngài cử hành Thánh lễ khai mạc triều đại giáo hoàng, và ngài coi đó là “sự trùng hợp nhiều ý nghĩa”. Mười một năm sau, đọc lại bài giảng của ngài trong Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô, tôi thấy bài giảng ấy tuy ngắn nhưng đã phác họa rõ ràng đường hướng mục vụ và phong cách mục tử của Đức giáo hoàng Phanxicô.
Khi nói về Thánh Giuse, Đức giáo hoàng Phanxicô tập trung vào vai trò của thánh nhân là custos, Đấng bảo trợ, hoặc nói đơn giản là người bảo vệ. Thánh Giuse đã bảo vệ Mẹ Maria và Chúa Giêsu, và ngài cũng bảo vệ Hội Thánh, Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Noi gương thánh Giuse, Đức giáo hoàng nói rằng các Kitô hữu có bổn phận bảo vệ Chúa Kitô trong tâm hồn và cuộc sống của mình, đồng thời bảo vệ con người là hình ảnh Thiên Chúa, và bảo vệ tạo thành là thế giới được Thiên Chúa dựng nên: “Chúng ta hãy bảo vệ Chúa Kitô trong đời sống của mình, để chúng ta có thể bảo vệ con người và bảo vệ tạo thành”.
Rõ ràng đây là đường hướng mục vụ của Đức giáo hoàng Phanxicô. Ngài quan tâm đến từng người và mọi người, nhất là trẻ em, người cao tuổi, người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội: “Giáo hoàng phải mở rộng vòng tay để bảo vệ Dân Chúa và trìu mến ôm lấy toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu nhất, ít quan trọng nhất, những người mà thánh Matthêu liệt kê trong cuộc chung thẩm của tình yêu: người đói, kẻ nghèo, người xa lạ, kẻ trần trụi, người đau yếu, kẻ tù tội (x.25, 31-46). Chỉ những ai phục vụ trong yêu thương mới có khả năng bảo vệ”. Bảo vệ con người còn là bảo vệ gia đình: vợ chồng chăm sóc nhau, chăm sóc con cái, con cái chăm sóc cha mẹ. Xa hơn nữa, bảo vệ con người cũng đòi hỏi xây đắp tình bằng hữu, đến với mọi người trong sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, được thể hiện rõ nét trong thông điệp Fratelli Tutti (2020).
Cùng với việc bảo vệ con người là bảo vệ tạo thành, “bảo vệ vẻ đẹp của thế giới thụ tạo như sách Sáng Thế đã dạy và như thánh Phanxicô Assisi cho thấy”. Đức giáo hoàng Phanxicô là vị Giáo hoàng nhấn mạnh đặc biệt đến việc chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại, được thể hiện trong thông điệp Laudato si (2015) và mới đây trong Tông huấn Laudate Deum (2023).
Cùng với định hướng mục vụ trên, bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Phêrô còn phác họa phong cách mục tử của Đức giáo hoàng Phanxicô. Trong bài giảng lễ, Đức giáo hoàng mô tả Thánh Giuse là con người vừa can đảm vừa dịu dàng. Can đảm khi phải đương đầu với thế lực sự dữ, đồng thời dịu dàng chăm sóc Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Hai đòi hỏi can đảm và dịu dàng dường như mâu thuẫn nhau, nhưng không phải thế bởi lẽ dịu dàng đúng nghĩa “không phải là nhân đức của kẻ yếu nhưng đúng hơn là dấu chỉ sức mạnh tinh thần và khả năng quan tâm, đồng cảm, mở ra với người khác, với tình yêu”.
Từ tấm gương của Thánh Giuse, Đức giáo hoàng nói về quyền bính để phục vụ: “Chúng ta đừng bao giờ quên rằng quyền lực đích thực là sự phục vụ, và Giáo hoàng cũng thế, khi thi hành quyền lực, phải ngày càng đi sâu hơn vào sự phục vụ mà cao điểm là Thập giá”. Trong thực tế, người ta gặp được hình ảnh Đức giáo hoàng gần gũi với mọi người, dịu dàng trong ứng xử, tuy nhiên ngài cũng rất cương quyết khi đưa ra những quyết định quan trọng.
Để thực hiện đường hướng mục vụ và thể hiện phong cách mục tử trên, Đức giáo hoàng Phanxicô phải đối diện với không ít khó khăn. Nếu Thánh Giuse ngày xưa phải đối diện với những đe dọa của vua Hêrôđê, thì Đức giáo hoàng cũng phải đối diện với “những Hêrôđê ngày nay đang gieo chết chóc, hủy diệt hoặc làm biến dạng hình ảnh con người”. Ngài cũng phải chịu đựng những hiểu lầm vì trong thế giới phân cực ngày nay, mỗi bên đều muốn lôi kéo ngài vào phe của mình trong thế đối đầu, trong khi ngài muốn tìm thiện ích chung, xây đắp hòa bình, chống nghèo đói và chiến tranh cũng như những hệ tư tưởng nguy hiểm.
Không chỉ những khó khăn từ bên ngoài, Đức giáo hoàng còn phải đối diện với biết bao khó khăn từ trong lòng Hội Thánh: từ những lầm lỗi của con cái, chẳng hạn chuyện giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, đến những bất đồng và chống đối về đường hướng mục vụ…
Dù khó khăn đến mấy, ngài vẫn cương quyết đi tới và nền tảng là niềm hi vọng như tổ phụ Abraham: “trông cậy dù không còn gì để hi vọng” (Rm 4, 18). Đó là niềm hi vọng không dựa trên những thống kê và thành quả nhân loại nhưng “được đặt nền trên đá tảng là Thiên Chúa”. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức giáo hoàng để trong mọi hoàn cảnh, Ngài có thể chu toàn sứ vụ Chúa Giêsu trao cho Thánh Phêrô và các đấng kế vị: “Hãy làm cho anh em con nên vững mạnh” (Lc 22, 32).
Nguồn: giaophanmytho.net