Kinh Truyền Tin 26/2: Với ma quỷ, đừng tranh luận mà dùng Lời Chúa

Kinh Truyền Tin 26/2: Với ma quỷ, đừng tranh luận mà dùng Lời Chúa

Trưa Chúa Nhật 26/02, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Bài huấn dụ của ĐTC trước khi đọc Kinh Truyền Tin dựa trên đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay về việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ sau thời gian chạy tịnh 40 ngày.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng của Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay này trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu trong hoang địa chịu ma quỷ cám dỗ (x. Mt 4,1-11). Ma quỷ (diavolo) có nghĩa là “kẻ gây chia rẽ”. Ma quỷ luôn tạo ra chia rẽ và đây là điều nó gợi ra để cám dỗ Chúa Giê-su, vì vậy chúng ta hãy xem nó muốn chia rẽ, muốn tách Chúa Giêsu khỏi ai và nó cám dỗ Người bằng cách nào.

Ma quỷ muốn tách Chúa Giêsu khỏi ai? Sau khi lãnh nhận phép rửa từ Gioan ở sông Giođan, Chúa Giêsu đã được Chúa Cha gọi là “Con yêu dấu của Ta” (Mt 3:17) và Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu (x. c. 16). Như vậy, Tin Mừng trình bày cho chúng ta Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất trong tình yêu. Rồi chính Chúa Giêsu sẽ nói rằng Người đến thế gian để làm cho chúng ta được dự phần vào sự hiệp nhất giữa Người với Chúa Cha (x. Ga 17,11). Trong khi đó, ma quỷ làm điều ngược lại: nó vào cuộc để chia rẽ Chúa Giêsu với Chúa Cha và làm cho Người sao nhãng sứ vụ hiệp nhất của Người cho chúng ta.

Bây giờ hãy xem nó chia rẽ bằng cách nào. Ma quỷ muốn lợi dụng thân phận con người của Chúa Giêsu, vốn yếu đuối vì đã nhịn đói bốn mươi ngày (xem Mt 4:2). Do vậy, kẻ ác cố gắng tiêm vào Người ba loại “thuốc độc” rất mạnh, để làm tê liệt sứ mạng hiệp nhất của Người. Những chất độc này là sự dính bén, ngờ vựcquyền lực. Trước hết là chất độc của sự dính bén với những sự vật, với những nhu cầu; với lý lẽ thuyết phục, ma quỷ thử gợi ý cho Chúa Giêsu: “Ông đói, sao lại phải ăn chay? Hãy lắng nghe nhu cầu của ông và thỏa mãn nó, ông có quyền và sức mạnh: hãy biến đá thành bánh đi”. Đây là cám dỗ thứ nhất. Sau đó là chất độc thứ hai, ngờ vực: “Ma quỷ chêm thêm - ông có chắc là Chúa Cha muốn điều tốt lành cho ông không? Hãy thử Chúa Cha xem! Hãy ném mình xuống khỏi đỉnh cao nhất của ngôi đền và bắt Chúa làm theo những gì ông muốn.” Cuối cùng là quyền lực: “Ông chẳng cần Cha của ông! Tại sao phải chờ đợi những món quà của Cha? Hãy theo những tiêu chuẩn của thế giới, tự mình nắm lấy mọi thứ và ông sẽ mạnh mẽ!”. Ba cám dỗ của Chúa Giêsu và chúng ta cũng luôn sống ba cám dỗ này. Nhưng chính xác là như vậy, ngay cả đối với chúng ta: dính chặt với sự vật, nghi ngờ và khát quyền lực là ba cám dỗ phổ biến và nguy hiểm mà ma quỷ sử dụng để tách lìa chúng ta khỏi Chúa Cha và không còn cho chúng ta cảm nhận mình là anh chị em của nhau nữa, rồi dẫn đến cô đơn và tuyệt vọng. Đây là điều ma quỷ muốn làm, và cũng muốn làm với chúng ta: Làm cho chúng ta thất vọng!

Nhưng Chúa Giêsu chiến thắng những cám dỗ. Người chiến thắng thế nào? Người tránh tranh luận với ma quỷ, nhưng đáp lại bằng Lời Chúa. Đây là điều quan trọng: với ma quỷ thì đừng có tranh luận, không đối thoại với nó. Chúa Giêsu đã đối diện với nó bằng Lời Chúa. Người trích dẫn ba câu trong Kinh Thánh nói về sự tự do khỏi mọi sự (xem Đnl 8:3), tin tưởng (xem Đnl 6:16) và phục vụ Thiên Chúa (xem Đnl 6,13), ba câu chống lại những cám dỗ. Người không đối thoại với ma quỷ, Người không thương lượng với nó, nhưng Người gạt bỏ những lời châm chọc của nó bằng những Lời Kinh thánh thích hợp. Đó cũng là một lời mời gọi cho chúng ta: không tranh luận với ma quỷ! Người không đánh bại nó bằng cách thương lượng với nó, nhưng chống lại nó bằng Lời Chúa. Bằng cách này, Chúa Giêsu dạy chúng ta bảo vệ sự hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau khỏi sự tấn công của những kẻ chia rẽ. Lời Chúa là câu trả lời của Chúa Giêsu trước cám dỗ của ma quỷ.

Chúng ta hãy tự hỏi: Lời Chúa có vị trí nào trong cuộc đời tôi? Tôi có dùng Lời Chúa trong những cuộc chiến đấu thiêng liêng không? Nếu tôi có một tật xấu hay cám dỗ tái diễn, tại sao tôi không tìm kiếm một câu Lời Chúa, như sự trợ giúp, để đáp lại tật xấu đó? Sau đó, khi cám dỗ đến, tôi đọc câu Lời Chúa đó, tôi cầu nguyện với Lời Chúa. Chúng ta hãy làm thử, câu Lời Chúa sẽ giúp chúng ta trong những cơn cám dỗ, bởi vì giữa những tiếng nói khuấy động trong chúng ta, sẽ vang lên tiếng nói hữu ích của Lời Chúa. Xin Đức Maria, người đã đón nhận Lời và bằng sự khiêm nhường đã đánh bại sự kiêu ngạo của kẻ gây chia rẽ, xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong cuộc chiến đấu thiêng liêng của Mùa Chay.

----

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha bày tỏ sự đau buồn vì nhiều người bị giết tại Đất Thánh, trong đó có các trẻ em. Ngài kêu gọi nối lại đối thoại để chiến thắng hận thù. Ngài cầu nguyện cho những người Israel và Palestine để họ tìm ra con đường của tình huynh đệ và hoà bình, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.

Đức Thánh Cha cũng lo ngại về tình hình ở Burkina Faso, nơi các cuộc tấn công khủng bố vẫn tiếp diễn. Ngài cầu nguyện để dân tộc yêu quý này không mất đi sự tin tưởng trong hành trình tiến đến dân chủ, công bằng và hoà bình.

Và thêm một tin buồn về vụ đắm tàu ở bờ biển Calabria của Ý. Người ta đã vớt 40 nạn nhân đã chết, trong đó có nhiều trẻ em. Ngài cầu nguyện cho các nạn nhân và những người di cư khác còn sống sót. Ngài cũng cảm ơn lực lượng cứu hộ và những người đón tiếp. Xin Đức Mẹ nâng đỡ những anh chị em này. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại xin đừng quên thảm hoạ ở Ucraina, đã hơn một năm trôi qua, và nỗi đau của hai dân tộc Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bởi trận động đất.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha chào các nhóm tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô để cùng đọc Kinh Truyền Tin. Ngài chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Nguồn: vaticannews

 

bài liên quan mới nhất

Suy niệm thứ Bảy tuần Thánh: Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng