Triết gia Pháp Simone Weil có thể dạy chúng ta cầu nguyện như thế nào

https://i0.wp.com/phanxico.vn/wp-content/uploads/2024/11/Triet-gia-Phap-Simone-Weil-co-the-day-chung-ta-cau-nguyen-nhu-the-nao.jpg?resize=480%2C267&ssl=1Triết gia Pháp Simone Weil (1909-1943)

Triết gia Simone Weil vẫn ở “ngưỡng cửa của Giáo hội”, bà được biết đến là người có tư tưởng độc đáo, thần bí, chính trị, bám vào gốc rễ và đương đại. Trong một bài viết về “quan niệm kitô giáo về việc học tập”, bà nói một cách đáng ngưỡng mộ về việc cầu nguyện, thành quả của sự chú ý tập trung.

Học tập, cầu nguyện và chú tâm. Đó là ba quan điểm được triết gia Simone Weil kết hợp ở một trong những bài viết của tuyển tập được xuất bản năm 1950 có tựa đề Mong chờ Chúa (Attente de Dieu). Xuất phát từ các thư trao đổi trong năm 1942 với cha linh hướng, các chương này nói lên hành trình tâm linh của bà, của những người vẫn còn ở “ngưỡng cửa của Giáo hội”, trong đó có bài “Suy ngẫm về ứng dụng tốt trong việc học ở trường với quan điểm yêu mến Thiên Chúa”. Cùng nhau suy nghĩ về việc học tập và sự chú ý, nghe có vẻ bình thường nhưng đây cũng là lời cầu nguyện. Triết gia đã nói gì về mối quan hệ với Thiên Chúa?

Theo bà, mối quan tâm chính của việc học là phát triển sự chú ý qua các bài tập ở trường: “Phẩm chất của chú ý phần lớn là phẩm chất của lời cầu nguyện, đó là chú tâm hướng về Chúa”. Vì vậy, lời cầu nguyện có mối quan tâm giống như sự quan tâm của trí thông minh, không quan tâm nhiều đến kết quả đạt được nhưng quan tâm ở cố gắng để có được kết quả. Với bà, học tập cũng như cầu nguyện: “Nếu vào cuối giờ chúng ta không tiến bộ hơn lúc bắt đầu, thì từng giây phút đi qua, chúng ta vẫn tiến bộ trong từng giây phút theo một chiều kích huyền bí khác”. Bà lấy gương của Thánh Gioan Vianê, ngài bị khó khăn khi học tiếng la-tinh: “Những cố gắng tưởng vô ích này đã mang lại kết quả nhờ sự phân định sáng suốt”.

 Một hành vi khiêm nhường

Ngoài việc không bao giờ chắc chắn về kết quả lời cầu nguyện của mình, ai muốn cầu nguyện, thì đầu tiên hết họ phải cầu nguyện, trước khi chắc chắn về giá trị của việc chiêm niệm này. Vì thế triết gia nói về “kiến thức hữu ích cho sự tiến bộ tâm linh, nếu chúng ta không chấp nhận cầu nguyện như một quy tắc ứng xử trước khi xác minh, nếu chúng ta không gắn bó với cầu nguyện trong một thời gian dài qua đức tin…thì chúng ta đừng bao giờ nghĩ chúng là những điều chắc chắn”. Đức tin, một hành vi tin tưởng, cần thiết cho bất kỳ mối quan hệ thầm lặng nào với Thiên Chúa, vốn vô hình về bản chất. Nhưng dù là ước muốn, nó cũng phải được trí thông minh dẫn dắt trong niềm vui và với niềm vui, để dẫn đến việc cầu nguyện “vì ước muốn hướng về Thiên Chúa là sức mạnh duy nhất có thể làm tâm hồn mềm lòng”. Chỉ có ý chí, nhưng không được học tốt, cũng không thể dẫn đến Thiên Chúa.

Vì cầu nguyện là hành vi khiêm tốn, từ đó nảy sinh ý thức về lòng thương xót của Chúa Cha và sự cần thiết cần sự giúp đỡ của Ngài. Triết gia Simone Weil nói: “Đứng trước sự thiếu học tập, chúng ta cảm thấy mình tầm thường, không có kiến thức như mình mong muốn.” Nhận hơn là cho, đó là bí mật tối thượng: “Những điều quý giá nhất không thể đi tìm, mà nên mong chờ”.

fr.aleteia.org, Valdemar de Vaux, 2024-11-03

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn

 

bài liên quan mới nhất

Chúa Nhật III Mùa Vọng, năm C: Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng