Tại Jakarta, Đức Phanxicô gặp gỡ trẻ mồ côi, người nghèo và người tỵ nạn

Sau khi đến thủ đô Indonesia, Đức Phanxicô đã đến tòa khâm sứ để gặp một nhóm gồm 40 người đàn ông, phụ nữ, người già và trẻ em được các nữ tu Đa Minh, Cơ quan Tỵ nạn của Dòng Tên và Cộng đồng Sant’ Egidio hỗ trợ và đồng hành. Ngài chào đón từng người có mặt và lắng nghe câu chuyện của mỗi người, trong đó có một gia đình tỵ nạn từ Sri Lanka và một người tỵ nạn Rohingya.Chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Indonesia bắt đầu bằng dấu chỉ lòng trắc ẩn với trẻ mồ côi, người già, người nghèo và người tỵ nạn, hiện thân của “nền văn hóa vứt bỏ” mà ngài luôn tố giác. Đức Thánh Cha đã hạ cánh xuống sân bay Soekarno-Hatta ở thủ đô Jakarta – chặng đầu tiên của chuyến tông du dài sẽ đưa ngài đến Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore cho đến ngày 13 tháng 9 – và được đưa về Tòa Sứ thần, một tòa nhà lớn được xây dựng vào những năm 1960, nằm gần Quảng trường Merdeka, khu vực trung tâm của thành phố, giữa nhiều công trình quân sự dọc các đường phố và quảng trường.

Sự chào đón của người dân trên đường phố

Trong nửa giờ, chiếc ô tô màu trắng chở Đức Thánh Cha băng qua dòng xe cộ, đi qua những tòa nhà chọc trời, những tòa tháp và tòa nhà có kiến ​​trúc điển hình của người Java từ thế kỷ thứ IX.

Trên đường phố, đàn ông, phụ nữ và trẻ em mặc áo phông trắng vẫy cờ mang màu sắc của Indonesia và hô lên “Selamat datang”, “chào mừng” khi xe của Đức Thánh Cha đi qua. Họ bước qua ngưỡng cửa Tòa Sứ thần, do Sứ thần Piero Pioppo dẫn đầu, để chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô, tất cả ngồi thành vòng tròn trong hội trường: trẻ mồ côi, người già, người nghèo, người tỵ nạn. Tổng cộng có 40 người trong số họ, được đồng hành bởi những người hỗ trợ họ hằng ngày và cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ: các nữ tu Đa Minh, Cơ quan Tỵ nạn của Dòng Tên (JRS) và Cộng đồng Sant’Egidio.

Một “dân tộc ô hợp” ở tòa khâm sứ

Cộng đồng này, hoạt động tích cực ở quốc gia châu Á này từ năm 1991 theo sáng kiến ​​của các giáo dân trẻ từ giáo phận Padang và ngày nay hiện diện ở 11 thành phố, đặc biệt đã tháp tùng 20 vị khách đến Tòa Sứ thần. Các đại diện của Sant’Egidio, có mặt tại cuộc họp, giải thích với Radio Vatican – Vatican News: “Một dân tộc ô hợp”, “những người nghèo sống trên đường phố, những người thu gom rác thải và tái chế chúng. Đây không phải là những kẻ lang thang như chúng ta thấy ở châu Âu mà là cả những gia đình không nhà và sống giữa rác thải”.

Ở Jakarta, họ được gọi là “người đánh xe ba gác” trong tiếng địa phương, vì họ chất rác thải thu được từ bãi rác lên những chiếc xe gỗ này và thường chính chiếc xe ba gác là “ngôi nhà” duy nhất của họ, nơi họ sống, ăn và ngủ. Sant’Egidio mang đến cho họ thức ăn và quần áo, giống như ở tất cả các thành phố trên thế giới. Một số người trong số họ hôm nay đã có thể bắt tay Đức Thánh Cha, ngài đã đi vòng quanh tất cả các ghế, chào từng người có mặt và lắng nghe vắn tắt câu chuyện của họ.

Người tỵ nạn và những người sống sót sau vụ đắm tàu

Trong số họ, cũng được đồng hành bởi Sant’Egidio và Erlip Vitarsa, phó tế thường trực đầu tiên của Tổng Giáo phận Jakarta, có những người già, những người nghèo sống hoặc làm việc tại các bãi rác và thường xuyên đến căng tin cộng đồng, rồi những người tỵ nạn từ Somalia và một gia đình người tỵ nạn từ Sri Lanka, những người chạy trốn sự đàn áp chống lại người Tamil. Họ đã rời đi cách đây vài tháng trên một chiếc thuyền để đến Úc, nhưng chiếc thuyền bị lật úp trên biển. Thật kỳ diệu, họ đã trở về Indonesia và giống như nhiều người đang chờ đoàn tụ với các thành viên trong gia đình ở Úc hoặc thậm chí ở Canada. “Họ sống trong tình trạng lấp lửng, trong một đất nước không từ chối họ nhưng không có luật pháp và các phương tiện cần thiết để giúp đỡ họ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lắng nghe câu chuyện của họ, do James kể lại, và chúc lành cho họ, như ngài đã làm với một người tỵ nạn đến từ Miến Điện, một trong nhiều người Rohingya phải chịu đựng sự tàn bạo này thường bị Đức Thánh Cha lên án, người duy nhất lên tiếng cho thiểu số này trong công luận. Hôm nay, Đức Thánh Cha đã đặt tay lên đầu đứa trẻ, được JRS đưa đến Tòa Sứ thần, như một dấu hiệu của sự gần gũi và quan tâm.

Tình cảm dành cho trẻ em

Những dấu ấn của tình cảm, Đức Phanxicô đã thể hiện đối với nhiều trẻ em có mặt: cả trẻ mồ côi được nhận nuôi trong các làng mạc và vùng ngoại ô thành thị, được các nữ tu Đa Minh nuôi dưỡng và giáo dục, cũng như trẻ em của các trường học hòa bình (18 trường trên toàn quần đảo, quy tụ hơn 3.000 trẻ em). Các trường này đã tặng bức vẽ về “thế giới mà tôi mong muốn”, hình ảnh quả địa cầu được nâng đỡ bởi hai cánh tay được tạo nên bởi tất cả các lá cờ, đoàn kết và gần gũi nhau như một dấu hiệu của tình huynh đệ.

Giữa những nụ hôn và chúc lành trên đầu và trán, những cái ôm và những tràng chuỗi làm quà, Đức Thánh Cha đã dành phần lớn cuộc gặp gỡ này với những trẻ nhỏ, cuộc gặp gỡ đầu tiên và duy nhất, sau chuyến hành trình dài 13 giờ bằng máy bay từ Rôma. Sau đó, ngài dừng lại để nói chuyện riêng với một phụ nữ đến từ Afghanistan, quấn khăn chador và nói đùa với một cụ già ngồi trên xe lăn: “Tôi cũng vậy!” Cuối cùng, ngài ban phép lành, cho biết mình hạnh phúc và cảm động khi bắt đầu cuộc hành trình dài nhất trong triều đại giáo hoàng của mình bằng cuộc gặp gỡ như vậy.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Salvatore Cernuzio – Đặc phái viên của Vatican News ở Jakarta)

Nguồn: xuanbichvietnam.net

bài liên quan mới nhất

Lễ Đức Mẹ Mân Côi: “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng