Giáo lý cho bài giảng Chúa Nhật 24 Thường Niên năm B (19/08/2024)

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa Nhật 24 Thường Niên năm B theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 713-716: Những nét phác hoạ về Đấng Messia được mạc khải trong các bài ca về Người Tôi trung

Những nét phác hoạ về Đấng Messia được mạc khải chủ yếu trong các bài ca về Người Tôi trung[1][1]. Những bài ca này loan báo ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và cho thấy cách Người sẽ đổ tràn Thần Khí để cho muôn người được sống: không phải từ bên ngoài, nhưng bằng cách “mặc lấy thân nô lệ” của chúng ta (Pl 2,7). Khi mang lấy cái chết của chúng ta trên mình Người, Người có thể truyền thông cho chúng ta Thần Khí riêng của Người, Thần Khí sự sống của Người.

Số 714. Chính vì vậy, Đức Kitô khởi đầu công cuộc loan báo Tin Mừng của Người bằng cách áp dụng cho mình đoạn sau đây của tiên tri Isaia (Lc 4, 18-19)[2]:

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,
Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa”.

Số 715. Các bản văn tiên tri trực tiếp liên quan đến việc sai Chúa Thánh Thần đến, là những lời sấm trong đó Thiên Chúa lấy ngôn ngữ Lời hứa mà nói vào trái tim của dân Ngài, bằng cung giọng yêu thương và trung tín[3], sáng ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô sẽ tuyên bố việc hoàn thành những điều đó[4][4]. Theo những lời hứa đó, trong “thời sau hết”, Thần Khí Thiên Chúa sẽ đổi mới trái tim người ta bằng cách ghi khắc Lề luật mới trong họ; Ngài sẽ quy tụ và giao hoà những dân tộc đã bị phân tán và chia rẽ; Ngài sẽ biến đổi công trình tạo dựng thứ nhất và Thiên Chúa sẽ ở đó với người ta trong hoà bình.

Số 716. Đoàn dân “của những người nghèo”[5], những người khiêm nhu và hiền lành, hoàn toàn phó thác cho kế hoạch bí nhiệm của Thiên Chúa của mình, những người mong chờ công lý không bởi người ta nhưng bởi Đấng Messia, đoàn dân ấy cuối cùng là công trình cao cả mà âm thầm của Chúa Thánh Thần, trải suốt thời gian của các Lời hứa, để chuẩn bị cho cuộc Ngự đến của Đức Kitô. Phẩm chất tâm hồn của những người đó, đã được thanh tẩy và soi sáng bởi Thần Khí, được diễn tả trong các Thánh vịnh. Nơi những ngươi nghèo này, Thần Khí chuẩn bị cho Chúa “một dân hoàn hảo”[6].

Số 440, 571-572, 601: Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc chúng ta

Số 440. Khi thánh Phêrô tuyên xưng Người là Đấng Messia, Chúa Giêsu chấp nhận lời tuyên xưng đức tin đó, nhưng Người loan báo ngay cuộc khổ nạn đã gần đến của “Con Người”[7]. Người tỏ cho thấy ý nghĩa đích thực của vương quyền Messia của Người, vừa trong căn tính siêu việt của Con Người, “Đấng từ trời xuống” (Ga 3, l3)[8], vừa trong sứ vụ cứu chuộc của Người với tư cách là Người Tôi trung đau khổ: “Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28)[9]. Do đó ý nghĩa đích thực của vương quyền Người chỉ được biểu lộ cách tột đỉnh trên Thập Giá[10]. Chỉ sau khi Người sống lại, thánh Phêrô mới có thể công bố vương quyền Messia của Người trước mặt dân Thiên Chúa: “Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Chúa Giêsu mà anh em đã treo trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2, 36).

Số 571. Mầu nhiệm Vượt Qua, tức là mầu nhiệm thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô, là trung tâm Tin Mừng mà các Tông Đồ, và sau các ngài là Hội Thánh, phải loan báo cho trần gian. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất “một lần cho mãi mãi” (Dt 9, 26) nhờ cái chết cứu chuộc của Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô.

Số 572. Hội Thánh vẫn trung thành với cách giải thích toàn bộ Thánh Kinh mà chính Chúa Giêsu đã đưa ra trước cũng như sau cuộc Vượt Qua của Người[11]: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24, 26). Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã xảy ra cụ thể trong lịch sử do việc Người đã “bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ” (Mc 8, 31); và họ đã “nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá” (Mt 20, 19).

Đức Kitô “đã chết vì tội lỗi chúng ta theo như lời Thánh Kinh”

Số 601. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa về việc “Người Tôi Trung Công Chính” bị giết[12] đã được báo trước trong Thánh Kinh như một mầu nhiệm Cứu Chuộc phổ quát, nghĩa là, giải thoát người ta khỏi ách nô lệ tội lỗi[13]. Thánh Phaolô, trong lời tuyên xưng đức tin mà ngài nói mình đã “lãnh nhận”[14], tuyên xưng rằng “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh” (1Cr 15, 3)[15]. Sự chết mang lại ơn cứu chuộc của Đức Kitô hoàn thành một cách đặc biệt lời tiên tri về Người Tôi trung đau khổ[16]. Chính Chúa Giêsu đã trình bày ý nghĩa cuộc đời và sự chết của Người dưới ánh sáng về Người Tôi trung đau khổ[17]. Sau khi Người sống lại, Người đã giải thích Thánh Kinh như vậy cho các môn đệ Emmaus[18], rồi cho chính các Tông Đồ[19].

Số 618: Sự tham dự của chúng ta vào hy tế của Đức Kitô

Số 618. Thánh giá là hy tế duy nhất của Đức Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người[20]. Nhưng bởi vì, trong Ngôi Vị Thiên Chúa nhập thể của Người, “một cách nào đó Người đã tự kết hợp với toàn thể mọi người”[21], nên Người đã “ban cho mọi người một khả năng để, theo cách Thiên Chúa biết, họ được kết hợp vào mầu nhiệm Vượt Qua”[22]. Người kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người[23], bởi vì Người đã chịu khổ nạn vì chúng ta, đã để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người[24]. Quả thật, Người cũng muốn những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu chuộc của Người được kết hợp vào hy tế ấy[25] . Điều đó được thực hiện, một cách cao cả nhất, nơi Mẹ Người, Mẹ được kết hợp vào mầu nhiệm cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người một cách mật thiết hơn bất cứ ai khác[26].

“Đây là chiếc thang thật và duy nhất của thiên đàng, và ngoài thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời”[27].

Số 2044-2046: Những việc lành biểu lộ đức tin

Số 2044. Lòng trung thành của những người đã lãnh Phép Rửa là điều kiện tiên quyết đối với việc loan báo Tin Mừng và đối với sứ vụ của Hội Thánh trong trần gian. Để tỏ cho mọi người thấy sức mạnh của nó về chân lý và sự rạng ngời, sứ điệp cứu độ phải được chứng thực bằng chứng từ của đời sống các Kitô hữu. “Chính chứng từ của đời sống Kitô hữu và các việc tốt lành được thực thi với tinh thần siêu nhiên, có sức mạnh lôi kéo người ta đến với đức tin và đến với Thiên Chúa”[28].

Số 2045. Bởi vì là các chi thể của Thân Thể mà Đức Kitô là Đầu[29], các Kitô hữu góp phần vào việc xây dựng Hội Thánh bằng sự kiên trì trong xác tín của mình và trong đời sống luân lý của mình. Hội Thánh được tăng số, lớn lên và triển nở bằng sự thánh thiện của các tín hữu của mình[30], cho tới khi chính họ làm thành “con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4, 13).

Số 2046. Bằng đời sống theo Đức Kitô của mình, các Kitô hữu làm cho Nước Thiên Chúa mau đến, đó là “Nước của công bằng, của tình yêu và của bình an”[31]. Nhưng không vì thế mà họ xao lãng nhiệm vụ trần thế của mình; chính họ, trung thành với Thầy mình, chu toàn nhiệm vụ đó với sự ngay thẳng, với sự nhẫn nại và với tình yêu.

Bài Ðọc I: Is 50, 5-9a

“Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi.

Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

Xướng: 1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa.

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!”

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi.

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

Bài Ðọc II: Gc 2, 14-18

“Ðức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?

Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 14,5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 8, 27-35

“Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Ðó là lời Chúa.

Nguồn: hdgmvietnam.com

_______


[1]X.Is 42, 1-9; Mt 12, 18-21; Ga 1, 32-34, atque etiam Is 49, 16; Mt 3,17; Lc 2, 32, et denique Is 50, 4-10 et 52,   13-15; 53,12.

[2]X.Is 61, 1-2.

[3]X.Ed 11, 19; 36, 25-28; 37, 1-14; Gr 31, 31-34; Ge 3, 1-5.

[4]X.Cv 2, 17-21.

[5]X.Sp 2, 3; Tv 22, 27; 34, 3; Is 49, 13; 61, 1; v.v….

[6]X.Lc 1, 17.

[7]X.Mt l6, l6-23.

[8]X.Ga 6, 62; Đn 7, 13.

[9] X.Is 53, 10-12.

[10]X.Ga l9, 19-22; Lc 23, 39-43.

[11]X.Lc 24, 27.44-45.

[12]X.Is 53, 11; Cv 3, 14.

[13]X.Is 53, 11-12; Ga 8, 34-36.

[14]X.1Cr 15, 3.

[15]X.Cv 3, 18; 7,52; 13, 29; 26, 22-23.

[16]X.Is 53, 7-8; Cv 8, 32-35.

[17]X.Mt 20, 28.

[18]X.Lc 24, 25-27.

[19]X.Lc 24, 44-45.

[20]X.1Tm 2, 5.

[21]CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1042.

[22]CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1043.

[23]X.Mt 16, 24.

[24]X.1Pr 2, 21.

[25]X.Mc 10, 39; Ga 21, 18-19; Cl 1, 24.

[26]X.Lc 2, 35.

[27]Thánh Rôsa Lima: P.Hansen, Vita mirabilis […] venerabilis sororis Rosae de sancta Maria Limensis (Romae 1664) 137.

[28]CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 6: AAS 58 (1966) 842.

[29]X.Ep 1, 22.

[30]X.CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 39: AAS 57 (1095) 44.

[31]Lễ trọng Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ, Kinh Tiền tụngSách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 381.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng