Đức Phanxicô: án tử hình không mang lại công lý, nó là chất độc cho xã hội

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Dale Recinella (giữa) và Susan (bên trái), vợ ông, tại Thánh lễ tại Nhà Thánh Marta vào ngày 11 tháng 6 năm 2019.

ĐỨC PHANXICÔ:

ÁN TỬ HÌNH KHÔNG MANG LẠI CÔNG LÝ, NÓ LÀ CHẤT ĐỘC CHO XÃ HỘI

Một Kitô hữu trong hành lang của tử thần. Dấn thân của tôi bên cạnh những người bị kết án” là tựa đề cuốn sách của Dale Recinella, được xuất bản bởi Libreria Editrice Vaticana (LEV), sẽ xuất bản vào thứ Ba, ngày 27 tháng Tám, với lời tựa của Đức Phanxicô. Dale Recinella, 72 tuổi, một cựu luật sư thành công ở Phố Wall, với tư cách là một tuyên úy giáo dân, đã đồng hành về mặt tinh thần với những người bị kết án tử hình tại một số nhà tù ở Florida kể từ năm 1998. Trong sách này, ông kể lại kinh nghiệm của mình phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.

Tin Mừng là cuộc gặp gỡ với một con người sống động đang thay đổi cuộc sống: Chúa Giêsu có khả năng cách mạng hóa những dự án, những khát vọng và quan điểm của chúng ta. Biết Người, đó là mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta, vì Chúa ban cho chúng ta niềm vui không bao giờ ngừng. Vì đó là chính niềm vui của Thiên Chúa.

Cuộc phiêu lưu nhân bản của Dale Recinella, người mà tôi đã gặp trong một lần tiếp kiến, người mà tôi biết rõ hơn qua những bài báo ông viết trong nhiều năm cho “Osservatore Romano” và bây giờ qua cuốn sách chạm đến trái tim này, là sự xác nhận về điều đã được nói: chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể giải thích làm thế nào một người có những mục tiêu khác để đạt tới cho tương lai của mình lại có thể trở thành một tuyên úy, một Kitô hữu giáo dân, một người chồng và một người cha của những người bị kết án tử hình .

Đó là một sứ mạng rất phức tạp, đầy rủi ro và trắc trở, bởi vì nó chạm đến sự dữ ở mọi chiều kích: sự dữ được gây ra cho các nạn nhân, vốn không thể sửa chữa được; sự dữ mà người bị kết án trải qua, người biết rằng mình chắc chắn sẽ phải chết; sự dữ mà, việc áp dụng hình phạt tử hình, được gieo vào xã hội. Vâng, như tôi đã nói nhiều lần, án tử hình không phải là giải pháp cho tình trạng bạo lực vốn có thể ập xuống những người vô tội. Các cuộc hành quyết, vốn không mang lại công lý, lại nuôi dưỡng cảm giác báo thù, vốn biến thành chất độc nguy hiểm cho cơ thể của các xã hội văn minh của chúng ta. Các Nhà nước nên quan tâm đến việc mang lại cho tù nhân khả năng thực sự thay đổi cuộc sống, thay vì đầu tư tiền bạc và nguồn lực để đàn áp họ, như thể họ là những con người không còn đáng sống nữa và phải bị loại bỏ. Trong cuốn tiểu thuyết “Gã khờ”, Fyodor Dostoyevsky đã tóm tắt không chê vào đâu được tính bất khả bảo vệ về mặt lôgic và luân lý của án tử hình, khi nói về một người bị kết án tử hình: “Đó là sự vi phạm tâm hồn con người, không gì khác! Chúng ta nói: “Ngươi không được giết người,” và thay vào đó, vì anh ta đã giết người, nên những người khác giết anh ta. Không, đó là thứ không nên tồn tại.” Chính Năm Thánh phải dấn thân tất cả các tín hữu lên tiếng yêu cầu một cách dứt khoát về việc bãi bỏ án tử hình, một thực hành mà, như Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nói, “không thể chấp nhận được vì nó xâm phạm đến tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người” (số 2267).

Vả lại, công việc của Dale Recinella, chưa kể đến sự đóng góp quan trọng của Susan, vợ ông, được phản ánh trong cuốn sách, là một món quà to lớn cho Giáo hội và xã hội Hoa Kỳ, nơi Dale sống và làm việc. Sự dấn thân của ông với tư cách là một tuyên úy giáo dân, trong một môi trường phi nhân như hành lang của tử thần, là một chứng từ sống động và đầy nhiệt huyết cho trường học về lòng thương xót vô tận của Thiên Chúa. Như Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót đã dạy chúng ta, chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng một trong những tội lỗi của chúng ta, một trong những lỗi lầm của chúng ta hoặc một trong những hành động của chúng ta có thể khiến chúng ta thật sự xa cách Chúa. Trái tim của Ngài đã bị đóng đinh vì chúng ta rồi. Và Thiên Chúa chỉ có thể tha thứ cho chúng ta.

Tất nhiên, lòng thương xót vô tận của Thiên Chúa này cũng có thể gây vấp phạm, như đã gây vấp phạm cho rất nhiều người vào thời Chúa Giêsu, khi Con Thiên Chúa ăn uống với những người tội lỗi và gái điếm. Bản thân người anh em Dale cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích, khiển trách và gạt bỏ vì sự dấn thân tinh thần của anh với những người bị kết án. Nhưng chẳng phải Chúa Giêsu đã đón nhận trong vòng tay của Người một tên trộm bị kết án tử sao? Vâng, Dale Recinella đã thực sự hiểu và làm chứng trong cuộc đời mình, mỗi khi ông bước qua cánh cửa của một nhà tù, đặc biệt cánh cửa mà ông gọi là “ngôi nhà của tử thần”, ông đã hiểu rằng tình yêu của Thiên Chúa là vô hạn và không có mức độ. Và ngay cả những tội lỗi lớn nhất của chúng ta cũng không làm biến dạng căn tính của chúng ta trước mắt Thiên Chúa: chúng ta vẫn là con cái của Ngài, được Ngài yêu thương, được Ngài nâng niu và coi là quý giá.

Vì vậy, đối với Dale Recinella, tôi muốn nói lời cảm ơn chân thành và nồng nhiệt: bởi vì hành động tuyên úy của ông trong hành lang của tử thần là một sự gắn bó bền bỉ và say mê với thực tại thâm sâu nhất của Tin Mừng Chúa Giêsu, đó là lòng thương xót của Thiên Chúa, tình yêu nhưng không và bất diệt của Ngài dành cho mỗi người, kể cả với những người đã mắc lỗi lầm. Và chính từ cái nhìn yêu thương, giống như cái nhìn của Chúa Kitô trên Thập Giá, mà họ có thể tìm thấy một ý nghĩa mới cho cuộc sống cũng như cho cái chết của họ.

Thành quốc Vatican, ngày 18 tháng 7 năm 2024

Giáo hoàng Phanxicô

——————————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(từ Vatican News)

Nguồn: xuanbichvietnam.net

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 15/10: Thánh Têrêsa Avila, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng