Cộng đoàn Công giáo Đông phương Ucraina ở Antonivka, miền Kherson
Trong thời gian gần đây, chiến tranh tại Ucraina có phần bị dư luận thế giới quên lãng và nhường chỗ cho chiến tranh tại Trung Đông. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục gióng lên những lời kêu gọi tha thiết chấm dứt chiến tranh tại nước này. Trong khi đó, tại Ucraina, Cộng đoàn Công giáo tiếp tục liên đới với dân tộc, kiên trì sống đức tin giữa bao nhiêu khó khăn, như vài chứng từ sau đây.
Đức Cha Maksym, Giám Mục tiêu biểu tại vùng bị Nga chiếm đóng
Đức Cha cho biết Giáo Hội Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương bị mất một nửa số giáo xứ tại các vùng bị Nga chiếm đóng, hơn 2 năm rưỡi sau khi bắt đầu chiến tranh xâm lăng của Nga.
Đức Cha Maksym Ryabukha năm nay 44 tuổi, tân Giám Mục chính tòa giáo phận Donetsk ở miền đông nam Ucraina. Trước đó, hồi tháng 12/2022, giữa chiến tranh, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục phụ tá giáo phận tại đây. Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Công Giáo "Tương Lai” (Avvenire) số ra ngày 28/10 vừa qua, ngài mô tả tình hình tại miền này là ngày càng đáng lo âu và nói rằng: "Chúng tôi đã mất hơn 1 nửa số giáo xứ. Với sự tiến quân của Nga, hàng chục giáo xứ khác đã phải di tản”.
Một phần Giáo phận của Đức Cha ở dưới sự kiểm soát của Nga và bị chia cắt với 500 cây số chiến hào. Họ tiếp tục chiếm những làng mới trong vùng. Theo Đức cha, các Linh Mục vẫn gần gũi dân chúng và viếng thăm những người tị nạn đã rời bỏ gia cư của họ và chính ngài đang là một Giám Mục trong thời kỳ đau khổ, bi thảm, và bất lực khi nhìn giáo phận đau khổ của mình. Tại các nhà thờ giáo xứ Pokrovk, Mirnohrad và Kostiantynivka, là vùng bị Nga chiếm đóng, không còn các ghế dài, các vật dụng hoặc phẩm phục phụng vụ.
Đức Cha Maksym không được đặt chân tới hơn một nửa lãnh thổ giáo phận thuộc quyền. Ngài nói: "Chính vì thế, hơn bao giờ hết tôi cảm thấy cần trở thành người cha để nhắc nhở cho tất cả các tín hữu rằng họ không bao giờ lẻ loi dưới bom đạn... tại những vùng bị Nga chiếm đóng, Giáo Hội hiệp nhất với Tòa Thánh bị Nga cấm và những người công khai xưng mình là Công Giáo bị mất tích: một số người bị bắn chết, những người khác bị cầm tù, không còn quyền tự do tuyên xưng đức tin. Các tín hữu của chúng tôi tiếp tục bảo rằng: "Chúng con tiếp tục kiên trì, nhưng giống như bị nhốt trong tù vậy”.
Sức mạnh của lời cầu nguyện
Trong số những cảm nghiệm đau thương, Đức Cha Ryabukha nhắc đến vụ cầm tù 2 linh mục thuộc quyền là cha Bohdan Geleta và Ivan Levitskyi bị giam cầm trong hơn 1 năm sau khi bị quân Nga bắt ở Berdyansk. Cả hai được trả tự do hồi tháng 6 năm nay và Đức Cha Ryabukha nói rằng ”vụ hai linh mục này chứng tỏ sức mạnh của lời cầu nguyện là một nâng đỡ sinh tử giữa những hành vi tàn bạo. Hai linh mục của chúng tôi cảm thấy sự gần gũi của Giáo Hội, điều này giúp họ kiên vững trước sự ác, những tra tấn, những đối xử vô nhân đạo đã phải chịu trong các nhà tù của Nga. Cũng nhờ kinh nguyện mà tôi cảm thấy gần gũi với những cộng đoàn mà họ cấm cản không cho tôi đến viếng thăm. Hằng ngày tôi cầu xin Chúa bảo vệ các tín hữu ấy”.
Săn sóc các binh sĩ
Đức Cha Maksym Ryabukha cũng thường xuyên viếng thăm các binh sĩ Ucraina. Nhiều người trong số họ là những người cha gia đình trước chiến tranh, và có những người là cựu học sinh Don Bosco. Nhưng họ bỏ sang một bên những dự án riêng để dấn thân bảo vệ đất nước. "Chúng tôi biết rằng chiến tranh sẽ chấm dứt. Nhưng tất cả chúng tôi đều mong nó chấm dứt càng sớm càng tốt và với hòa bình nhân danh công lý”.
Thiết lập lớp học dưới hầm
Tại thành phố Zaporizhia, nơi Đức Cha Maksym sinh sống và dọn tòa Giám Mục đến đây, ngài mới khánh thành trường tiểu học Công Giáo đầu tiên ở địa phương, tọa lạc dưới hầm bên dưới hội trường của giáo xứ, vì chỉ như thế mới có thể bảo đảm các lớp học tại một vùng liên tục bị Nga tấn công và chỉ cách chiến tuyến 50 cây số”. Đức cha cũng đang thành lập trường khác, vẫn luôn ở dưới hầm, nhờ lòng quảng đại giúp đỡ của các ân nhân ở Âu Châu. Rồi có những lớp huấn nghệ.
Đức cha Maksym giải thích rằng "Khả năng mơ ước là điều thuộc về căn tính của người tín hữu. Chúng tôi ở Ucraina cũng không ngừng mơ ước một thế giới nhân bản hơn. Và việc tái thiết đất nước sau chiến tranh sẽ cần những người trẻ được chuẩn bị. Chúng tôi xin Tây phương nâng đỡ chúng tôi và đừng để mình bị lây nhiễm những đề nghị gây nguy hiểm, cho tương lai dân tộc chúng tôi” (Avvenire 28/10/2024)
Chứng từ của Đức Cha Kryvitsky
Về phần Đức Cha Vitaly Kryvitsky, Giám Mục giáo phận Kiev-Zhytomyr, của Giáo Hội Công Giáo Latinh ở thủ đô Kiev, ngài e rằng chính phủ Ucraina có thể động viên hàng loạt các linh mục để xung vào quân ngũ.
Đức Cha cho biết như trên trong cuộc gặp gỡ tổ chức bác ái "Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ” ở thành phố Munich, miền nam Đức. Ngài nói: "Chính phủ Ucraina có tinh thần thế tục rất mạnh và họ có thể quyết định một giải pháp cực đoan, trong đó có biện pháp buộc các linh mục phải tham gia quân ngũ”. Theo Đức Cha một phần lớn xã hội Ucraina chống biện pháp động viên như vậy, nhưng tình trạng quân sự khó khăn có thể đưa tới quyết định như thế.
Đức Cha Kryvitsky cũng nói với tổ chức bác ái Công Giáo quốc tế rằng "Với mùa đông đang đến gần, các tài nguyên của chúng tôi đang cạn kiệt. 80% các trung tâm điện lực của chúng tôi bị phá hủy và các máy phát điện cũng như những dụng cụ khác trong bếp của nhà thờ cũng như các trung tâm tiếp cư đang hao mòn”.
Theo Đức cha, 70 linh mục trong giáo phận của ngài ở lại các giáo xứ thuộc quyền từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lăng hồi tháng 2/2022. Tuy ngài đã cho phép các linh mục được di tản đến các vùng an toàn, nhưng các vị đã chọn ở lại nhiệm sở. Đức Cha nói: "các linh mục của chúng tôi đang mở rộng việc săn sóc mục vụ cả về mặt xã hội nữa, một dịch vụ ngày càng trở nên quan trọng” vì các giáo xứ trở thành nơi dân chúng chạy đến lánh nạn: các tầng hầm của nhà xứ và hầm nhà thờ được dùng làm nơi trú ẩn”.
Đức Cha cũng nói với tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ rằng: ”tôi muốn các giáo xứ của chúng tôi là những nơi không bị thương tổn vì chiến tranh, phải là những nơi mà dân chúng được ấm và bảo vệ, và có thể được thoải mái, tiện nghi”.
Theo Đức Cha Kryvitsky, có những linh mục tình nguyện làm tuyên úy săn sóc các binh sĩ ở tiền tuyến. "Giống như việc phục vụ y tế, họ là sự cấp cứu về tinh thần”. Vì thế giáo phận của ngài tặng các sách Kinh Thánh và tràng hạt cho các binh sĩ, như đồ cứu cấp tinh thần” (Ekai.pl 28/10/2024).
Đức Tổng Giám Mục Trưởng của Công Giáo Ucraina
Đức Tổng Giám Mục trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương, cũng góp phần thu hút dư luận quốc tế về thảm cảnh chiến tranh tại Ucraina và những cố gắng của Giáo Hội Công giáo tại nước này. Ngài cho biết thảm trạng chiến tranh từ hơn 1 ngàn ngày tại Ucraina đang liên kết mọi người dân nước này với nhau, bất luận tôn giáo. Ucraina bị thương tổn, mệt mỏi nhưng không bị đánh bại và tiếp tục kiên cường!
Trong cuộc họp báo ngày 29/10 vừa qua tại Nhà thờ chính tòa thánh Volodymir-Cả của Giáo Hội Công giáo Ucraina nghi lễ đông phương ở Paris, nhân dịp đến đây để gặp tổng thống Pháp Francois Macron, Tổng Giám Mục trưởng Shevchuk trưởng đã trình bày về tình hình tại Ucraina và vai trò của Giáo Hội Công Giáo Ucraina đông phương trong bối cảnh chiến tranh. Đức Tổng Giám Mục xác nhận về số phận các tín hữu Công Giáo Ucraina Đông phương tại các vùng bị Nga chiếm đóng: tại các lãnh thổ đó, không còn tín hữu Công Giáo nào, mặc dù các tín hữu thuộc Giáo Hội do ngài coi sóc chiếm 7% dân số Ucraina. ”Qua sự kiện đó, quí vị hiểu đối với phần lớn các tín hữu tại Ucraina, ý niệm độc lập của nước này cũng có nghĩa là tự do tôn giáo”.
Tổ chức chuyên quan sát tự do tôn giáo, có trụ sở ở thủ đô Kiev, cho biết từ đầu chiến tranh ở Ucraina đến nay đã có 630 nhà thờ và cơ sở tôn giáo, thánh đường Kitô, Hội đường Do thái và Đền thờ Hồi giáo bị phá hủy: phần lớn tại miền Donetsk với ít nhất là 146 nơi thờ phượng bị phá, tiếp đến là ít nhất 83 nhà thờ tại miền Louhansk, còn tại vùng Kherson có ít nhất 78 cơ sở bị chung số phận. Nhưng nói chung không có miền nào mà không bị. Một số nơi thờ phượng bị quân Nga cố tình cướp phá, đóng cửa hoặc biến thành những trụ sở hành chánh.
Trong cuộc họp báo, Đức Tổng Giám Mục trưởng Shevchuk cũng nhắc đến và bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha và Tòa Thánh vì những cố gắng làm trung gian, và đặc biệt trợ giúp về nhân đạo. Sau cùng, ngài bày tỏ hy vọng về tương lai của Ucraina và Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương tại nước này: "Chúng tôi tin rằng nơi khả năng yêu mến tổ quốc có thể mạnh hơn sự oán ghét. Tôi không thể ngăn cản dân tộc tôi không cảm thấy sự oán ghét khi họ chứng kiến những cuộc tàn sát, nhưng nhờ tinh thần và ý chí, chúng tôi phải biến tâm tình đó thành can đảm. Hoạt động của Chúa Thánh Linh biến lòng can đảm của con người thành hy vọng. Chính vì thế mà Ucraina còn tiếp tục hy vọng”.
Nguồn: vaticannews.va