Thứ Hai tuần XXI Thường niên: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình !”

“Khốn cho các người,
hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình!”

LỜI CHÚA: Mt 23, 13.15-22. 23-26

13”Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.

15”Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.

16”Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: “Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc”. 17Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? 18Các người còn nói: “Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc”. 19Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? 20Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. 21Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. 22Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.

*  *  *

23”Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. 24Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.

25”Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ.26 Hỡi người Pharisêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.

SUY NIỆM

1. “Khốn cho các ngươi”

Trong chương 23 của sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giêsu nói tới bảy lần “Khốn cho các ngươi…” (c.13.15.16.23.27 và 29): bài Tin Mừng hôm nay ba lần, bài Tin Mừng ngày mai (Mùa Thường Niên) hai lần và bài Tin Mừng ngày kia, thứ tư, hai lần còn lại:

Khi nói: “Khốn cho các người!”, Đức Giêsu dường như muốn lên án những người này, nếu chúng ta hiểu đó lời chúc dữ hay nguyền rủa; theo đó những người này, với cách hành xử như thế, sẽ chuốc lấy án phạt nặng nề hay sẽ gặp nhiều tai họa. Tuy nhiên, đó đúng hơn là những lời ta thán, có giá trị mặc khải căn bệnh người ta đang có nhưng không nhận ra; và bệnh tình, nhất là căn bệnh nghiêm trọng, tự nó đó có những hậu quả tiêu cực cho mình và cho người khác rồi. Tương tự như những “bất hạnh” mà ngôn sứ Isaia đã công bố (x.Is 5, 8-24 và 10, 1-11, trong những câu này, vị ngôn sứ nói “Than ơi!” đến 8 lần). Đức Giêsu không bao giờ nguyền rủa hay chúc dữ con người; bởi lẽ sứ mạng của Người chẳng phải là cứu thoát chúng ta khỏi những lời chúc dữ đó sao? Như Người đã nói: “Thầy đến không phải kêu gọi những người công chính, nhưng là những người tội lỗi” (9, 13); “Thiên Chúa sai Con của Người đến, không phải để lên án” (Ga 3, 17).

Con người ban đầu có thể từ chối Đức Giêsu, nhưng sau đó, lại hối hận, cho dù là thật trễ, và tuyên xưng: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” (c.39); tương tự như người con thứ nhất ban đầu từ chối lời mời gọi đi làm vườn nho, trong dụ ngôn về người cha có hai người con, “nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi” (Mt 21, 29). Trong lời nói của các ngôn sứ, nếu lời hứa cứu độ đã được công bố tiếp theo sau những lời đe dọa về những tai họa sẽ đến (Os 2, 8.11.16 hoặc Is 6, 13), thì cũng vậy, trong sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu, câu cuối cùng này của chương 23: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” trồi hiện lên như là niềm hi vọng rạng ngời bao bọc toàn bộ bảy lời than trách.

2. Bệnh “đạo đức giả”

Trong bẩy câu nói “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu”, Đức Giêsu đều nói rằng, họ những người “đạo đức giả”, trừ lần thứ 3 (c.6):

Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư
và người Pharisêu đạo đức giả!

Có thể nói, đó là bệnh “đạo đức giả” mà Đức Giêsu muốn cho các kinh sư và người Pharisêu, và qua họ, cho con người thuộc mọi thời, trong đó có mỗi người chúng ta hôm nay, nhận ra. Và khi nhận ra, người ta đã bắt đầu bước vào hành trình chữa lành rồi.

“Đạo đức giả” mà Đức Giêsu nói tới không theo nghĩa chúng ta thường hiểu, nhưng là một thứ bệnh có nhiều biểu hiện phức tạp, khó nhận ra:

Biểu hiện thứ nhất. Đức Giêsu nói: “Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào” (c.13). Người “đạo đức giả” là những người làm cho người khác không nhận ra hành động của Thiên Chúa trong lịch sử loài người và trong lịch sử đời mình, đó là từ chối tin nhận Đức Giêsu là đường dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa.

Biểu hiện thứ hai. Người “đạo đức giả” là những nhọc công để làm cho một người theo đạo, nhưng sau đó, lại biến người này thành “con cái của hỏa ngục” (c.15). Đó là hoán cải con người, không phải về với Thiện Chúa đích thật, nhưng là qui về nhưng quan niệm, hệ thống lí thuyết và thực hành của loài người hay của riêng mình.

Biểu hiện thứ ba. Người “đạo đức giả” là những người mù quáng (c.16-22), khi dẫn người ta vào con đường phân biệt chi li về vấn đề lời thề, khi mà bất cứ lời nào được thốt ra cũng phải luôn luôn là chân thật trước mặt Thiên Chúa (x.5, 33-37).

Biểu hiện thứ tư. Những người “đạo đức giả” là những người làm tròn bổn phận nộp mọi thứ thuế, nhưng lại bỏ qua công lý và lòng nhân, nghĩa là tương quan với tha nhân, bỏ qua lòng thành tín, nghĩa là tương quan với Thiên Chúa. Như thế, họ chỉ làm tròn những bổn phận đem lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với nhưng người có quyền có thế. Trong khi tâm điểm và ý nghĩa của Lề Luật là mến Chúa và yêu người, thì họ không quan tâm. Sống lệ thuộc vào lời khen tiếng chê, như chúng ta đều biết, quả là một bất hạnh.

Biểu hiện thứ năm. Những người “đạo đức giả” là những người “rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ”. Đức Giêsu không chống lại những nghi thức thanh tẩy, nhưng chống lại thái độ duy nghi thức, chỉ dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, ở vẻ đẹp bên ngoài. Như thế, đối với Đức Giêsu, các nghi thức không tự động làm cho người trở nên thanh sạch; nhưng ngược lại, những nghi thức này trở nên vô nghĩa và trống rỗng nếu không diễn tả sự thanh sạch và vẻ đẹp của tâm hồn, hay nói như Đức Giêsu, diễn tả một lối sống với Thiên Chúa và tha nhân.

3. Chữa lành bằng Thập Giá

Qua những lời, có thể nói, thật là “đắng”, giống như thuốc chữa bệnh, Đức Giêsu muốn mặc khải cho những người Pharisêu và những nhà thông luật, rằng lối suy nghĩ và hành động của họ, là một thứ bệnh; và vì là bệnh, giống như bệnh thể lý, phải có người khám bệnh và cho biết đó là bệnh gì; ngoài ra, như chúng ta đều biết và đôi khi có kinh nghiệm, bệnh tật, tự nó là một bất hạnh. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta có thể diễn đạt lại lời của Đức Giêsu như sau: “bất hạnh cho các người”. Nếu là như thế, ở mức độ nào đó, chúng ta cũng phải được đánh động bởi những lời này của Đức Giêsu, và nhất là để cho mình bị đụng chạm!

Nhưng Đức Giêsu, với tư cách là thầy thuốc, Ngài không chỉ chuẩn bệnh, nhưng con chữa bệnh nữa. Ngài chữa lành căn bệnh của chúng ta không chỉ bằng lời mặc khải, nhưng còn bằng chính cách sống của Ngài với con người và Thiên Chúa Cha, bằng chính mầu nhiệm Thập Giá. Như khi ai nhìn lên con rắn đồng xưa, sẽ được cứu sống (x.Ds 21, 4-9), ai nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, thì sẽ được chữa lành, chữa lành khỏi (x.Ga 3, 17-19):

  • Căn bệnh ghen tị: điều tốt, là Nước Trời và là chính ngôi vị Đức Giêsu, mình không có, thì người khác không được quyền có.
  • Căn bệnh coi mình, những kinh nghiệm, những quan niệm, những hệ tư tưởng, những lí thuyết, những nguyên tắc của mình là tuyệt đối.
  • Căn bệnh lệ luật, nghĩa là coi sự công chính của con người đến từ việc giữ luật thật chi li, thay vì đến từ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô; lệ luật còn là coi luật trọng hơn sự sống, trong khi luật được ban là để phục vụ cho sự sống.
  • Căn bệnh danh lợi, nghĩa là chỉ thi những luật mang lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với nhưng người có quyền có thế, nhưng lại bỏ qua công lý và lòng nhân.
  • Căn bệnh hình thức, nghĩa là thi hành thật chặt chẽ những nghi thức thanh tẩy, nhưng đàng khác, trong lòng “đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ”!

Bởi vì, Thập Giá vừa làm cho những căn bệnh này hiện ra nguyên hình (ghen tị, tự tôn, lệ luật, danh lợi, hình thức) và những hậu quả khủng khiếp của chúng, để giải thoát chúng ta, và vừa mặc khải cho chúng ta khuôn mặt rạng người của Thiên Chúa là tình yêu và lòng thương xót, và con đường dẫn đến với Thiên Chúa, chính là con đường hiền lành và khiêm nhường của Đức Giêsu Kitô.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 09/10: Thánh Điônysiô, Giám mục và các bạn tử đạo; Thánh Gioan Lêônarđô, linh mục

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng