Thứ Bảy Tuần 32 Thường Niên, Thánh Giôsaphát, giám mục, tử đạo

THỨ BẢY TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

Thánh Giôsaphát, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".

* Thánh nhân sinh khoảng năm 1580 tại U-cơ-rai-na, trong một gia đình theo chính thống giáo. Nhưng người lại sớm gắn bó với giáo hội U-cơ-rai-na hiệp nhất với Rôma.

Năm 1617, người làm tổng giám mục Pô-lốc và dấn thân phục vụ dân tộc mình không so đo tính toán, nhất là cố gắng lo cho việc hiệp nhất Hội Thánh. Thành công trong hoạt động tông đồ của người đã khiến cho các kẻ thù của Hội Thánh công giáo căm ghét người. Người bị giết ở Vi-tép trong lúc đang viếng thăm các tín hữu, năm 1623.

Lời Chúa: Lc 18, 1-8

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: "Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù". Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: "Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc".

Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

HÃY KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Công lý là của Thiên Chúa. Nhưng công lý cũng phải có góp phần của con người. Con người còn mang nặng thú tính. Nên dù có biết bao lý thuyết hay về phẩm giá con người. Những hứa hẹn tràn đầy ảo tưởng, không tưởng. Nhưng công lý vẫn là chiếc bánh vẽ. Lý thuyết thật hay. Nhưng con người không thể thực hiện. Vì thú tính còn nhiều. Tuy vậy cũng có những tiến bộ khi người dân ý thức và đòi hỏi. Giống như bà goá kia. Cứ kiên trì đấu tranh bằng phương pháp nhẹ nhàng. Rồi cũng có kết quả. Hãy tin tưởng. Thiên Chúa còn công minh hơn ông quan toà bất lương kia. Và Thiên Chúa thực sự yêu thương con người. Vì thế hãy cầu nguyện. Rồi Thiên Chúa sẽ ra tay. Trong thế kỷ hai mươi có hai lý thuyết lớn sụp đổ. Chúa đã ra tay. Vì chẳng ai làm gì được. Nhưng cũng để con người ý thức về sự xấu xa giả dối của chúng. Mà tha thiết muốn thoát khỏi. Chúa cần sự cộng tác của con người. Cầu nguyện phải có hành động.

Dân Do thái đã có kinh nghiệm đó trong quá khứ. Khi bị nô lệ bên Ai-cập họ đã kêu cầu lên Chúa. Chúa đã nghe tiếng dân ai oán kêu lên thấu đến trời. Và đã giải thoát họ. “Người ta thấy mây che phủ doanh trại; nơi trước kia là nước, đất khô ráo nổi lên, một lối đi thênh thang lộ ra từ Biển Đỏ…Có tay Ngài che chở, toàn dân đã đi qua và chứng kiến bao điềm thiêng dấu lạ”. Chúa đã ra tay làm những điềm thiêng dấu lạ. Nhưng dân phải cộng tác. Bằng tha thiết cầu nguyện. Và bằng quyết tâm ra đi (năm lẻ).

Như phép lạ hoá bánh ra nhiều. Chính Chúa hành động. Nhưng con người phải góp phần nhỏ bé của mình. Phải có năm chiếc bánh và hai con cá. Thiên Chúa sẽ ban công lý cho thế giới. Nhưng con người phải góp phần. Đó là điều thư 3 Gio-an khích lệ Gai-ô. Khi ông đón tiếp và giúp đỡ những người đi loan truyền sự thật của Chúa. Chính những người này làm chứng cho sự thật. Khi họ không nhận trợ giúp của những người còn sai lạc chưa biết sự thật. Vì thế cần phải có sự đóng góp của người của Chúa. Để sự thật được loan truyền mau chóng và rộng rãi. (năm chẵn).

Lạy Chúa, xin ngự đến. Và đem lại công lý cho thế giới. Và ban cho con sức mạnh. Để con kiên trì cầu nguyện. Và tích cực hoạt động cho công lý hiển trị.

CẦU NGUYỆN LÀ BẢN CHẤT CỦA ĐỜI KITÔ

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Cầu nguyện là điều cần thiết trong cuộc sống. Không cầu nguyện, chúng ta không thể có sự sống thần linh trong tâm hồn. Cầu nguyện được ví như cá cần nước, con người cần hơi thở, như cành cần nhựa sống từ thân cây... Tuy nhiên, điều ta cầu xin đôi khi cũng phải xem lại vì có những lời cầu xin của chúng ta không đẹp lòng Chúa. Hoặc cũng có đôi khi Chúa muốn kéo dài thời gian để tăng thêm niềm trông cậy của chúng ta...

Lời Chúa hôm nay đề cao sự kiên trì trong cầu nguyện. Hình ảnh bà góa nghèo toát lên thái độ đó khi bà xin ông thẩm phán xử oan cho bà. Mặc cho ông thẩm phán có lạnh nhạt, bất công và không sợ gì ai hết, nhưng cuối cùng, ông ta sợ sự kiên trì của bà góa...

Thái độ này cho chúng ta thấy kết quả của niềm tin và phó thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ngài không bao giờ bỏ qua lời con cái nài xin. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không kiên trì đủ hay cũng có khi lời cầu nguyện của chúng ta không đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế Ngài không ban cho đúng ý ta xin hoặc Ngài ban những ơn khác tốt đẹp hơn, và đôi khi Ngài muốn kéo dài thời gian để củng cố sự kiên trì của chúng ta, bởi vì: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”; “Ai trung thành đến cùng sẽ được cứu”.

Trong thực tế, nhiều khi chúng ta trách móc Chúa dường như không màng chi đến những lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng chúng ta đâu biết rằng: công lý của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác xa tâm tưởng của con người. Sự khôn ngoan của Ngài vượt trội suy đoán và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tư tưởng của Ngài thì toàn diện, nên không bị giới hạn vào không gian hay thời gian... Nhưng chung quy lại thì Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta cách đặc biệt bằng một thứ tình yêu cao cả. Phần còn lại của chúng ta là kiên trì, trung thành, khiêm tốn để để đón nhận ơn lành của Ngài trong lòng mến cũng như biến cải đời sống hằng ngày cho tốt hơn mà thôi. 

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Người luôn trung thành với lời đã hứa và luôn luôn nhận lời những ai cầu xin với lòng tin tưởng vững chắc. Xin lắng nghe tiếng van xin của chúng con, nhất là trong cơn thử thách của cuộc đời trần thế này. Amen.

TÍN THÁC VÀO THIÊN CHÚA

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Tuần báo Công Giáo Dân Tộc số ra ngày 15/10/1995 ở Mục Trong Tuần, có ghi một sự kiện như sau: Trong 4 năm thực hiện pháp lệnh tối cao của công dân được Hội Ðồng nhà nước ban hành ngày 7/5/1991, riêng tại Thành phố Sàigòn có 36 đơn vị chức năng đã nhận được 11,635 đơn từ, trong đó có tới 81.5% đơn từ tố cáo khiếu nại về nhà cửa, đất đai. Theo số liệu chưa đầy đủ, đơn từ tố cáo khiếu nại còn tồn đọng chưa giải quyết là 6,520 đơn. Bài báo đưa ra đề nghị: "Ðể có thể giải quyết rốt ráo những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của mọi người dân khi quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm, quyết định cuối cùng của Ủy ban nhân dân các cấp chưa đủ thuyết phục, cần có một tòa án xét xử công minh".

"Cần có một tòa án xét xử công minh", lời kêu gọi trên đây không biết có nhắm đến những trường hợp quan trọng hơn, trong đó không chỉ có cái nhà mảnh đất, mà chính sự sống còn của biết bao người bị trù dập mà chẳng hề được đem ra xét xử hay không? Cần có một tòa án xét xử công minh, thiết tưởng đó là tiếng kêu cầu bình thường của người dân mỗi khi quyền lợi của họ bị vi phạm. Quả thật, công lý vẫn tiếp tục kêu la cho tới khi nào được thực thi. Nhưng đối với biết bao nạn nhân, nhiều khi người ta chỉ còn biết kêu Trời, mà Trời thì có thấu chăng? Nhiều khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi vì những tiếng kêu cầu của chúng ta: Thiên Chúa dường như vẫn câm lặng trước những bất công mà những kẻ vô tội trên khắp thế giới đang phải gánh chịu.

Chúa Giêsu thấu hiểu được tâm trạng ấy của chúng ta, cho nên trong Tin Mừng hôm nay, Ngài kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa. Lý luận của Ngài trong dụ ngôn về một quan tòa bất công thật đơn giản: nếu quan tòa bất lương đến độ không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng kính nể người ta, mà còn phải chịu thua trước lời van vỉ của một bà góa, thì huống chi Thiên Chúa, Ðấng trọn hảo và yêu thương con người. Chúng ta tưởng Thiên Chúa câm lặng và vô cảm trước nỗi khổ đau và lời kêu cầu của con người; thật ra, công lý của Thiên Chúa không phải là công lý của loài người, lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa không phải là lẽ khôn ngoan mà chúng ta có thể thẩm định được theo tiêu chuẩn của loài người. Tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của loài người. Quyền năng và tác động của Ngài vượt trên mọi tính toán, cân lường, suy tưởng và chờ đợi của chúng ta.

Ðó là ý tưởng chúng ta cần nhận ra trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu mà con người không thể hiểu thấu được, do đó, không có tâm tình và thái độ nào phải đạo hơn là phó thác cho Thiên Chúa. Phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là biết đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả và nhất là khi phải trải qua nghịch cảnh, thất bại, khổ đau; phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là luôn tin rằng từ những mất mát, đổ vỡ và ngay cả từ tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa vẫn luôn có thể rút ra những điều tốt đẹp cho con người.

Nguyện xin Chúa đừng để chúng ta phải rơi vào thất vọng.

bài liên quan mới nhất

Giáo phận Bắc Kinh chuẩn bị Ngày cầu nguyện cho ơn gọi: “Sứ mệnh bước theo Chúa Kitô”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng