Thứ Ba Tuần 2 Mùa Thường Niên

THỨ BA TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Thánh Antôn, viện phụ. Lễ nhớ

"Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat".

* Thánh Antôn là tổ phụ của các đan sĩ Ai Cập. Người chào đời quãng năm 250. Sau khi song thân qua đời, đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo rồi hãy đến theo tôi”, người rút lui vào sa mạc sống đời khổ chế và đền tội. Nhiều bạn hữu đã đến theo người, sống nếp sống khắc khổ để có thể kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Người cũng có công nâng đỡ các tín hữu trong thời kỳ hoàng đế Đi-ô-cơ-lê-xi-a-nô bách hại đạo, người cũng trợ giúp thánh Athanaxiô đối phó với phái Ariô. Người qua đời năm 356.

LỜI CHÚA: Mc 2, 23-28

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: "Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?"

Người trả lời rằng: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ðavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?"

Và Người bảo họ rằng: "Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".

THIÊN CHÚA CỦA NIỀM HY VỌNG

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đời sống con người nhiều khi bế tắc. Thân phận yếu kém. Hoàn cảnh khắc nghiệt. Lãnh đạo thiển cận, hẹp hòi và chuyên quyền. Nhưng thánh Phao-lô khuyên ta nên kiên trì giữ vừng niềm tin, vì Thiên Chúa chính là hi vọng.

Thiên Chúa là hi vọng vì Người trung tín. Lời thề hứa của Thiên Chúa là bất di bất dịch. Vì nếu mọi người phải mượn danh Chúa mà thề vì danh Chúa chí thánh là nền tảng vững chắc. Đằng này chính Thiên Chúa thề hứa thì không thể sai chạy. Điều đó chứng tỏ qua cuộc tuyển chọn Áp-ra-ham (năm lẻ) và Đa-vít (năm chẵn). Và càng chứng tỏ hơn nữa qua việc thực hiện lời thề hứa với các ngài. Giữ lời hứa cho Áp-ra-ham một giòng dõi đông đúc ông đã cao tuổi mà vẫn chưa có con. Giữ lời hứa trung tín với nhà Đa-vít nên đã cho Ngôi Lời sinh trong dòng họ này.

Thiên Chúa là hi vọng vì Người luôn quan tâm và khai thông những bế tắc. Con người sai lầm. Lịch sử bất ổn. Hoàn cảnh khó khăn. Nhưng Thiên Chúa luôn biết cách đổi mới. Khi con người lỗi phạm, Thiên Chúa đã tuyển chọn Áp-ra-ham lập nên một giòng dõi mới. Khi Sa-un đi chệch đường, Thiên Chúa tuyển chọn Đa-vít lập triều đại mới. Và khi Cựu Ước chấm dứt Thiên Chúa sai Con Một xuống lập giao ước mới. Khai mạc triều đại mới. Thiên Chúa luôn mở ra những chân trời mới. Khai thông bế tắc. Đem lại hi vọng lớn lao.

Thiên Chúa là hi vọng vì Người làm chủ vũ trụ. Người có toàn quyền trên muôn vật muôn loài. Làm chủ vũ trụ. Làm chủ vận mạng con người. Làm chủ lề luật. Người tự do và làm cho ta tự do. Người giải thoát ta khỏi mọi ràng buộc. Không bị ràng buộc vào diện mạo bên ngoài. Không phải tuân theo thứ tự trước sau. Người chọn Đa-vít là con út và là người có vóc dáng nhỏ bé. Người chọn Áp-ra-ham là người cao niên mà chưa có con. Lề luật vốn để phục vụ con người. Khi lề luật trở nên gánh nặng, nên gông cùm trói buộc, Người đã giải thoát con người. Vì Người làm chủ lề luật. Chính vì thế Người đem lại niềm hi vọng cho con người.

Khi chưa thấy lời hứa thực hiện ta cũng vẫn tín thác vì Chúa luôn trung tín. Khi ta gặp bế tắc tưởng chừng không lối thoát ta vẫn an tâm vì Chúa luôn quan tâm sẽ khai thông mọi bế tắc. Khi ta bị vây kín trong vòng giam hãm của lề luật ta vẫn tự do vì Chúa làm chủ lề luật sẽ giải thoát ta.

TRẢ LẠI CHO LUẬT Ý NGHĨA CỦA NÓ!

(Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP)

Luật ngày Sabát chính là luật quan trọng của người Do thái. Tuy nhiên, vì luật này, mà đã biết bao nhiêu lần giữa Đức Giêsu và người Pharisêu xảy ra tranh cãi, bởi lẽ với Đức Giêsu thì coi luật vì con người, còn với kẻ chống đối Ngài thì cho rằng con người nên công chính vì luật.

Thật vậy, Đức Giêsu không phải là người đến để bãi bỏ lề luật, Ngài đến để kiện toàn. Tuy nhiên, Ngài nhìn và coi luật là thứ yếu, nó chỉ nắm vai trò phục vụ con người, vì vậy, nó không phải là tất cả và mang tính sống còn! Nếu luật đưa ra mà không làm cho con người có giá trị nhân linh trước mặt Chúa và sống tốt với nhau hơn hay không đem lại bình an, hạnh phúc cho người thi hành thì luật đó phải được thay thế.

Việc trung thành giữ luật ngày Sabát mà khiến lòng con người ra trai cứng, dửng dưng trước sự đói khát, khổ sở, hay ốm đau, chết chóc thì hoàn toàn không phù hợp với tinh thần cũng như mục đích nguyên thủy của luật. Không thể hoàn toàn dựa trên luật để đánh giá đồng đều lòng đạo đức của mọi người. Cần phải áp dụng theo từng người, trong những hoàn cảnh nhất định. Vì thế: “Ngày Sabát được tạo ra vì con người, chứ không phải con người cho ngày Sabat” (Mc 2, 27).

Ngày nay, qua lối thực hành đạo của chúng ta, vẫn còn đó những người luôn coi việc giữ luật cách nghiêm ngặt, cứng ngắc là điều nên làm và họ luôn coi đây là chuẩn mực để được coi là đạo đức! Tuy nhiên, khi trở về với những lời giáo huấn và tinh thần của Đức Giêsu, nhất là những việc Ngài làm, thì hẳn chúng ta phải xem lại!

Liệu rằng khi chúng ta làm việc thiện rồi để khoe khoang; hay là nhân danh đạo đức để xử sự bất nhân với anh chị em mình; hoặc tự cho mình là người giữ luật cách trung thành, nhưng lại coi thường, khinh bỉ hay luôn cho mình là người mẫu lý tưởng bắt mọi người phải quy phục thì liệu có phù hợp với giáo huấn của Chúa và cốt lõi của Luật không??? Hay chúng ta đang bị chất tố Pharisêu chỉ đạo lối nhìn và quan điểm để rồi mình trở thành bản sao của nhóm người giả hình thời hiện đại?

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết giữ luật vì lòng mến; đồng thời luôn biết yêu thương anh chị em mình bằng một tình yêu chân thành, thiết thực dựa trên đức ái. Amen.

LINH HỒN CỦA LỀ LUẬT

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Nói về luật pháp của con người, triết gia Schopenhauer đã ví von như sau: "Luật pháp cũng giống như một mạng nhện, những con ong gấu thì vượt qua một cách dễ dàng, những thứ ruồi nhặng thì kẹt lại". Ðây là một sự thật đau lòng mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày trên khắp thế giới: những con ong gấu, tức những người làm ra luật, những kẻ có quyền thế trong tay, thường chiu qua những kẽ hở của luật pháp một cách dễ dàng; thế lực của đồng tiền, vây cánh, ô dù, giúp họ luôn đứng trên luật pháp mà chính họ lập ra.

Vào thời Chúa Giêsu không có chuyện ô dù, nhưng có một hạng người tự cho mình có quyền lập ra luật, bắt người khác giữ luật, còn mình thì không muốn lay thử một ngón tay. Tin Mừng hôm nay là khởi đầu của một cuộc đối đầu triền miên giữa Chúa và hạng người này, tức là nhóm Biệt phái về vấn đề luật pháp. Chúa Giêsu không phải là một người vô kỷ luật. Ngài sinh ra khi cha mẹ Ngài tuân theo lệnh kiểm tra dân số do Hoàng đế La mã ban hành; sau này Ngài vẫn đóng thuế như bất cứ một công dân của Ðế quốc nào. Trong lãnh vực tôn giáo Ngài tuân giữ lề luật của Môsê. Ngài cũng chịu cắt bì, được hiến dâng trong Ðền thờ vì là con trai đầu lòng, hằng năm lên Yêrusalem để mừng lễ, mỗi ngày hưu lễ Ngài cũng đến Hội đường.

Tuy nhiên, như Chúa Giêsu đã có lần tuyên bố Ngài đến là để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật là gì nếu không phải là mặc cho nó linh hồn là tình yêu; không có tình yêu thì lề luật chỉ là những thây chết, nhưng nói đến tình yêu là nói đến con người. Như vậy luật lệ là vì con người, là để giúp con người sống chứ không phải để đàn áp và giết chết con người; luật lệ chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nó là một biểu lộ của tôn trọng và yêu thương đối với con người; trái lại, tất cả những luật lệ nào đi ngược lại với sự sống và tình yêu, đều là những luật lệ bất công. Trong Thông điệp "Tin Mừng Sự Sống" ban hành năm 1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi các tín hữu mạnh mẽ và can đảm chống lại những thứ luật lệ xúc phạm đến chính sự sống của con người, như luật cho phép phá thai, luật cho phép kết liễu cuộc sống của bệnh nhân.

Là một xã hội, Giáo Hội cũng ban hành luật lệ. Tất cả lề luật của Giáo Hội được tóm gọn trong một giới luật duy nhất và nền tảng, đó là yêu thương. Ăn chay, giữ ngày Chúa nhật hoặc bao nhiêu khoản luật khác liên quan đến đời sống hôn nhân, tất cả đều qui về một luật duy nhất là để giúp các tín hữu sống tôn trọng và yêu thương con người. Như thế, người Kitô hữu chỉ có một giới răn để tuân giữ, đó là giới răn yêu thương, và họ cũng chỉ có một tinh thần duy nhất để tuân giữ lề luật, đó là tình yêu thương.

Nguyện xin Chúa hướng dẫn để chúng ta luôn sống đạo theo tinh thần yêu thương ấy.

bài liên quan mới nhất

Giáo phận Bắc Kinh chuẩn bị Ngày cầu nguyện cho ơn gọi: “Sứ mệnh bước theo Chúa Kitô”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng