Thứ Bảy Mùa Giáng Sinh, Trước Lễ Hiển Linh

THỨ BẢY MÙA GIÁNG SINH, TRƯỚC LỄ HIỂN LINH

"Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa"

LỜI CHÚA: Ga 2, 1-12

Khi ấy có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới.

Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". Chúa Giêsu nói với mẹ: "Hỡi bà, tôi với bà có can chi đâu, giờ tôi chưa đến". Mẹ Người nói với những người giúp việc: "Hễ Người bảo gì, phải làm theo".

Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy đổ nước đầy các chum". Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: "Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc", và họ đã đem đi.

Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: Ai cũng đều đem rượu ngon ra trước, khi khách đã ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon cho tới giờ này".

Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.

HỌ HẾT RƯỢU RỒI

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chiêm ngắm Chúa Giê-su đến dự tiệc cưới ta không khỏi cảm kích mừng vui. Chúa đã đến trần gian ở với con người. Chúa còn đi vào cuộc sống dân dã. Chia vui sẻ buồn với con người. Đi đám tang. Khóc trước mộ. Đi đám cưới. Chúc mừng đôi tân hôn. Lời chúc phúc của Chúa là một phép lạ cả thể. Sáu chum nước lã biến thành rượu ngon.

Lạy Chúa Chúa đến với chúng con làm biến đổi cuộc đời chúng con. Khai thông cuộc đời bế tắc của chúng con. Chúng con hết rượu rồi.

Chúng con hết rượu sự sống. Vì đã thoả hiệp với ác thần gieo mầm chết chóc. Chúng con hết rượu niềm vui. Vì tội lỗi phủ lên chúng con tấm màn u buồn. Chúng con hết rượu bình an. Vì những băn khoăn toan tính việc đời. Chúng con hết rượu hi vọng. Vì ma quỉ xác thịt thế gian đẩy chúng con vào đường cùng không lối thoát.

Hôm nay Chúa đến khai thông hết những bế tắc trong cuộc đời. Chúa đến kết hôn với bản tính loài người yếu hèn của chúng con. Chúa là chàng rể đích thực đưa chúng con vào tiệc cưới Nước Trời. Cho chúng con thưởng thức thứ rượu làm say ngất tâm hồn. Rượu Chúa ban cho chúng con sự sống mới. Cho chúng con hưởng trọn vẹn niềm vui không bao giờ vơi cạn. Cho chúng con niềm bình an thế gian không ban được. Cho chúng con niềm hi vọng vào một tương lai tươi sáng.

Tạ ơn Mẹ. Mẹ đã đón nhận Chúa vào trần gian. Mẹ còn đưa Chúa đến với cảnh sống thực tế. Mẹ còn trình lên Chúa sự đói khát thiếu thốn của chúng con. Thấu hiểu thân phận chúng con. Cầu bầu cho chúng con. Để Chúa ban rượu dư tràn.

Xin cho chúng con thêm niềm tin tưởng. Biết noi gương Mẹ tin tưởng cầu nguyện. Vì “Người nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người”. Và thêm niềm hi vọng. Vì “Con Thiên Chúa đã đến và… chúng ta ở trong Thiên Chúa thật, ở trong Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô. Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời”. Xin cho chúng con từ nay tránh xa ác thần. Từ bỏ thói thế gian chiều theo xác thịt. Thực sự kết hợp với Chúa Giê-su. Chàng rể đích thực. Sẽ đưa chúng con vào tiệc cưới Nước Trời. Ở đó rượu ngon sự sống, bình an và niềm vui sẽ tràn trề.

CÓ MẸ CÓ CHÚA, SẼ TRỌN NIỀM VUI

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Ca dao Việt Nam có câu: ”Tậu trâu - Lấy vợ - Làm nhà, trong ba việc ấy ắt là khó thay”.

Qua câu nói này, người ta muốn nói lên cái sự "khó" của một người đàn ông thời xưa. Mỗi cái có một cái khó khác nhau. Tuy nhiên, chuyện lấy vợ là điều khó khăn hơn cả. Chính vì điều đó mà người ta rất cẩn trọng trong thời gian tìm hiểu. Khi đã ưng ý, tiến tới hôn nhân, thì ai ai cũng đều ý thức đây là việc hệ trọng cả đời, nên khâu chuẩn bị tiệc đãi khách cũng là điều mà không thể coi thường, nhằm tránh điều ra tiếng vào.

Hôm nay, Tin Mừng cũng thuật lại cho chúng ta biết về một đám cưới đặc biệt tại làng Cana, cách phía nam Nazareth, quê ngoại của Đức Giêsu chừng 10 cây số về hướng đông bắc. Trong đám cưới này, Đức Giêsu và Mẹ của Ngài cũng được mời đến dự tiệc.

Kinh Thánh không nói đến việc gia chủ này có chuẩn bị kỹ lưỡng cho đám tiệc hay không, nhưng cứ theo sự thường thì đám cưới này phải là một đám cưới rất đông khách và gia chủ đương nhiên phải chuẩn bị cẩn thận. Tuy nhiên, điều xui xẻo đã ập đến với họ khi tiệc cưới đang giữa chừng thì bị hết rượu.

Sự việc lại càng quan trọng hơn biết bao, bởi vì theo quan niệm của người Dothái: tiệc cưới đang diễn ra mà hết rượu thì sẽ bị sỉ nhục tới ba đời và sẽ bị mang tiếng là không tôn trọng khách đến dự tiệc!

Đứng trước sự việc vô cùng bi đát này, gia chủ rất băn khoan! Nhưng nếu gia chủ lo lắng bao nhiêu thì niềm an ủi lại đến với gia đình này bấy nhiêu khi có sự hiện diện của Mẹ Maria và Đức Giêsu.

Quả thật, khi nhận ra sự bất an của gia chủ vì tình cảnh thiếu rượu, Mẹ Maria đã rất tinh ý và tế nhị đến bên Đức Giêsu và nói nhỏ với Ngài: ”Họ hết rượu rồi”. Qua lời cầu cứu của Mẹ Maria, Đức Giêsu đã tỏ tình thương của Thiên Chúa qua việc làm phép lạ hóa nước lã thành rượu ngon.

Qua phép lạ này, Đức Giêsu đã cứu thoát gia đình này khỏi bị khinh bỉ và chê cười, đồng thời đã đem lại cho đôi tân hôn niềm vui, hạnh phúc và bình an trọn vẹn.

Trong cuộc sống của mỗi người, có biết bao nhiêu điều làm cho ta không được vui, mất bình an và hạnh phúc. Kinh nghiệm cho thấy, khi ta gặp những chuyện buồn hay mất bình an hoặc không có hạnh phúc, ấy là lúc chúng ta không biết chạy đến với Mẹ Maria và không biết giữ Chúa ở nơi mình. Vì thế, Sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta hiểu rằng: vai trò của Mẹ Maria và Đức Giêsu trong cuộc đời của mỗi người rất quan trọng. Từ đó, biết năng chạy đến với Mẹ để nhờ Mẹ đến với Đức Giêsu.

Sống tinh thần đó, cuộc đời chúng ta sẽ có được chan chứa niềm vui và hạnh phúc vì có được những thứ rượu bác ái, liên đới, trách nhiệm…, đồng thời sẽ loại trừ được những thứ rượu ích kỷ, kiêu ngạo, dửng dưng, bất nhân….

Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con hiểu được tình mẫu tử nơi Mẹ, biết siêng năng chạy đến với Mẹ để nhờ Mẹ chuyển cầu với Chúa Giêsu cho chúng con được bình an, hạnh phúc trong cuộc sống. Xin Mẹ cũng dạy cho chúng con biết sống tinh thần liên đới trách nhiệm như Mẹ để cuộc đời chúng con và mọi người xung quanh không bị thiếu rượu tình thương và liên đới. Amen.

PHÉP LẠ

Đoạn Tin Mừng vừa nghe không nói rõ là tiệc cưới của ai, nhưng chắc chắn là của một người trong họ hàng thân thiết với Chúa, vì người ta thấy có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các môn đệ.

Theo tục lệ của người Do Thái, thì đám cưới thường kéo dài tới 7 ngày. Dĩ nhiên khách được mời không bắt buộc phải ở lại dự tiệc suốt 7 ngày. nhưng số người ở lại cho tới hồi kết thúc có lẽ không ít, nên xảy ra nạn thiếu rượu. Thiếu rượu nửa chừng trong một tiệc cưới quả là một tai hoạ. Danh dự của đôi tân hôn có thể bị thương tổn. Như thế, chúng ta có thể tưởng tượng ra nỗi lo âu và cảnh chạy đôn chạy đáo của nhà đám. Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu, với sự nhạy cảm và tinh tế của một người phụ nữ, hẳn đã nhận ra được những sự lục đục diễn ra ở hậu trường của tiệc cưới và hiểu được nỗi khốn quẫn của nhà đám. Dù sao thì Mẹ Maria đã là người đầu tiên lên tiếng về tình trạng này: họ không còn rượu nữa.

Một nhận định vô tư về tình hình hay còn hàm chứa một lời cầu xin? Có thể đây chỉ là một lời tỏ bày, báo động với Chúa Giêsu về nỗi quẫn bách của nhà đám, không nhất thiết Mẹ Maria phải xin một phép lạ. Điều quan trọng hơn ở đây là Mẹ Maria đã đặt Chúa Giêsu trước tình trạng quẫn bách của con người. Nhưng người đọc không thể không sửng sốt trước câu trả lời của Chúa Giêsu: Này bà, đối với tôi và bà, nào có việc gì. Một câu trả lời xem ra có vẻ cứng cỏi và xa vắng. Các nhà chú giải cắt nghĩa rằng trong một số trường hợp, câu nói này khá thông thường trong các giới Do Thái, và trong ngôn ngữ Hy Lạp, thì có nghĩa là: việc gì đến bà. Câu trả lời cua Chúa Giêsu ngụ ý cho thấy hai người, Người và mẹ Người không ở trên cùng một bình diện. Hành động của Người sẽ vượt lên trên rất xa điều Mẹ Maria có thể nghĩ đến. Tiếng bà dùng ở đây để chỉ Mẹ Maria không hề có nghĩa bất kính, mà chỉ là một kiểu xưng hô theo tập tục của của người Hy Lạp.

Như thế giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria có một sự khác biệt trong tầm nhìn. Đối với Chúa Giêsu phép lạ này bày tỏ vinh quang của Người được thực hiện là theo ý định của Cha Người. Sau cùng phép lạ đã xảy ra, cơn khốn quẫn của nhà đám được giải quyết một cách dư dật quá lòng mong muốn, sáu chum nước lã, mỗi chum chứa hai hoặc ba thùng, biến thành một loại rượu ngon. Nước lã biến thành rượu ngon. Thế nhưng nếu lưu ý chúng ta sẽ thấy, phép lạ đã không diễn ra chỉ bằng một lời phán, nhưng đã khởi sự từ việc nhận ra sự khốn quẫn của người khác, từ công lao khó nhọc của các gia nhân gánh đầy mấy chum nước.

Từ đó chúng ta đi tới kết luận, dù là trong phép lạ, thì sự tham gia cộng tác của con người cũng vẫn là điều cần thiết.

 

bài liên quan mới nhất

Suy niệm thứ Bảy tuần Thánh: Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng