Mạnh Thường Quân nuôi hơn 3.000 thực khách nên chi phí rất nhiều, bổng lộc không đủ chi dụng, phải dựa vào tiền thuê đất đai ở Bích Thành do vua phong, nhưng có một năm không thu được tiền về, mới cử Phùng Hoan đi đòi. Trước khi đi Phùng Hoan hỏi rằng: "Khi tôi trở về, ông có muốn tôi đem quà gì về không ?" Mạnh Thường Quân ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: "Thì ông cứ xem ở đây thiếu thứ gì thì đem về, "Phùng Hoan đến Bích Thành mới biết năm đó bị thiên tai mất mùa, nông dân thiếu lương thực, cuộc sống rất khổ cực. Phùng Hoan bèn tập họp họ lại, rồi đốt hết mọi giấy tờ vay nợ, khiến mọi người vô cùng cảm động. Phùng Hoan trở về nói lại đúng sự thực. Mạnh Thường Quân nổi giận: "Trước khi đi ông nói sẽ đem quà về, nay ở đâu ?" Phùng Hoan đáp: "Ông đã nói ở đây thiếu gì thì mua về, nhưng tôi thấy ở đây chẳng thiếu gì cả, chỉ thiếu có tình nghĩa mà thôi, nay tôi đã đem tình nghĩa về đây". Mạnh Thường Quân nghe vậy khóc cười không được, liền phất tay áo đi ra.
Hai năm sau, Tề Dẫn Vương tin lời bịa đặt của hai nước Tần, Sở nên rất lo lắng Mạnh Thường Quân công cao lấn chúa, gây uy hiếp tới vương vị của mình, bèn thu ấn tể tướng của Mạnh Thường Quân. Các môn khách thấy vậy, đều theo nhau bỏ đi, duy chỉ có Phùng Hoan là còn ở lại. Mạnh Thường Quân đành trở về cố cư ở Bích Thành. Dân trong thành nghe tin ông trở về, liền dắt già cõng trẻ ra ngoài 100 dặm để đón. Mạnh Thường Quân nhìn thấy cảnh tượng này, rơm rớm nước mắt nói với Phùng Hoan: "Tình nghĩa mà ông đã đem cho tôi, nay tôi đã thực sự cảm nhận được rồi".
Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,
Thời tiền sử con người dùng hàng hóa để trao đổi hàng hóa nên họ không biết đến tiền và cũng không cần tiền. Theo thời gian, xã hội ngày càng phát triển, người ta dùng tiền để trao đổi hàng hóa. Chính vì thế, kiếm tiền trở thành trách nhiệm của những người trưởng thành, bởi lẽ có tiền mới trang trải được những nhu cầu cơm ăn áo mặc hằng ngày giúp con người sống đúng với nhân phẩm của mình hơn. Chính vì thế, tiền luôn là cần thiết trong cuộc sống. Cho nên, người làm ra nhiều tiền là người được nể trọng, nghề kiếm được nhiều tiền là nghề được nhiều người ưa chuộng. Và cứ thế, đồng tiền dần dần chiếm trọn tư tưởng, tâm hồn của con người. Đồng tiền vốn là phương tiện trao đổi đã dần chi phối toàn bộ cuộc sống của con người. Bởi có tiền là có tất cả: tiền giúp con người có cơ hội thành công, tiền giúp con người có cơ hội sống khỏe và sống lâu, tiền giúp thăng quan tiến chức, tiền mua các loại bằng cấp, và thậm chí tiền quyết định đời sống hôn nhân…Con người đã đưa tiền bạc lên vị trí quá cao đến nỗi họ định nghĩa tiền là tiên là Phật, là sức bật của lò xo, là thước đo của lòng người, là tiếng cười của tuổi trẻ,…là cán cân của công lý, là triết lý của cuộc đời. Dường như tiền có một ma lực nào đó luôn thu hút con người. Mặc dù tiền chẳng cần ai nhưng ai cũng cần tiền. Giờ đây vị trí giữa con người và đồng tiền đã bị đảo lộn: tiền trở thành ông chủ, là chúa của con người và ngược lại, con người trở nên nô lệ của đồng tiền.
Chúng ta biết rằng tiền bạc tự bản chất nó chẳng xấu cũng chẳng tốt. Tuy nhiên, nó sẽ trở thành xấu nếu được đưa lên vị trí ông chủ và sẽ rất hữu dụng khi là đầy tớ trong tay của con người. Có thể nói rằng Phùng Hoan trong câu chuyện trên đã biết cách sử dụng tiền bạc. Khi Mạnh Thường Quân trao quyền sử dụng tiền cho ông, Phùng Hoan không dùng tiền để mua quan tiến chức cho bản thân hay cho Mạnh Thường Quân nhưng là mua nghĩa mua tình. Ông luôn nghĩ đến và nhìn thấy tha nhân. Thay vì đòi nợ thì ông đã xóa nợ cho họ bằng cách cho đốt hết giấy nợ. Có thể nói ông đã mua ân nhân cho Mạnh Thường Quân. Chính nhờ việc làm của Phùng Hoan mà khi Mạnh Thường Quân sa cơ thất thế, ông đã được người dân Bích Thành đón tiếp hậu hĩnh như một cứu tinh của dân làng. Có thể nói rằng, Phùng Hoan là một người quản gia tuyệt vời của Mạnh Thường Quân.
Trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã có lời khen đến người quản gia mặc dù ông ta là một quản gia bất trung. Dĩ nhiên, Chúa Giê su không khen ngợi sự dối trá phản bội nhưng lời khen ấy dành cho sự nhìn xa trông rộng của ông ta. Ông ta biết nhìn về tương lai của mình. Ông ta biết tính toán và xây dựng cho ông một tương lai tốt đẹp. Do đó, ông đã dùng tiền của để mua tương lai tốt đẹp ấy. Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta có cái nhìn xa hơn, rộng hơn và cũng biết dùng tiền của mà mua lấy tình thân, mua lấy Nước Trời. Thật vậy, Thiên Chúa muốn con cái của mình có một tấm lòng nhân hậu biết cúi xuống, dùng tiền của để giúp đỡ những người đau khổ, những người bị bỏ rơi. Ngài tha thiết mời gọi chúng ta hãy cảm thông chia sẻ với những anh em khốn cùng để họ cũng được sống đúng với phẩm giá của con người. Đừng vì những suy nghĩ nông cạn mà chúng ta chỉ muốn “vinh thân phì gia” để rồi đánh mất cuộc sống mai sau. Đó là nhiệm vụ hàng đầu của người kitô hữu bởi cuộc sống đời này chỉ là tạm bợ mau qua, Thiên Chúa mới là vĩnh cửu cho ta kiếm tìm. Chính vì thế, chúng ta hãy dùng tiền để phục vụ con người và đem lại những điều tốt đẹp cho con người. Dùng tiền của để giúp đỡ tha nhân vì con người thì quý hơn mọi thứ mà chúng ta có thể chiếm hữu. Khi chúng ta dùng tiền của để giúp đỡ những người khó khăn, nghèo đói, bệnh tật chính là lúc chúng ta mua lấy tình huynh đệ, mua lấy Nước Trời. Thật vậy, Nước Trời chỉ mua được bằng những đồng tiền cho đi chứ không phải là những đồng tiền thu vào.
Như vậy, tiền của có thể trở thành phương tiện giúp con người đạt tới đích là Nước Trời nếu chúng ta biết dùng đúng cách. Thế nhưng đồng tiền cũng dễ mê hoặc chúng ta rơi vào vòng xoáy của nó, đẩy chúng ta xa rời Thiên Chúa một cách rất tinh vi. Dó đó, chúng ta luôn nhớ rằng lao động kiếm tiền để trang trải cuộc sống là chính đáng nhưng đừng để nó điều khiển làm cho chúng ta quên đi đạo làm người và làm con Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sử dụng tiền của như phương thế đạt Nước Trời qua việc đặt tiền của về đúng vị trí của nó là phục vụ các giá trị và nhu cầu của con người. Amen.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org
Phút Cầu Nguyện, Thứ Sáu 08/11/2024: Giá trị của đồng tiền