Thứ Sáu Tuần 33 Thường Niên

THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

"Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp".

Lời Chúa: Lc 19, 45-48

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: "Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp". Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.

THANH TẨY ĐỀN THỜ

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đối với dân Do thái đền thờ là trái tim của vương quốc, của đạo giáo và của từng người. Đền thờ đã được xây dựng thật huy hoàng tráng lệ. Xứng đáng với niềm tự hào của đất nước và của tấm lòng con dân. Đền thờ bị xúc phạm khi quân vô đạo vào chà đạp lên nơi thánh. Khi tượng thần chễm chệ trên bàn thờ. Khi các đồ dùng thờ phượng bị đem ra làm trò tiêu khiển. Đau đớn biết bao. Nhục nhã biết bao. Nên khi chiếm lại được đền thờ, Giu-đa Ma-ca-bê đã tổ chức thanh tẩy đến thờ. Và cung hiến thật long trọng để đền bù lại thời gian đau khổ nhục nhã tội lỗi đã qua. Ông trang hoàng đền thờ bằng những gì quý giá nhất. Cử hành những lễ nghi long trọng nhất. Kéo dài thời gian trong tám ngày. Tuy nhiên tất cả vẫn còn là bề ngoài. Bị ô uế từ bên ngoài. Thanh tẩy bên ngoài (năm lẻ).

Chúa Giê-su cũng làm một cuộc thanh tẩy đền thờ. Nhưng với một tâm tình khác. Vì đền thờ không bị ngoại bang làm ô uế. Mà bị chính các tư tế làm ô uế. Sự ô uế này khó thấy. Vì nó xuất phát từ tâm tình bên trong. Thói thực dụng. Và thói ham tiền. Và nhất là thói lợi dụng tôn giáo. Nhân danh Chúa để thủ lợi riêng. Đó là thói tục hoá trầm trọng nhất. Tôn thờ chính mình. Biến Thiên Chúa thành phương tiện. Tôn giáo thành dụng cụ. Nên Chúa Giê-su giận dữ như chưa bao giờ thấy. Và để sửa chữa, Chúa giảng dậy nhiều ngày trong đền thờ. Để ta biết tôn giáo đích thực là hiểu biết thánh ý Chúa. Thực hành Lời Chúa. Là tôn thờ Chúa trong tinh thần và chân lý. Chứ không phải những lễ vật hương khói nghi ngút. Để thi hành thánh ý Thiên Chúa. Người ta phải từ bỏ ý riêng. Từ bỏ thú tính. Đó là điều Tin mừng Gio-an đề cập khi Chúa nói đền thờ là thân thể Người. Và Người trải qua cuộc thanh tẩy bằng cái chết theo ý Chúa Cha.

Cuộc thanh tẩy tiếp diễn trong suốt cuộc đời. Vì con người nhơ nhuốc luôn cần thanh tẩy. Để biết làm theo ý Chúa. Từ bỏ ý riêng. Vì thế Gio-an đã được ban quyển sách Lời Chúa. Ông phải nuốt vào. Phải lắng nghe. Phải nhập tâm. Phải thực hành. Thực hành ý Chúa đòi từ bỏ ý riêng. Vì thế Lời Chúa gây nên cay đắng trong lòng. Từ bỏ ý riêng là một cuộc chiến đấu. Nhưng khi đã hoàn toàn thuận theo ý Chúa. Lời Chúa trở thành ngọt ngào không gì so sánh được. Trở thành niềm vui. Trở thành hi vọng. Trở thành lẽ sống. Đó là điều cần phải loan truyền cho muôn dân được biết (năm chẵn).

THANH TẨY ĐỀN THỜ CHO XỨNG ĐÁNG

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Mỗi khi nhìn thấy hay nhắc tới nhà thờ, trong cảm thức, chúng ta luôn hiểu rằng: nhà thờ là biểu tượng của Giáo Hội. Nơi nhà thờ, chúng ta sẽ dễ dàng gặp Chúa và gặp nhau. Nhà thờ là điểm hội tụ mọi thành phần dân Chúa để tôn thờ Thiên Chúa và chia sẻ bác ái với nhau.

Tuy nhiên, dù nhà thờ vật chất có to lớn, tráng lệ thế nào đi chăng nữa, nếu nó không được xử dụng đúng mục đích là tôn thờ Thiên Chúa và xây dựng tình huynh đệ giữa con người với nhau... thì nhà thờ ấy vô nghĩa!

Hôm nay, Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu đã nổi nóng và đánh đuổi con buôn ra khỏi đền thờ, vì họ đã xử dụng sai mục đích của nơi thờ phượng. Vì thế, Đức Giêsu đã nói: "Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn trộm cắp".

Khi đánh đuổi con buôn ra khỏi đền thờ, Đức Giêsu đã thánh hiến đền thờ và trả lại cho nó ý nghĩa nguyên tuyền là nơi để thờ phượng Thiên Chúa chứ không phải là chốn trục lợi, kinh doanh, trao đổi, buôn bán...

Từ hình ảnh cao quý của đền thờ vật chất, chúng ta khám phá ra ý nghĩa cao trọng của đền thờ tâm hồn. Mỗi người đều là đền thờ tâm hồn cho Thiên Chúa ngự. Đền thờ ấy, không được để cho tính tự kiêu, tự phụ, ích kỷ, bất nhân, dửng dưng, vô cảm ngự trị, vì chúng không thuộc về đặc tính của Thiên Chúa và không phải lựa chọn của chúng ta. Đền thờ tâm hồn chúng ta sẽ có giá trị và xứng đáng để được Chúa ngự vào khi chúng ta tin Chúa tuyệt đối, sống yêu thương, bác ái với người nghèo, cư xử thắm đượm tình huynh đệ với anh chị em... Nếu chúng ta đi ngược lại những điều trên, hẳn ta sẽ dễ rơi vào tình trạng tôn kính Thiên Chúa trên môi trên miệng, còn tâm hồn thì xa Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, ngày chúng con lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, mỗi người chúng con chính là đền thờ cho Thiên Chúa ngự. Tuy nhiên, nhiều khi chúng con đã biến đền thờ tâm hồn chúng con trở nên nhơ bẩn, ô uế do những ích kỷ, hình thức bên ngoài. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết quý trọng và yêu mến đền thờ tâm hồn, để xứng đáng làm nơi Chúa ngự. Amen.

NƠI GẶP GỠ CHÚA

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ðền thờ Giêrusalem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân Do thái. Ngay từ lúc được vua Salomon xây cất khoảng năm 950 (Trước Công Nguyên), đền thờ Giêrusalem đối với người Do thái luôn đóng vai trò quan trọng vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel. Chính vì thế, sau khi tiến vào Giêrusalem, Chúa Giêsu vào Ðền Thờ và theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, Ngài thực hiện việc thanh tẩy Ðền thờ, xua đuổi những người lạm dụng Ðền thờ, rồi bắt đầu giảng dạy ở đó.

Ðền thờ là nơi cầu nguyện, nhưng đã bị trần tục hóa, bị con người biến thành hang trộm cướp, nơi lường gạt nhau; đây là một sự xuống dốc tinh thần không thể nào chấp nhận được. Trong biến cố đuổi con buôn ra khỏi Ðền thờ, tác giả Luca xem ra nhấn mạnh đến khía cạnh Chúa Giêsu hằng ngày đến giảng dạy tại Ðền thờ và có nhiều người chăm chú lắng nghe Ngài. Như thế, Luca nhấn mạnh đến dung mạo trung tâm của Chúa Giêsu tại Ðền thờ thay thế các luật sĩ và tư tế; giai đoạn mới đã đến, đó là giai đoạn mà theo trình thuật Gioan, Chúa Giêsu đã loan báo cho người phụ nữ Samari nơi bờ giếng Giacob: "Ðã đến lúc những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những kẻ thờ phượng Người như thế". Sự thật đó được mạc khải nơi Chúa Giêsu, và thần khí đó là thần khí của Chúa Giêsu được ban xuống tràn đầy cho các môn đệ.

Qua cử chỉ thanh tầy Ðền thờ khỏi sự lạm dụng của những người Do thái thời đó và hằng ngày giảng dạy tại Ðền thờ, Chúa Giêsu nói lên cho mọi người biết giai đoạn mới đã bắt đầu: Ðền thờ xét như một tòa nhà, bàn thờ, những lễ vật có giá trị, nhưng tự chúng chưa đủ, cần phải có một yếu tố quan trọng khác nữa để hoàn thành việc thờ phượng Thiên Chúa hằng sống, đó là đức tin cá nhân của người đến Ðền thờ dâng lễ vật và đức tin của cộng đoàn cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa. Nếu đến Ðền thờ mà không có đức tin và không sẵn lòng lắng nghe Lời Chúa, thì con người sẽ dễ lạm dụng và bị lôi kéo theo sự lạm dụng của người khác.

Những gì xẩy ra cho dân Do thái ngày xưa cũng có thể xẩy đến cho các môn đệ của Chúa trong hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta có thể tự vấn: Ðền thờ có là nơi cầu nguyện, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và củng cố đức tin, hay đã bị lôi cuốn vào cám dỗ của tinh thần thế tục?

bài liên quan mới nhất

Ngày 20/4: Thánh Anê Môntepuxiano (1268-1317)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng