“Ađam và Eva” sau khi bị trục xuất khỏi vườn Địa Đàng, được vẽ bởi Johann Anton Ramboux, khoảng năm 1818.
LAO ĐỘNG:
PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
Hai sự kiện trong tháng này, Entretiens de Valpré (Tọa đàm Valpré) vào ngày 15 và 16 tháng 11 và Tuần lễ Xã hội Pháp vào ngày 23 và 24 tháng 11, sẽ quy tụ các Kitô hữu để suy tư về các vấn đề kinh doanh và lao động. Về những vấn đề này, Thánh Kinh đưa ra những nhận định rất đa dạng.
Lao động, ơn gọi của con người hay hình phạt của Thiên Chúa?
“Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra” (Stk 3,17). Những lời lẽ gay gắt khủng khiếp này, được Thiên Chúa phán với Ađam và Eva khi Ngài đuổi họ ra khỏi Vườn Địa Đàng, trong nhiều thế kỷ đã tạo nên một tầm nhìn cực kỳ tiêu cực về lao động. Phải chăng Thiên Chúa đã phát minh ra lao động để trừng phạt con người vì tội nguyên tổ của họ?
Cha Jean-Luc Ragonneau, một tu sĩ Dòng Tên, nhận định: “Mối tương quan mà chúng ta có với lao động nói lên điều gì đó về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa”. Trong chương thứ ba của Sách Sáng Thế, nếu lao động trở nên khó nhọc, đó là vì con người đã thiếu niềm tin vào lời Thiên Chúa. Nó đã tin con rắn, kẻ đã trình bày Thiên Chúa cho nó như một kẻ ghen tị với thần tính của nó, muốn giữ cho mình “sự hiểu biết về thiện và ác”. Bị cám dỗ bởi những lời dối trá này, người đàn ông và người phụ nữ đã ăn trái cây bị cấm. Cha Gérard Billon, một học giả Thánh Kinh, cho biết: “Sự rạn nứt niềm tin này thật sự đánh dấu mối quan hệ hài hòa trước đây giữa con người và môi trường của nó”.
Tuy nhiên, mọi thứ đã từng bắt đầu tốt đẹp. Ở điểm khởi đầu, trong Stk 2, 15, con người được mời tham gia vào việc quản lý công trình sáng tạo: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai”. Con người được tạo dựng để lao động, nhằm duy trì sự hài hòa của thế giới hoàn hảo được mô tả trong chương đầu tiên của sách Sáng thế ký.
Tại sao con người phải lao động?
Quan niệm tích cực này về lao động, bất chấp sự rạn nứt ban đầu, vẫn tiếp tục trong Thánh Kinh. Chương 38 của sách Huấn Ca khen ngợi các thầy thuốc, dược sĩ, kinh sư, nông dân, nghệ nhân, v.v., những người tiếp tục công việc sáng tạo của Thiên Chúa: “Công việc của Người vẫn tiếp tục cho đến khi thiên hạ được an lành” (c.8). Jean-Luc Ragonneau tóm tắt: “Chúng ta lap động để làm cho thế giới trở nên tươi đẹp hơn, để công trình của Thiên Chúa được thể hiện và để con người tìm thấy sự thành toàn của mình”.
Béatrice Oiry, giảng viên tại Học viện Công giáo Paris, lưu ý: “Lao động là điều kiện chung trong nền kinh tế sinh nhai”. Phải lao động để có ăn. Nhưng hơn thế nữa, nó còn mang lại thành công, hạnh phúc và thịnh vượng. “Con có thấy một người siêng năng trong công việc của mình không? Người ấy sẽ được vào phục vụ các vua” (Cn 22, 29).
Các sách khôn ngoan lên án mạnh mẽ những kẻ lười biếng. Sách Châm ngôn lấy con kiến làm ví dụ: “Hỡi người biếng nhác, hãy đến xem loài kiến sống thế nào và nhờ đó mà trở nên khôn (…). Mùa khô đến, chúng biết tích trữ thức ăn” (Cn 6, 6.8). Kẻ lười biếng từ chối ơn gọi đầu tiên của con người. Gérard Billon giải thích: “Nó cũng cho thấy sự thiếu tình huynh đệ với người khác, bằng cách buộc họ làm những gì nó không làm”. Về điểm này, Thánh Phaolô rất nghiêm khắc: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2Tx 3, 10).
Các tác giả Thánh Kinh tố giác những lệch lạc nào?
Nhưng mục tiêu cuối cùng của lao động không phải là đảm bảo sự thịnh vượng của cá nhân, và có rất nhiều sách của Thánh Kinh đặt câu hỏi về mối tương quan của con người trong lao động. Vì không phải ai lao động cũng đều giàu lên. Một số vẫn còn nghèo, công nhân bị chủ bóc lột…Gérard Billon giải thích: “Sự rạn nứt giữa con người với Thiên Chúa cũng dẫn đến sự rạn nứt giữa con người với nhau”.
Trong các sách Xuất Hành, Đệ Nhị Luật và Lêvi, nhiều luật thể hiện sự quan tâm đến công bằng xã hội: trả lương công bằng, đối xử tốt với đầy tớ của mình, bảo vệ người góa bụa và trẻ mồ côi, người nhập cư, thầy Lêvi phục vụ Đền thờ và cộng đồng của họ đảm bảo sinh kế của họ. Trích dẫn chương 14 của sách Đệ Nhị Luật, Gérard Billon lưu ý: “Tiền thập phân ba năm một lần mà những người lao động phải cho người nghèo mang lại một hình thức bảo trợ xã hội cho những người thiếu thốn nhất”. Cứ bảy năm một lần, năm sabát tạm dừng công việc trên đất đai (Lv 25, 3-7). Gérard Billon tóm tắt: “Tình huynh đệ xã hội đi đôi với tình huynh đệ môi trường”. Năm đó, các khoản nợ được xoát (Đnl 15, 1-2). Cuối cùng, cứ 50 năm một lần, những người đã phải bán đất sẽ lấy lại được đất.
Vì vậy, các tác giả Thánh Kinh đặt ra những giới hạn đối với khả năng lệch hướng của lao động vốn có thể xảy ra do mối tương quan sai lạc với của cải và sự giàu có. “Nếu người ta trở nên giàu có, điều đó không phải dành cho chính mình”, Cha Ragonneau lưu ý và đồng thời trích dẫn sách Huấn ca: “Phúc thay ai giàu có mà vô tội, không chạy theo của cải, tiền tài. Người đó là ai để chúng ta khen là có phúc, vì trong dân mình người đó khiến cho bao người thán phục?” (31, 8-9).
Tại sao việc nghỉ ngơi không thể tách rời với lao động?
Trên hết, lao động tìm thấy giới hạn đầu tiên của nó trong luật ngày Sabát hàng tuần, được đưa ra trong hai phiên bản của Mười Điều Răn (Xh 20; Đnl 5). Ngày Sabát ngăn ngừa một hình thức tôn thờ ngẫu tượng. Cha Ragonneau cảnh báo : “Bằng cách gán cho lao động những sức mạnh mà nó không có, chúng ta có thể để mình bị nhốt. Chính Thiên Chúa đã dừng làm việc. Tôn trọng luật ngày Sabát, đó là bước vào con đường tự do của nó”. Sách Đệ Nhị Luật biện minh cho luật này bằng ký ức về tình trạng nô lệ ở Ai Cập (Đnl 5, 15). Béatrice Oiry lưu ý: “Ký ức này khiến việc quay trở lại chế độ nô lệ trở thành mối đe dọa tái diễn đối với dân Israel”.
Do đó, vấn đề nghỉ ngơi là cơ bản. Nó mở rộng đến mọi người, kể cả vật nuôi (Xh 20, 10). Theo Gérard Billon, “ngày Sabát là một lời nhắc nhở và hiện thực hóa sự hài hòa nguyên thủy, trong khi chờ đợi sự hòa giải được đòi hỏi vào lúc tận cùng của thời gian”.
Tý Linh chuyển ngữ
(theo Christel Juquois, nhật báo La Croix)
Nguồn: xuanbichvietnam.net/