Thứ Sáu Tuần 32 Thường Niên, Thánh Matinô Giám Mục

THỨ SÁU TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

Thánh Máctinô, giám mục. Lễ nhớ.

"Cũng xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện".

* Thánh nhân sinh khoảng năm 316 trong một gia đình ngoại giáo. Người lãnh nhận bí tích thánh tẩy, sau đó bỏ binh nghiệp. Trước tiên, người làm đồ đệ của thánh Hilariô, lập đan viện Liguygê, nước Pháp. Rồi khi được đặt làm giám mục giáo phận Tua (372), người thành lập nhóm đan sĩ truyền giáo. Cùng với họ, người đi giảng Tin Mừng ở các vùng quê thuộc miền Turen và các vùng phụ cận. Người qua đời năm 397.

Lời Chúa: Lc 17, 26-37

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người.

"Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện.

"Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó.

"Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Hai phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại. Hai người ở ngoài đồng, thì một người bị đem đi, và người kia được để lại".

Các môn đệ thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, chuyện đó ở đâu vậy?" Người phán bảo các ông: "Xác ở đâu thì diều hâu tựu lại đó".

CAO HƠN, XA HƠN, MẠNH HƠN

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Cùng thân phận. Cùng điều kiện. Cùng cảnh ngộ. Nhưng kết cục khác nhau. Hai người cùng nằm trên một giường. Hai phụ nữ cùng xay một cối bột. Hai người đàn ông cùng cày cuốc trên ruộng. Nhưng một người được đem đi. Người kia bị bỏ lại. Tại sao? Thưa hơn kém nhau do tầm nhìn cao hơn, xa hơn và do sức lực mạnh hơn.

Bà Lót có tầm nhìn thấp. Nhìn xuống thấp để luyến tiếc của cải đã bị thiêu rụi. Nhìn xuống thấp nên hành động theo xác thịt. Ông No-e có tầm nhìn cao. Nhìn lên Thiên Chúa. Làm theo ý Chúa.

Bà Lót có tầm nhìn gần. Nhìn những gì đã qua. Nhìn những gì trước mắt. Ông No-e, trái lại. Bỏ qua hiện tại để nhắm đến tương lai. Không nhìn bằng đôi mắt phàm trần những gì của trần gian. Nhưng nhìn bằng ánh mắt Thiên Chúa để thấy xa hơn những gì con người phàm tục có thể thấy.

Bà Lót thật yếu đuối. Không thoát khỏi trần gian và dục vọng. Ông No-e thật mạnh mẽ. Nên chiến thắng cả một thế hệ. Để đi vào thánh ý Thiên Chúa. Vì thế bà Lót bị bỏ lại. Ông No-e được đưa đi.

Sách Khôn ngoan gọi những người nhìn thấp và gần là ngu si. Vì họ chỉ dừng lại ở vật chất mà không vươn lên đến Chúa. “Những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng HIện Hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hoá Công”. Họ yếu đuối. Nhưng không thoát khỏi bị trừng phạt vì sai lầm đó. “Họ đã để cho cái vỏ bề ngoài mê hoặc…Tuy nhiên, không vì thế mà chúng được thứ tha”(năm lẻ).

Thư 2 Gio-an khuyên ta hãy tỉnh thức. Đừng bị thế gian và những lý lẽ của nó mê hoặc. Phải vượt qua thế gian để ở lại trong Chúa Ki-tô. Để được ở lại trong Chúa Cha. Đó là phần thưởng cao quí. “Vì có nhiều người mê hoặc đã lan tràn khắp thế gian…Đó là kẻ mê hoặc và là tên Phản Ki-tô. Anh em phải coi chừng để khỏi đánh mất những gì anh em đã làm được, nhưng để lãnh đầy đủ phần thưởng”(năm chẵn).

Đó thực là một cuộc chiến đấu. Đi ngược dòng đời. Ngược với thế gian. Và khó nhất là ngược với chính những dục vọng thấp hèn trong bản thân mình.

TỈNH THỨC TRONG NIỀM VUI

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Mỗi khi nói đến ngày chung thẩm, ngày Chúa đến với mọi người, ngày phán xét, hẳn đã làm cho nhiều người lo sợ. Lo sợ vì họ đang sống trong cảnh sa đọa, nên ngày đó đến, họ sẽ gặp phải sự bất hạnh. Nhưng ngược lại, nhiều người lại hân hoan vui mừng. Tại sao vậy? Thưa những người vui mừng chính là họ đang sống hết mình với Chúa, với tha nhân: dám hy sinh tất cả dù phải mất cả mạng sống mình vì Nước Trời.

Tuy nhiên, muốn có được niềm vui thực sự, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa đến. Giờ của Chúa có thể đến như kẻ trộm, như ông chủ đi xa về, như tia chớp từ trời xuống, như trận lụt thời ông Noe...

Ngày hôm nay, con người ưa sống trong cảnh nhung lụa, ăn chơi, trần tục. Họ luôn bám vào những giá trị trần gian mà quên đi thực tại Nước Trời với những giá trị của Nước này. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi con người trong xã hội hôm nay vẫn nhởn nhơ và ung dung sống trong tội. Không màng chi đến công bằng, nhân ái và tình thương...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy luôn sẵn sàng, hãy tỉnh thức trong tâm tình cầu nguyện và làm những việc lành, hy sinh và bác ái.

Luôn biết gắn bó cuộc đời của mình trong sự an bài quan phòng của Thiên Chúa. Thực thi Lời Chúa dạy trong cuộc sống hằng ngày. Nhất là luôn biết tỉnh thức trong đời sống cầu nguyện.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết gắn bó cuộc sống của chúng con với Chúa. Luôn sống trong tâm tình cầu nguyện để tìm gặp Chúa trong cõi sâu thẳm của lòng chúng con. Amen.

NGÀY CỦA CON NGƯỜI

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ngay từ lúc chiếc phi cơ của hãng hàng không Singapore bắt đầu lăn bánh từ phi đạo của phi trường Tưởng Giới Thạch, Ðài Loan, vào một buổi tối thứ Ba trong tháng 11 năm 2000, bà Sally Walker đã có một cảm giác không ổn. Hai tay nắm chặt vào chỗ dựa tay của ghế ngồi trong phần đuôi của chiếc phi cơ chỉ có phân nữa hành khách, người phụ nữ Hoa Kỳ bốn mươi sáu tuổi này lo lắng nhìn giông tố đang thổi ào ào bên ngoài cửa sổ phi cơ. Vào lúc 11h48' tối, chiếc phi cơ di chuyển ra phi đạo để bay về Los Angeles, Hoa Kỳ, bà Walker, một giáo sư tại đại học Giorgie đã lầm thầm cầu nguyện khi nhìn thấy hai cánh phi cơ bị nghiêng ngả và thân phi cơ bị lắc mạnh. Khi chiếc phi cơ di chuyển ở vận tốc cất cánh với một cú sốc thật mạnh và rồi thêm một lần nữa, chiếc phi cơ bị giật dữ dội sang bên trái và nổ tung. Các quả cầu lửa bắn ra khi chiếc phi cơ bị bể làm ba phần, bay rít trên mặt đường nhựa của sân bay. Sau này, ngồi trên chiếc xe lăn bà Walker kể lại sự thoát chết từ chiếc phi cơ ngập lửa rằng: "Mọi thứ đều bị đốt cháy. Thật là một cơn ác mộng khủng khiếp". Bà Walker bị thương nhẹ ở chân là một trong những người rất may mắn. Hơn tám mươi người trong số một trăm bảy mươi chín hành khách của chuyến bay định mệnh đã chết trong tai nạn này. Một số người bị đốt cháy đến độ không còn có thể nhận diện được.

Tai nạn thảm khốc này xảy ra đúng một năm sau khi chiếc phi cơ của hãng hàng không Ai Cập bị rớt trên đường bay từ thủ đô Cairô đến New York, Hoa Kỳ, gây thiệt mạng cho hai trăm bảy mươi người. Nó xảy ra tại một trong những phi trường được xem là an toàn nhất thế giới, và được hoạt động bởi một trong những công ty an toàn nhất thế giới.

Dĩ nhiên, sau bất cứ một tai nạn nào, người ta cũng cố gắng tìm ra cho bằng được nguyên nhân, bởi vì không có tai nạn nào mà không có nguyên nhân, dù nguyên nhân ấy vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn. Tựu trung, nguyên nhân nào cũng gắn liền với những giới hạn của con người. Khoa học, kỹ thuật dù có tiến bộ đến đâu cũng không thể xóa bỏ được những hàng rào dựng lên bởi chính thân phận bất toàn của con người. Ðây hẳn phải là chân lý có thể nuôi dưỡng những suy tư và cầu nguyện của các tín hữu Kitô chúng ta trong tháng cầu cho các đẳng linh hồn này.

Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe trong những ngày cuối năm phụng vụ dường như cũng hướng tâm tư chúng ta về ý tưởng ấy và trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến ngày của Con Người. Ngày ấy có thể là ngày tận thế khi Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang. Ngày ấy có thể là ngày từ giã cõi đời của mỗi người chúng ta. Nhớ đến những người quá cố, suy tưởng về sự chết không hề là một thái độ bệnh hoạn hay bi quan mà là tư thế tỉnh thức tích cực của người môn đệ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói đến tính cách bất ngờ của ngày của Con Người để kêu gọi các môn đệ mặc lấy thái độ tỉnh thức. Thời ông Nôê, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng mà không màng đến lời cảnh cáo của ông, đến khi đại nạn hồng thủy đến thì đã quá muộn.

Ý nghĩ về sự chết hướng con người đến cùng đích của mình để tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống. Ý nghĩa ấy luôn gợi lên cho con người ý thức về thân phận mong manh bất toàn của kiếp người và mời gọi con người tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời. Với ý thức ấy, con người hướng về cùng đích của cuộc sống và tỉnh thức không những để chờ đợi Chúa đến vào ngày sau hết, hay để được đợi mong Ngài mau đến trong những khoảnh khắc của cuộc sống.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta lẽ khôn ngoan và tinh thần tỉnh thức đích thực ấy.

bài liên quan mới nhất

Thứ Sáu tuần IV Phục Sinh: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng