Sáng Chúa nhật ngày 08/9/2024, ngày thứ ba trong chuyến tông du tại Papua New Guinea, sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng tại Toà Sứ thần, Đức Thánh Cha đi xe đến tại Sân vận động “Sir John Guise”, cách đó 7,4 km để chủ sự Thánh lễ với sự hiện diện của khoảng 35 ngàn người.
Bài giảng Thánh Lễ của Đức Thánh Cha
Lời đầu tiên Chúa nói với chúng ta hôm nay là: “Can đảm lên, đừng sợ!” (Is 35,4). Tiên tri Isaia nói điều này với tất cả những ai thất vọng trong lòng. Bằng cách này, vị tiên tri khuyến khích dân Chúa và, ngay cả giữa những khó khăn và đau khổ, mời gọi họ ngước mắt nhìn lên, hướng tới một chân trời hy vọng và một tương lai: Thiên Chúa đến để cứu anh em, Người sẽ đến và vào ngày đó, “Mắt người mù sẽ mở ra và tai người điếc sẽ nghe được” (Is 35, 5).
Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Trong câu chuyện của Thánh Marcô, có hai điều được nêu bật lên: sự xa cách của người câm điếc và sự gần gũi của Chúa Giêsu.
Sự xa cách của người câm điếc. Người đàn ông này sống ở một khu vực địa lý mà theo ngôn ngữ ngày nay chúng ta gọi là “vùng ngoại vi”. Lãnh thổ Vùng Thập Tỉnh nằm bên kia sông Giodan, cách xa trung tâm tôn giáo là Giêrusalem. Nhưng người câm điếc đó còn trải qua một loại khoảng cách khác; anh ta xa cách Thiên Chúa và xa cách con người vì anh ta không có khả năng giao tiếp: anh ta bị điếc và do đó không thể lắng nghe người khác, anh ta bị câm và do đó không thể nói chuyện với người khác. Người đàn ông này bị cắt đứt khỏi thế giới, anh ta bị cô lập, anh ta là tù nhân của chứng điếc và chứng câm của mình, và do đó, anh ta không thể mở ra với người khác để giao tiếp.
Và chúng ta có thể hiểu tình trạng câm điếc này theo một nghĩa khác, bởi vì có thể xảy ra với việc chúng ta bị cắt đứt khỏi sự hiệp thông và tình bạn với Thiên Chúa và với anh em của mình khi, hơn cả tai và lưỡi của chúng ta, chính trái tim của chúng ta bị khoá chặt. Có một cái điếc nội tâm và một sự câm lặng của trái tim lệ thuộc vào mọi thứ khép kín chúng ta bên trong chính mình, khép kín chúng ta với Thiên Chúa và với người khác: ích kỷ, thờ ơ, sợ mạo hiểm và sợ dấn thân, oán giận, hận thù, và danh sách vẫn tiếp tục. Tất cả những điều này làm chúng ta xa cách Thiên Chúa, xa cách anh chị em chúng ta, xa cách chính chúng ta; và xa cách khỏi niềm vui sống.
Anh chị em thân mến, đối với khoảng cách này, Thiên Chúa đáp lại bằng sự gần gũi của Chúa Giêsu nơi Con của Người, Thiên Chúa muốn chúng ta trước hết thấy điều này: rằng Người là Thiên Chúa gần gũi, nhân hậu, Đấng chăm sóc cuộc sống của chúng ta, Đấng chiến thắng mọi khoảng cách. Và thực vậy, trong đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đi đến những vùng lãnh thổ ngoại vi đó, rời khỏi miền Giuđêa để gặp gỡ dân ngoại (x.Mc 7, 31).
Bằng sự gần gũi của mình, Chúa Giêsu chữa lành chứng câm và điếc của con người: thật vậy khi chúng ta cảm thấy xa cách, hoặc chọn giữ khoảng cách - xa Chúa, xa anh chị em, xa những người khác với chúng ta - thì chúng ta đóng mình lại, chúng ta tự dựng rào cản và cuối cùng chỉ xoay quanh chính mình, điếc với Lời Chúa và tiếng kêu của người khác và do đó không thể nói chuyện với Chúa và với người khác.
Anh chị em thân mến, anh chị em sống trên vùng đất xa xôi, đôi khi anh chị em hình dung rằng mình bị chia cắt, chia cắt với Chúa, chia cắt với con người, và điều này thì không được. Anh chị em hiệp nhất, hiệp nhất trong Thánh Thần, hiệp nhất trong Chúa và Chúa nói với mỗi người anh chị em: “Hãy mở ra!”. Đây là điều quan trọng nhất: mở lòng mình ra với Thiên Chúa, mở lòng mình ra với anh em, mở lòng mình ra với Tin Mừng và biến nó thành kim chỉ nam cho cuộc sống của chúng ta.
Hôm nay Chúa cũng nói với anh chị em: “Hãy can đảm lên, hỡi người dân Papua! Hãy mở ra! Hãy mở lòng đón nhận niềm vui của Tin Mừng, mở lòng đón nhận cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, đón nhận tình yêu thương anh em mình”. Ước gì không ai trong chúng ta vẫn câm điếc trước lời mời gọi này. Và xin Chân phước Giovanni Mazzucconi đồng hành cùng anh chị em trên cuộc hành trình này: giữa bao khó khăn và thù địch, ngài đã mang Chúa Kitô đến giữa anh chị em, để không ai có thể điếc trước sứ điệp vui mừng về ơn cứu độ, và mọi người có thể mở miệng lưỡi để hát vang tình yêu Thiên Chúa. Ước gì ngày hôm nay cũng như thế với anh chị em!
Trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Vào cuối Thánh lễ, trước khi đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành, Đức Thánh Cha ngỏ lời với cộng đoàn dân Chúa tại Sân vận động “Sir John Guise”: Chúng ta hướng về Đức Trinh Nữ Maria với lời Kinh Truyền Tin. Tôi phó thác cho Mẹ hành trình của Giáo hội ở Papua New Guinea và Quần đảo Salomon. Xin Mẹ Maria phù hộ các Kitô hữu - Xin Mẹ Maria Helpim luôn đồng hành và bảo vệ anh chị em: củng cố sự hiệp nhất các gia đình, làm cho ước mơ của người trẻ trở nên đẹp đẽ và can đảm, nâng đỡ và an ủi người già, đồng hành cùng người bệnh và người đau khổ!
Và từ vùng đất được Đấng Tạo Hóa chúc phúc này, tôi muốn cùng với anh chị em cầu xin, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Rất Thánh, hồng ân hòa bình cho mọi dân tộc. Đặc biệt, tôi cầu xin điều này cho khu vực rộng lớn trên thế giới nằm giữa Châu Á, Châu Đại Dương và Thái Bình Dương. Hòa bình, bình an cho các Quốc gia và cho cả mọi thụ tạo. Không tái vũ trang và khai thác ngôi nhà chung! Nhưng dấn thân cho cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc và các nền văn hóa, dấn thân cho sự hòa hợp giữa con người với các thụ tạo!
Xin Mẹ Maria Helpim, Nữ Vương Hòa Bình, giúp chúng ta hoán cải theo kế hoạch của Thiên Chúa, đó là kế hoạch hòa bình và công lý cho đại gia đình nhân loại!
Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người, trong ngày phụng vụ mừng sinh nhật Đức Mẹ, cầu nguyện cho Đền Thánh Lộ Đức, nơi không may bị lũ lụt tấn công.
Sau khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha ra sân bay Port Moresby “Jacksons” để bay đến Vanimo.
Nguồn: vaticannews.va