Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 29 Thường niên năm B

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Văn Việt (tổng hợp)

Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 29 Thường niên năm B theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 599-609: Cái chết cứu chuộc của Đức Kitô trong kế hoạch cứu độ

 “Chúa Giêsu bị nộp theo kế hoạch Thiên Chúa đã định”

Số 599. Cái chết tàn nhẫn của Chúa Giêsu không phải là kết quả ngẫu nhiên do sự kết hợp của những tình huống bất hạnh. Cái chết đó thuộc về mầu nhiệm của kế hoạch của Thiên Chúa, như thánh Phêrô giải thích cho người Do thái ở Giêrusalem ngay từ bài giảng đầu tiên trong ngày lễ Ngũ Tuần: Người đã bị nộp “theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước” (Cv 2,23). Thánh Kinh nói như vậy không có nghĩa là những kẻ đã “nộp Chúa Giêsu”[1] chỉ là những người thụ động làm theo một kịch bản do Thiên Chúa viết trước.

Số 600. Đối với Thiên Chúa mọi thời điểm trong tính thời sự của nó đều là hiện tại. Vì vậy, chính Thiên Chúa thiết lập kế hoạch “tiền định” vĩnh cửu của Ngài, Ngài bao gồm trong kế hoạch ấy lời đáp trả tự do của mỗi người đối với ân sủng của Ngài: “Đúng vậy, Hêrôđê, Phongxiô Philatô, cùng với chư dân và dân Israel đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Chúa Giêsu, Đấng Ngài đã xức dầu[2]. Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước” (Cv 4,27-28). Thiên Chúa cho phép xảy ra những hành vi xuất phát từ sự mù quáng của họ[3], để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Ngài[4].

Đức Kitô “đã chết vì tội lỗi chúng ta theo như lời Thánh Kinh”

Số 601. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa về việc “Người Tôi Trung Công Chính” bị giết[5] đã được báo trước trong Thánh Kinh như một mầu nhiệm Cứu Chuộc phổ quát, nghĩa là, giải thoát người ta khỏi ách nô lệ tội lỗi[6]. Thánh Phaolô, trong lời tuyên xưng đức tin mà ngài nói mình đã “lãnh nhận”[7], tuyên xưng rằng “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh” (1Cr 15,3)[8]. Sự chết mang lại ơn cứu chuộc của Đức Kitô hoàn thành một cách đặc biệt lời tiên tri về Người Tôi trung đau khổ[9]. Chính Chúa Giêsu đã trình bày ý nghĩa cuộc đời và sự chết của Người dưới ánh sáng về Người Tôi trung đau khổ[10]. Sau khi Người sống lại, Người đã giải thích Thánh Kinh như vậy cho các môn đệ Emmaus[11], rồi cho chính các Tông Đồ[12].

“Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”

Số 602. Chính vì thế thánh Phêrô có thể diễn tả đức tin tông truyền về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như sau: “Anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Kitô. Ngươi là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này” (1Pr 1,18-20). Các tội người ta phạm, tiếp theo sau tội tổ tông, khiến người ta phải chết[13]. Khi sai Con Một của Ngài đến trong thân phận tôi tớ[14], tức là trong thân phận loài người đã sa ngã và tất phải chết vì tội lỗi[15], “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21).

Số 603. Vì không phạm tội, Chúa Giêsu không bao giờ biết đến việc bị Thiên Chúa loại bỏ[16]. Nhưng trong tình yêu cứu chuộc, một tình yêu hằng kết hợp Người với Chúa Cha[17], Người đã đảm nhận lấy chúng ta, những kẻ đang vì tội lỗi mà lạc đường lìa xa Thiên Chúa, đến độ trên thập giá, Người đã có thể thốt lên thay chúng ta: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con!” (Mc 15,34)[18]. Vì đã kết hợp Đức Kitô với chúng ta là các tội nhân, nên Thiên Chúa “đã chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp chính Con Một của Ngài vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32), để chúng ta “được giao hoà với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Một Ngài” (Rm 5,10).

Thiên Chúa đã khởi xướng trong tình yêu cứu chuộc mọi người

Số 604. Khi trao nộp Con của Ngài vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa biểu lộ kế hoạch của Ngài là một kế hoạch của tình yêu lân mẫn, đi trước mọi công trạng của chúng ta: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10)[19]. “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).

Số 605. Tình yêu này không loại trừ một ai. Chúa Giêsu nhắc lại điều đó để kết luận dụ ngôn về con chiên lạc: “Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14). Người quả quyết Người “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Lời tuyên bố quan trọng này không mang ý nghĩa hạn chế: lời đó đặt song đối tập thể nhân loại với một mình Đấng Cứu Chuộc, Đấng tự hiến để cứu độ nhân loại ấy[20]. Hội Thánh, theo sau các Tông Đồ[21], dạy rằng: Đức Kitô đã chết cho tất cả mọi người không trừ một ai. “Trước kia, hiện nay cũng như sau này, không có một ai mà Người [Đức Kitô] không chịu khổ nạn cho”[22].

Cả cuộc đời của Đức Kitô là của lễ dâng hiến Chúa Cha

Số 606. Con Thiên Chúa, Đấng từ trời xuống, không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Người”[23], “khi vào trần gian, Người nói: ‘Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài’… theo ý đó, chúng ta được thánh hóa, nhờ Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, một lần cho mãi mãi” (Dt 10,5-10). Ngay từ phút đầu tiên Người nhập thể, Chúa Con đã gắn bó với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu chuộc của mình: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34). Hy lễ của Chúa Giêsu “đền bù tội lỗi cả thế gian” (1 Ga 2,2) là sự diễn tả tình yêu hiệp thông của Người với Chúa Cha: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,17). Thế gian phải “biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31).

Số 607. Sự khao khát gắn bó với kế hoạch yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha truyền cảm hứng cho cả cuộc đời Chúa Giêsu[24], bởi vì cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người là lý do việc Người nhập thể: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,11). Và trên thập giá, trước khi mọi sự “đã hoàn tất” (Ga 19,30), Người nói: “Tôi khát!” (Ga 19,28).

“Chiên xoá tội trần gian”

Số 608. Sau khi chấp nhận làm phép rửa cho Chúa Giêsu giữa các tội nhân[25], ông Gioan Tẩy Giả đã thấy và giới thiệu Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian[26]. Như vậy ông cho thấy rằng Chúa Giêsu đồng thời vừa là Người Tôi trung đau khổ, im lặng chịu đem đi làm thịt[27] và mang lấy tội lỗi muôn người[28], vừa là Chiên Vượt Qua, biểu tượng cho việc Cứu Chuộc Israel trong cuộc Vượt Qua đầu tiên[29]. Cả cuộc đời của Đức Kitô diễn tả sứ vụ của Người: phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người[30].

Chúa Giêsu tự do gắn bó với tình yêu cứu chuộc của Chúa Cha

Số 609. Khi gắn bó với tình yêu của Chúa Cha đối với loài người trong trái tim nhân loại của mình, Chúa Giêsu “đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), bởi vì “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Như vậy, nhân tính của Người trong cuộc khổ nạn và cái chết, đã trở thành dụng cụ tự do và hoàn hảo của tình yêu thần linh của Người, một tình yêu muốn cứu độ mọi người[31]. Thật vậy, Người đã tự do chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết vì tình yêu đối với Cha Người và đối với loài người mà Người muốn cứu độ: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18). Do đó, Con Thiên Chúa đã tự do tột bậc khi Người tiến tới cái Chết[32].

Số 520: Việc tự hạ của Đức Kitô là một gương mẫu để chúng ta bắt chước

Số 520. Trong cả cuộc đời của Người, Chúa Giêsu tỏ mình là mẫu mực của chúng ta[33]: chính Người là “con người hoàn hảo”[34], Người mời gọi chúng ta trở nên môn đệ của Người và bước đi theo Người; qua việc tự hạ của Người, Người ban cho chúng ta một gương mẫu để bắt chước[35]; qua việc cầu nguyện của Người, Người lôi kéo chúng ta cầu nguyện[36]; qua sự nghèo khó của Người, Người kêu gọi chúng ta tự nguyện chấp nhận sự thiếu thốn và những cơn bách hại[37].

Số 467, 540, 1137: Đức Kitô Thượng Tế

Số 467. Những người chủ trương thuyết Nhất Tính (Monophysitae) khẳng định: bản tính nhân loại không còn tồn tại nơi Đức Kitô, khi bản tính đó được Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa đảm nhận. Để chống lại lạc thuyết này, Công đồng chung thứ IV, họp tại Chalcêđonia năm 451, tuyên xưng:

“Theo sau các thánh phụ, chúng tôi đồng thanh dạy phải tuyên xưng Một Chúa Con Duy Nhất là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính; là Thiên Chúa thật và là người thật, gồm có một linh hồn có lý trí và một thân xác; đồng bản thể với Đức Chúa Cha theo thần tính mà cũng đồng bản tính với chúng ta theo nhân tính, ‘giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi’[38]; sinh bởi Đức Chúa Cha theo thần tính từ trước muôn đời, và trong những thời cuối cùng này, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người được sinh ra theo nhân tính từ Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Cùng một Đấng duy nhất là Đức Kitô, là Chúa, là Con Một, phải được nhìn nhận trong hai bản tính một cách không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt, sự khác biệt giữa hai bản tính không hề bị mất đi do việc kết hợp, nhưng các đặc điểm của mỗi bản tính đã được bảo tồn khi kết hợp với nhau trong một Ngôi Vị và một Đấng duy nhất”[39].

Số 540. Cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu cho thấy cách thế Con Thiên Chúa là Đấng Messia, trái ngược hẳn điều Satan xúi giục Người và người ta muốn gán cho Người[40]. Chính vì thế, Đức Kitô chiến thắng Tên cám dỗ là chiến thắng cho chúng ta: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Mỗi năm, qua bốn mươi ngày Mùa Chay, Hội Thánh kết hợp với mầu nhiệm Chúa Giêsu trong hoang địa.

Số 1137. Sách Khải Huyền của thánh Gioan, được đọc trong phụng vụ của Hội Thánh, trước tiên cho chúng ta thấy một cái ngai được đặt trên trời; và Đấng ngự trên ngai[41]: đó là “Chúa” (Is 6,1)[42]. Rồi đến “Một Con Chiên trông như thể đã bị giết” (Kh 5,6)[43]: đó là Đức Kitô bị đóng đinh và đã sống lại, là vị Thượng Tế duy nhất của cung thánh đích thực[44], chính Người “vừa là người dâng vừa là lễ vật được dâng lên, vừa là người tặng vừa là quà được hiến tặng”[45]. Cuối cùng là “con sông có nước trường sinh, … chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên” (Kh 22,1), đó là một trong những biểu tượng đẹp nhất về Chúa Thánh Thần[46].

Bài Ðọc I: Is 53, 10-11

“Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Xướng: 1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa.

Ðáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Ðáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Ðáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Bài Ðọc II: Dt 4, 14-16

 “Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”.

Trích thư gửi tín hữu Do Thái.

Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng, ngõ hầu lãnh nhận lòng từ bi và tìm kiếm ân sủng để gặp được ơn phù trợ kịp thời.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 10, 35-45

 “Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.

Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài này: Mc 10, 42-45

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Ðó là lời Chúa.

______

Nguồn: hdgmvietnam.com


[1] X. Cv 3,13.

[2] X. Tv 2,1-2.

[3] X. Mt 26,54; Ga 18,36; 19,11.

[4] X. Cv 3,17-18.

[5] X. Is 53,11; Cv 3,14.

[6] X. Is 53,11-12; Ga 8,34-36.

[7] X. 1 Cr 15,3.

[8] X. Cv 3,18; 7,52; 13,29; 26,22-23.

[9] X. Is 53,7-8; Cv 8,32-35.

[10] X. Mt 20,28.

[11] X. Lc 24,25-27.

[12] X. Lc 24,44-45.

[13] X. Rm 5,12; 1 Cr 15,56.

[14] X. Pl 2,7.

[15] X. Rm 8,3.

[16] X. Ga 8,46.

[17] X. Ga 8,29.

[18] X. Tv 22,1.

[19] X. 1 Ga 4,19.

[20] X. Rm 5,18-19.

[21] X. 2 Cr 5,15; 1 Ga 2,2.

[22] CĐ Carisia (năm 853), De libero arbitrio hominis et de praedestinatione, canon 4: Ds 624.

[23] X. Ga 6,38.

[24] X. Lc 12,50; 22,15; Mt 16,21-23.

[25] X. Lc 3,21; Mt 3,14-15.

[26] X. Ga 1,29.36.

[27] X. Is 53,7; Gr 11,19.

[28] X. Is 53,12.

[29] X. Xh 12,3-14; Ga 19,36; 1 Cr 5,7.

[30] X. Mc 10,45.

[31] X. Dt 2,10.17-18; 4,15; 5,7-9.

[32] X. Ga 18,4-6; Mt 26,53.

[33] X. Rm 15,5; Pl 2,5.

[34] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 38: AAS 58 (1966) 1055.

[35] X. Ga 13,15.

[36] X. Lc 11,1.

[37] X. Mt 5,11-12.

[38] X. Dt 4,15.

[39] CĐ Chalcêđônia, : DS 301-302.

[40] X. Mt 16,21-23.

[41] X. Kh 4,2.

[42] X. Ed 1,26-28.

[43] X. Ga 1,29.

[44] X. Dt 4,14-15; 10,19-21; etc.

[45] Liturgia Byzantina. Anaphora Iohannis Chrysostomi: F.E. Brightman, Liturgies Eastern and Western (Oxford 1896) 378 (PG 63, 913).

[46] X. Ga 4,10-14; Kh 21,6.

 

bài liên quan mới nhất

Thứ Tư tuần I Mùa Vọng: “Người ban BÁNH cho tất cả chúng sinh”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng