Đại diện Dòng Phanxicô tại Thánh Địa: Thế giới văn minh, nhân quyền và tự do sẽ phải xấu hổ

Một năm sau chiến tranh, xung đột ngày càng lan rộng, cha Ibrahim Faltas, Đại diện Dòng Phanxicô tại Thánh Địa viết trên nhật báo Al-Quds của Palestine, số ra ngày 07/10: “Mất hy vọng là rất nguy hiểm”, “Tất cả các nhà lãnh đạo và những dân tộc yêu chuộng hòa bình phải đoàn kết và hành động trước khi sợi dây hy vọng mong manh này bị đứt”.

Mô tả tình hình thực tế, cha Ibrahim Faltas viết: “Mỗi bình minh của ngày mới trong năm nay đều mang đến niềm hy vọng rằng hận thù này có thể chấm dứt, cỗ máy phá huỷ sẽ dừng lại, những người cầm quyền sẽ khôi phục ý thức trách nhiệm, và lần đầu tiên, thế giới có thể làm cho những lời này thành hành động. Nhưng đáng tiếc, vết nhơ và bùn lầy chiến tranh đã lan rộng. Sau vụ tấn công bi thảm ngày 07/10 năm ngoái, bạo lực tiếp tục diễn ra ở Gaza và lan rộng sang bờ Tây, Libăng và toàn Trung Đông, tiếp tục bước vào giai đoạn tối đen hơn trước”.

Vị đại diện Dòng Phanxicô tại Thánh Địa khẳng định, sau 35 năm phục vụ ở đây, trải nghiệm đau khổ này khác với tất cả những trải nghiệm trước đây. Không chỉ vì mức độ tàn phá khủng khiếp và số lớn nạn nhân vô tội, mà còn vì những gì ngài thấy trong mắt mọi người: sự tuyệt vọng và thiếu hy vọng.

Cha Ibrahim Faltas nói ngài bị sốc trước cuộc di cư của các gia đình nói chung và của các Kitô hữu nói riêng, đặc biệt là ở Bêlem. Hàng ngàn trẻ em bị giết và hàng ngàn trẻ khác mồ côi. Chiến tranh không chỉ liên quan đến quân đội, tên lửa mà còn là khủng hoảng kinh tế và hủy hoại mọi kỳ vọng và cơ hội cuộc sống.

Ngài mạnh mẽ viết: “Những người nắm giữ quyền lực thế giới sẽ bị lịch sử ghi nhớ vì những vụ giết người và huỷ diệt, sẽ phải xấu hổ. Đây là nền văn minh gì? Những người vô tội bị giết về thể xác, bị giết vì đói khát và vì một tội duy nhất: sinh ra ở Thánh Địa”.

Trong bài báo, đại diện Dòng Phanxicô tại Thánh Địa mời gọi mọi người cầu nguyện để những người cầm quyền chuyển từ lời nói sang hành động cụ thể và có ý thức. “Nếu hy vọng bị mất ở Thánh Địa yêu dấu và biến mất ở nơi khác, ai có thể mang trở lại?”, ngài đặt câu hỏi và nói đây là lý do tại sao tất cả các nhà lãnh đạo và những dân tộc yêu chuộng hòa bình phải đoàn kết và hành động trước khi sợi dây hy vọng mong manh này bị đứt.

Nguồn: vaticannews.va

bài liên quan mới nhất

Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng