Thứ Ba Tuần 34 Thường Niên, Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo.

THỨ BA TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

"Không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào".

* Cuối thế kỷ V, câu chuyện về cuộc thương khó của các chứng nhân tử đạo Cêcilia, Valêrianô và Tibuốc đã ca ngợi đức đồng trinh của Kitô giáo, khiến cho tên tuổi của một thiếu nữ người Rôma tên là Cêcilia trở thành lừng lẫy. Chị đã chịu tử đạo và được mai táng ở nghĩa trang Calíttô.

Một thánh đường đã được xây dựng để kính thánh nữ và một đoản văn trong câu chuyện trên đã khiến cho các nhạc sĩ chọn chị làm bổn mạng.

Lời Chúa: Lc 21, 5-11

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: "Chính ta đây và thời gian đã gần đến", các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể".

KHÔNG CÒN HÒN ĐÁ NÀO

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Người Do thái yêu mến, gắn bó và hãnh diện về đền thờ Giê-ru-sa-lem. Lộng lẫy nguy nga chưa từng thấy. Uy nghi hoành tráng đến hớp hồn. Nhưng Chúa Giê-su cho biết “những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. Chẳng có gì vững bền trên đời. Dù những phiến đá lớn lao vững chãi. Cả thế giới còn bị tiêu huỷ ra tro. Huống hồ một công trình bé nhỏ trên trái đất. Thật đáng sợ ngày kinh hoàng ấy. “Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện”. Vì thế phải biết chuẩn bị. Đừng gắn bó với những vẻ đẹp và sức mạnh chóng qua. Càng gắn bó sẽ càng hối tiếc. Hãy chuẩn bị cho ngày kinh hoàng đó.

Sách Khải huyền diễn tả số phận thế giới giống như một vụ mùa. Thời gian Chúa cho phép vũ trụ tồn tại là thời gian gieo hạt, trồng cấy. Cho cây nho, cây lúa mọc lên. Phát triển. Thời gian chấm dứt là thời gian Chúa tiêu huỷ vũ trụ. Lúa và nho đã chín. Cần phải gặt về. Đổ vào bồn ép. Để chịu phán xét. Trong cơn lôi đình khủng khiếp. “Xin tra liềm của Ngài mà gặt, vì đã đến giờ gặt: mùa màng trên đất đã chín rồi”. Trái đất đã chín. Lịch sử đã chín. Con người đã chín. Thời hạn đã chấm dứt. Cẩn thận kẻo bị ép trong bồn ép thịnh nộ (năm chẵn).

Na-bu-cô-đô-nô-sô được ơn thấy thị kiến về vận mệnh của chính mình, của vương quốc và của thế giới. Mọi vương quốc hùng mạnh rồi cũng sẽ tiêu tan. Mọi cố gắng của loài người không vượt qua được số phận. Thời gian nhường chỗ cho đời đời. Hữu hạn nhường bước cho vô hạn. Nhân loại phải tuân phục Thiên Chúa. Sức mạnh của Thiên Chúa không ai có thể chống cưỡng được. Đó là điều Đa-ni-en giải nghĩa giấc mơ cho Vua: “Đức Chúa Trời sẽ lập một vương quốc không bao giờ bị tiêu diệt, vương quốc ấy không bị giao cho một dân khác, nhưng nó sẽ đập tan và tiêu diệt tất cả mọi vương quốc này, đến muôn đời nó sẽ đứng vững; cũng như ngài đã thấy tảng đá bị tách khỏi núi dù không có bàn tay nào đụng tới, tảng đá ấy đập tan của sắt, đồng, đất sét, bạc và vàng” (năm lẻ).

Mọi sự sẽ qua đi. Chỉ Thiên Chúa vĩnh cửu. Thật dại dột khi gắn bó với những gì mau qua. Tôi sẽ mất tất cả. Sẽ buồn phiền. Khôn ngoan là gắn bó với Thiên Chúa. Làm việc cho Nước Trời. Ở trần gian có thể bị thiệt thòi. Nhưng sẽ bền vững trong Chúa, trên trời.

NGÀY PHÂN BIỆT

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Một công trình hoành tráng, nguy nga, hùng vĩ được xây dựng lên để thách đố với thời gian, khẳng định với thời đại, đó chính là thành thánh Giêrusalem. Quả thật, đây là công trình thế kỷ; là niềm tự hào, hãnh diện của người Dothái... Tuy nhiên, công trình này rồi cũng như hoa kia sớm nở tối tàn mà thôi. Dù nguy nga, đồ sộ cỡ nào thì trước mặt Chúa cũng chỉ là phù vân!

Quả thật, sự kiện năm 70 sau Chúa Giáng Sinh, quân đội Rôma đã phá đổ tan tành, không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào, và nó đã thành biển lửa và máu. Ngày nay, người ta chỉ còn biết đến nó như là một sự kiện của lịch sử hay như một  kỷ niệm buồn tủi với nước mắt...

Hình ảnh thành thánh Giêrusalem bị tàn phá là tiền đề để giúp cho chúng ta cảm thấy trước sự kinh hoàng, ghê rợn trong ngày chung cuộc của con người và thế giới. Ngày đó đến với các điềm báo trước như: hạn hán, mất mùa, bệnh dịch, những điềm lạ xuất hiện trên trời như: kinh thiên, động địa, hay chiến tranh tàn phá và loạn lạc... Ngày đó là ngày phán xét, ngày phân biệt tốt và xấu; thiện và ác; chiên và dê; lúa và cỏ lùng; cá tốt và cá xấu...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hướng về Nước Trời như một điểm đến của chúng ta. Cần nhạy bén với các dấu chỉ thời đại, hầu thay đổi cuộc sống để trở nên tốt hơn. Cần tránh cho xa những điều bất chính và mặc lấy thái độ của những người sống trong ân sủng. Suy nghĩ, hành động tốt để ngày Chúa đến với chúng ta là một ngày tràn ngập vui mừng. Chớ dại mà bám víu vào những thứ tưởng chừng sẽ tồn tại trong cuộc sống như: vật chất, chức quyền, danh vọng; hay những thú ăn chơi, đàn điếm, cờ bạc mà quên đi mục đích tối hậu của mình.

Chỉ có Lời Chúa là tồn tại và là Lời Hằng Sống có sức biến đổi cũng như cứu vãn chúng ta khi chúng ta lắng nghe và thực hành mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tỉnh thức và sẵn sàng, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa đến. Xin ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.

THỜI GIAN CHUYỂN TIẾP

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ðối với người Do thái, Ðền thờ Giêrusalem là biểu tượng cho niềm vui và hãnh diện, và là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc, là nơi hằng năm muôn dân tuôn về đó để mừng lễ. Ðền thờ được xây bằng đá quí, sừng sững trên ngọn đồi này vẫn được xem là nơi nương tựa vững chắc có thể đương đầu với thời gian. Thế mà Chúa Giêsu lại tuyên bố sẽ có ngày nó bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.

Về thời điểm các sự việc đó xảy ra, dưới ngòi bút của thánh Luca, câu trả lời của Chúa Giêsu không chỉ riêng cho Giêrusalem mà còn bao gồm cả chiều kích lịch sử cứu độ: cũng như Ðền thờ Giêrusalem, thế giới này dù có vững vàng đến đâu, thì một ngày nào đó cũng sẽ tàn lụi. Trong khoảng thời gian trước ngày Chúa trở lại sẽ có nhiều tai ương khốn khó. Hình ảnh các biến cố thiên nhiên, như động đất, hạn hán, mất mùa, ôn dịch; những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ trên trời, hay hình ảnh chiến tranh, loạn lạc, là những yếu tố trong lối hành văn được các Tiên tri sử dụng để báo trước về ngày chung thẩm của Thiên Chúa. Tuy nhiên, các biến cố đó không phải chỉ là những hình ảnh, mà là sự thật; chúng cũng tác dụng như một nhắc nhở con người ý thức bản chất thụ tạo yếu đuối và mỏng dòn của mình, đồng thời soi sáng cho con người biết chiều kích về ơn gọi siêu việt của mình là sống như con cái Thiên Chúa và trung thành thực hiện ơn gọi đó, trong khi chờ đợi ngày Chúa lại đến.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tin tưởng vào tình thương bao la của Chúa. Xin cho chúng ta hằng gắn bó với Chúa và sống hết tình con thảo từng giây phút đời sống chúng ta. 

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 20/4: Thánh Anê Môntepuxiano (1268-1317)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng