Thứ Năm Tuần 33 Thường Niên

THỨ NĂM TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

 Thánh nữ Êlisabét Hunggari. Lễ nhớ.

"Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi".

* Thánh nữ sinh năm 1207. Năm lên mười bốn tuổi, thân phụ là Anrê vua Hunggari đem gả cho Lu-y miền Thu-rin-gi-a. Cả hai sống hạnh phúc được sáu năm, sinh được ba người con trai. Cả hai đều nỗ lực sống lý tưởng của thánh Phanxicô trong bậc gia đình.

Năm 1227, Lu-y qua đời, chị đã nghe theo lời mời gọi sống đời nghèo khó, tận tâm phục vụ các bệnh nhân. Vì thế sức khỏe chị sớm hao mòn và chị đã qua đời ở Mác-bua năm 1231.

Lời Chúa: Lc 19, 41-44

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: "Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng".

NHỜ NGƯỜI, VỚI NGƯỜI VÀ TRONG NGƯỜI

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Giê-ru-sa-lem là thành phố hoà bình. Nhưng không thể tự mình kiến tạo hoà bình. Thiên Chúa mới là người ban hoà bình. Chúa Giê-su là ông Vua Thái Bình. Nhưng đáng tiếc là thành phố hoà bình không biết đón tiếp Vua của mình. Không “nhận ra những gì đem lại bình an”. “Không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm”. Cơ hội chỉ đến một lần. Nên Chúa rơi lệ khóc thương cho số phận của thành. Giê-ru-sa-lem là trái tim của dân tộc Ít-ra-en. Là niềm tự hào dân tộc. Ai cũng hân hoan khi được đến Giê-ru-sa-lem. “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi. Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa”. Đền thờ là một kỳ công tuyệt tác hoàn mỹ. “Giê-ru-sa-lem được xây cất như một thành trì. Mọi phần ăn khớp với nhau” (Tv 121). Chúa Giê-su đã nhiều lần hớn hở vui mừng vì được lên Giê-ru-sa-lem dự lễ. Như mọi người Do thái, Người cũng tự hào và yêu mến thành đô. Nhưng giờ đây Người phải rơi lệ. Vì thấy số phận tiêu điều của nó: “sẽ không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào”(Lc 19,44).

Lời tiên báo đó đã ứng nghiệm vào năm 70. Quân binh La mã đến phá huỷ đền thờ tan tành. Đa số người Do thái ngả theo phe đế quốc. Thờ ngẫu tượng. Chỉ một số ít trung thành với luật Chúa. Đó là gia đình Mát-tít-gia. Chiến trận liên miên. Kẻ chết, người bị thương. Và sau cùng, tất cả rơi vào tay đế quốc. Giê-ru-sa-lem đánh mất hoà bình từ hơn 2 ngàn năm nay. Hiện tại đó vẫn là một miền đất có hai dân tộc và ba tôn giáo. Chiến tranh không bao giờ ngưng (năm lẻ).

Đó là tất cả những bí ẩn của Giê-ru-sa-lem và của thế giới. Tất cả đã được ghi vào quyển sách. Nhưng quyển sách lại bị đóng bảy ấn niêm phong. Chẳng ai có thể đọc. Chẳng ai có thể hiểu. Chỉ một người có thể mở ấn niêm phong. Có thể đọc và có thể hiểu. Đó là người giải mã bí mật của thế giới. Là con chiên đã tự nguyện bị giết chết, bị sát tế. Nên đã trở thành con chiên có bảy sừng và bảy mắt. Con Chiên hiển vinh sau khi đã trải qua cái chết. Có thể đem lại hoà bình. Vì Người qui tụ không phải chỉ dân Ít-ra-en, nhưng là tất cả mọi dân trên thế giới. Bấy giờ mọi người sẽ nhận biết Thiên Chúa. Và sống trong cảnh thái bình. “Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộ mọi nước, mọi dân. Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này” (năm chẵn).

Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến. Xin ban hoà bình cho chúng con.

TẠI SAO CHÚA KHÓC THƯƠNG THÀNH GIÊRUSALEM?

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Trong cuộc sống, hẳn chúng ta cũng chứng kiến nhiều người khóc: có những người khóc vì đau khổ, bệnh tật, bất hạnh, thất vọng và bị bỏ rơi... Nhưng cũng có những người khóc vì sung sướng!

Hôm nay, Tin Mừng tường thuật việc Đức Giêsu khóc thương thành Giêrusalem. Tại sao vậy? Thưa vì Ngài nhìn thấy viễn cảnh tương lai qua sự đổ nát do đế quốc Rôma gây nên vào năm 70 Công Nguyên.

Nhưng có lẽ, điều làm cho Đức Giêsu đau lòng hơn cả chính là dân thành này đã khước từ chính Ngài là nguồn ơn cứu độ. Không tuân giữ những lời dạy của Ngài, không hề để ý đến những hành vi tội lỗi của mình để sám hối ăn năn... Ngược lại, họ luôn tự hào mình là dân tộc ưu tuyển, nên đương nhiên được hưởng những quyền đặc lợi cho riêng mình. Chính sự tự hào này đã giam hãm con người và thái độ của họ trong sự ích kỷ, nên không thể đón nhận được ơn lành của Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mau mắn đón nhận lời giáo huấn của Chúa và ra sức thi hành để được cứu độ. Cần loại bỏ sự tự kiêu, ích kỷ và thay vào đó là thái độ khiêm nhường để nhận ra vai trò, trách nhiệm của mình. Có thế, chúng ta mới mong được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn yêu mến luật Chúa và cùng nhau chung tay xây dựng tòa nhà Giáo Hội bằng chính đời sống chứng tá của mình. Amen.

GIỜ CHÚA VIẾNG THĂM

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Nhìn trong văn mạch, biến cố được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, đi liền sau biến cố Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Nhưng không như bao lần khác, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối cùng này để thực hiện cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu rỗi, hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Ðây là giờ Thiên Chúa viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi, tuy nhiên, những vị lãnh đạo Do thái tại Giêrusalem, như chúng ta sẽ thấy trong cuộc khổ nạn của Chúa, họ không những từ chối, mà còn xách động dân chúng chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào Thập giá và tha Baraba cho họ. Như thế, dù có sự nồng nhiệt hoan hô Chúa khi Ngài cỡi trên lưng lừa tiến vào thành thánh, thì sự nồng nhiệt đó cũng chỉ là thoáng qua, và Chúa Giêsu nhận thấy ơn cứu rỗi mà Ngài mang đến bị con người khước từ hơn là đón nhận.

Ðiều xẩy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xẩy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi người đều có những giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem đến ơn lành. Theo quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây phút Ngài thực hiện lòng nhân từ. Thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài thánh ca ở đầu sách Tin Mừng của Ngài, đó là bài ca của ông Dacaria và của Ðức Maria. Trong bài ca chúc tụng của mình, Dacaria đã nêu bật lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa: chính vì lòng nhân nghĩa mà "Thái dương từ cao xanh khấng viếng thăm ta". Còn về phần mình, ý thức giờ Thiên Chúa viếng thăm đang xẩy ra không những cho bản thân, mà còn cho cả dân tộc và toàn thể nhân loại, Ðức Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của việc Thiên Chúa viếng thăm: "Lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia, trên những kẻ kính sợ Người". Chỉ có một lý do cho cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, đó là thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người được Ngài viếng thăm. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con người không những gây thiệt hại cho chính mình, mà còn cho cả người khác nữa.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh, đồng thời biết mở rộng tâm hồn đón nhận những giây phút ân sủng của Chúa để được sống an vui hạnh phúc.

bài liên quan mới nhất

Ngày 24/4: Thánh Phiđen Díchmarinh ngân, linh mục, tử đạo (1578-1622)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng