Gặp gỡ Đức tân Hồng Y Tarcisius Isao Kikuchi của Tokyo


Chương trìnhPodcast

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức tân Hồng Y Tarcisius Isao Kikuchi của Tokyo, Nhật Bản, Chủ tịch Caritas Quốc tế, đã thảo luận về tình hình của Giáo hội, việc ngài được thăng Hồng y và nỗ lực vì hòa bình trên thế giới.

Đức Tổng Giám Mục Tarcisius Isao Kikuchi của Tokyo, Nhật Bản, Chủ tịch Caritas Quốc tế, là một trong số 21 tân Hồng y của Giáo hội, vừa được Đức Thánh Cha bổ nhiệm vào cuối buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật ngày 6/10 vừa qua.

Ngài đã hoạt động truyền giáo tại Ghana ở Tây Phi, làm cha sở một giáo xứ miền quê trong tám năm. Và theo ngài, thời gian này là một trải nghiệm quan trọng giúp ngài thêm lòng nhiệt thành trong các hoạt động bác ái.

Đang ở Roma để tham dự phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng, Đức tân Hồng Y đã rất ngạc nhiên và bối rối về việc bổ nhiệm này. Vì theo ngài, Hồng y không chỉ là một danh dự, nhưng còn có nhiều vai trò phải đảm nhiệm như một cố vấn cho Giáo hoàng, trong khi ngài chỉ thấy nơi mình những thiếu sót. Trước hết, tiếng Ý của ngài chỉ ở mức cơ bản, và hầu như không thể hiểu được những cuộc trò chuyện hàng ngày. Để giao tiếp với Đức Thánh Cha, ngài cần ít nhất một thông dịch viên tiếng Anh.

“Giáo hội là một gia đình trên toàn thế giới và chúng ta cần hỗ trợ lẫn nhau...”, Đức Hồng Y đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Vatican News.

Trong cuộc trò chuyện này, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Nhật Bản nói về phản ứng của ngài khi được bổ nhiệm, cách ngài sẽ tư vấn cho Đức Thánh Cha với tư cách là Hồng y, cũng như ơn gọi và linh đạo của ngài.

Ngoài ra, Đức Hồng Y Kikuchi còn chia sẻ những gì ngài cho rằng là vấn đề quan trọng nhất đối với Giáo hội ngày nay và cách phản ứng tốt nhất trong một thế giới đang bị chiến tranh tàn phá. Dưới đây là cuộc trò chuyện.

Hiện giờ tin tức về việc Đức Thánh Cha bổ nhiệm 21 tân Hồng y đã lan rộng. Là một người trong số đó, vậy Đức Hồng Y mong muốn được tư vấn cho Đức Thánh Cha như thế nào? Đặc biệt về Giáo hội tại châu Á?

Với tư cách là Chủ tịch Caritas Quốc tế, cánh tay nhân đạo của Vatican, tôi tường trình với Đức Thánh Cha về những gì đang diễn ra tại Caritas. Tôi đã gặp Đức Thánh Cha nhiều lần rồi. Tất nhiên, tôi không nói được tiếng Ý, và cũng không nói được tiếng Tây Ban Nha. Vì vậy, tôi luôn dẫn theo một người từ Caritas để phiên dịch cho tôi. Nhưng tôi đã cung cấp thông tin cho ngài rồi, vì vậy tôi sẽ tiếp tục những gì tôi đã làm.

Đức Thánh Cha đã tuyên bố Năm Cầu nguyện. Chúng ta có Thượng hội đồng và rất nhiều sự kiện khác, nhưng ngài đã tuyên bố đây là Năm Cầu nguyện trước thềm Năm Thánh sắp tới. Đức Hồng Y có thể cho chúng con biết đôi điều về đời sống thiêng liêng và cách Đức Hồng Y khám phá ra ơn gọi không?

Đời sống thiêng liêng của tôi phức tạp, nhưng tôi được nuôi dưỡng bởi các nhà truyền giáo Thụy Sĩ. Tôi sinh ra là con của một giáo lý viên ở miền bắc Nhật Bản, và tôi đã từng sống trong giáo xứ. Tôi ở với cha xứ, một nhà truyền giáo Thụy Sĩ. Ngài là người nuôi dưỡng tôi. Ngài đã chỉ cho tôi cách cầu nguyện và cách trở thành một chú giúp lễ. Khi còn nhỏ, tôi đã muốn trở thành một nhà truyền giáo. Vì mối liên hệ của cha xứ với những người nói tiếng Đức, các nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời làm việc ở quận lân cận, tôi được đưa đến tiểu chủng viện của các nhà truyền giáo Ngôi Lời ở Nhật Bản và được nuôi dưỡng như một nhà truyền giáo. Do đó, đời sống thiêng liêng, đức tin của tôi, thực sự dựa trên cuộc gặp gỡ với nhà truyền giáo nước ngoài này. Đó là lý do tại sao khi tôi trở thành một linh mục, tôi thực sự muốn trở thành một nhà truyền giáo, vì vậy tôi đã đến châu Phi.

Nói về kinh nghiệm truyền giáo của Đức Hồng Y ở châu Phi, chúng con tin rằng Đức Hồng Y đã trải qua gần một thập kỷ ở Ghana. Điều đó đã ảnh hưởng đến Đức Hồng Y như thế nào? Có điều gì đó dạy Đức Hồng Y về Giáo hội không?

Năm 1986, tôi được thụ phong linh mục và ngay lập tức tôi đến Ghana. Sau đó, tôi được cử đến một trạm truyền giáo nơi không có điện, không có nước, nhưng mọi người rất hạnh phúc. Ở đó, tôi đã gặp rất nhiều người hạnh phúc, mặc dù có rất nhiều khó khăn. Nhưng tôi tự hỏi tại sao mọi người ở đó lại hạnh phúc đến vậy. Bệnh tật, nghèo đói, nhiều loại khó khăn, nhưng mọi người vẫn hạnh phúc. Sau đó, tôi đã tìm ra lý do. Dân chúng nói họ hạnh phúc là vì họ biết rằng khi có khó khăn, sẽ có người đến giúp bạn. Bạn sẽ không bao giờ bị bỏ rơi. Bạn sẽ không bao giờ bị lãng quên. Đó là trải nghiệm của tôi ở Ghana. Từ đó trở đi, kể từ khi tôi bắt đầu làm việc cho Caritas trong nhiều năm, đó là khái niệm chính của tôi khi hỗ trợ người khác: Tôi không quên bạn. Tôi sẽ không quên bạn. Tôi sẽ luôn hỗ trợ bạn.

Đức Hồng Y đánh giá thế nào về tầm quan trọng của Giáo hội ở châu Á, và xét đến thời gian Đức Hồng Y ở châu Phi, cũng như của châu Phi, trong Giáo hội hoàn vũ ngày nay như thế nào?

Tôi đã nói về sự dịch chuyển của trung tâm Giáo hội từ các Giáo hội phương Tây sang cái gọi là các Giáo hội Nam toàn cầu. Châu Á là một Giáo hội Nam toàn cầu. Bởi vì Giáo hội ở châu Á hiện đang có nhiều ơn gọi. Các Giáo hội đang phát triển và đời sống tâm linh sâu sắc hơn. Do đó, bây giờ chúng tôi có bổn phận đóng góp cho Giáo hội hoàn vũ. Giờ là lúc châu Á đóng góp cho sứ vụ của Giáo hội.

Thực tế là vào thời điểm này, có các cuộc chiến trên khắp thế giới, và Đức Thánh Cha đã kêu gọi một ngày cầu nguyện và ăn chay. Theo ý kiến của Đức Hồng Y, cần phải sử dụng những công cụ nào để hướng tới hòa bình?

Ngày nay, rất khó nói về hòa bình. Mọi người, đặc biệt sau đại dịch Covid này, đang trở nên rất ích kỷ, và chỉ nói về sự an toàn của riêng mình. Và khi mọi người trở nên ích kỷ, rất khó để nói về hòa bình hoặc sự ổn định ở các quốc gia khác ở xa. Từ Nhật Bản, Trung Đông hoặc Đất Thánh ở rất xa. Do đó, rất khó để mọi người hiểu rằng đó thực sự là vấn đề của chúng ta. Đó không phải là vấn đề của họ, mà là vấn đề của chúng ta vì chúng ta đang sống như một gia đình trên cùng một hành tinh. Đây là ý tưởng. Tôi nghĩ rằng Giáo hội phải tiếp tục nói với mọi người về thực tế là chúng ta đang sống như một gia đình.

Thưa Đức Hồng Y, có những vấn đề cụ thể nào mà Đức Hồng Y cho là quan trọng nhất cần tập trung trong Giáo hội Công giáo ngày nay không?

Di cư là một trong những vấn đề lớn nhất. Ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, cũng vậy, xã hội đang già đi và chúng ta không có nhiều trẻ em. Tỷ lệ sinh đang giảm. Tất nhiên, để hỗ trợ hoặc duy trì xã hội, dòng người di cư là điều cần thiết. Nhưng tất nhiên có xu hướng là mọi người không muốn hòa nhập những người di cư này vào xã hội. Luôn có một loại ý kiến khắc nghiệt chống lại những người di cư. Nhưng nếu không có người di cư, chúng ta không thể tồn tại. Vì vậy, đó là một mâu thuẫn. Vì vậy, với điều này, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào giải quyết hoặc làm thế nào để hòa nhập những người di cư này vào xã hội. Đây là vấn đề chính đối với Giáo hội Công giáo, bởi vì nhiều người trong số họ là người Công giáo, nhiều người trong số họ là Kitô hữu. Ngày nay, khi bạn đến các giáo xứ ở Nhật Bản, bạn sẽ thấy rất nhiều người di cư, rất nhiều người Công giáo di cư. Vì điều này, việc hòa nhập những người di cư này vào xã hội là vấn đề chính mà chúng ta thực sự phải giải quyết.

Nguồn: vaticannews.va

bài liên quan mới nhất

Ngày 07/11: thánh Vinhsơn Phạm Hiếu Liêm. Linh mục, tử đạo (1773)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng