Thứ Tư Tuần 32 Thường Niên, Cung hiến Thánh Đường Latêrano

THỨ TƯ TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ. Lễ kính.

"Người có ý nói đền thờ là thân thể Người".

* Thánh đường Latêranô là vương cung thánh đường của Đức Giáo Hoàng. Thánh đường này được hoàng đế Contantinô xây dựng năm 320. Vì thế, đây là thánh đường đầu tiên và danh dự, được mệnh danh “là đầu và là mẹ của mọi thánh đường”.

Ngày lễ này nhắc ta nhớ rằng thừa tác vụ của Đức Giáo Hoàng, người kế vị thánh Phêrô, là nguyên nhân và nền tảng hữu hình cho sự hiệp nhất trong Dân Thiên Chúa.

Lời Chúa: Ga 2, 13-22

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán".

Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".

Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ

(Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

Thánh đường là nơi qui tụ dân Chúa, là nơi các tín hữu tới cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Thánh đường là nơi Chúa ngự, là nơi Mình Máu Thánh Chúa luôn hiện diện, là nơi dân Chúa lãnh nhận muôn vàn ơn huệ, muôn vàn hồng ân của Chúa.

Đền Thờ Latêranô

Đền thờ Latêranô là nhà thờ chánh toà của Đức Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha với tư cách là Giám Mục Roma, cũng đặt ngai tòa của mình tại nhà thờ chánh tòa. Đền thờ này được xây dựng vào năm 320 khi Giáo Hội Chúa Kitô, tượng trưng cho Tòa Thánh Roma vừa thoát qua khỏi một thời kỳ cấm cách, bắt bớ khủng khiếp. Đền thờ này do công của Hoàng đế Constantinô xây dựng để tôn vinh danh Chúa và để dân Chúa có nơi tụ tập, đọc kinh cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Đền thờ này đã được cung hiến vào khoảng thời gian nói trên.Lịch sử thuật lại rằng khi hoàn tất ngôi thánh đường này, nhiều đoàn người khắp trong thành phố Roma đã tuôn đến để dự lễ khánh thành và hiệp ý trong nghi lễ cung hiến ngôi thánh đường dùng đặt ngai tòa của Đức giáo hoàng, với tư cách là Giám Mục Roma. Ngôi đền thờ Latêranô đã trải qua biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu thăng trầm của đạo giáo, biết bao nhiêu thử thách, khó khăn của các thời Hoàng đế Roma trị vì. Biết bao nhiêu người đã tới thánh đường Latêranô để xin rửa tội, gia nhập dân thánh Chúa trong những đêm phục sinh và mừng lễ vượt qua tại đây.

Đền Thờ Latêranô Ngày Nay

Ngày nay, đền thờ Latêranô vẫn vút cao, vẫn đứng sững như muốn nói với mọi người Thiên Chúa luôn yêu thương dân người. Ngày nay, vẫn có đoàn đoàn lớp người tới dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Hàng năm, ngày thứ năm tuần thánh Đức Thánh Cha vẫn tới cử hành lễ với hàng linh mục Roma, với các Hồng y, Giám mục và Ngài diễn tả lại hành động, cử chỉ của Chúa Giêsu xưa nơi nhà tiệc ly là rửa chân cho các tông đồ.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết kính yêu Đức Giáo Hoàng, cầu nguyện cho Ngài và cho Giáo Hội luôn trung tín với sứ mạng rao giảng Tin Mừng.

ĐỀN THỜ TÂM HỒN

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Mohandas Karamchand Gandhi là anh hùng dân tộc Ấn Độ, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân của đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của người dân trong đấu tranh bất bạo động.

Du học ở Anh và sau đó về Ấn Độ, Gandhi làm luật sư, tiếp đó làm việc tại Nam Phi - thuộc địa của nước Anh. Nam Phi nổi tiếng về phân biệt chủng tộc. Ở Nam Phi, Gandhi có dịp đọc Kinh Thánh của Kitô giáo, lập tức giáo huấn của Đức Giêsu cuốn hút ông, nhất là tám mối phúc thật. Ông rất tâm đắc trước Lời Chúa dạy về một tình yêu phổ quát và bình đẳng giữa mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị cao thấp, Do Thái hay lương dân...

Quyết định học đạo, Gandhi đến một nhà thờ để mong được chứng kiến lễ nghi trong đạo và cũng để tìm hiểu thêm về giáo lý Kitô giáo.

Tuy nhiên, khi ông bước đến cửa nhà thờ, thật là bất ngờ khi người giữ cửa trả lời: “Đây là nhà thờ dành riêng cho người da trắng. Nếu anh muốn tìm hiểu đạo, thì hãy tìm đến nhà thờ khác dành riêng cho dân da màu mà xin”. Gandhi rất sốc, tức giận, bỏ về nhà và không theo đạo Kitô.

Suy niệm

Lễ Vượt qua và các dịp lễ quan trọng của dân Do Thái. Người trưởng thành, sống trong vòng hai mươi lăm cây số chung quanh Giêrusalem phải đến đền thờ dự lễ. Không chỉ người lân cận trong vùng, mà mọi dân Do Thái khắp thế giới có điều kiện cùng trở về đền thánh.

Người hành hương đến đền thờ thường dâng lễ vật như bò, chiên, chim câu..., chúng ta thấy gia đình Chúa Giêsu cũng dâng lễ vật khi dâng Chúa vào đền thánh (x. Lc 2,24). Cho nên, ở đền thánh có người bán bò, chiên, bồ câu để phục vụ cho việc lễ tế của người Do Thái. Người ta phải đổi tiền Rôma sang tiền Do Thái để nộp thuế đền thờ mà mỗi người Do Thái từ 19 tuổi trở lên phải nộp nửa đồng bạc Do Thái (x. Mt 17,27). Một số người khác đổi tiền để tự nguyện dâng cúng cho đền thờ (x. Lc 21,1-2).

Với sự hiện diện của thú vật, đền thờ là nơi thánh bị ô uế và những người đổi tiền đã làm tục hóa sự thánh thiêng của đền thờ. Cho nên, Đức Giêsu đã lên tiếng: “Đừng biến nhà Cha ta thành một cái chợ” (Ga 2,16), và Ngài đã đánh đuổi phường buôn bán cùng với các loài thú vật ra khỏi đền thờ, để trả lại sự thánh thiêng của nơi thờ phượng Thiên Chúa.

Chính trong khi thanh tẩy đền thờ - một đền thờ được xây dựng bằng đá cho việc tôn thờ Thiên Chúa, Chúa Giêsu hé mở cho nhân loại biết một sự tôn thờ mới được hình thành nơi thân thể Ngài: “Cứ phá hủy đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Đức Giêsu nói đến cái chết và sự phục sinh của Ngài. Thân thể được phục sinh sẽ là đền thờ mới, nơi nhân loại thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực như văn sĩ Tertullianô khẳng định: “Đức Kitô là đền thờ thật của Thiên Chúa, đền thờ mở cho tất cả, nơi Thiên Chúa đón nhận sự thờ kính thật sự”. Cho nên, việc tôn thờ Thiên Chúa từ nay không chỉ trong đền thánh Giêrusalem lộng lẫy bằng đá với các trang trí vàng ròng, nhưng việc thờ phượng dựa trên căn bản trong chính Ngài: “Là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), với thân thể phục sinh của Ngài. Cách thờ phượng trong chính sự thật, được Ngài mạc khải cho nhân loại khi hé mở cho phụ nữ Samaria (x. Ga 4,21.23).

Tham dự vào mầu nhiệm sự chết, phục sinh của Đức Kitô, chúng ta tin và làm vào những gì Ngài dạy. Người Kitô hữu trở nên đền thờ của Thiên Chúa như thánh Phaolô viết: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?.Vì đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,16-17).

Khi thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu truyền lệnh: “Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây!”, lời đó trực tiếp nói với tôi với bạn, với tất cả mọi tín hữu tin vào Chúa Kitô - đền thờ mới của Thiên Chúa, vốn thường xuyên bị tục hóa, ô uế do chính tội lỗi, cần được thanh tẩy. Thật thế, cần cố gắng thanh tẩy không ngừng, bằng tâm tình sám hối và dấn thân bác ái, đặc biệt trong Mùa Chay, để đền thờ tâm hồn người tín hữu luôn là nơi Thiên Chúa ngự …

Ý lực sống

“Thân xác là đền thờ Thiên Chúa” (1Cr 6,19), “xin Ngài thanh tẩy” (Tv 50,4).

LATÊRANÔ VÀ NHỮNG NGÔI ĐỀN THỜ

(Lm. Vũ Xuân Hạnh)

Kể từ sau khi Chúa Giêsu về trời, với việc các thánh tông đồ nói riêng, các Kitô hữu đầu tiên nói chung, ra đi truyền bá Tin Mừng, Hội Thánh bắt đầu hiện diện giữa lòng thế giới. Thay vì đón nhận sự hiện diện ấy, chính quyền đế quốc Rôma bắt đầu nghi kỵ và ác cảm. Gần 300 năm (từ những năm cuối thập niên 50 trải dài đến những năm 310), cuộc bắt đạo lần lượt qua mười triều đại hoàng đế (khởi đi từ Nero đến Diokletian). Thế nhưng, suốt 300 năm ròng rã phải sống chui nhủi trong những hang toại đạo, những hốc đá, rừng rậm… như một thứ “Hội Thánh hầm trú”, vậy mà không một sức mạnh của bạo quyền nào có thể đè bẹp đức tin, tưởng chừng quá non nớt, quá mới mẽ của các Kitô hữu tiên khởi.

Đức tin có sức mạnh riêng, có lý lẽ riêng, có sự sống riêng của nó. Sức mạnh, lý lẽ, cũng như sự sống riêng ấy là một khối tinh thần. Khối tinh thần ấy không thuộc về lý trí, hay trí tuệ, nhưng thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng, một huyền nhiệm của trời cao (chứ không phải của con người). Đã là sức mạnh của cả một khối tinh thần thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng, làm gì có bất cứ một sức mạnh nào khác có thể vượt qua!

Ngay từ khởi đầu của Hội Thánh, một đức tin xem ra chẳng đáng kể gì về bề dày thời gian, đã có thể lướt thắng mọi trở ngại. Bởi thế, mãi cho đến hôm nay, đức tin ấy, một khối tinh thần thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng ấy, đã được tinh luyện hàng ngàn năm, chắc chắn không dễ gì lay chuyển. Lịch sử vẫn còn đó, như dấu tích, như bằng chứng, hơn nữa như bài học xác đáng cho con người thời đại…

Sau một thời gian quá dài, không sao đổi dời lòng tin của các Kitô hữu, đến năm 313, hoàng đế Constantin ký sắc lệnh Milan công nhận Kitô giáo là một tôn giáo hợp pháp trên đế quốc Lamã. Sau thời gian đó, hoàng đế tiếp tục thực hiện một nghĩa cử đáng trân trọng: Ông trao tặng Đức Thánh Cha Miltiad một cung điện lộng lẫy nằm trên đồi Coelius: cung điện Latêranô ngày nay. Một thời gian không lâu sau đó, Đức Thánh Cha đã cho xây bên cạnh cung điện này một Đại Thánh đường, đó là Đại Thánh đường Latêranô. Và ngày 9. 1. 324, Đức Sylvester đã long trọng cung hiến Đại Thánh đường này.

Ngay từ đầu, Thánh Đường Latêranô được dâng kính Đấng Cứu Thế, với tước hiệu Vương Cung Thánh đường Chúa Cứu Thế. Thế kỷ XII, nó cũng được dâng kính thánh Gioan Baotixita và thánh Gioan tông đồ. Đại thánh đường Latêranô được xem là “Mẹ và là Đầu của mọi nhà thờ trên thế giới”. Sở dĩ nhà thờ này có một chỗ đứng quan trọng trong Giáo Hội như thế là vì bốn lý do:

- Đây là ngôi thánh đường đầu tiên được công nhận trong đế quốc.

- Đây là nhà thờ đầu tiên trước mọi nhà thờ trong Giáo Hội. Một ngôi nhà thờ mang nhiều ý nghĩa lịch sử: Trong thời gian bị bắt đạo, Hội Thánh không thể xây một ngôi thánh đường nào. Các thánh lễ và các buổi tụ tập cầu nguyện đều lén lút tổ chức trong các nhà tư, trong các hang toại đạo, trên mộ các thánh Tử Đạo. Sau khi được chính quyền công nhận, các tín hữu, từ chỗ lén lút bước vào xã hội công khai, Đại Thánh đường đầu tiên này là nơi duy nhất và sang trọng nhất, để  họ dâng kính Thiên Chúa việc thờ tự của mình.

- Đây là Vương Cung Thánh đường của giáo phận Rôma, có ngai tòa của Giáo hoàng.

- Hội Thánh chính là đền thờ của Thiên Chúa, mỗi Kitô hữu như những viên gạch sống động đắp xây ngôi Đền Thờ Hội Thánh. Vì ý nghĩa lịch sử lớn lao và có cả một bề dày hiện diện giữa lòng Hội Thánh, Đại Vương Cung Thánh đường Latêranô là ngôi Đền Thờ được Hội Thánh chấp nhận như một biểu trưng cho một ngôi Đền Thờ to lớn là chính Hội Thánh, nơi mà Thiên Chúa trao tặng hết tình yêu của Người và ưa thích ngự vào.

Ngoài chính bản thân ngôi Đền thờ Latêranô là Đại Thánh đường cổ xưa nhất, nơi đây còn có giếng rửa tội lâu đời nhất của Rôma. Tại giếng rửa tội này, hàng ngàn tân tòng đã đến đây lãnh phép rửa tội, nhất là trong các đêm vọng Phục Sinh. Cung điện Latêranô còn là nơi hội họp của 250 Công Đồng, trong đó có bốn Công Đồng chung. Các Đức  Giáo hoàng đã cư ngụ tại đây trong hơn 1.000 năm, mãi cho đến thế kỷ XIV, Đức Nicôlas V mới dời Giáo Đô về Vatican, cạnh đền thờ thánh Phêrô.

Qua các trận hỏa hoạn, động đất và càn quét của man dân, của Đức, của Pháp… Đền thờ Latêranô phải tái thiết lại nhiều lần. Ngày 28. 4. 1726, sau một công trình tái thiết lớn, Đức Thánh Cha Bênêditô XIII đã thánh hiến lại và công nhận ngày 9. 11 hàng năm làm ngày lễ tưởng niệm cung hiến Đại Thánh đường Latêranô.

Nhưng trong thánh lễ kỷ niệm cung hiến Đền Thờ Latêranô hôm nay, Hội Thánh không dừng lại ở việc tưởng niệm một lịch sử đã qua đi từ lâu. Nhưng qua việc tưởng niệm này, Hội Thánh muốn chúng ta hướng tới sự tôn thờ một Ngôi Đền Thờ sang trọng, lớn lao, chất chứa mọi ngôi đền thờ, và vượt trên mọi ngôi đền thờ, và mọi ngôi đền thờ dù theo nghĩa hiện thực hoặc tinh thần, đều chỉ tìm thấy ý nghĩa của mình nơi Ngôi Đền Thờ ấy. Đó chính là Ngôi Đền Thờ mang tên Giêsu Kitô. Vì chỉ có Chúa Kitô mới là Đền Thờ đích thực như chính Người đã ám chỉ về mình trong bài Tin Mừng của lễ Cung Hiến Đền Thờ Latêranô: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi. Nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại”. Và lời này được thánh Gioan Tông đồ giải thích ở cuối bài Tin Mừng: “Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người”.

Mừng lễ cung hiến Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi nhà thờ vật chất, ta hướng về Ngôi Đền Thờ Rất Thánh là Chúa Kitô, để nhận ra Người cũng chính là Ngôi Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi đền thờ khác là chúng ta. Ngôi Đền Thờ Mẹ rất Thánh ấy đã chấp nhận “hủy mình ra không”. Và chấp nhận được “phá hủy” như thế, để nên nguồn lợi lớn lao cho mỗi ngôi đền thờ con của Ngôi Đền Thờ Mẹ, là chính chúng ta: Người mang ơn cứu độ, mang lại sự sống trường cửu cho ta.

Hiểu được ý nghĩa của bài học về sự tự hiến nơi Chúa Giêsu như thế, đến lượt mình, bạn và tôi cũng hãy là những người biết dùng tất cả tài năng, sức lực, sự khôn ngoan để chung tay xây dựng cuộc đời, xây dựng Hội Thánh. Nếu một ngôi đền thờ vật chất bị phá hủy, nó chỉ trơ lại một đống đổ nát. Nhưng nếu một ngôi đền thờ là chính mỗi con người biết “phá hủy” và chấp nhận để cuộc đời “phá hủy” mình, nghĩa là biết chấp nhận tự hiến, ngôi đền thờ ấy sẽ sinh ra không biết bao nhiêu lợi ích cho chính mình và cho muôn người.

Lạy Chúa, Chúa đã chọn chúng con như những ngôi đền thờ sống động, để cùng nhau xây nên một ngôi đền thánh vinh hiển là Hội Thánh của Chúa. Xin cho chúng con biết cho đi chính bản thân để phụng sự Chúa và phục vụ con người. Chỉ có cho đi trong tinh thần tự hủy, chúng con mới có thể làm rạng danh Chúa và xứng đáng là những ngôi đền thờ có Chúa ngự. Hay nói cho đúng, chỉ khi nào có Chúa ngự, con người chúng con mới xứng đáng gọi là đền thờ.

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Năm tuần IV Phục Sinh: “Nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng