Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng

THỨ HAI TUẦN III MÙA VỌNG

“Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có?”

Phúc Âm: Mt 21, 23-27

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy Chúa Giêsu vào Ðền thờ. Lúc Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người rằng: “Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?” Chúa Giêsu trả lời: “Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó. – Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?” Họ bàn tính với nhau rằng: “Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy? Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri”. Bấy giờ họ trả lời Chúa Giêsu rằng: “Chúng tôi không được biết”. Chúa Giêsu nói với họ: “Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó”.

NGÔI SAO TỪ TRỜI

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Rời khỏi Ai cập, dân Do thái dưới sự lãnh đạo của Mô sê đã tiêu diệt Ba-san, Ốc, A-mo-ri. Thấy vậy dân Mô-áp và Ma-đi-an sợ hãi, thuê thầy pháp Bi-lơ-am đến nguyền rủa Ít-ra-en. Nhưng được Chúa mặc khải, Bi-lơ-am, thay vì nguyền rủa, lại chúc phúc cho Ít-ra-en. Thay vì hạ nhục lại tôn vinh Ít-ra-en và loan báo sẽ có ngôi sao từ nhà Gia cóp xuất hiện khiến Ít-ra-en trổi vượt các dân khác: “Vua của nó cao cả hơn A-gác, và vương quốc nó được tôn vinh”. Vua Mô-áp tức giận, nhưng vẫn không tin Lời Chúa. Vì Lời Chúa đi ngược với quyền lợi của ông.

Thời Chúa Giêsu cũng vậy. Dân chúng tin tưởng lời rao giảng của Gio-an Tẩy giả. Nhưng cấp lãnh đạo không chấp nhận. Biết rõ sứ mạng Gio-an là từ trời, họ vẫn không muốn công nhận. Nhưng họ cũng không dám chống đối công khai. Vì họ sợ dân chúng là những người tin tưởng Gio-an. Hơn nữa Gio-an làm chứng về Chúa Giê-su. Nhận Gio-an tức là nhận Chúa Giê-su. Nên giai cấp Biệt phái càng không dám công khai chấp nhận.

So sánh Bi-lơ-am với các Biệt phái ta thấy: Bi-lơ-am có thiện chí còn Biệt phái thì không. Bi-lơ-am nói theo sự thật. Biệt phái trốn tránh sự thật. Bi-lơ-am phục thiện. Biệt phái cố chấp trong sai lầm. Bi-lơ-am tôn trọng sự thật dám bỏ quyền lợi. Biệt phái bảo vệ quyền lợi nên bỏ sự thật. Bi-lơ-am để cho Thần Khí hướng dẫn. Biệt phái theo xác thịt nên chống lại Thần Khí.

Chúa đang đến với ta. Nhưng ta có nhận ra và đón tiếp được Người hay không là tùy thái độ của ta. Nếu ta theo xác thịt, không dám từ bỏ cuộc sống theo dục vọng, xác thịt, ta sẽ không gặp được Chúa. Để có tâm hồn sẵn sàng, ta phải từ bỏ lối sống theo xác thịt, hoàn toàn theo sự hướng dẫn của Thần Khí.

Lạy Chúa, Ngôi Sao Từ Trời, xin đến cứu con, cho con được sức mạnh dứt lìa thói ươn lười, ủy mị, cắt đứt những hưởng thụ, những ham mê, để mạnh mẽ sống một cuộc sống mới trong Chúa và với Chúa. Lạy Ngôi Sao Từ Trời, xin hãy đến soi sáng tâm trí để con nhận biết sự thật, soi sáng đường con đi để con không vấp ngã trên đường đến với Chúa.

HÃY KHIÊM TỐN ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Có những câu hỏi được đưa ra để làm sáng tỏ một vấn đề nào đó! Cũng có những vấn nạn đặt ra với mong muốn được hiểu thêm kiến thức, tuy nhiên, cũng có những thắc mắc được đưa ra không phải vì ý ngay lành, nhưng mục đích để hạ gục, bắt lỗi và kết án đối phương.

Hôm nay, Đức Giêsu bị rơi vào tình cảnh thứ ba khi các Kỳ mục và Thượng tế hỏi Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?”. Đức Giêsu biết rõ sự thâm độc của họ, vì nếu Ngài nhận rằng quyền năng của Ngài do được ủy nhiệm, thì hẳn Ngài là một kẻ ly giáo và chính quyền sẽ lên tiếng vì họ sẽ gán Ngài vào cái tội gọi là phủ nhận quyền của những nhà lãnh đạo! Còn nếu Đức Giêsu nói rõ rằng: quyền đó là do Thiên Chúa trao cho Ngài, và Ngài có quyền năng như Thiên Chúa, thì Ngài sẽ rơi vào tội lộng ngôn, phạm thượng!

Khi lường trước được những hệ lụy như vậy, và “giờ” của Ngài chưa đến, nên Đức Giêsu đã hỏi ngược lại họ: “Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?”. Nếu cái bẫy mà họ đưa ra cho Đức Giêsu để dồn Ngài vào chân tường, thì giờ đây, họ lại thay thế chỗ của Đức Giêsu khi bị Ngài hỏi ngược lại! Tuy nhiên, mục đích của Đức Giêsu thì khác họ, Ngài không muốn đẩy họ vào đường cùng, nhưng mục đích của Ngài là muốn cho họ nhận ra vai trò của Đấng Cứu Thế và giá trị đích thực của cuộc đời, hầu sám hối để được ơn tha tội.

Tuy nhiên, vẫn lòng trai dạ đá, với những mánh khóe bẩn thỉu, họ đã trả lời cách vu vơ: “Chúng tôi không biết”. Nhưng khi trả lời như thế, họ đã lãnh nhận hậu quả nặng nề, vì: họ thuộc về thành phần lãnh đạo tinh thần, nên sự xuất hiện của Gioan, họ phải biết rằng ông là ai? Đằng này không biết, chứng tỏ họ vô trách nhiệm và hèn nhát vì không dám chân nhận sự thật.

Trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn đó những hạng người hèn nhát không dám đứng ra để bảo vệ chân lý, công bằng. Họ biết đó là sai, nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ, chỉ vì chúa của họ là cái bụng, nên sẵn sàng bất chấp mọi sự, miễn sao đạt được mục đích rẻ tiền…

Tuy nhiên, điều những nhà lãnh đạo Dothái khi xưa không chừng lại là chính những chọn lựa của chúng ta hiện nay khi chúng ta tìm mọi lý lẽ để biện minh, bóp méo Lời Chúa để uốn nắn Lời của Ngài theo thiển ý của ta hầu phục vụ cho những việc làm xấu xa, đê tiện  của mình!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người Kitô hữu hãy thành tâm sống khiêm tốn, bén nhạy với Lời của Chúa. Luôn tin tưởng vào quyền năng của Ngài. Tránh thái độ kiêu căng, tự mãn, ích kỷ mà vu khống, đẩy đưa người anh chị em chúng ta vào chỗ chết.

Mùa Vọng là mùa chuẩn bị đón chờ Chúa đến. Nhưng, để sự chờ mong của chúng ta thực sự có ý nghĩa, thì ngay trong giây phút này, mỗi người phải khiêm tốn, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa, thay đổi lối sống không phù hợp với Tin Mừng để xứng đáng hưởng ơn cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con có được tâm tình của người môn đệ là khao khát sự hoàn thiện trong việc trung thành, ngoan ngoãn vâng theo Lời Thiên Chúa. Amen.

SUY NIỆM:

(tinvuixuanloc.vn)

Đọc sách Tin Mừng, chúng ta thấy từ lúc Người bắt đầu sứ điệp loan báo Tin Mừng để thực hiện ơn cứu độ của Thiên Chúa ban tặng. Chúa Giêsu đã thu hút  lôi cuốn rất đông dân chúng đến với Người, bằng chứng hai lần dân chúng đi theo Người đến nỗi quên cả ăn uống, và Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để họ có lương thực mà ăn. Rồi khi Chúa vào Thành Giêrusalem dịp lễ vượt qua Người được đông đảo dân chúng tung hô: “hoan hô con Vua Đavit đấng nhân danh Chúa mà đến” (Mt 21, 9b). Chúa Giêsu đã có ảnh hưởng và uy tín rất lớn nơi dân chúng. Thế nhưng trong sứ vụ công bố Tin Mừng của Chúa các thượng tế và kỳ lão là các nhóm đã nhiều lần cản trở sứ vụ của Người, họ ghen tỵ, bắt bẻ, gài bẫy để tìm cách triệt hạ Người.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp theo biến cố ngày hôm trước Chúa vào trong đền thờ đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, sau khi nghỉ đêm tại Bêtania ngày hôm sau Chúa lại vào Đền thờ để giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão thấy Chúa, họ liền đến để tra vấn Người: "Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?" (Mt 21, 23b). Đời công khai sứ vụ của Chúa, Người đã làm nhiều phép lạ mà người đời không thể làm được. Vậy những việc của Người chỉ phát xuất từ nơi Thiên Chúa. Chúa không trả lời trực tiếp về câu hỏi họ đặt ra, vì Người biết mục đích việc tra vấn của họ là để gài bẫy, tìm cách bắt bớ triệt hạ Chúa. Để đánh động cách nghĩ của giới trí thức này, Chúa đã nhắc lại ngôn sứ Gioan và đặt lại câu hỏi với họ “phép rửa của ông Gioan xuất phát từ đâu: Thiên Chúa hay loài người” (Mt 21, 25a). Gioan đã đi bước trước để dọn đường cho Chúa đến, dân chúng cũng đến với ông rất đông và đã tiếp nhận phép rửa do chính ông làm, nhưng các nhóm thượng tế và kỳ lão này vẫn cố tình lảng tờ như không biết. Sự đánh động của Chúa để họ nhìn ra cách sống nơi chính họ, nhưng họ vẫn chai lì. Họ bắt đầu suy luận về câu hỏi của Chúa, và không dám trả lời cách dứt khoát để rồi họ trả lời Người: "Chúng tôi không được biết". (Mt 21, 27a)

Trong cách sống đạo hôm nay nhiều khi chúng ta hay phê phán về người này hay người khác, linh mục nọ tu sĩ kia, nhưng chúng ta chưa nhìn lại chính mình, những Lời dạy của Chúa chắc hẳn chúng ta đã được nghe đi nghe lại rất nhiều lần, nhưng chúng ta đã thực hành được bao nhiêu việc như Lời Chúa dạy. Tham dự Thánh Lễ cứ phải so đo: cha này làm lễ lâu hơn cha kia, cha già giảng lâu hơn cha trẻ; đi học giáo lý: dì  phước này nói nhiều hơn GLV kia. Vô tình chúng ta đi vào cách sống hình thức như nhóm thượng tế và kỳ lão khi xưa, và còn nguy hại hơn là phê phán đằng sau lưng, nơi phố chợ hay trên bàn nhậu … không dám trực diện như nhóm thượng tế và kỳ lão.

Lạy Chúa, hôm nay Chúa đã để lại cho chúng con một bài học đáng để cho chúng con suy tư.  Xin Chúa cho chúng con biết từ bỏ tính tự mãn, xét nét, ích kỷ, ganh tị để nhìn ra cách sống chính mình, để chúng con sẽ nhận được câu trả lời của Chúa: "Ta sẽ nói cho các con biết Ta lấy quyền nào mà làm các điều đó". Ước mong mỗi người sống tinh thần mùa Vọng để chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Giáng Sinh cho xứng đáng. Amen.

 

bài liên quan mới nhất

Giáo phận Bắc Kinh chuẩn bị Ngày cầu nguyện cho ơn gọi: “Sứ mệnh bước theo Chúa Kitô”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng