LINH MỤC THAM GIA ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI QUA VIỆC HUẤN LUYỆN CÁC ĐOÀN THỂ CÔNG GIÁO - GÓP PHẦN CỦA TÂM LÝ HỌC
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ đôi suy nghĩ về việc tham gia vào đời sống Giáo hội của linh mục ngang qua việc huấn luyện cho các Hội đoàn Công giáo trong giáo xứ.
Trong diễn từ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới XVI, ngày 09/10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi nhắc: “Tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Nếu không có sự tham gia thực sự của Dân Chúa, nói về hiệp thông có nguy cơ chỉ còn là một ước vọng đạo đức…Trao quyền cho mọi người tham gia là một bổn phận thiết yếu của Giáo hội!”. Trước đó, tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới lần thứ XVI cũng đã nêu rõ: “Bí tích Rửa tội tạo ra một sự đồng trách nhiệm thực sự giữa tất cả các phần tử của Giáo hội, được thể hiện qua sự tham gia của tất cả mọi người vào sứ vụ và qua việc xây dựng cộng đoàn Giáo hội tùy theo đặc sủng của mỗi người” (số 20).
Linh mục không chỉ được mời gọi tham gia vào đời sống của Giáo hội theo nghĩa cùng hiện diện như một thành viên của Giáo hội, mà là góp phần của mình vào trong đời sống của Giáo hội. Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2023, trong số 3, đã đưa ra những đề nghị cách góp phần cụ thể cho từng giới vào trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Riêng với các linh mục, Hội đồng Giám mục đã nhắc nhở:
Anh em linh mục hãy ý thức chức tư tế thừa tác mà mình được lãnh nhận là để phục vụ chức tư tế cộng đồng do Bí tích Rửa tội. Cả hai chức tư tế, theo cách thức riêng của mình, đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô. Do đó, các chủ chăn có chức thánh phải nhìn nhận và phát huy phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội. Các ngài cần sẵn sàng lắng nghe ý kiến của họ, tín cẩn giao phó công tác để họ phục vụ Giáo hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động, hơn nữa, cũng nên khuyến khích và tạo điều kiện để họ đảm nhận những công việc do chính họ khởi xướng (x.LG 37).
Các linh mục cần tổ chức những lớp đào tạo giáo dân, giúp họ hiểu đúng về vai trò, bổn phận, ơn gọi và sứ mạng của họ trong Giáo hội. Tại các giáo xứ, linh mục và tu sĩ không kiêm nhiệm hết mọi việc thay thế giáo dân, nhưng hướng dẫn và đồng hành để giúp họ chu toàn ba chức năng của Bí tích Thánh tẩy.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ đôi suy nghĩ về việc tham gia vào đời sống Giáo hội của linh mục ngang qua việc huấn luyện cho các Hội đoàn Công giáo trong giáo xứ. Bài viết không nhắm đến nội dung huấn luyện, nhưng nhắm đến những góp phần của tâm lý học nhằm giúp các linh mục tham gia cách hữu hiệu nhất vào đời sống Giáo hội qua việc huấn luyện cho các hội đoàn.
1.1 Huấn luyện theo quan điểm của tâm lý học
1.1.1 Định nghĩa
Theo định nghĩa của Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế (ICF: International Coach Federation), huấn luyện là quá trình hợp tác giữa nhà huấn luyện và thân chủ trong một quá trình làm việc chung với nhau theo một cách sáng tạo và thúc đẩy suy nghĩ; từ đó, tạo động lực giúp thân chủ tối đa hóa những tiềm năng cá nhân và làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp hơn[1].
Huấn luyện là một quá trình nhằm mục đích cải thiện hiệu suất và tập trung vào hiện tại hơn là vào quá khứ hoặc tương lai xa xôi. Theo Allen, Kimberly (2016)[2], mục đích huấn luyện là cải thiện hiệu suất, thành tích và gia tăng cảm giác hạnh phúc cho cá nhân, đội nhóm và tổ chức - thông qua việc sử dụng các phương pháp dựa trên bằng chứng thực tiễn nghiên cứu khoa học.
Huấn luyện là phương pháp để giúp đỡ người khác rèn luyện, phát triển, học hỏi những kỹ năng mới, đối mặt với thử thách cá nhân, kiểm soát sự thay đổi trong cuộc sống, xây dựng mục tiêu và đạt được thành công. Đó là việc nhận ra những điều tốt đẹp nhất của một người nào đó và khuyến khích họ đưa ra những quyết định để cải thiện cuộc sống của chính mình. Nói cách khác, huấn luyện đề cập đến một phương pháp đào tạo, tư vấn hoặc hướng dẫn một cá nhân hoặc một nhóm cách phát triển các kỹ năng để nâng cao năng suất của họ hoặc khắc phục một vấn đề về hiệu suất.
Yêu cầu cơ bản và thường trực của huấn luyện là xây dựng lòng tin của người khác, bất kể nội dung của nhiệm vụ hoặc vấn đề là gì. Quá trình này chỉ cho người học biết được điểm mạnh, điểm yếu và tiềm năng của bản thân, giúp họ tự nhìn nhận và đánh giá năng lực của mình để tự bứt phá trong công việc, cuộc sống. Một trong những nguyên tắc cơ bản của huấn luyện là không có sự phán xét hay chỉ trích những gì đã xảy ra trong quá khứ mà hướng về phát triển tiềm năng, về tương lai. Nếu người lãnh đạo hoặc huấn luyện viên không tin rằng mọi người có nhiều khả năng hơn họ đang thể hiện, huấn luyện viên sẽ không thể giúp họ. Nhà huấn luyện phải nghĩ về mọi người theo tiềm năng của họ, không phải hiệu suất của họ.
Có hai loại huấn luyện:
- Huấn luyện nội bộ được thực hiện trong tổ chức, nơi một người quản lý đóng vai trò là huấn luyện viên cho đội mà họ đã biết.
- Huấn luyện bên ngoài được thực hiện khi huấn luyện viên không phải là thành viên của tổ chức hoặc cơ cấu quản lý hàng dọc, nhưng là chuyên gia trong lĩnh vực mà huấn luyện viên đang được đào tạo.
1.1.2 Bản chất của huấn luyện
Bản chất của huấn luyện chính là sự chuyên nghiệp, mà việc tạo ra sự khác biệt và giúp đỡ người khác luôn là vấn đề trung tâm. Đó còn là một công cụ để chỉnh sửa, điều chỉnh lại cách làm khi mọi thứ đi sai hướng. Nó cũng được coi là cách tiếp cận tích cực và đã được chứng minh hiệu quả trong việc giúp đỡ người khác khám phá các mục tiêu, tham vọng của họ, và sau đó đạt được chúng.
Cụ thể:
a) Đối với từng cá nhân, quá trình huấn luyện giúp họ:
- Phát triển sự tự nhận thức và tăng khả năng chịu trách nhiệm cao hơn. Tăng sự cởi mở với học tập và phát triển cá nhân.
- Cải thiện các kỹ năng hoặc hành vi cụ thể; sửa chữa những khó khăn về hành vi/ hiệu suất.
- Tăng khả năng xác định giải pháp cho các vấn đề liên quan đến công việc cụ thể. Hỗ trợ một người ở mọi cấp độ trở thành người mà họ muốn trở thành.
- Xây dựng nhận thức trao quyền cho sự lựa chọn và dẫn đến sự thay đổi.
- Cải thiện hiệu suất và mục tiêu của cá nhân. Nhận định rõ ràng hơn trong vai trò và mục tiêu cuộc sống và công việc.
- Đạt được điều tốt nhất của họ và tạo ra kết quả họ muốn trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của họ.
- Đảm bảo họ có thể cống hiến hết mình, học hỏi và phát triển theo cách họ mong muốn.
b) Đối với các tổ chức:
- Tối ưu hóa sử dụng tài năng/ tiềm năng của các cá nhân.
- Thể hiện cam kết với các cá nhân và sự phát triển của họ.
- Tăng tính sáng tạo, học tập và kiến thức.
- Thúc đẩy, tạo động lực cho mọi người.
- Tạo điều kiện cho việc áp dụng một phong cách quản lý/ văn hóa mới.
- Cải thiện mối quan hệ giữa mọi người và phòng ban.
- Hiệu suất/ năng suất tổ chức cao hơn.
Nói cách khác, huấn luyện mở ra tiềm năng của một người/ tổ chức để phát huy đầy đủ tiềm năng, tối đa hóa hiệu suất của họ. Huấn luyện giúp họ học hỏi hơn là dạy họ. Nó cũng có thể giúp đối phó với các vấn đề và thách thức trước khi chúng trở nên nghiêm trọng.
1.1.3 Phân biệt một vài từ ngữ gây ngộ nhận
Huấn luyện là một công việc tương đối mới. Nó không giống với tâm lý học, tư vấn hay việc trị liệu. Sự khác biệt lớn nhất chính là huấn luyện không đòi hỏi người được huấn luyện phải có câu trả lời. Nhà trị liệu làm việc với thân chủ, những người đang tìm cách giảm bớt các triệu chứng tâm lý hoặc thể chất. Thân chủ muốn được chữa lành về mặt tinh thần và giảm bớt nỗi đau về tinh thần. Trị liệu liên quan đến sức khỏe tâm thần của thân chủ. Huấn luyện liên quan đến sự phát triển tinh thần của thân chủ. Động cơ của thân chủ khi tham gia trị liệu hoặc tư vấn thường là để tránh khỏi đau đớn hoặc khó chịu, thay vì hướng tới các mục tiêu mong muốn. Công việc của một huấn luyện viên không phải là giải quyết những vấn đề cũ, định hướng hay cố gắng thu thập nhiều thông tin trong quá khứ (như trị liệu thường làm). Huấn luyện viên sẽ giúp thân chủ tự tìm thấy câu trả lời. Việc huấn luyện tập trung vào tương lai, vào nhu cầu, mong muốn, mục tiêu và mục đích của thân chủ.
Tự bản thân, huấn luyện viên đã là một hình mẫu của sự lạc quan và tích cực, nên khi làm việc với thân chủ họ đã truyền cảm hứng và tạo động lực cho thân chủ theo đuổi mong muốn cá nhân. Theo cách này, huấn luyện trở thành một cách đặc biệt để phát triển con người. Nhiều huấn luyện viên đồng ý rằng việc giúp đỡ thân chủ đạt đến những khả năng trọn vẹn của họ thông qua việc huấn luyện mang lại sự hài lòng tuyệt vời.
Việc huấn luyện là không giống như khuyên bảo, tư vấn. Huấn luyện và tư vấn là hai lĩnh vực rất khác nhau, với các phương pháp và mục đích khác nhau. Tư vấn là làm việc với một thân chủ cảm thấy không thoải mái hoặc không hài lòng với cuộc sống của họ. Họ đang tìm kiếm sự hướng dẫn và lời khuyên. Một nhân viên tư vấn làm việc để khắc phục vấn đề của thân chủ. Họ cung cấp kiến thức chuyên môn và giải quyết các vấn đề của thân chủ nói chung. Một nhà tư vấn giải quyết vấn đề với tổ chức tổng thể hoặc các bộ phận cụ thể của nó chứ không phải các cá nhân bên trong nó. Nhà tư vấn chỉ ảnh hưởng gián tiếp đến cá nhân. Như thế, có một sự khác biệt rất lớn giữa huấn luyện và tư vấn: huấn luyện tập trung vào thân chủ, trong khi đó tư vấn có xu hướng dựa trên những niềm tin, giá trị và ý kiến của các cố vấn.
Trong khía cạnh này, một huấn luyện viên chắc chắn không phải là một cố vấn. Vai trò của huấn luyện viên, và khái niệm huấn luyện, là để giúp người khác tìm ra các giải pháp riêng của họ thay vì làm theo các khuyến cáo hoặc đề nghị của một cố vấn. Cố vấn là khi một chuyên viên, được coi là hiểu biết hơn và khôn ngoan hơn đưa ra lời khuyên và cung cấp hình mẫu. Cố vấn liên quan đến các cuộc thảo luận trên phạm vi rộng có thể không giới hạn trong bối cảnh công việc. Một người cố vấn là một người có kinh nghiệm chuyên môn cao trong lĩnh vực công việc của thân chủ của họ. Cả cố vấn và huấn luyện đều quan tâm chủ yếu đến những thành tựu đạt được trong hiện tại và tương lai. Ngoài ra, nhà tư vấn hoặc cố vấn là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình, trong khi huấn luyện viên chỉ cần là một chuyên gia huấn luyện, chứ không cần phải là chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào khác.
Nhà huấn luyện cũng không phải là nhà đào tạo. Đào tạo là quá trình thu nhận các kỹ năng hoặc khả năng kiến thức bằng cách học tập, kinh nghiệm hoặc giảng dạy. Người đào tạo theo định nghĩa là chuyên gia, và khóa đào tạo có khả năng được nhắm mục tiêu vào các kỹ năng cụ thể để có kết quả ngay lập tức. Việc đào tạo cũng có khả năng là một đối với nhiều người hơn là một đối với một người. Việc giảng dạy truyền kiến thức từ giáo viên sang học sinh. Giáo viên biết điều gì đó mà học sinh không biết. Huấn luyện thì ngược lại. Thân chủ là chuyên gia và họ có câu trả lời, không phải huấn luyện viên.
Điều này không có nghĩa là huấn luyện viên không được hưởng lợi từ việc có chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể, Trong thực tế, tiếp cận huấn luyện từ những chuyên môn đặc biệt hoặc thích hợp ngày càng trở nên phổ biến ở những huấn luyện viên mới được đào tạo. Nhìn chung, huấn luyện viên có thể sử dụng những kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn trước đó vào công tác huấn luyện của mình.
1.2 Huấn luyện theo quan điểm Kitô giáo
Nữ tu Joseph-Marie Lê Thị Viện trong bài viết “Huấn luyện theo cha Gioan Martinô Moyë” cho rằng:
Huấn là dạy bảo, luyện là tập tành.
Để việc huấn luyện được thành công thì phải có dạy bảo và có thực hành, vì có nhiều chương trình có huấn mà không có luyện. Học nhiều kiến thức mà không biết phải làm gì, không biết đem ra thực hành. Trong bất kỳ nghề nghiệp nào, sau thời gian học lý thuyết phải có phần đi thực tập.
Vậy, nói đến huấn luyện là nói đến một tiến trình hình thành và trở nên, và nó gồm nhiều khía cạnh: nhân bản, tri thức, thiêng liêng...
Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh trong bài “Thư nói đến vấn đề giáo dục” (21/01/2008) cũng có cách nhìn giống tác giả Joseph-Marie Lê Thị Viện và đã có kết luận rằng: “Vậy cả hai cụm từ đào tạo và huấn luyện đều nhắm đến việc hình thành một con người toàn diện. Quá trình này phải trải qua những thử thách, những khó khăn, hy sinh và từ bỏ. Vì thế, huấn sinh cần nỗ lực cộng tác để việc huấn luyện đem lại kết quả”.
Theo Trung Tâm Linh Đạo I Nhã (CIS)[3],
Huấn luyện, đồng nghĩa với phát triển, một tiến trình phát triển, một biến đổi có định hướng. Người đảm nhận việc huấn luyện của Giáo hội là những người chuyên nghiệp, có khả năng nâng đỡ ứng viên lớn lên, quy hướng đến sứ mạng phục vụ Dân Thiên Chúa với tư cách tu sĩ của một hội dòng hay linh mục địa phận. Người huấn luyện càng an yên “khi là chính mình” họ càng dễ dàng đồng hành với tha nhân trong cuộc hành trình nhân bản và thiêng liêng cao quý nhưng đầy gian nan này.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, trong các bài viết của ngài[4], hiểu huấn luyện theo nghĩa từ formation trong tiếng Anh. Tác giả cho rằng,
Trong tiếng Latinh động từ formare có một ý nghĩa đặc biệt: “Đưa ra một khuôn mẫu, tạo một hình thức”. Theo đó, việc huấn luyện là đưa ra một gương mẫu rõ ràng mà người thụ huấn được mời gọi phải hướng tới và cưu mang trong lòng. Đó là một thể thức hay một lối sống mới mà họ chưa có, nhưng họ phải đạt tới một cách tiệm tiến và đó cũng là yếu tố làm nên căn tính mới nơi họ. Theo nghĩa này, huấn luyện không chỉ là năng động tự thể hiện (self-realization), mà còn là năng động tự siêu việt (self-transcendence) theo một khuôn mẫu hoặc một lý tưởng. Huấn luyện không chỉ dừng lại ở việc biết mình hay chiêm ngắm bản thân, mà còn phải hướng tới việc khám phá và hình thành cái tôi lý tưởng (ideal self) mới mẻ và đích thật của mình.
Tác giả cho rằng: “việc huấn luyện là một tiến trình xây dựng nơi người thụ huấn con người mới trong Đức Kitô, hình thành nơi họ cách sống mới, thái độ mới, lối suy nghĩ mới, tâm tình và ước muốn của chính Đức Kitô.
Vì thế, việc huấn luyện không được hiểu như là một sự bắt chước bên ngoài, nhưng là sự trở nên giống từ bên trong, là “mặc lấy những tâm tình của Chúa Kitô như Người đã biểu lộ với Chúa Cha” …
Việc huấn luyện chỉ có hiệu quả thực sự khi có sự biến đổi nơi ứng sinh. Việc huấn luyện giúp ứng sinh nhận ra căn tính của mình nơi Chúa Kitô. Chân – thiện – mỹ của giá trị dần dần trở thành chân – thiện – mỹ của chủ thể. Tâm tình của Chúa Kitô ngày càng trở nên tâm tình của người thụ huấn. Huấn luyện là để cho Thiên Chúa uốn nắn thái độ, lời nói, ý nghĩ và ước muốn của mình mỗi ngày nên giống Chúa Kitô.
Chính việc huấn luyện này tác động trên trái tim, để họ say mê Thiên Chúa; tác động trên trí tuệ, để họ có thể chiêm ngắm và tìm kiếm Thiên Chúa và tác động trên ý chí, để họ biết khát khao như Thiên Chúa khao khát.
Nhìn chung, cả hai cách nhìn, huấn luyện là quá trình hợp tác làm việc chung - giữa người huấn luyện và người được huấn luyện - theo một cách sáng tạo và thúc đẩy suy nghĩ; từ đó, tạo động lực giúp người được huấn luyện rèn luyện, phát triển, học hỏi những kỹ năng mới, đối mặt với thử thách cá nhân, kiểm soát sự thay đổi trong cuộc sống, xây dựng mục tiêu và đạt được thành công. Đó là việc nhận ra những điều tốt đẹp nhất của một người nào đó và khuyến khích họ đưa ra những quyết định để cải thiện cuộc sống của chính mình trong cách sống mới, thái độ mới, lối suy nghĩ mới, tâm tình và ước muốn mới.
2. Đoàn thể Công giáo và việc huấn luyện cho các hội đoàn tại Việt Nam
Hiện nay, các hội đoàn công giáo tại Việt Nam đã và đang tiếp tục phát triển cách đa dạng và phong phú. “Các hội đoàn giáo dân mới xuất hiện với tần suất kinh ngạc và mang đủ dạng hình thái khác nhau khiến cho không chỉ các nhà chức trách gặp khó khăn trong việc giám sát, mà ngay cả giáo dân cũng bị hoang mang không biết thật giả là đâu”[5].
Trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân số 30, Thánh Gioan Phaolô II không chỉ đưa ra 5 đặc điểm của một hội đoàn công giáo, nhưng còn đưa ra những chỉ dẫn quan trọng giúp người Kitô hữu tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Theo nghĩa nào đó, ngài đã gián tiếp nhắc những người có trách nhiệm huấn luyện cho giáo dân nói chung và các hội đoàn nói riêng. Cụ thể:
– Tiêu chuẩn trước tiên là ơn gọi nên thánh của mọi người kitô-hữu, được biểu lộ “qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần đã kết sinh nơi các tín hữu” như là sự tăng trưởng đến sự viên mãn của đời sống kitô-hữu và đến sự trọn lành của đức ái.
Theo nghĩa này, mọi hiệp hội giáo dân đều được mời gọi ngày càng trở nên phương tiện thánh hóa trong Giáo hội, một phương tiện cổ võ và khuyến khích “sự phối hợp chặt chẽ giữa đời sống thực tế của hội viên và đức tin của họ”.
– Dấn thân tuyên xưng đức tin công giáo qua việc chấp nhận và công bố chân lý về Đức Kitô, về Giáo hội và về con người, theo đúng giáo huấn của Giáo hội, vì Giáo hội giải thích chân lý đó cách chính thức. Mọi hiệp hội giáo dân đều phải là môi trường loan báo và trình bày đức tin, cũng là nơi để giáo dục đức tin đó trong nội dung toàn vẹn của nó.
– Bằng sự xác tín của mình, làm chứng về sự hiệp thông vững chắc và mãnh liệt, trong tình con thảo với đức Giáo hoàng là trung tâm hiệp nhất vĩnh cửu và hữu hình của Giáo hội phổ quát, và với đức Giám mục là “nguyên lý hữu hình và nền tảng của sự hiệp nhất” trong Giáo hội địa phương, và trong “sự tôn trọng lẫn nhau giữa các tổ chức tông đồ trong Giáo hội”.
Sự hiệp thông với đức Giáo hoàng và đức Giám mục phải được bày tỏ qua thái độ sẵn sàng thẳng thắn đón nhận những giáo huấn về giáo lý và những chỉ dẫn mục vụ của các ngài. Hơn nữa, sự hiệp thông trong Giáo hội còn đòi phải nhìn nhận sự đa nguyên hợp pháp của giáo dân trong Giáo hội, và đồng thời, phải sẵn sàng cộng tác với nhau.
– Hòa hợp và cộng tác vào mục đích tông đồ của Giáo hội, là “loan truyền Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, đào tạo cho họ một lương tâm Kitô-giáo, để họ có thể dần dần đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào các cộng đoàn cũng như các môi trường khác nhau”.
Theo hướng này, mọi hình thức hiệp hội giáo dân, cũng như từng hiệp hội phải có một hứng khởi truyền giáo biến các hiệp hội này trở thành những dụng cụ ngày càng tích cực hơn của một cuộc phúc-âm-hóa mới.
– Dấn thân hiện diện trong xã hội nhân loại để phục vụ cho phẩm giá toàn vẹn của con người, phù hợp với học thuyết xã hội của Giáo hội.
Trong ý nghĩa này, các hiệp hội giáo dân phải trở thành những trào lưu đẩy mạnh sự tham gia và liên đới, để kiến tạo những điều kiện sống công bằng và huynh đệ hơn giữa lòng xã hội.
Những tiêu chuẩn căn bản chúng tôi vừa nêu lên được chứng thực trong những hoa trái cụ thể đi kèm với đời sống và những công trình của các hình thức hiệp hội khác nhau, đặc biệt là sự ưa thích cầu nguyện, chiêm niệm, đời sống phụng vụ và bí tích; giúp ý thức về ơn gọi hôn nhân Kitô-giáo, ơn gọi làm linh mục thừa tác hay đời sống thánh hiến; sẵn sàng tham gia vào các chương trình và hoạt động trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế; dấn thân vào việc giảng dạy giáo lý và khả năng sư phạm trong việc huấn luyện các kitô-hữu; thúc đẩy sự hiện diện của người kitô-hữu trong môi trường khác nhau của đời sống xã hội; thành lập và linh hoạt các công tác từ thiện, văn hóa và thiêng liêng; tinh thần siêu thoát và thanh bần phúc âm để thực hiện tình bác ái đại lượng hơn với mọi người; hoán cải trở về với đời sống kitô-hữu hay đối với những người đã rửa tội nhưng “lìa xa” được hiệp thông trở lại với Giáo hội.
Các Hội đoàn này, gần đây, tại Việt Nam, nhận được sự quan tâm nhiều từ cả phía giáo quyền lẫn các nhà nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu về các hội đoàn cũng đã được quan tâm bởi các nhà nghiên cứu tôn giáo như: Đào Thị Đượm[6], Hà Xuân Bàn[7], Nguyễn Phú Lợi[8], Nguyễn Thị Bích Ngoan[9], Nguyễn Hồng Dương[10], Vũ Thị Hà[11]…Các nghiên cứu này đã dựa trên những giáo huấn của giáo hội và thực tiễn; không chỉ khái lược về các hội đoàn nhưng cũng còn đưa ra những hoạt động rất trung thực về những sinh hoạt của các hội đoàn Công giáo. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng xét cho cùng, đó vẫn chỉ là bề nổi của các hoạt động; còn thực chất nội lực như Giáo hội mong mỏi là “tham gia có trách nhiệm vào sứ vụ của Giáo hội, sứ vụ Tin Mừng Đức Kitô như nguồn hy vọng cho mọi người và như nguồn mạch canh tân cho xã hội”[12] gần như chưa được quan tâm đủ.
Đức cha Alp. Nguyễn Hữu Long, trong bài tham luận tại cuộc hội thảo về việc Loan báo Tin Mừng đối với các hội đoàn năm 2017, đã ghi nhận sự phát triển của các hội đoàn công giáo – cả chuyên biệt[13] lẫn không chuyên biệt[14] - tại Việt Nam. Sự phát triển này bên cạnh nhiều yếu tố tích cực vẫn còn nhiều yếu tố tiêu cực.
Những giá trị tích cực được tác giả đề cập đến đó là sự tăng trưởng về số lượng thành viên[15]. Sinh hoạt của các hội đoàn đều đặn, từ việc hội họp đến việc đạo đức, công bằng xã hội, bác ái từ thiện, giáo dục, văn hoá... Có những hội đoàn sinh hoạt chặt chẽ với mức độ hằng tuần.
Các hội đoàn CGTH có vai trò đáng kể là bảo tồn và chấn hưng tinh thần đạo đức. “Sự góp mặt của các phong trào CGTH thuần tuý đạo đức quả thật là một nhu cầu cần thiết để giúp cho xã hội Việt Nam ổn định và phát huy những nội lực quý giá của từng con người”[16] trong một môi trường nhiều biến động của nền văn hóa xã hội hiện nay. Một số hội đoàn tích cực với hoạt động Phúc Âm Hoá, đem được nhiều người đến với Chúa. Nhờ nhiệt huyết tông đồ, các hội đoàn này gặp gỡ, đối thoại và dẫn dắt nhiều người đến với Chúa và Giáo hội, kể cả những người nguội lạnh, dửng dưng với đức tin nay trở lại sống đạo.
Bên cạnh đó, ngài còn đưa ra những nhận định về không ít tiêu cực hiện nay nơi các hội đoàn công giáo ở Việt Nam.
Các hội viên CGTH tại Việt Nam dừng lại ở những việc đạo đức như kinh nguyện, dự lễ..., nhằm thánh hóa bản thân, giữ đạo sốt sắng, để sau khi chết được hưởng tôn nhan Chúa, mà quên rằng phải tham gia vào sứ mạng Phúc Âm Hoá.
Các hội đoàn CGTH còn nặng hình thức bên ngoài như đoàn ngũ hóa cho đông đảo, đồng phục lộng lẫy (màu cờ sắc áo), rước xách long trọng, tiệc tùng linh đình, hoành tráng... Dễ lấy những việc phụ làm chính yếu.
Các hội đoàn CGTH vẫn hoạt động riêng lẻ, cá thể, mạnh ai nấy làm, không kết hợp với nhau. Mỗi hội đoàn CGTH có cơ cấu tổ chức riêng, hoạt động riêng, không ngồi bàn bạc, trao đổi, khó hoặc không có những hoạt động chung. Có khi cạnh tranh ảnh hưởng, công kích, bình phẩm làm mất đức bác ái trong giáo xứ.
Tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên nhân của những hạn chế này chính là việc huấn luyện cho các hội đoàn về ý thức sứ mạng Phúc Âm hóa còn ít; Ngài không ngần ngại nhắc lại Niên giám 2016 rằng: “Phần trách nhiệm này thuộc về những vị lãnh đạo của các tổ chức và hội đoàn, nhưng trên hết vẫn là của Hội đồng Giám mục và các Ủy ban trực thuộc, trước khi nói đến trách nhiệm của từng tín hữu giáo dân hoặc những khó khăn do hoàn cảnh đất nước gây nên”. Ngài tiếp:
Các hội đoàn CGTH hoạt động mạnh hay yếu, kết quả nhiều hay ít, phần lớn tùy thuộc vào các vị lãnh đạo trong Giáo hội, cụ thể là giám mục hay linh mục. Nếu linh mục quản xứ nhiệt tình chăm sóc, khích lệ, nâng đỡ, đồng hành với các hội đoàn, thì họ sẽ đem về nhiều kết quả tốt; ngược lại nếu linh mục quản xứ hờ hững, bỏ mặc, thậm chí ác cảm, không tạo điều kiện cho họ hoạt động thì sẽ không có nhiều kết quả tốt trong sứ vụ tông đồ.
Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, số 20 cũng đã nói rõ:
Hoạt động tông đồ tập thể rất quan trọng vì trong các cộng đồng Giáo hội, cũng như trong các môi trường khác nhau, việc tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn nhờ một hoạt động chung. Những hội đoàn được thành lập để hỗ trợ hoạt động tông đồ tập thể, sẽ nâng đỡ và huấn luyện các hội viên trong việc tông đồ, phối hợp và điều hành các hoạt động tông đồ, nhờ đó hy vọng có được những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ…
Có thể tóm kết rằng, các Hội đoàn Công giáo Việt Nam đang phát triển nhanh với nhiều lĩnh vực hoạt động tông đồ khá hiệu quả. Tuy thế, nó vẫn chưa thực sự mang tính hiệu quả như Giáo hội mong muốn. Việc huấn luyện cho các Hội đoàn chưa được quan tâm đủ dù là dưới hình thức huấn luyện nội bộ[17] hay ngoại bộ[18] - bởi những linh mục được giao phó chăm sóc trực tiếp hay các linh mục tại các giáo xứ. Đàng khác, việc huấn luyện cũng chưa nhắm đến việc “tham gia có trách nhiệm vào sứ vụ của Giáo hội, sứ vụ Tin Mừng Đức Kitô như nguồn hy vọng cho mọi người và như nguồn mạch canh tân cho xã hội”[19].
3. Từ ý thức mới về tham gia đời sống Hội Thánh của linh mục
Các văn kiện của Giáo hội như Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, Tông huấn Người Kitô hữu giáo dân đã xác định rõ: chính Thiên Chúa là Đấng đào tạo các Kitô hữu - giáo dân cũng như giáo sĩ. Và chỉ một mình Đức Giêsu Kitô là Thầy dạy và huấn luyện mọi người nên con cái Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa và Đức Kitô cũng đã giao trách nhiệm đào tạo và huấn luyện ấy cho các Tông đồ và đặc biệt là Tông đồ trưởng Phêrô. Nói cách khác, đức Giáo hoàng và các Giám mục là những người được Thiên Chúa giao phó công việc giáo dục đào tạo và huấn luyện mọi thành phần Dân Chúa trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình[20].
Các Giám mục thực hiện công việc quan trọng ấy bằng nhiều cách: thăm viếng, khuyên nhủ, giảng dạy trực tiếp hay gián tiếp tức qua các phương tiện truyền thông xã hội như thư mục vụ, báo chí, sách vở, tài liệu và qua các cộng tác viên sống động là các linh mục. Các linh mục, nhất là các linh mục chánh xứ, là người có trách nhiệm chính trong việc đào tạo huấn luyện giáo dân[21].
Giáo xứ giữ một vai trò thiết yếu trong việc huấn luyện cách trực tiếp hơn với từng giáo dân. Thực vậy giáo xứ có điều kiện dễ dàng để đến với riêng từng người, từng nhóm nên giáo xứ được kêu gọi đào tạo các phần tử của mình biết lắng nghe Lời Chúa, biết đối thoại với Chúa trong cử hành phụng vụ cũng như cầu nguyện riêng, biết sống bác ái huynh đệ, và đồng thời giáo xứ còn phải cho họ thấy được một cách trực tiếp và cụ thể, ý nghĩa của sự hiệp thông trong Giáo hội và của trách vụ Truyền Giáo”.
Nhiều trường hợp thiếu linh mục hoặc các linh mục quá bận với công việc mục vụ hoặc các linh mục lơ là với việc huấn luyện giáo dân, thì trách nhiệm này của hàng giáo dân càng nặng nề và cấp bách hơn. Khi đó, các tu sĩ và chính những người giáo dân, nhất là của những người làm cha làm mẹ, huynh trưởng các phong trào giáo dân, các bậc đàn anh đàn chị trong các hội đoàn, tổ chức Công giáo tiến hành cũng góp phần rất lớn giúp các linh mục trong sứ vụ này. Hiện nay, đa phần các linh mục – nhất là cha xứ – chỉ đóng vai trò hiện diện như vị chủ sự cho những cuộc hội họp theo định kỳ của các hội đoàn.
Trong các từ điển, participate (tiếng Anh)[22], participio (La tinh)[23], participer (tiếng Pháp)[24] mang những nghĩa là tham gia, thông phần, góp phần vào…Từ điển Tiếng Việt giải thích rõ “tham gia là góp phần hoạt động của mình vào một hoạt động, một tổ chức chung nào đó”[25].
Hiểu như thế, linh mục tham gia vào đời sống Giáo hội qua việc huấn luyện cho các hội đoàn không chỉ là sự hiện diện của các ngài trong những cuộc hội họp, học tập như một trách vụ mà giáo hội đòi hỏi[26]. Sự tham gia này đòi hỏi mang chiều kích tích cực và chủ động hơn.
Đàng khác, linh mục Giuse Phạm Đình Ngọc SJ., trong bài viết của ngài[27] đã viết cho giáo dân:
“Tín hữu là Giáo hội!” Mà Giáo hội là thân thể của Chúa Kitô. Hiểu theo liên kết này, chúng ta được mời gọi tham gia vào thân thể mầu nhiệm này. Có hai lối hiểu ở đây. Nếu hiểu giáo xứ, giáo hội là cái gì đó, thì tôi tham gia vào trong nó (participate in something, activity/event). Nhưng hiểu là những con người, Giáo hội là thân thể Chúa Kitô, thì lúc này: tôi tham gia với Thiên Chúa và với anh chị em của mình (participate with someone). Nói đúng hơn, đây là lúc mỗi người ý thức mình đang trong một thân thể. Nếu tôi từ chối tham gia, nghĩa là tôi phủ nhận ơn gọi của mình. Hậu quả là đời sống thiêng liêng của mình cứ lèo tèo, tẻ nhạt và sau cùng là đánh mất chính mình.
Thực ra, nếu các linh mục cũng ý thức việc tham gia của mình không chỉ là sứ vụ mà còn là ơn gọi; hay nói khác đi, sứ vụ tham gia của linh mục vào đời sống của Giáo hội được đặt nền tảng trên cả bí tích Rửa Tội lẫn bí tích Truyền Chức[28] nữa, linh mục sẽ có được cách thế tham gia một cách tích cực và năng động hơn trong mọi sứ vụ được trao phó. Cụ thể, với sứ vụ huấn luyện cho giáo dân nói chung, các đoàn thể nói riêng, linh mục sẽ có những dấn thân tích cực hơn nhằm giúp các hội đoàn thăng tiến và cùng tham gia vào đời sống Giáo hội như ơn gọi và sứ vụ của họ.
4. Đến con đường huấn luyện các đoàn thể cùng tham gia
4.1 Dựa theo các mô hình của Tâm lý học Huấn luyện[29], các linh mục có thể tham gia vào đời sống gGiáo hội qua việc huấn luyện cho các đoàn thể theo các mô hình sau:
4.1.1 Mô hình GROW
Mô hình GROW được xem là một trong những mô hình huấn luyện hành vi phổ biến nhất[30], với 4 giai đoạn phác thảo: 1/ quy trình, 2/ giải quyết vấn đề, 3/ thiết lập mục tiêu và 4/ cải thiện hiệu suất[31].
4.1.2 Mô hình PRACTICE
Stephen Palmer trong Handbook of Coaching Psychology: A Guide for Practitioners[32] đã phát triển mô hình PRACTICE thành nguyên tắc giải quyết vấn đề và tìm kiếm giải pháp. Các vấn đề được xác định theo các giai đoạn sau: 1/ nhận dạng vấn đề (Problem identification); 2/ các mục tiêu thực tế (Realistic goals) được xây dựng dựa trên các vấn đề; 3/ các giải pháp thay thế (Alternate solutions) hướng tới mục tiêu đề ra; 4/ Kết quả dự kiến sau đó được đánh giá nghiêm túc trong quá trình xem xét hậu quả (Consideration of consequences); 5/ Xác định giải pháp khả thi nhất (Targeting the most feasible solution), 6/ Tiến hành (Implementation of the Chosen solution). Cuối cùng là 7/ đánh giá (Evaluation) - huấn luyện viên và tổ chức thảo luận về hiệu quả của giải pháp và bài học rút ra.
4.1.3 Mô hình SPACE
Mô hình SPACE là một mô hình cho rằng hành động chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xã hội (Social context), sinh học (Physiology) - dựa trên hành động (Action) – nhận thức (Cognition) và cảm xúc (Emotion)[33]. Mục đích là để hướng dẫn huấn luyện viên đánh giá và thấu hiểu hành vi của người được huấn luyện trong các tình huống cụ thể.
Mô hình có thể được chia nhỏ thành các khuôn khổ nhỏ hơn: ACE và PACE (xem sơ đồ dưới). Khung ACE phân tích các mối quan hệ giữa hành động, cảm xúc và nhận thức của cá nhân. Khung PACE sau đó sẽ dựa trên mô hình ACE và xem xét phản ứng sinh lý đi kèm với nhận thức, cảm xúc và hành vi. Cuối cùng, mô hình SPACE chính sẽ phân tích bối cảnh xã hội mà hành vi ấy xảy ra.
4.1.4 Các Mô hình khác[34]
Mô hình OSKAR, ACHIEVE và POSITIVE xuất phát từ mô hình GROW, tập trung vào: 1/ thiết lập mục tiêu, 2/ tìm kiếm giải pháp và 3/ nuôi dưỡng mối quan hệ huấn luyện. Đối với huấn luyện lãnh đạo, mô hình LASER (Learning, Assessing, Story-making, Enabling và Reframing) phác thảo quy trình năm bước huấn luyện hiệu quả. Các mô hình nghiên cứu thay đổi hành vi[35] và phỏng vấn tích cực (appreciative inquiry) tập trung vào việc tìm hiểu quá trình thay đổi và khuyến khích khách hàng phản ứng tích cực với thay đổi[36].
4.2 Nhìn chung, dù áp dụng theo mô hình nào, huấn luyện là quá trình đào tạo và rèn luyện kỹ năng, kiến thức và tinh thần để phát triển năng lực và kỹ năng của cá nhân hoặc nhóm. Huấn luyện có thể được thực hiện thông qua các phương pháp và kỹ thuật đa dạng như học tập, thực hành, mô phỏng, và tư vấn. Các phương pháp và mô hình huấn luyện thường bao gồm quan sát chặt chẽ, trách nhiệm giải trình và phản hồi về tiến độ và hiệu suất.
Khi huấn luyện cho các hội đoàn, linh mục – nhà huấn luyện cần lưu ý đến các bước của quy trình huấn luyện:
1) Xác định một chủ đề hoặc vấn đề cần huấn luyện;
2) Khám phá những ý tưởng chính yếu cần cho hội đoàn;
3) Loại bỏ các rào cản đang hiện diện trong hội đoàn;
4) Hành động: lập kế hoạch chiến lược, điều chỉnh kỹ năng, tăng tốc học tập, giải quyết vấn đề; và cuối cùng;
5) Điều chỉnh và phản ánh để thay đổi.
5. Thao thức cho một tiến trình: được huấn luyện/tự huấn luyện để trở thành người huấn luyện.
5.1 Xây dựng mối quan hệ đồng sáng tạo giữa linh mục và các đoàn thể
Trong một quá trình huấn luyện, dù với mục đích gì và quá trình đó được sử dụng hình thức nào thì quá trình tương tác hai chiều và đồng sáng tạo giữa thân chủ và huấn luyện viên luôn là điều quan trọng.
Trong huấn luyện cho các hội đoàn, quá trình thúc đẩy sự suy nghĩ sáng tạo là điều hấp dẫn chính được các thành viên tìm kiếm. Điều này mang lại lợi ích cho cả đôi bên: linh mục và hội đoàn.
Sự tự phát triển cá nhân của linh mục cũng là một khía cạnh lớn trong việc học hỏi và huấn luyện trước khi giúp đỡ người khác. Qua quá trình huấn luyện, linh mục sẽ nhận thấy rằng chính họ đang từng bước trưởng thành. Một linh mục như một huấn luyện viên xuất sắc luôn tìm kiếm những điều mới về bản thân và luôn duy trì hành trình học hỏi này.
Linh mục - trở thành một huấn luyện viên cho các hội đoàn - đồng nghĩa với sứ mạng tìm kiếm sự hoàn thiện bản thân suốt đời. Sứ mạng này chính là động lực ban đầu để linh mục trở thành một huấn luyện viên. Việc giúp đỡ các hội đoàn tìm thấy và đạt đến những điều mà các hội đoàn muốn tham gia vào trong sứ vụ của Giáo hội; xét về quá trình tâm lý của huấn luyện chính, đây là một phương pháp đã được kiểm chứng, và chính điều này đã làm huấn luyện chuyên nghiệp ngày càng phổ biến hơn.
5.2 Linh mục rèn luyện những kỹ năng cần thiết của huấn luyện viên giỏi
5.2.1 Lắng nghe
Trong huấn luyện, việc lắng nghe quan trọng hơn nói. Bằng cách lắng nghe, các thành viên được giúp đỡ để vượt qua nỗi sợ hãi của chính họ một cách hoàn toàn khách quan bằng sự quan tâm và hỗ trợ trọn vẹn. Khi lắng nghe chủ động, linh mục chú ý đến những chi tiết mà các thành viên đang nói. Đây là chìa khóa để hiểu vị trí hiện tại của họ ở một mức độ đủ sâu. Có nhiều cảm xúc gắn liền với những từ mà họ đang nói hay không? Nếu vậy, đó là những cảm xúc gì? Niềm đam mê, sự sợ hãi, sự phấn khích, sợ hãi, tức giận, niềm vui? Nói cách khác, dựa vào trực giác và thông qua lắng nghe, linh mục đưa ra những câu hỏi cho phép các hội đoàn tự khám phá những điều đang xảy ra với bản thân và hội đoàn của họ.
5.2.2 Kỹ năng giao tiếp
Huấn luyện là một quá trình hai chiều. Nếu lắng nghe là một kỹ năng rất quan trọng, thì khả năng giải thích và đưa phản hồi để xóa bỏ những rào cản, những định kiến, sự chủ quan và tiêu cực cũng có tầm quan trọng không kém. Khả năng giao tiếp tạo sự tin tưởng và sự hiểu biết đầy đủ từ hai phía. Linh mục có giao tiếp tốt về mặt cảm xúc, ý nghĩa, cũng như nội dung có thể tạo ra một sự khác biệt lớn. Giao tiếp tập trung vào sự việc, không tập trung những vấn đề cá nhân/hội đoàn, không phán xét hoặc bị tác động là những yếu tố cần thiết; đặc biệt, khi đối diện với những lo lắng, hy vọng và những giấc mơ của một người/hội đoàn nào đó. Linh mục – nhà huấn luyện sẽ dùng cách giao tiếp để giúp thân chủ tìm ra câu trả lời của chính họ chứ không phải để đưa cho họ một câu trả lời.
Hầu hết các cuộc huấn luyện đạt được hiệu quả bằng cách đặt câu hỏi đúng. Một quy tắc đơn giản là hãy bắt đầu với những câu hỏi mở, và sau đó đặt câu hỏi cụ thể hơn và câu hỏi thăm dò khi nhân viên đã nêu ra một vấn đề hay một quan ngại.
5.2.3 Xây dựng mối quan hệ
Huấn luyện là câu chuyện về con người. Mặc dù một buổi huấn luyện có thể sẽ tập trung vào một vấn đề, các linh mục – nhà huấn luyện – phải luôn nhớ rằng đây là một cuộc trò chuyện với từng người trong hội đoàn: có những kinh nghiệm cụ thể, có cảm xúc, và có hành vi được xác định trong nhóm tính cách nhất định.
Đàng khác, huấn luyện dựa trên cơ sở là sự tin cậy. Huấn luyện thành công chỉ khi người được huấn luyện có thể thảo luận mọi khía cạnh của một vấn đề một cách thẳng thắn, thậm chí phản biện, với huấn luyện viên.
Vì thế, khả năng xây dựng mối quan hệ với người khác là vô cùng quan trọng đối với một linh mục - huấn luyện viên. Khả năng này bắt nguồn từ mong muốn muốn giúp đỡ người khác, điều mà hầu hết các linh mục đều có được. Việc xây dựng các mối quan hệ có vẻ dễ dàng hơn trong huấn luyện so với những dịch vụ khác là do sự tập trung của một huấn luyện viên vào thân chủ của mình. Bằng cách này, quá trình xây dựng những mối quan hệ phát triển một cách rất tự nhiên và nhanh chóng.
5.2.4 Tạo động lực và truyền cảm hứng
Linh mục - huấn luyện viên tạo động lực và truyền cảm hứng cho mọi người. Khả năng để làm được điều này tiềm ẩn trong con người chúng ta. Nó bắt nguồn từ mong muốn giúp đỡ và hỗ trợ người khác. Những người mà luôn cảm thấy sẵn sàng để giúp đỡ người khác thường có khả năng tạo động lực và truyền cảm hứng một cách tự nhiên. Đồng thời, khi một người nhận được sự quan tâm và đầu tư cá nhân của huấn luyện viên cho chính niềm hạnh phúc và sự phát triển của họ; thì tự bản thân, điều này đã là một động cơ thúc đẩy và truyền cảm hứng. Phải hiểu được điều gì tạo động lực cho họ.
5.2.5 Tính hiếu kỳ, linh hoạt và sự can đảm
Huấn luyện là một công việc không có khuôn mẫu cố định. Sự khác biệt trong nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi cá nhân/hội đoàn khiến cho mối quan hệ trong huấn luyện không được áp dụng theo một công thức cụ thể nào. Linh mục cần luôn nhớ rằng, mỗi người/hội đoàn đều khác nhau và có những nhu cầu cũng khác nhau. Mọi người dù khác biệt nhưng đều là con người – do đó, một huấn luyện viên cần dùng tình cảm và cảm xúc của một con người để giải quyết vấn đề.
Trong nghề huấn luyện, cảm xúc của thân chủ là yếu tố cần được nắm bắt ngay từ khi bắt đầu quá trình huấn luyện. Do đó, sự linh hoạt để tiếp cận sự khác biệt trong con người, cùng với sự hiếu kỳ (biết ngạc nhiên) và quan tâm tìm hiểu những vấn đề cơ bản trong cuộc sống của họ cũng là một nhân tố cần thiết trong huấn luyện. Tính hiếu kỳ của một huấn luyện viên cho phép hành trình tự khám phá của thân chủ được toàn diện và sâu sắc, ngay cả chính thân chủ và huấn luyện viên cũng thường rất ngạc nhiên trước sự trưởng thành vượt quá sức mong đợi của bản thân họ.
Tất cả những điều này cần đến sự can đảm. Nhìn chung, các huấn luyện viên phải có niềm tin mạnh mẽ vào bản thân, một quyết tâm vững chắc để có thể làm được những điều tốt đẹp nhất cho thân chủ, và một niềm tin rằng mỗi người vốn đều có thể đạt đến mục tiêu của mình.
Trong tiến trình hiệp hành của Giáo hội, “hiệp thông – tham gia – sứ vụ” không còn là khẩu hiệu nữa. Đó phải là một lối sống mới của Giáo hội – khởi đi từ lối sống mới của từng thành viên Giáo hội. Định hướng của Giáo hội là vô cùng quan trọng, nhưng dấn thân thay đổi từ các thành viên của Giáo hội còn quan trọng hơn rất nhiều. Khi chia sẻ những dòng trên, không có nghĩa là bản thân chúng tôi đã làm và sống trước đó. Nó được viết cho chính bản thân tôi – một cha sở. Ước mong đây cũng là nhưng gợi ý để linh mục đoàn cùng bắt đầu cho một tiến trình tham gia mới vào trong đời sống Giáo hội ngang qua sứ vụ này. Đó cũng là con đường giúp các hội đoàn Công giáo bước vào tiến trình tham gia cùng với Giáo hội ngày tốt hơn.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 141 (Tháng 05 & 06 năm 2024)
Nguồn: hdgmvietnam.com
[1]Passmore, Jonathan (2016). Excellence in Coaching: The Industry Guide (Ed. 3). London; Philadelphia: Kogan Page. ISBN 9780749474461. OCLC 927192333.
[2]Allen, Kimberly (2016), Theory, Research, and Practical Guidelines for Family Life Coaching, Springer International Publishing, doi:10.1007/978-3-319-29331-8_2, ISBN 9783319293318
[3]Chương Trình Huấn Luyện Người Huấn Luyện.
[4]Lm. Nguyễn Văn Hương, Khái niệm giáo dục, huấn luyện và đồng hành trong tiến trình đào tạo ơn gọi linh mục và thánh hiến. & Mọi tín hữu tham gia vào sứ vụ đào tạo linh mục. Hiệp Thông số 140 năm 2024.
[5]Lm. Giuse Vũ Công Viện - Đại diện tư pháp, Thạc sỹ Giáo luật. Hội đoàn trong đời sống đức tin. Tham luận trong Công nghị Tổng giáo phận Hà Nội. 2022.
[6]Đoàn Thị Đượm, Quá trình hình thành, phát triển hội đoàn Công giáo ở Việt Nam. https://btgcp.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-va-trao-doi-y-kien/Qua_trinh_hinh_thanh__phat_trien_hoi_doan_Cong_giao_o_Viet_Nam-postyma77jKak5.html
Khảo sát thực trạng hội đoàn công giáo ở Việt Nam hiện nay kiến nghị và giải pháp. https://cms.btgcp.gov.vn/upload/documents/23_03_2022/file-dinh-kem-2022-03-23-15-53-28.pdf
[7]Hà Xuân Bàn. Sự hình thành và phát triển của các hội đoàn công giáo ở giáo phận Thái Bình. Nghiên cứu Tôn Giáo, số 6 (132), 2014, 58-72.
[8]Nguyễn Phú Lợi. Hội đoàn Công giáo – mấy vấn đề lí luận và thực tiễn. Nghiên Cứu Tôn giáo số 7/2007.
[9]Nguyễn Thị Bích Ngoan. Hội đoàn và hội đoàn của giới trẻ Công giáo ở Việt Nam hiện nay. Nghiên cứu tôn giáo số 9 (225), 2022, 40-62.
[10]Nguyễn Hồng Dương. Hội đoàn Công giáo – lịch sử và hiện tại. Nghiên cứu Tôn giáo số 22 (4), 2008
[11]Vũ Thị Hà. Các hội đoàn của sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội: Sự hình hành và các hoạt động”. Thông tin Khoa học xã hội, sớ 7/2020.
[12]CL (Christifideles laici): Tông huấn Kitô hữu giáo dân số 29.
[13]Chuyên biệt, dành cho một giới tính, hạn tuổi, ngành nghề, môi trường hoạt động nào đó, như Sinh viên Công giáo, Thanh Sinh Công, Thanh Lao Công, Thanh niên Thánh nghiệp, Hiệp hội Giáo chức Công giáo, Pax Romana….
[14]Không chuyên biệt, chung cho mọi thành phần giáo dân, như Liên Minh Thánh Tâm, Bác Ái Vinh Sơn, Cursillo, Legio Mariae, Gia Đình Phạt Tạ, Huynh đoàn Đaminh, Huynh đoàn Phan Sinh Tại Thế….
[15]Niên giám HĐGM năm 2016: có tới 500.000 người.
[16]Nvt
[17]Xem Sắc lệnh Tông đồ giáo dân số 20.
[18]Xem Tông huấn Người Kito hữu giáo dân số 60.
[19]CL (Christifideles laici): Tông huấn Kitô hữu giáo dân số 29.
[20]Xem CL số 61
[21]Xem CL số 61
[22]Longman. Dictionary of Contemporary English. Pearson Education Limited. 2023.
Viện KHXH Việt Nam – Viện Ngôn ngữ học. Từ điển Anh Việt. NXB KHXH. Hà Nội, 1991
Nguyễn Đình Diễn. Từ điển Công Giáo Anh Việt. NXB Tôn giáo. Hà Nội., 2002.
[23]Một nhóm giáo sư. Từ điển La-Việt-Pháp. Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1960,
[24]Viện KHXH Việt Nam – Viện Ngôn ngữ học. Từ điển Pháp Việt. NXB KHXH. Hà Nội,1988.
[25]Viện KHXH Việt Nam – Viện Ngôn ngữ học. Từ điển Tiếng Việt. Hà Nội, 1992, tr. 894.
[26]Xem CL 61.
[27]Giuse Phạm Đình Ngọc SJ., Tham gia là một ơn gọi? https://tgpsaigon.net/bai-viet/tham-gia-la-mot-on-goi-72906
[28]Xem Sắc Lệnh Về Tác Vụ Và Đời Sống Các Linh Mục - Presbyterorum Ordinis. Ngày 7.12.1965
[29]Tâm lý học huấn luyện là một lĩnh vực tâm lý học ứng dụng áp dụng các lý thuyết và khái niệm tâm lý học khác nhau như tâm lý học nhân văn, tâm lý học tích cực, lý thuyết học tập, tâm lý học Gestal, và tâm lý học xã hội… vào việc thực hành huấn luyện.
Chuyên ngành này khởi đầu như một phân ngành tâm lý học vào năm 2000 - khi khóa học "tâm lý học huấn luyện" đầu tiên được tổ chức tại Đại học Sydney. Kể từ đó, các hiệp hội học thuật chuyên về tâm lý học huấn luyện đã được hình thành; đồng thời, những nghiên cứu về tâm lý học huấn luyện bắt đầu được công bố trên báo chí. Nó được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực từ huấn luyện thể thao, giáo dục, cho đến phát triển lãnh đạo và doanh nghiệp….
[30]Palmer, Stephen; Whybrow, Alison (2007). Handbook of Coaching Psychology: A Guide for Practitioners. East Sussex: Routledge.
[31]Allen, Kimberly (2016), Allen, Kimberly (biên tập), Theory, Research, and Practical Guidelines for Family Life Coaching (bằng tiếng Anh), Springer International Publishing, doi:10.1007/978-3-319-29331-8_2, ISBN 9783319293318.
Palmer, Stephen; Whybrow, Alison (2007). Handbook of Coaching Psychology: A Guide for Practitioners. East Sussex: Routledge.
[32]Palmer, Stephen; sđd & Palmer, Stephen (2008). “The PRACTICE model of coaching: Towards a solution-focused approach”. Coaching Psychology International. 1 (1): 4–6.
[33]Adams, Mark (2016). Coaching Psychology in Schools. New York, NY: Routledge. ISBN 978-1-315-76263-0. & Edgerton, Nick; Palmer, Stephen (2005). “SPACE: A psychological model for use within cognitive behavioural coaching, therapy and stress management”. The Coaching Psychologist. 2 (2): 25–31.
[34]Nvt
[35]Phát triển bởi James O. Prochaska và những người khác.
[36]Palmer, Stephen; Whybrow, Alison (2007). Sđd.