Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA – Năm A. Lễ kính.

"Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống trên mình Người".

Lời Chúa: Mt 3, 13-17

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: "Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?" Chúa Giêsu liền đáp lại: "Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế". Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người.

Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người.

Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: "Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta".

PHÉP RỬA KHIÊM NHƯỜNG

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Sông Giođan, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Giođan phát nguồn từ ngọn: TN1-A22

Sông Giođan, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Giođan phát nguồn từ ngọn núi Hermon ở độ cao 520m. Suốt 220km đường dòng sông không ngừng đi xuống. Thoạt tiên sông chảy vào hồ Halê, chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê nơi Đức Giêsu thường qua lại và các tông đồ thường chài lưới. Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam đổ vào biển Chết. Ở đây là độ sâu 394m dưới mực nước biển. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.

Khi Đức Giêsu bước xuống sông Giođan để chịu phép rửa. Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý, mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội. Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa tội, Đức Giêsu đã hoà mình vào dòng người tội lỗi cần thống hối ăn năn. Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Đức Giêsu không cho mình cái quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ. Không ai nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.

Trong đêm Giáng sinh ta đã được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người, làm một người nhỏ bé nghèo hèn, dường như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay Người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi.

Hôm nay bắt đầu cuộc đời công khai của Đức Giêsu. Người bắt đầu xuất hiện để rao giảng Tin Mừng. Trước khi tiến ra gặp gỡ với quần chúng. Đức Giêsu đã tới dìm mình trong dòng sông Giođan. Để chuẩn bị ra gặp loài người. Đức Giêsu cảm thấy cần phải thanh tẩy. Mặc lấy xác phàm. Đức Giêsu chưa cảm thấy mình gần gũi với nhân loại. Người còn hạ mình xuống làm một người tội lỗi. Người dìm mình xuống dòng sông Giođan, dường như muốn mượn làn nước trong xanh tẩy sạch đi tất cả mọi dáng vẻ cao quý của Thiên Chúa còn vương vất nơi thân xác nhân loại của Người, tẩy sạch đi tất cả những gì ngăn cách để Người thực sự là một người anh em của mọi người.

Dòng nước Giođan dù có trong xanh đến mấy cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Khiêm nhường là một phép rửa, vì khiêm nhường là tự quên mình, là chết đi một chút. Dìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Cái chết chính là phép rửa như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy còn phải chịu một phép rửa và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,50). Người còn hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi hai ông này đến xin được ngồi bên tả, bên hữu trong Nước Người: “Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy, thứ thanh tẩy Ta phải chịu không? (Mc 10,38). Khi nói thế Chúa Giêsu có ý nói đến cái chết Người sẽ phải chịu.

Một câu châm ngôn nói: Không ai thấy được tình yêu. Người ta chỉ thấy được những bằng chứng của tình yêu. Bằng chứng của tình yêu đối với ta đó là: sự hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt, đó là sự khiêm nhường hòa mình vào đoàn lũ những tội nhân. Đến dìm mình trong dòng sông Giođan, tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng nước sám hối xóa đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.

Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi ta. Nếu ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa. Nếu ta cảm thấy mình cần phải được thanh tẩy. Đừng ngần ngại thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến lên lãnh nhận phép rửa của Đức Giêsu,  để trở nên gần gũi với Người. Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Đức Giêsu, ta vẫn có thể thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm gội trong dòng nước khiêm nhường như lời vua Đavít nói: “Lễ dâng Cha là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát dày vò. Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50).

Khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để ta đón nhận Phúc Âm. Khiêm nhường sám hối là quay trở về với Cha, sống trọn tâm tình của người con hiếu thảo. Khi khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ ta. Người sẽ nói với ta như nói về Đức Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu. Ta hài lòng về con”.

Lạy Đức Giêsu! xin giúp con biết đến với Chúa và đến với anh em bằng sự khiêm nhường sám hối.

BA DẤU HIỆU CỦA THỜI ĐẠI ÂN SỦNG

(Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Ở đời, khi người ta dựng vợ gã chồng cho con cái thường chọn nơi môn đăng hộ đối; khi chọn bạn mà chơi thì cũng chọn người hiền, bình thường ai cũng chọn cái tốt cái hay, không ai lại chọn cái xấu cái dở bao giờ.Thiên Chúa là Đấng Thánh, nếu Người vào đời mà liên đới với những bậc Thánh Hiền, với những Người Công Chính thì chẳng ai phản đối. Nhưng không, Chúa Giêsu đã gắn bó thân phận mình với loài người tội lỗi.Trước khi bắt đầu công cuộc rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ thật lạ lùng là Người tới bên bờ sông Giođan và xin Gioan làm phép rửa cho mình.

Dân chúng đến xin Gioan làm phép rửa thì chúng ta hiểu được, vì mọi người đều có tội, nên đã phải thú tội để biểu lộ lòng hoán cải và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Còn Đức Giêsu, Người là Đấng vô tội, là Đấng Thánh, vì thế Gioan đã thốt lên: “Chính tôi cần phải được Ngài thanh tẩy cho, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3,14). Gioan bối rối khước từ, bởi lẽ Đấng mà ông không đáng xách dép, Đấng là thẩm phán quyền uy, Đấng ban phép rửa trong Thánh Thần, Đấng ấy lại cúi mình xin ông làm phép rửa, thế nhưng Người đã trả lời: “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,17).

Gioan đã kêu gọi dân chúng chịu phép rửa “để tỏ lòng sám hối và được ơn tha tội”.Chúa Giêsu là Đấng Thánh, Người không có tội gì để mà sám hối và Người cũng chẳng cần đến ơn tha tội. Vậy nếu Chúa Giêsu chịu phép rửa là chính bởi vì Ngài muốn dấn thân nhập cuộc liên đới với nhân loại, Người muốn đi tới cùng, chấp nhận mang vào thân kiếp người tội lỗi cần được thanh tẩy và đổi mới. Thánh Phêrô đã viết trong thư thứ nhất thật sâu sắc “ tội lỗi của chúng ta, Người đã mang lấy vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” (1Pr 2,24). Chúa Giêsu không chỉ tha tội, xoá tội mà còn gánh lấy tội nhân loại, đem nó vào thân thể Người để biến đổi, gạn lọc, đổi mới thành hương thơm sắc đẹp. Người đã biến đổi ngay chính trong bản thân mình tất cả tội lỗi của trần gian, làm cho nó trở nên thánh đức.

Phép rửa mà hôm nay Chúa Giêsu lãnh nhận bởi tay Gioan Tẩy Giả chỉ là một hình ảnh báo trước phép rửa hoàn hảo và tuyệt đối hơn vì nó có khả năng tái sinh đổi mới con người. Khi chịu phép rửa của Gioan, Chúa Giêsu đã công khai liên đới thân phận mình là Thiên Chúa, là Đấng Thánh với thân phận con người tội lỗi. Người không bao giờ phạm tội, Người không vướng một vết nhơ tội lỗi nào, nhưng đã không ngần ngại đến sống giữa nhân loại tội lỗi, đồng hành, đồng bàn ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi.

Kẻ tội lỗi là kẻ đáng ghét, không ai thương người đáng ghét, nhưng Chúa Giêsu lại thương người tội lỗi, vì đối với Chúa kẻ tội lỗi đáng ghét nên đáng thương, đáng được chữa lành. Chúa Giêsu ghét tội lỗi nhưng lại thương tội nhân, Người đã hoà mình sống giữa họ, chia sẽ thân phận với họ rồi laị chia sẽ cho họ niềm vui được làm con cái Thiên Chúa và sự thánh thiện của Người. Những Giakêu, Lêvi, Mađalêna, người phụ nữ Samaria bên giếng Giacop đã được Người hoán cải đổi đời. Đó là một thái độ, một lập trường đi ngược với quan niệm thông thường của tôn giáo cũng như người đời.

Tôn giáo thì luôn tách biệt cái thánh thiêng ra khỏi cái phàm tục. Người ta luôn tôn kính các bậc thánh hiền, ông thánh này bà thánh nọ, ghét bỏ người tội lỗi. Còn Chúa Giêsu thì coi việc đến với người tội lỗi là sứ mạng của Người vì Người quan niệm rằng “người mạnh khoẻ không cần đến thầy thuốc, người ốm đau mới cần”. Bởi đó, Người đã nói: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. Nhưng Chúa Giêsu không đứng ngoài hay đứng trên để kêu gọi sám hối mà người muốn cùng họ sám hối như thể thực sự Người cũng là một kẻ tội lỗi cần hoán cải. Do đó, Người đã xin chịu phép rửa của Gioan.

Nói theo Lão Tử, người sống 500 năm trước Chúa Giáng Sinh, thì việc làm của Chúa Giêsu khi chấp nhận dìm mình trong dòng nước sông Giođan chính là thực hiện lý tưởng “đồng kỳ trần” ( toả kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hoà kỳ quang, đồng kỳ trần; nghĩa là làm bớt chỗ bén nhọn, bỏ phân chia, hoà ánh sáng, đồng bụi bặm. {Đạo đức kinh IV,2; LVI,2}. Ý nói: nếu muốn hoà giải, hoà hợp với người khác thì phải bỏ óc kỳ thị phân chia, giảm bớt những gì là sắc bén nơi mình có thể gây nguy hại cho người khác, hoà cái sáng của mình với cái sáng của tha nhân, và cũng chia sẽ thân phận ‘bụi bặm” với người ta. Nói tóm lại là đừng nghĩ mình hơn người mà xa cách kỳ thị, nhưng phải thấy được cái sáng của người, đồng thời cũng thấy được cái bụi bặm nơi mình. (Trích dẫn theo: Trái chín đầu mùa, trang 133. Lm Thiện Cẩm).

Trước sự hạ mình thẳm sâu của Đức Giêsu, Chúa Cha đã tôn vinh Người bằng việc sai phái Thánh Thần hiện xuống và bằng lời tuyen bố: Đây là con Ta yêu dấu.

Ba dấu hiệu mà Phúc âm nêu lên không những tiên báo sự sống lại vinh hiển của Đức Kitô mà còn tiên báo thời đại ân sủng mà Người mang đến cho loài người.

Dấu hiệu 1: Trời mở ra.

Sách Sáng thế đã nói: Ađam và Evà phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại ( St 3,23-24). Qua biết bao thế kỷ, Dân Thiên Chúa đã thiết tha cầu nguyện “Ôi ước chi Ngài xé rách các tầng trời và ngự xuống” ( Is 64,1). Nhờ Chúa Kitô, từ nay trời mở ra, một kiểu nói của Thánh kính ngụ ý là con người từ nay được sống thông hiệp với Thiên Chúa.

Dấu hiệu 2: Thánh thần ngự xuống như chim bồ câu.

Sách Sáng Thế có nói:Trước khi tạo dựng trời đất, thì “Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St1,2) như để thông truyền sức sống. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu thì ngụ ý: Đức Giêsu là con người mới và trong Người nhân loại sẽ được tạo dựng lại, sẽ được đổi mới. Chính Thánh Phaolô xác định: “ Điều quan trọng chẳng phải là việc cắt bì hay không cắt bì, nhưng là trở thành tasọ vật mới” (Gal 6,15)

- Dấu hiệu 3: Lời của Chúa Cha:” Con là con yêu dấu của Ta…”.

Qua lời tuyên bố này chúng ta nhận biết Đức Giêsu là con thật của Thiên Chúa, và sau này Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết: những ai tin vào Ngươì và nhận phép rửa nhân danh Người thì cũng được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.

Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tới ân huệ cao trọng mà Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta nhờ Phép rửa của Người. Phép Rửa tội là cửa đưa chúng ta vào sự sống mới, vào Nước trời. Đó là bí tích đầu tiên của luật mới. Đó cũng là bí tích Chúa đã trao lại cho Giáo hội cùng với Tin mừng khi Người truyền cho các Tông đồ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” ( Mt 28,19). Vì the, Thánh Tẩy là bí tích của đức tin, làm cho loài người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa và được ơn làm nghĩa tử, khởi đầu cuộc sống mới trong Đức Kiô. Do vậy, trong nghi thức tiếp nhận, Giáo hội luôn hỏi người dự tòng: “Con xin gì cùng Hội Thánh ?”. “Thưa, con xin đức tin”. “Đức tin mang lại điều gì cho con ? ”. “ Thưa, sự sống đời đời”. Và trước khi nhận bí tích Thánh Tẩy, người dự tòng xác nhận công khai từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin trước mặt cộng đoàn.

Người Kitô hữu được thánh hiến cho Thiên Chúa, đi vào đời sống hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần qua bí tích rửa tội. Ý thức ân huệ cao trọng này để mỗi người chúng ta xây dựng đền thờ tâm hồn mình xứng đáng cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị bằng một đời sống công chính, đạo đức, trong sạch.

LỜI CHỨNG CỦA GIOAN

(Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có ai đó đã nói rằng: "Thà thắp lên một ánh nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối". Lời này thật đúng vào thời Chúa Giêsu tại thế. Lúc đó dân tộc Israel đang sống trong bóng tối lầm than, đoạ đầy. Họ ao ước Đấng cứu tinh sẽ tới để giải thoát họ khỏi kiếp nô lệ cho ngoại bang. Họ chờ mong Đấng cứu tinh sẽ đến để xoay chuyển vận mạng cho dân tộc và cho chính bản thân của từng người khỏi kiếp sống lầm than. Và một tia hy vọng đã bừng sáng lên khi Gioan xuất hiện. Ông xuất hiện như một nguời hùng của dân tộc, như một nhà cách mạng giải cứu cho dân tộc. Ông đưa ra một phương thế có thể thay đổi vận mạng dân tộc: đó là hãy ăn năn sám hối, hãy trở về với Thiên Chúa Giavê và hãy trung thành với giao ước của Người. Đó cũng là cách để tránh khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vì: "cái rìu đã kề sẵn gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn chặt đi". Vì ngày thanh luyện trần gian đã đến. Thiên Chúa sẽ dùng nia mà sàn lọc, phân loại tốt xấu. Kẻ tốt sẽ được trọng thưởng, kẻ xấu sẽ bị quăng vào lửa trầm luân muôn đời.

Lời rao giảng của Gioan đã thức tỉnh lương tâm hàng vạn, hàng vạn người. Người ta thấy trong số đông lũ lượt kéo xuống dòng sông Gioađan năm ấy để lãnh phép rửa có đủ mọi thành phần. Từ anh chàng cù bất cù bơ không cửa không nhà đến hạng quyền qúy cao sang, nhà cao cửa rộng. Từ những con người có chức có quyền đến hạng dân đen thấp cổ bé miệng đều cảm thấy mình cần phải sám hối hầu tránh khỏi cơn thịnh nộ của trời đất, của Đấng tạo thành.

Dòng sông hôm ấy dường như náo nhiệt hơn mọi ngày, vì dòng người tấp lập, vì những lời bàn tán xôn sao về ngày thanh luyện trần gian đã tới. Nhưng một sự kiện còn làm họ bàng hoàng kinh ngạc hơn nữa, khi bầu trời trong sáng lạ thường hơn, cửa trời như được mở toang. Ánh sáng từ trời đã tập trung vào một con người đang nài xin Gioan làm phép rửa cho mình.

Gioan đã lưỡng lự, phân vân, vì ông biết đây chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội gian trần. Ông không hiểu nổi tại sao Con Thiên Chúa, Đấng thánh thiện vô cùng lại cần đến phép rửa của ông. Ông tự biết mình đâu xứng đang cởi dây giầy cho Người thì làm sao ông có diễm phúc đổ nước trên đầu một con chiên không tỳ vết, chính là Thiên Chúa của ông. Nhưng rồi, ông đã vâng lời để đổ nước cho Đấng mà bản thân ông phải nhỏ bé đi để Người được lớn lên trong ông. Tức thì ông nghe một tiếng nói từ trời phán ra. Không phải là tiếng xót xa tìm kiếm ngày nào của Giavê khi Adam lẩn trốn vì phạm tội. "Ađam - Ađam ngươi đang ở đâu?". Đó cũng không phải là lời luận tội vì tội Ađam mà luỵ đến con cháu muôn đời. Nhưng đó là lời giao hoà của Thiên Chúa với con người: "Đây là con Ta yêu qúy, hãy nghe lời Người".

Kính thưa, quý Ông Bà Anh Chị Em

Ngày chúng ta lãnh nhận phép rửa tội, là ngày chúng ta được nhận làm con yêu qúy của Thiên Chúa. Qua cha mẹ và những người đỡ đầu, ánh sáng của đức tin đã được thắp lên trong cuộc đời chúng ta. Nhưng liệu với tuổi đời chồng chất theo thời gian năm tháng. Ta có còn là con yêu qúy của Thiên Chúa và Thiên Chúa có hài lòng về cuộc sống của ta hay không? Hay ta đã bán đi tất cả gia sản của cha mình để buông mình trong những đam mê lầm lạc, trong bóng tối của sa đoạ, tội lỗi, trong những hư danh của trần gian và khước từ ân huệ là con của Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay không chỉ mời gọi chúng ta gìn giữ ân huệ cao cả được làm con Thiên Chúa mà còn mời gọi chúng ta hãy trở thành một Gioan cho thời đại hôm nay.

Thế giới hôm nay rất cần một con người như Gioan để thức tỉnh nhân loại hãy ăn năn sám hối, hãy trở về với Thiên Chúa hòng tránh cơn thịnh nộ của Đấng tạo hoá chí công.

Thế giới hôm nay rất cần một con người như Gioan dám hy sinh vì chân lý, vì tin mừng cho dù phải trả giá bằng sự nghèo đói, đoạ đầy và cả tính mạng của mình.

Thế giới hôm nay rất cần một con người như Gioan để giới thiệu Chúa cho tha nhân, ngõ hầu muôn dân khắp mặt đất cùng một tâm tình, một ước nguyện, một lời kinh dâng lên Đấng tạo thành trời đất và muôn vật. Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết khiêm tốn để Chúa được tỏ hiện trong đời sống của chúng ta. Amen.

 

bài liên quan mới nhất

Gp Lạng Sơn - Cao Bằng: Thánh Lễ Truyền Dầu 2024

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng