Tuần rồi, khi theo dõi tin tức Hội Thánh trên thế giới, tôi để ý đến hai bản tin. Bản tin thứ nhất là thư của ông Antony Blinken, ngoại trưởng Mỹ gửi các nhân viên ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới, yêu cầu không sử dụng những từ ngữ như “cha/mẹ, con trai/con gái, chồng/vợ” để tránh “thứ ngôn ngữ mang tính loại trừ, có hại”. (x. George Weigel, Gendered nonsense is dangerous nonsense, denvercatholic.org 05/3/2024).
Bản tin thứ hai là bài phát biểu của Đức giáo hoàng Phanxicô trong Hội nghị quốc tế với chủ đề Người nam-Người nữ là hình ảnh của Thiên Chúa: vì một nhân học về ơn gọi. Ngài nói: “Tôi muốn nhấn mạnh một điều. Hội nghị này rất quan trọng về người nam và người nữ, bởi vì nguy hiểm tệ hại nhất ngày nay là hệ tư tưởng về giới (gender ideology), hệ tư tưởng xóa nhòa những khác biệt và làm cho mọi sự giống như nhau; xóa nhòa những khác biệt là xóa nhòa nhân tính” (x.zenit.org 02/3/2024).
Thật vậy, nhân học Kitô giáo dựa trên mặc khải của Kinh Thánh, theo đó con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa; có thể xác và linh hồn; là nam và nữ, tuy tách biệt nhưng bổ túc cho nhau, hướng đến sự hiệp thông và sinh sản. Nền nhân học ấy là nền tảng cho đời sống và hoạt động của Hội Thánh trong việc phục vụ con người. Đang khi đó, hệ tư tưởng về giới lại xóa bỏ những khác biệt nam-nữ, từ đó cũng xóa bỏ gia đình vốn là tế bào nền tảng của đời sống xã hội và Hội Thánh. Hãy hình dung xem tác hại lớn ra sao! Sâu xa bên trong là – như Adam và Eva, người ta không chấp nhận thân phận thụ tạo nhưng muốn tự mình là Chúa của mình. George Weigel ví von rằng mầu nhiệm Ba Ngôi (Chúa Cha-Chúa Con-Chúa Thánh Thần) bị biến thành “Ba Ngôi là Tôi, Tôi, và Tôi” (the trinity of Me, Myself, and I)!
Mùa Chay được gọi là mùa chiến đấu thiêng liêng và chúng ta thường hiểu là chiến đấu chống lại những cám dỗ của ma quỷ về mặt luân lý, đạo đức. Tuy nhiên những sự kiện trên lại nhắc nhở chúng ta về một mặt khác của cuộc chiến: cuộc chiến về mặt tư tưởng, văn hóa.
Trong bài phát biểu nói trên, Đức giáo hoàng Phanxicô cũng nhắc đến tiểu thuyết Chúa tể thế giới (Lord of the World), “cuốn tiểu thuyết nói về tương lai và mang tính tiên tri vì cho thấy khuynh hướng xóa nhòa mọi khác biệt”, và ngài còn khuyến khích chúng ta đọc cuốn tiểu thuyết ấy.
Điều thú vị là tác giả cuốn tiểu thuyết trên là cha Robert Hugh Benson và cuộc đời ông cũng trải qua cuộc chiến quyết liệt về mặt tư tưởng. Ông xuất thân từ một gia đình giáo sĩ cao cấp nhất của Anh Giáo. Cha ông là Tổng giám mục Canterbury (Anh Giáo) và cũng chính người cha truyền chức linh mục cho ông. Tuy nhiên sau nhiều năm nghiên cứu và suy nghĩ, ông quyết định theo Công giáo, vì thế ông bị người thân trong gia đình cũng như nhiều người trong Giáo hội Anh giáo chỉ trích, chửi bới, lăng mạ. Nhưng ông chấp nhận chỉ để sống đúng với lương tâm và chân lý mà Chúa soi sáng cho ông. Lại chẳng phải là ví dụ cụ thể cho cuộc chiến thiêng liêng về tư tưởng, văn hóa hay sao?
Điều này cũng nhắc nhở những người có trách nhiệm mục tử không những phải vững vàng về Giáo lý Công giáo, mà còn phải nhạy bén với những biến đổi về văn hóa, tư tưởng của con người thời đại, để có thể phục vụ Tin Mừng cách hiệu quả hơn.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm