Thứ Sáu Tuần 2 Thường Niên

THỨ SÁU TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

"Người gọi những kẻ Người muốn gọi để họ ở cùng Người".

LỜI CHÚA: Mc 3, 13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ.

Mười hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt tên là Boanerges, nghĩa là con của sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

GIAO ƯỚC MỚI

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa kiên trì trong chương trình yêu thương của Người. Nên luôn có những sáng kiến mới. Mở ra những chân trời mới.

Khi giao ước cũ không đem đến hiệu quả như mong muốn, Thiên Chúa quyết định lập ra Giao Ước Mới: “Đức Chúa phán: Này sắp đến những ngày Ta hoàn thành một Giáo Ước Mới với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa”. “Giao Ước Mới tốt đẹp hơn. Căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn”.

Có Thượng Tế cao trọng hơn. Chúa Giê-su là trung gian Giao Ước Mới. Vô cùng cao trọng hơn trung gian giao ước cũ. Chúa Giê-su là trung gian tuyệt vời. Vì Người vừa là Thiên Chúa, vừa đứng đầu nhân loại. “Vị Thượng Tế của chúng ta được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn”. Người dâng hiến chính thân mình. Giao Ước Mới được ký kết bằng chính máu Người đổ ra. Nên có giá trị vô biên.

Có con người mới tốt đẹp hơn. Vì Lề Luật không còn ghi vào bia đá. Nhưng ghi vào trong tâm hồn: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó. Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta”. Cũng như khi Sa-un hư hỏng, Chúa đã chọn Đa-vít, tôi trung của Chúa. Đa-vít kính sợ Chúa. Dù Sa-un ghen ghét đuổi bắt ông vô cớ. Nhưng khi có thể giết Sa-un, Đa-vít vẫn không dám xúc phạm đến Sa-un là người đã được Chúa xức dầu. Ông để cho Chúa phân xử: “Điều ác từ kẻ ác mà ra, nên tay con sẽ không đụng đến cha” (năm chẵn).

Có nền tảng mới là 12 tông đồ thay cho 12 chi tộc cũ. Các tông đồ được Chúa đích thân tuyển chọn. Được sống với Chúa để thấm nhiễm luật mới. Rồi mới được sai đi để làm chứng về Chúa. Xua trừ ma quỉ. Thiết lập triều đại mới của Thiên Chúa: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ”.

Xin Chúa đổi mới con. Để con xứng đáng là dân mới. Được hưởng những lời hứa từ Giao Ước Mới. Xin cho con trở nên con người mới. Giống như các tông đồ. Được ở với Chúa. Để thấm nhập luật mới của Chúa.

CHÚNG TA ĐƯỢC MỜI GỌI ĐẾN VÀ Ở VỚI THẦY

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Có nhiều người nhìn bộ dạng bên ngoài “rất cốt tu”, nhưng kỳ thực anh ta không hề nghĩ là sẽ đi tu! Hay nhìn những người trông xem ra có vẻ đơn sơ, chất phác, nông dân thì Chúa lại chọn và gọi để trở thành linh mục, tu sĩ của Ngài.

Như vậy, chỉ cần đưa ra một vài hình ảnh, chúng ta cũng nhận thấy rất rõ rằng: ơn gọi tu trì là một mầu nhiệm, vì Chúa chọn và gọi những ai Ngài muốn.

Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu chọn nhóm 12 trở thành môn đệ của Ngài, để họ tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Qua danh sách 12 môn đệ, chúng ta thấy không ai là trọn vẹn cả. Ai cũng có những khuyết điểm, thiếu xót, đôi khi những lỗi mắc phải trước, trong, và sau khi ở với Đức Giêsu là những lỗi rất nặng.

Nhưng điều quan trọng đối với các ông là: tập trung quy vào Đức Giêsu. Thầy của các ông như là cái tâm trong một vòng tròn. Nhiều khi vì yếu đuối, nên xao nhãng đi xa tâm của vòng tròn, nhưng khi tỉnh lại và ngộ ra sự yếu đuối, tội lỗi của mình, các ông lại tiếp tục nhập vào vòng tròn đó và hướng về Đức Giêsu là tâm điểm, đích đến của cuộc đời. Vì thế, tuy bất toàn, nhưng các ông ở lại với Ngài, Ngài đã huấn luyện và làm cho các ông xứng đáng là kẻ lưới người như lưới cá trên hành trình loan báo Tin Mừng.

Mỗi người chúng ta ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi bước theo Đức Giêsu để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài khi mang trong mình những tâm tư của chính Đấng mà chúng ta đi theo.

Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng thi hành những giáo huấn và lời dạy của Đức Giêsu không hay nhiều khi chúng ta chỉ có tên tuổi mà không có chất? Chỉ có phẩm mà không có lượng?

Lạy Chúa Giêsu, được trở thành môn đệ của Chúa là một hồng ân. Tuy nhiên, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết làm cho hồng ân ấy triển nở trong cuộc sống thường ngày của mình qua những hoa trái tốt lành. Amen.

GIÁO HỘI LÀ MỘT MẦU NHIỆM

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Nếu thời Cựu Ước đã có những tiên tri cung đình, chuyên phụ họa cho vua chúa, thay vì nói lời của Chúa; thì ngày nay cũng không thiếu những tiên tri như thế: thay vì nói Lời Chúa, lên tiếng tố cáo bất công, người ta lại chỉ làm tiên tri để công kích và chỉ trích Giáo Hội của mình. Dù sao, đây cũng là dịp để các Kitô hữu suy nghĩ và đào sâu về bản chất của Giáo Hội.

Ðiều cơ bản nhất mà chúng ta cần phải tuyên xưng trước tiên khi nói về Giáo Hội, đó là Giáo Hội là một mầu nhiệm, do đó chúng ta không thể so sánh hay xếp Giáo Hội vào bất cứ một tổ chức trần thế nào. Giáo Hội không là một thể chế quân chủ chuyên chế hay quân chủ lập hiến. Giáo Hội cũng không hề là một chế độ tập quyền hay Bô lão trị; Giáo Hội lại càng không phải là một chế độ dân chủ. Giáo Hội thiết yếu là một mầu nhiệm, do đó mà không có một tên gọi nào diễn tả và múc cạn mầu nhiệm ấy. Giáo Hội được gọi là Hiền thê của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là Dân Chúa; mỗi kiểu nói này bày tỏ một khía cạnh, nhưng không thể nào nói hết về Giáo Hội.

Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta vào trong bản chất mầu nhiệm ấy của Giáo Hội. Chúa Giêsu thiết lập nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và được Ngài sai đi rao giảng. Ngài trao ban cho các ông quyền năng mà chính Ngài đã từng sử dụng: chỉ có các Tông Ðồ mới có quyền trừ quỷ, mới có quyền cử hành các Bí Tích, và chỉ những ai được các ông trao quyền cho mới được cử hành các Bí Tích. Chúa Giêsu trao phó cho các Tông Ðồ kho tàng mạc khải, chỉ có các ông mới có khả năng và có quyền giải thích kho tàng ấy và giảng dạy đúng ý muốn của Chúa. Trong Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu đặt Phêrô làm thủ lãnh để cai trị và trở thành mối giây hữu hình trong Giáo Hội, Ngài hứa ở với Giáo Hội mỗi ngày cho đến tận thế: như Ngài đã ở với các Tông Ðồ ngay từ buổi đầu, thì hơn 2,000 năm qua, Ngài vẫn tiếp tục ở với và trong Giáo Hội.

Giáo Hội chính là thân thể Chúa Kitô. Thuộc về Giáo Hội chính là chấp nhận lời rao giảng của Chúa Giêsu được ủy thác cho các Tông đồ và những người mà các ông cắt đặt để thay thế và tiếp tục sứ mệnh của mình. Thuộc về Giáo Hội một cách cụ thể, là đón nhận và sống giáo huấn của chính các Tông đồ được ủy thác cho Giáo Hội và những người kế vị các ông. Giáo Hội không phải là một thể chế dân chủ, nhưng Giáo Hội chưa hề cưỡng bách ai phải gia nhập Giáo Hội; nhưng nếu đã thuộc về Giáo Hội thì không thể không chấp nhận quyền bính của Giáo Hội. Dù vậy, ngay cả khi một Kitô hữu không chấp nhận quyền giáo huấn của Giáo Hội, thì Giáo Hội cũng không phải dùng đến võ lực hoặc nhà tù để đe dọa và trừng phạt.

Hằng năm, Giáo Hội dành một tuần lễ để cầu cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, một tuần lễ để đi sâu vào mầu nhiệm của Giáo Hội, một tuần lễ để hoán cải. Chúng ta hãy cầu xin bằng chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: "Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, ngõ hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con".

bài liên quan mới nhất

Suy niệm thứ Bảy tuần Thánh: Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng