Tổng Giám Mục Tokyo: Xóa bỏ vũ khí hạt nhân để có hòa bình lâu dài

Đức tân Hồng Y Tarcisius Isao Kikuchi, Tổng Giám Mục của Tokyo, Nhật Bản kêu gọi chính phủ đi đầu trong trong việc phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.

Nhật Bản đang trải qua giai đoạn bất ổn chính trị. Trong cuộc bầu cử vào Chúa nhật ngày 27/10, liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ Tự do và đảng Công Minh đã mất ghế đa số trong quốc hội, điều chưa xảy ra từ 16 năm qua. Theo các nhà phân tích, nền kinh tế Nhật Bản, vốn thường ổn định mạnh mẽ, hiện đang bước vào thời kỳ bất ổn.

Trước sự thay đổi này, trong một tuyên bố, Đức tân Hồng Y Kikuchi chỉ ra một số điểm cố định mà theo ngài phải hướng dẫn chính sách của cơ quan hành pháp Nhật Bản, bất kể đảng nắm quyền hay nhà lãnh đạo nào. Ngài nói: “Dù thế nào đi nữa, chính phủ Nhật Bản phải là chính phủ đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân”.

Tổng Giám Mục Tokyo hy vọng chính phủ Nhật Bản có thể hướng dẫn cuộc thảo luận về cách tạo niềm tin giữa các quốc gia để bãi bỏ vũ khí nguyên tử, lấy cảm hứng từ việc trao giải thưởng hòa bình gần đây cho tổ chức Nihon Hidankyo, tổ chức tập hợp những người sống sót ở Hiroshima và Nagasaki đang đấu tranh để tạo ra một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Về phần Giáo hội, Đức Hồng Y cho biết Giáo hội tích cực yêu cầu bãi bỏ vũ khí hạt nhân, và cùng nhau cầu nguyện cho hoà bình. Hàng năm vào tháng 8, các tín hữu được mời gọi cầu nguyện cho hoà bình trong mười ngày.

Ngài cho biết khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử tới Hiroshima vào năm 1981, ngài đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về hòa bình. Các Giám mục Nhật Bản đã được khích lệ bởi thông điệp này của ngài và do đó đã thiết lập mười ngày cầu nguyện cho hòa bình.  Sau đó, vào năm 2019, cũng trong cuộc viếng thăm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác nhận và canh tân cách tiếp cận này. Ngài yêu cầu “không bao giờ xảy ra chiến tranh nữa, không bao giờ có tiếng gầm rú của vũ khí, không bao giờ có quá nhiều đau khổ nữa” và khi đến Hiroshima và Nagasaki, ngài nhắc lại rằng “việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh và thậm chí việc sở hữu nó là vô đạo đức”.

Đức Hồng Y kết luận: “Giáo hội tại Nhật Bản sẽ tiếp tục làm việc cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí đang tìm kiếm hòa bình, để mời gọi các lãnh đạo thế giới từ bỏ vũ khí hạt nhân và như thế thiết lập nền hòa bình lâu dài”.

Nguồn: vaticannews.va

bài liên quan mới nhất

Chúa Nhật III Mùa Vọng, năm C: Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng