Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng

I.    LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH
Buổi đầu trước khi Tin Mừng đến Miền Bắc, dân cư miền núi Cao Bằng Lạng Sơn chưa hề biết tới đạo Công giáo. Người giáo dân đầu tiên tới đây là ông phó Nhậm (Phó Lý trưởng), con của Thánh Tử đạo Antôn Nguyễn Ðích. Ông phó Nhậm bị phát lưu lên Cao Bằng vào năm 1858, thời vua Tự Ðức. Cũng khoảng năm này, một đại chủng sinh bị phát lưu lên Lạng Sơn tên là Trần Triêm, tức Cụ Sáu Trần Lục, từ Giáo phận Phát Diệm ngày nay.
Các giáo sĩ thuộc Dòng Đaminh Lyon từ Giáo phận Đông Đàng Ngoài tìm đến vùng đất mới này. Đến năm 1876, tại Lạng Sơn-Cao Bằng đã có chừng 300 giáo hữu, phần lớn là những người Công giáo bị triều đình Huế phát vãng lên đây.
Nhận thấy công việc truyền giáo có kết quả, ngày 30 tháng 12 năm 1913, Tòa Thánh thiết lập Phủ doãn Tông tòa Lạng Sơn-Cao Bằng, tách ra từ Giáo phận Bắc Ninh, gồm tỉnh Lạng Sơn-Cao Bằng và các huyện phía Đông sông Lô của tỉnh Hà Giang. Phủ doãn được trao cho các Cha dòng Đaminh Lyon coi sóc và Đức ông Bertrand Cothoney O.P. (Cố Chiểu) thuộc Dòng Đaminh được đặt làm Phủ doãn Tông tòa đầu tiên. Lúc bấy giờ, như lời nguyện chúc của Thánh Bộ Truyền giáo dành cho các thừa sai “Hãy làm sa mạc nở hoa”, so với các Giáo phận miền xuôi màu mỡ, đời sống đức tin ở Lạng Sơn-Cao Bằng như một vùng đất sa mạc khô khan. Đức ông Cothoney chọn khu Văn Miếu ở Lạng Sơn làm trụ sở. Năm 1925, Đức Ông Dominique Maillet O.P. (Cố Bính) thay thế Đức Ông Cothoney làm Phủ doãn Tông Tòa cho đến năm 1929.
Ngày 11/7/1929, Phủ doãn Tông tòa Lạng Sơn-Cao Bằng được nâng lên thành Ðại diện Tông tòa Lạng Sơn-Cao Bằng và Đức cha Felix Maurice Hedde O.P. (Đức Cha Minh) làm Giám mục Đại diện Tông tòa tiên khởi cho đến năm 1939. Kế nhiệm Ngài là Đức cha André Reginal Jaques O.P. (Đức Cha Mỹ). Năm 1960, ngài bị trục xuất về Pháp. Thế chiến thứ I và chiến tranh Việt Pháp bùng nổ trong thời gian này, với kết thúc là cuộc di cư năm 1954, đã tác hại sâu rộng đến công cuộc truyền giáo buổi đầu còn manh nha. Mọi sự hầu như phải gây dựng lại từ đầu.
Ngày 24/11/1960, Đại diện Tông Tòa Lạng Sơn-Cao Bằng được Tòa Thánh nâng lên Giáo phận Chính tòa Lạng Sơn-Cao Bằng, thuộc Giáo tỉnh Hà Nội. Đức Giám mục Chính tòa tiên khởi là Đức cha Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ. Ngài bị Chính quyền Cộng sản giam lỏng tại Giáo xứ Thất Khê, cách Tòa Giám mục 70km. Mãi đến năm 1979, theo dòng người trốn chạy chiến tranh biên giới với Trung quốc, Đức cha Vinhsơn Phaolô mới đến được Tòa Giám mục Bắc Ninh và được Giám mục Bắc Ninh là Đức cha Phaolô Maria Phạm Đình Tụng tấn phong Giám mục trong một căn phòng nhỏ. Giáo phận tiếp tục trải qua những chặng đường thăng trầm, nhiều khó khăn thách đố, nhưng với ơn Chúa và tấm lòng của các vị mục tử liên tiếp được sai đến với số những người giáo dân còn lại đầy nhiệt thành, Giáo phận nhỏ bé đã được hồi sinh và lớn lên từng ngày cho đến hôm nay.

Bản đồ Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng

II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ
1. Địa lý
Diện tích của Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng rộng khoảng 18.359.10 km2, nằm trong 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và các huyện phía Đông sông Lô thuộc tỉnh Hà Giang. Vùng đất này có hơn 3/4 diện tích là núi rừng hiểm trở, giao thông đa số còn sơ sài. Giáo phận trải dài theo biên giới Việt-Trung ở hướng bắc với tổng cộng trên 800km. Toàn địa phận có 3 thành phố với 27 huyện, chia thành 505 xã phường và thị trấn. Cực Bắc là cao nguyên đá Đồng Văn với cột cờ Lũng Cú là địa đầu Tổ Quốc. Đây là vùng đất hiểm trở với nhiều thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như Thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Đỉnh Mẫu Sơn băng giá phủ tuyết vào mùa đông thuộc tỉnh Lạng Sơn.
2. Dân số trên địa bàn
Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng là địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó hai dân tộc Nùng và Tày chiếm 85% dân cư, còn lại 15% thuộc các dân tộc Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, H’Mông... Tổng số dân trên địa bàn, theo thống kê năm 2017, là 1.769.385 người. Đại đa số dân chúng sống nghề trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán và làm các nghề thủ công, rất ít cơ sở công nghiệp. Du lịch chưa phát triển.
3. Dân số Công giáo
Hiện nay Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng có 6.001 giáo dân, chiếm tỷ lệ gần 0,33% dân số trong khu vực. Đa số giáo dân là người Kinh, thuộc các Giáo phận miền xuôi như Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh lên làm ăn qua các thời kỳ. Các dân tộc khác theo đạo Công giáo thuộc vài giáo xứ còn hiếm hoi. Trên địa bàn Giáo phận cũng có một số tôn giáo khác như Phật giáo, Cao đài, Thờ cúng Tổ tiên và một số tín ngưỡng địa phương như Mo, Then…
4. Giáo hạt và giáo xứ
Hiện nay, Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng được chia làm 3 Giáo hạt, tương ứng với ba tỉnh nằm trong địa bàn của Giáo phận:
     - Giáo hạt Lạng Sơn: gồm tỉnh Lạng Sơn với các giáo xứ: Chính Tòa, Ngạn Sơn, Mỹ Sơn, Lộc Bình, Bản Lìm, Đồng Đăng, Thất Khê, Vũ Lễ, Giáo họ Hạ Lũng và một số giáo điểm như: Đình Lập, Bản Quấn, Đồng Mỏ, Na Dương, Na Sầm, Tân Thanh…
     - Giáo hạt Cao Bằng: gồm tỉnh Cao Bằng với các giáo xứ: Thanh Sơn, Bó Tờ, Tà Lùng, Nà Cáp, Cao Bình và nhiều giáo điểm như: Quảng Uyên, Phục Hoà, Đông Khê, Nà Rị, Nọc Tòong, Kốc Khuyết, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Nguyên Bình, Thông Nông, Nặm Nhũng, Thông Nông, Bảo Lâm, Lũng Gà…
     - Giáo hạt Hà Giang: gồm thành phố Hà Giang và các huyện phía Đông Sông Lô, với các Giáo xứ Thánh Tâm và một số giáo điểm như: Bắc Mê, Linh Hồ, Yên Minh, Quản Bạ…
5. Dòng Tu
Cộng tác vào đời sống mục vụ của cánh đồng truyền giáo rộng lớn Lạng Sơn-Cao Bằng hiện nay có cộng đoàn của 9 Hội dòng nam và nữ: 
  - Dòng Nam:
Don Saledieng Bosco (đặc trách Giáo xứ Mỹ Sơn và huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn) trước kia; 
Dòng Chúa Cứu Thế (đặc trách Giáo xứ Cao Bình và các huyện Hòa An, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nặm Nhũng, Lũng Gà, Thông Nông, Nà Rị thuộc tỉnh Cao Bằng)
Dòng Anh Em Hèn Mọn (đặc trách Giáo xứ Vũ Lễ và các huyện Bắc Sơn, Bình Gia thuộc tỉnh Lạng Sơn)
Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc (từ tháng 8 năm 2018, đặc trách Cộng đoàn Hạ Lũng)
Dòng Thánh Tâm (từ tháng 8 năm 2018, đặc trách huyện Thạch An tỉnh Cao Bằng)
  - Dòng Nữ:
Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tỉnh dòng Hà Nội (phục vụ tại Giáo xứ Mỹ Sơn, Thanh Sơn và Bản Lìm)
Dòng Nữ Đaminh Gò Vấp (phục vụ Tòa Giám mục, Giáo xứ Chính Tòa, Đồng Đăng, Thất Khê và Bó Tờ)
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (phục vụ tại Giáo xứ Tà Lùng)
Dòng Mân Côi Bùi Chu (phục vụ tại Giáo xứ Lộc Bình)
6. Đôi nét chính yếu về đời sống giáo dân
Đa phần nhà thờ các xứ đạo của Giáo phận được đặt tại các thị trấn và tỉnh lỵ, nhưng giáo dân lại sống rải rác, rất khó qui tụ. Vì thế, các giáo điểm là phương thức giúp cho việc chăm sóc mục vụ người dân được chu đáo hơn.
Một phần không nhỏ giáo dân từ vùng Xuôi lên làm ăn nhưng không tính đến chuyện lập nghiệp lâu dài, cho nên sinh hoạt các cộng đoàn cũng không ổn định và mang tính thời vụ.
Đại đa số giáo dân đến từ miền Xuôi, nên nếp sinh hoạt đạo cũng chịu ảnh hưởng từ các giáo phận miền Xuôi, nơi giáo dân quy tụ đông đúc. Do vậy, nếp sống đạo cần thích nghi cho hợp với vùng đất mới, để tiếp cận dễ dàng với người địa phương, một yếu tố cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng.
Có những năm tháng dài các cộng đoàn thiếu bóng mục tử, sinh hoạt đạo đức có nhiều hạn chế, khó khăn nên nền tảng giáo lý còn non yếu xuyên thế hệ. Một phần không nhỏ các gia đình sống đạo không đồng nhất, tình trạng hôn nhân trái luật, bị ảnh hưởng của tín ngưỡng và tập tục địa phương rất phổ biến như Mo, Then, thờ ma Gà, ma Xó… Do đó, việc dạy và học giáo lý cần được chú trọng để củng cố đức tin, củng cố phụng vụ Chúa Nhật, thiết lập các đoàn thể, phong trào, hội đoàn.
III. NHÂN SỰ
Ơn Gọi tại chỗ rất hiếm hoi nên tuyệt đại đa số linh mục tu sĩ từ các giáo phận khác đến phục vụ. Từ mùa hè năm 2017, Giáo phận đã kêu gọi và tổ chức tuyển chọn các ứng sinh cho hàng giáo sĩ giáo phận tương lai từ các giáo phận anh em trong cả nước. Đến nay đã trải qua ba kỳ Tuyển sinh với gần 50 ứng sinh tham dự.
1. Giám mục Chính Tòa
a. Giám mục đương nhiệm: Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri. Ngài sinh ngày 12/9/1956 tại Quảng Nam, chịu chức linh mục ngày 21/11/1989 tại Đà Nẵng, được tấn phong và bổ nhiệm làm Giám mục Đà Nẵng ngày 13/5/2006, và được bổ nhiệm làm Giám mục Lạng Sơn- Cao Bằng ngày 12/3/2016.
b. Các Giám mục tiền nhiệm: Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân (2007-2016);  Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt (1999-2007);  Đức Hồng y Giám quản Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (1998-1999), Đức cha Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ (1960-1998).
2.  Linh mục, chủng sinh và tu sĩ
Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng hiện có 33 linh mục triều và dòng đang phục vụ. Giáo phận có 4 Đại Chủng sinh đã mãn trường, 19 Đại chủng sinh đang theo học tại Đại Chủng viện Hà Nội, Bùi Chu, Xuân Lộc, Huế, Seoul và 24 ứng sinh đang theo học tại Tiền Chủng viện Giáo phận. Hiện có tu sĩ đến từ 9 Hội Dòng nam, nữ đang cộng tác phục vụ: Dòng Salesian (Don Bosco), Chúa Cứu Thế, Anh Em Hèn Mọn, Thánh Tâm, Mẹ Chúa Cứu Chuộc và khoảng 40 nữ tu thuộc các Dòng Đaminh Gò Vấp, Phaolô Thành Chartres, Mân Côi Bùi Chu và Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC TRONG GIÁO PHẬN
Cộng tác điều hành với Đức Giám mục Giáo phận có Giáo phủ, bao gồm Cha Tổng Đại diện, Cha Đại diện Giám mục, Cha Văn phòng, Cha Quản lý. Tại các Giáo hạt có quý Cha Hạt trưởng và vài Cha niên trưởng họp thành Ban Tư vấn cộng tác với Đức Giám mục. Một số Ban Mục vụ cũng đã được thiết lập. Giáo phận cần thiết lập Hội đồng Linh mục, Hội đồng Mục vụ, Hội đồng kinh tế cũng như Tòa án Hôn phối Giáo phận.
V. CƠ SỞ GIÁO PHẬN
1. Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn: (tọa lạc tại số 02 Văn Miếu –Thành phố Lạng Sơn) được khởi công xây dựng vào ngày 01 tháng 01 năm 2001 và được Khánh thành – Cung hiến ngày 02 tháng 10 năm 2004 dưới thời Đức Giám mục Chính tòa Giuse Ngô Quang Kiệt.
2. Tòa Giám mục Lạng Sơn: được xây dựng từ thời Đức Giám mục Chính tòa Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ, và được hoàn thiện như hiện nay bởi các vị Giám mục kế nhiệm. Địa chỉ: số 04 Văn Miếu – Thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
3. Nhà Truyền thống Giáo phận: Một ngôi nhà ngói 6 gian trong sân Tòa Giám mục, vốn dùng làm Nhà thờ Chính tòa của Giáo phận sau khi Nhà thờ Chính tòa bị bom đạn phá hủy vào năm 1968 cho đến năm 2004, với quả chuông được treo trên một cây nhãn làm tháp chuông lúc bấy giờ.
4. Tiền Chủng viện Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu: được thiết lập trong khuôn viên Tòa Giám mục Lạng Sơn từ năm 2007 và hoàn thiện như hiện nay vào năm học 2016-2017 với Ban Giám đốc, Ban Giảng huấn. Tiền Chủng viện hiện nay có 3 lớp với 24 ứng sinh, sinh hoạt chung với Tòa Giám mục.
VI. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ, LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ BÁC ÁI XÃ HỘI
1. Mục vụ: Hoạt động mục vụ tuy khó khăn, nhưng vẫn luôn được quan tâm và ngày càng phong phú đa dạng. Các nhà thờ Giáo xứ đều có Thánh lễ hằng ngày. Tại các Giáo điểm cũng thường có Thánh lễ vào ngày Chúa nhật. Đời sống Bí tích của Dân Chúa cũng được chăm lo chu đáo. Vì có ít giáo dân nên các mục tử cũng sống rất gần gũi và năng thăm viếng giáo dân. Về phía giáo dân, ngoài Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, hiện có 6 đoàn thể đang sinh hoạt trong Giáo phận: Legio Mariae, Caritas, Gia Trưởng, Hiền Mẫu, Đồng Tâm và Linh hoạt viên. Ban Phụng vụ tại các giáo xứ gồm Lễ sinh, Ca đoàn, đội Kim nhạc, trống phách.
2. Loan báo Tin Mừng: Đại hội Truyền giáo tháng 10/2017 đã phân chia lại ranh giới các giáo xứ, bao trùm hết lãnh thổ Giáo phận, để nơi nào cũng có mục tử chăm sóc. Hy vọng việc này sẽ thúc đẩy các thành phần Dân Chúa, nhất là các mục tử, có động lực ra đi đến với muôn dân.
3. Bác ái Xã hội: Caritas Giáo phận hoạt động khá phong phú, đặc biệt quan tâm đến những gia đình nghèo, trẻ em khuyết tật và nhiểm HIV. Giáo phận đang bắt đầu chương trình làm nhà cho dân nghèo, cung cấp thiết bị nước sạch, tổ chức sân chơi cho các giới… Tuy nhiên, hoạt động bác ái vẫn còn nhiều hạn chế vì thiếu điều kiện và cơ chế xã hội chưa đủ thông thoáng.
VII. NHẬN ĐỊNH CHUNG


Lạng Sơn-Cao Bằng hiện nay, xét về con số giáo dân, là Giáo phận “tí hon” so với các chị em mình trong Giáo hội Việt Nam, nhưng với tiềm năng loan báo Tin Mừng rất lớn, không phải chỉ trong lãnh thổ Giáo phận, nhưng còn có thể liên đới sứ vụ với các giáo phận thuộc Giáo hội Trung Hoa láng giềng. Vì thế, tầm nhìn sứ vụ tại Lạng Sơn Cao Bằng phải rất riêng và độc đáo, cùng với lòng nhiệt thành trổi vượt của các nhà truyền giáo mới nơi đây.
Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng là một vùng đất vừa nghèo đức tin, nghèo nhân sự và nghèo cả về kinh tế. Giáo phận rất cần sự quan tâm hỗ trợ nhân vật lực của Tòa Thánh, của các Giáo phận chị em tại Việt Nam và những người thành tâm thiện chí khắp nơi, giúp cho sinh hoạt mục vụ và bác ái được củng cố và phát triển.
VIII. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC
   Văn phòng Tòa Giám mục Lạng Sơn
      -  Địa chỉ: Số 04 Văn Miếu, Phường Chi Lăng, Thành phố Lạng Sơn, Tỉnh Lạng Sơn
      -  Điện thoại & Fax: 02053.810.367 ; 
      -  Email: tgmlangsonvn@gmail.com 
      - Website: http://giaophanlangson.org

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần XXXII TN: Không phải cả mười người đều được sạch sao?

bài liên quan đọc nhiều

Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Rôma