Joshua J. Whitfield
Trước hết, khi tập trung vào Giáo hội, chúng ta không nên xem đó như một thể chế hay thực thể lịch sử, cũng đừng đặt trong lăng kính xã hội học, nhưng phải khám phá bản chất của Giáo hội: sự hiệp thông mà Cha, Con và Thánh Thần đã mở ra cho những kẻ tin vào Đức Kitô. Trong Gioan chương 17, Đức Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ được nên một cách trọn vẹn – trong và vì vinh quang, niềm vui và tình yêu – như Cha và Con là một (x.Ga 17, 11.21.23). Đây là yếu tính của Giáo hội, và là điều chúng ta phải nắm bắt trước khi suy nghĩ về Giáo hội dưới bất kỳ góc độ nào – lịch sử, văn hóa, bộ máy vận hành hay những khía cạnh khác. Do đó, hiểu rõ Giáo hội trước hết dưới lăng kính thần học là điều thiết yếu.
Nhưng nếu điều này là đúng, chúng ta cần có khả năng phân định về Giáo hội theo yếu tính qua dặm dài của truyền thống. Đức Giêsu Nazarét đã cầu nguyện cho các môn đệ – từ ban đầu đến mãi về sau – được nên một trong sự hiệp thông của vinh quang, niềm vui và tình yêu. Tuy nhiên, bằng cách nào mà điều ấy vẫn đúng cho Giáo hội hôm nay? Karl Adam, thần học gia kiệt xuất người Đức, đã đưa ra một hình ảnh nổi tiếng để giúp chúng ta suy tư về tính liên tục lẫn đổi thay như là điều gắn chặt với yếu tính của Giáo hội. Ông nói rằng Giáo hội Công giáo tương liên với cả Tin mừng lẫn Giáo hội sơ thời như cây sồi to lớn tương liên với hạt sồi (Tinh thần Công giáo, 2). Nghĩa là, Giáo hội và Tin mừng nằm trong một sự liên tục hữu cơ, như hai cực của một tiến trình tự nhiên rộng lớn. Do vậy, điều tốt nhất chúng ta nên làm, sau khi suy gẫm chương 17 Tin mừng Gioan, đó là tiếp tục đọc phần còn lại của Thánh kinh rồi đến truyền thống để theo dõi sự liên tục ấy – sự hiệp thông duy nhất mà chúng ta gọi là Giáo hội.
Vì vậy, để bắt đầu, chúng ta cần lưu ý điều trước đây tôi gọi là sứ vụ hướng đến vinh quang – quỹ đạo vĩ đại hướng ra của Tin mừng khởi sự từ trong Ba Ngôi. Đó là việc Chúa Cha sai phái Chúa Con còn Chúa Con sai phái các môn đệ (Thần Khí cũng được sai phái bởi Cha và Con), những người tới lượt mình cũng sai phái các môn đệ của họ và cứ thế tiếp tục. Sứ vụ hướng tới vinh quang này được nhận thấy ngay lập tức sau biến cố Phục sinh, trước là nơi những lời của Đức Giêsu nói với Maria Mađalêna: “hãy về gặp các anh em Thầy và nói với họ” (Ga 20, 17). Sau đó là vào chiều đầu tiên của ngày Phục sinh, Đức Giêsu một lần nữa nói về sứ vụ hướng tới vinh quang, như một âm vang của lời cầu nguyện Ngài dâng lên Chúa Cha, khi bảo các môn đệ: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”, ngay trước khi ban Chúa Thánh Thần và sứ mạng tha tội cho các ông (Ga 20, 21-23). Các Tin mừng khác cũng mô tả sứ vụ này như thế, nổi bật nhất có lẽ là trong Tin mừng Matthêu – với điều được gọi là Đại Mệnh lệnh – ngay trước khi Thăng thiên, Đức Giêsu truyền cho ông “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Cả Tin mừng Máccô và Matthêu đều cho biết rao giảng, dạy dỗ và làm phép rửa là cách thế để làm cho muôn dân trở thành môn đệ, và Máccô thậm chí còn nhắc đến những dấu chỉ đặc sủng đi kèm (Mc 16,15-18). Nói cách khác, Giáo hội được qui tụ thành một là nhờ việc rao giảng và các bí tích. Mặc dù trong loạt bài này chúng ta sẽ còn thảo luận thêm về Thánh kinh, Thánh truyền và các bí tích, nhưng ngay lúc này, chỉ cần nhấn mạnh rằng sứ vụ hướng đến vinh quang – bắt đầu từ trong Ba Ngôi như chúng ta đã tìm hiểu ở Gioan chương 17 – được tiếp nối ngay lập tức sau sự phục sinh của Đức Giêsu. Nghĩa là ước muốn các môn đệ nên một Đức Giêsu cho không kết thúc ở Gioan chương 17. Ngược lại, điều đó chỉ mới bắt đầu.
Và điều quan trọng là cũng cần lưu ý đó là sứ vụ vì vinh quang còn mang cả tính địa lý. Chúng ta lập tức nhận ra điều này nơi sách Công vụ Tông đồ, khi Đức Giêsu truyền cho các môn đệ làm chứng về Ngài “khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8). Về cơ bản, mệnh lệnh chỉ về phương bắc và vượt xa hơn nữa. Từ đó mà các truyền thống khác nhau xuất phát từ việc truyền giáo của các tông đồ xuất hiện – Phêrô và Phaolô đến Rôma, Gioan đến Êphêsô, Tôma đến Ấn Độ, v.v. Điều này thật hệ trọng vì nó cho thấy rằng sứ vụ hướng đến vinh quang hàm chứa một vận động kép. Nghĩa là khi sứ vụ của các tông đồ tỏa rộng ra, theo thời gian bao trùm cả hoàn vũ, thì cũng chính qua sứ vụ đó, Thiên Chúa qui tập hết thảy mọi người về với Ngài. Nói một cách đơn giản: khi Giáo hội lan rộng ra, Thiên Chúa qui tụ vào. Đây là cơ chế cốt lõi của sứ vụ và hoạt động Phúc âm hóa. Đó là lý do tại sao Giáo hội vẫn không ngừng làm chứng về Đức Kitô trong mọi hoạt động, từ việc truyền giáo ở nơi xa xôi, đến việc rao giảng tại giáo xứ, cũng như những việc bác ái và làm chứng bé nhỏ của từng cá nhân. Đó là cách thế mà chúng ta chia sẻ niềm tin vào Đức Kitô, là cách mà Giáo hội tăng triển – để đạt đến sự hiệp thông của vinh quang, niềm vui và tình yêu, điều Đức Giêsu đã cầu nguyện. Đây là cách sứ vụ ấy diễn ra.
Ít nhất là về mặt lý tưởng, ngay từ đầu, trong Công vụ Tông đồ, Luca đã mô tả về hình thái của sự hiệp thông này. Ở đó, ngài cho chúng ta biết các Kitô hữu tiên khởi “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42). Theo Luca, đây là hoạt động chính yếu của các Kitô hữu. Trước hết, họ tuân theo giáo huấn các tông đồ và đời sống huynh đệ, nghĩa là tuân theo thông điệp: Chúa Cha đã sai phái Chúa Con; Chúa Con – Đức Giêsu Nazarét đã chết, sống lại, lên trời và sẽ lại đến; và Đức Giêsu Phục sinh kêu gọi chúng ta bước vào trong sự hiệp thông, trong sự nên một. Thứ đến, họ siêng năng tham dự “lễ bẻ bánh”, tức Thánh Thể - điều sẽ được tìm hiểu ở các phần sau. Và sau nữa, họ không ngừng “cầu nguyện” – cũng là một khía cạnh sẽ được khám phá thêm. Còn ngay lúc này, chúng ta cần nhớ rằng, các Kitô hữu đầu tiên cũng là những người Dothái sùng đạo, vậy nên họ vẫn trung thành với việc cầu nguyện hằng ngày trong Đền thờ, hay ít nhất là hướng về Đền thờ để cầu nguyện.
Luca cũng cho biết: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung” (Cv 2, 44). Hiện vẫn còn tranh cãi xoay quanh ý nghĩa chính xác của câu này, nhưng điều đó nằm ngoài cuộc thảo luận của chúng ta. Tuy nhiên, hãy nhớ điều chúng ta đang cố gắng tìm kiếm – những dấu vết của sứ vụ hướng đến vinh quang và những dấu chỉ của sự nên một, những điều mà Đức Giêsu đã cầu nguyện. Giáo hội vào lúc khởi đầu đã sống sự nên một ấy như thế nào? Họ lấy “mọi sự làm của chung”. Chúng ta không cần sa đà vào những câu hỏi kiểu như đâu là ý nghĩa chính xác của điều này, hay đây có phải là hình thái cộng sản Kitô giáo sơ khai hay không (thực ra là không và chúng ta sẽ tìm hiểu sau). Điều quan trọng ở đây là Giáo hội sơ thời đã có một ý thức mạnh mẽ và chắc chắn về sự nên một. Họ cầu nguyện với nhau, cử hành Thánh thể cùng nhau và chia sẻ của cải vật chất cho nhau – đó là sự hiệp thông thực tế và cụ thể chứ không đơn thuần là một sự đồng thuận về mặt lý thuyết hay ý tưởng. Lúc bấy giờ, Giáo hội đi vào cuộc sống hơn là nằm trong tư tưởng. Và như Luca cho biết, Giáo hội sống với ý thức đó “mỗi ngày” bằng cách qui tụ tại các gia đình, vì thời đó chưa có các ngôi nhà thờ. Cho dẫu vậy, Giáo hội vẫn tiếp tục lớn mạnh, qua sự gia tăng số lượng tín hữu và phúc lành của Chúa, nhờ điều mà họ tin tưởng và Đấng mà họ tin vào.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Nguồn: gpquinhon.net