Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật V Thường Niên – Năm A

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật V Thường Niên – Năm A

(Is 58, 7-10; 1 Cr 2, 1-5; Mt 5, 13-16)

“Các con là sự Sáng thế gian”.

1/ NIỀM VUI CỦA CHIA SẺ

(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Trong một xã hội nghèo nàn còn đầy khó khăn về kinh tế và bị ảnh hưởng bởi lối sống ích kỷ như xã hội Việt Nam của chúng ta, khái niệm có nguồn gốc từ Thánh Kinh “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35) bị coi là lý thuyết suông, là ảo tưởng. Quả thật, xung quanh chúng ta, có nhiều người quá giàu, phung phí tiền bạc vào các cuộc ăn chơi, trong khi có nhiều người rất nghèo, ăn bữa nay lo bữa mai cũng chật vật. Lời Chúa hôm nay kêu gọi thực thi tình liên đới giữa con người với nhau. Theo Giáo lý của Giáo Hội Công giáo, tiền bạc tài sản mà chúng ta đang có đều là sở hữu chung, Chúa trao cho chúng ta quản lý và sinh lợi. Vì thế, người giàu mà không biết sử dụng của cải cho hợp lý sẽ mang tội. Nhân ngày môi trường thế giới 5-6-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố: “Lương thực để lãng phí là lương thực ăn cắp của người nghèo” (La nourriture gaspillée est une nourriture volée aux pauvres). Theo Đức Thánh Cha, mỗi người đều phải trân trọng của cải và sử dụng đúng mức, đồng thời phải biết chia sẻ cho những người kém may mắn đang sống xung quanh. Gần đây, một nhóm từ thiện tổ chức quyên góp đồ đã qua sử dụng để tặng cho người có nhu cầu. Họ đã trương khẩu hiệu: “Mọi sự đều là của chung, khác nhau ở chỗ ai dùng mà thôi”. Quả thực, tất cả những gì chúng ta đang sở hữu là do Chúa trao cho chúng ta quản lý. Chúng ta không được phép lãng phí và phải quan tâm đến những người đang có nhu cần, nhất là những người bất hạnh cơ nhỡ.

Chúng ta hãy trở về với Bài đọc I của Chúa nhật hôm nay. Ngôn sứ Isaia đã ca tụng những nghĩa cử chia sẻ liên đới với người nghèo. Đối với những ai biết chia sẻ cảm thông, Chúa sẽ làm cho đời họ bừng lên như ánh sáng lúc rạng đông. Người nào luôn dấn thân phục vụ người nghèo, cởi trói cho người bị gông cùm, nhường miếng ăn cho người đói khát… khi họ kêu cầu với Chúa, Ngài sẽ mau mắn trả lời. Sau này, Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta, khi chúng ta giúp đỡ người nghèo là chúng ta giúp đỡ chính Chúa; khi chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của anh chị em là chúng nhắm mắt làm ngơ với chính Chúa (x. Mt 25, 1-46).  Lòng rộng rãi chia sẻ là lý do để được Chúa chúc phúc. Ai cho đi cách quảng đại, sẽ được Thiên Chúa cho lại.

Như vậy, với ánh sáng của Lời Chúa chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của khái niệm được nhắc tới trên đây: cho thì có phúc hơn là nhận. Chắc chắn nhiều người trong chúng ta đã trải nghiệm được niềm vui này. Khi giúp đỡ chia sẻ, chúng ta hy sinh một chút tiền bạc, thời giờ hay sự kiên nhẫn, đổi lại chúng ta sẽ được niềm vui trong tâm hồn vì chúng ta vừa làm một việc tốt. Đó là niềm vui của chia sẻ. Tuy vậy, chúng ta chỉ có được niềm vui khi hành động chia sẻ được thực hiện cách tự nguyện và được thúc đẩy bởi lòng bác ái, chứ không phải vì miễn cưỡng hay vì vụ lợi hoặc nhằm tiếng khen.

Hai chất liệu được Đức Giêsu sử dụng để so sánh với những đức tính của người môn đệ: muối và ánh sáng. Đây là hai yếu tố quan trọng của đời sống con người. Chúa Giêsu mời gọi những ai theo Chúa hãy cố gắng mỗi ngày để đem cho cuộc đời vị mặn của tình thương và ánh sáng của lòng tốt. Trong nghi thức rửa tội trước đây, vị chủ sự đặt một chút muối vào miệng người được rửa tội với lời nguyện xin cho người tín hữu này được sống như muối cho thế gian. Ngày nay, nghi thức chỉ còn giữa lại phần trao cây nến cháy với lời mời gọi người vừa được rửa tội hãy sống như con cái sự sáng.

Cuộc sống này là một cuộc tranh đấu không ngừng giữa sự thiện và sự ác; giữa ánh sáng và tối tăm. Vì thế mà muối có thể bị mất vị mặn, ánh sáng có thể bị che mờ. Vị mặn làm nên giá trị của muối; chiếu soi là vai trò chính của ánh sáng. Mất vị mặn, muối chắng còn là muối; ánh sáng bị che phủ sẽ trở thành vô nghĩa. Đời sống Kitô hữu mà không còn khả năng ướp mặn cuộc đời hay không còn khả năng chiếu soi nhân loại sẽ trở thành hư vô trống rỗng.

Đức Kitô là ánh sáng trần gian. Người đến để soi chiếu nhân loại. Hôm nay Người vẫn hiện diện để tiếp tục soi sáng cho những người đang đi trong tối tăm trên đường lữ hành trần thế. Giáo huấn của Người vẫn là muối ướp cho đời, đem cho cuộc sống này vẻ đẹp và sức sống thần linh. Chúa Giêsu đã đem lại cho con người niềm vui và hạnh phúc bằng cái chết trên thập giá. Điều đó cho thấy, việc thiện chí đem lại niềm vui cho tha nhân bao giờ cũng đòi hỏi sự hy sinh. Có những hy sinh âm thầm, nhưng cũng có những hy sinh đòi hỏi người tín hữu phải cố gắng đến mức anh hùng. Thánh Phaolô đã trải qua kinh nghiệm quý báu này, và ngài quả quyết với chúng ta: “Quả thật, tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (Bài đọc II). Một khi sống tinh thần hy sinh của Đức Giêsu, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được niềm vui của chia sẻ”.

Bạn đã bao giờ cảm nghiệm được niềm vui của chia sẻ chưa? Bạn hãy thử đi, chắc chắn Chúa sẽ cho bạn những điều bạn không ngờ tới.

2/ MUỐI CHO ĐỜI

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Trong những dịp cuối năm, các bản tổng kết tình hình đều đánh giá cao những đóng góp của Giáo hội đặc biệt trong lãnh vực giữ gìn đạo đức xã hội. Nơi nào có đồng bào Công giáo sinh sống, tệ nạn xã hội không có hoặc có rất ít. Nghe những nhận định trên, tôi rất vui vì thấy anh chị em tín hữu đang sống đúng tinh thần trở thành muối cho đời như lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Khi nói đến muối Chúa Giêsu có ý dạy các môn đệ về cách thế hiện diện trong xã hội.

Đó là một hiẹn diện khiêm nhường

Hạt muối thật bé nhỏ. Chẳng ai chú ý tới sự hiện diện của nó. Bên cạnh thịt, cá, rau cỏ, muối chỉ đóng vai phụ. Người ta trưng bày những món ăn đắt tiền. Người ta giới thiệu những món ăn cầu kỳ. Không thấy ai trưng bày muối. Chẳng có ai giới thiệu muối trong bữa tiệc lớn. Xét về giá trị kinh tế, muối chẳng đáng giá bao nhiêu. Đó là một hiện diện quên mình.

Muối có đó nhưng không ai thấy muối. Không chỉ vì muối bé nhỏ khiêm nhường mà vì muối phải tan biến đi. Phải tan biến đi muối mới có tác dụng. Muối ướp vào thịt cá mà không tan đi thì không thấm được vào thớ thịt, thớ cá, không giữ cho thịt tươi cá tốt được. Muối gia giảm vào cá kho, thịt rim, nước canh mà không tan đi thì khi ăn phải, người ta sẽ nhăn mặt bỏ đi. Chỉ khi tan biến đi, hoà tan vào thịt, cá, rau cỏ, muối mới có ích lợi. Muối phải hiện diện nhưng lại phải tiêu huỷ đi thì mới có ích.

Đó là một hiện diện tích cực.

Tuy bé nhỏ khiêm nhường và vắng mặt, nhưng hiện diện của muối là một hiện diện tích cực. Tích cực vì góp phần bảo trì thực phẩm khỏi hư thối, vì nâng phẩm chất món ăn. Tích cực vì là một thành phần hầu như không thể thiếu trong các món ăn. Tuy không thấy và không nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu trong mỗi món ăn đều có muối.

Khi dùng muối làm hình ảnh minh hoạ, chắc chắn Chúa Giêsu cũng muốn cho các môn đệ của Người có những đặc tính của muối.

Người muốn các môn đệ của Người sống giữa nhân loại như muối ở trong thức ăn. Người muốn các môn đệ của Người hiện diện thật kiêm nhường như những hạt muối bé nhỏ. Người muốn các môn đệ của Người hiến thân mình cho nhân loại như những hạt muối hòa tan trong thực phẩm.

Nhưng để sự hiện diện bé nhỏ khiêm nhường mang yếu tố tích cực, các môn đệ phải giữ được vị mặn của muối.

Vị mặn, đó là lòng yêu mến Chúa mặn nồng, là tình yêu tha nhân mặn mà, là sống tinh thần Tám Mối Phúc như Chúa dạy trong bài Tin Mừng tuần trước.

Giữ được vị mặn của Phúc Âm và hiện diện âm thầm trong phục vụ quên mình, người môn đệ Chúa sẽ thực sự góp phần bảo vệ nền đạo đức của xã hội. Dù không muốn, họ vẫn trở thành ánh sáng soi trần gian.

Lạy Chúa, Chúa tin tưởng con, nên đã gọi con là muối trần gian. Xin cho lòng con yêu mến Chúa tha thiết, để đem cho đời hương vị tình yêu. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Bạn nghĩ gì về hình ảnh hạt muối?

2- Làm muối, dễ hay khó?

3- Bạn đã bao giờ cảm thấy niềm vui được chìm đi để anh em được nổi nang chưa?

3/ SỐNG CÓ ÍCH CHO THA NHÂN

(Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

Người ta kể đoạn kết của bộ phim Tôn Ngộ Không như sau: Vào đêm trước khi thầy trò Tam Tạng bước vào cửa Phật. Thầy trò ngủ chung với nhau, nhưng lòng bồi hồi xao xuyến không sao ngủ được. Ngộ Không thấy Thầy mình nằm trăn trở hết nghiêng bên này, lại nghiêng bên kia. Bèn quay sang nói với Thầy: “Ngày mai chúng ta vào cõi Phật rồi, sao Thầy không vui?”. Thầy Tam Tạng thở dài nói rằng: “Ngộ Không con ơi, con là khỉ, cả đời con theo Thầy chỉ mong thành người. Còn Thầy đã là Người, lại bỏ kiếp người vào cõi Phật. Biết có hay không! Làm người mà chưa giúp gì cho đời, liệu thành Phật, Thầy còn có cơ hội cứu đời cứu người nữa hay không?”.

Thực vậy Tôn Ngộ Không, khi theo thầy đi Thỉnh kinh đã mang hoài bão trở thành một con người nhưng Ngộ Không đã không có cơ hội thay đổi bản chất của mình, vì khỉ vẫn là khỉ, cho dù có 72 phép thần thông cũng không thay đổi phận số của mình. Còn chúng ta là người, nhưng sống cho trọn kiếp người, cho xứng với bản chất và phẩm giá làm người đôi khi chúng ta vẫn chưa thực sự nên người. Có một nhà tu đức nói rằng: Bạn muốn là một người kytô hữu tốt trước hết bạn hãy là một con người tốt. Bạn muốn là một vị thánh, thì bạn phải là một người kytô hữu tốt. Dù chúng ta có muốn làm thánh làm phật, dù chúng ta có muốn trở thành những con người siêu phàm làm được nhiều chuyện lớn lao, phi thường nhưng trước hết và trên hết chúng ta phải là một con người hoàn hảo, một con người biết sống đúng bổn phận của mình. “Tu thân tích đức – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ”. Một em học sinh muốn trở thành những nhà bác học lừng danh, thì trước hết, tuổi thơ của em phải là những học sinh gương mẫu, em phải biết chu toàn tốt bổn phận học trò của mình mới mong lập được công trạng cho gia đình và xã hội. Hơn nữa, người có tài nhưng không sống đúng bản chất con người là “nhân chi sơ tính bản thiện” thì cũng chỉ là kẻ gieo vãi sự chết chóc nơi nhân thế thay vì dùng tài năng để phục vụ cho đời.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy bản chất của người kytô hữu không phải là những gì cao xa nhưng chỉ là những hạt muối bé nhỏ hay chỉ là một chút ánh sáng lẻ loi. Thật bình thường và cũng thật tầm thường nhưng lại thật hữu ích cho đời sống con người. Không có muối làm sao có những bữa tiệc thơm ngon mặn mà. Không có ánh sáng làm sao con người có thể nhìn ngắm những vẻ đẹp muôn màu của vũ trụ mà Thiên Chúa đã dựng nên.

Các con là muối cho đời – là ánh sáng cho trần gian. Muối thì thấp hèn, âm thầm và khiêm tốn. Nhưng muối làm cho người phụ nữ nội trợ thêm rạng rỡ niềm vui, cho bữa cơm gia đình thơm ngon đậm đà.

– Ánh sáng thì rực rỡ, huy hoàng. Ánh sáng soi cho người ta thấy rõ đường đi, cho con người nhận ra nhau, cho quan hệ giữa người với người thêm trong sáng chân thành. Mọi mối quan hệ còn ở trong bóng tối, thì đó chỉ là những mối quan hệ bất chính và tội lỗi.

Nhưng thân phận cả hai đều phải chịu hao mòn hy sinh thì mới thực sự có ích cho đời: muối tan dần đi, ngọn đèn ngày càng lụn xuống. Lý do tồn tại của cả hai là để gây tác động tốt: nếu muối không mặn và đèn không sáng thì không có ích gì nữa, chỉ nên vất ra đường phố cho người ta chà đạp và khinh bỉ.

Thân phận và hoàn cảnh của mỗi kitô hữu khác nhau: có người âm thầm hèn mọn như hạt muối, có người rực rỡ huy hoàng như ánh sáng. Nhưng mọi người đều có sứ mạng phải tác động tốt lên môi trường mình sống. Không tác động tốt thì không còn là kitô hữu nữa.

Là muối đất, là ánh sáng thế gian, hơn ai hết, kitô hữu chúng ta cần phải thắp sáng lên niềm hy vọng bằng cuộc sống tỏa lan tình người. Dù chỉ là một ngọn đèn mù mờ giữa biển khơi, cho dù phải đương đầu với biết bao sống gió nhưng vẫn phải giữ cho ngọn đèn đó cháy sáng, vì biết đâu xa xa ngoài khơi vẫn còn có ai đó đang cần một chút ánh sáng để định hướng vào bờ.

Ngược dòng lịch sử 600 năm trước Chúa Giáng Sinh, tiên tri Isaia đã dạy chúng ta phương thế để trở thành ánh sáng cho đời:

Về mặt tiêu cực: đừng bao giờ khinh bỉ người khác, phải loại bỏ những tranh chấp, hăm dọa, nói xấu anh chị em mình; Về mặt tích cực là chia cơm cho kẻ đói, chia áo cho người nghèo, làm cho người đau khổ được hạnh phúc…

Và “Như thế, sự sáng của ngươi sẽ tỏa rạng như hừng đông, ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong đêm tối và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”.

Một buổi chiều, Mẹ Têrêsa đi qua một căn nhà ngoại ô ở Calcutta. Nhà tối om và có tiếng rên từ bên trong vọng ra. Mẹ đẩy cửa bước vào, sờ soạng, đi lại giường một cụ già tiều tụy đau yếu, Mẹ hỏi: Nhà cụ không có đèn đóm gì ư?-Có một chiếc đèn còn tốt, nhưng không có dầu. Vả lại có ai đến thăm tôi đâu mà phải đèn với đóm! Mẹ lục lọi tìm ra chiếc đèn, lau chùi, mua dầu cho vào và đốt lên. Mặt cụ tươi tỉnh lên. Ít lâu sau Mẹ nhận được một lá thơ với mấy dòng chữ: “Nụ cười vui tươi của Mẹ, như dầu khích lệ, như đèn đốt sáng đời tôi, mỗi khi chiều về”.

Mỗi người chúng ta cũng được Chúa mời gọi để thắp sáng cuộc đời kẻ khác. Mỗi người đều có một khả năng cá biệt để thắp sáng niềm tin cho anh chị em chúng ta và ướp mặn trần gian bằng tình yêu thương bác ái và cảm thông. Vì:

“Làm thân cây nến vào đời

Càng tiêu hao cháy, càng ngời vinh quang”

Nhưng tiếc thay, vì lười, vì ích kỷ, vì hèn nhát, ngọn đèn của chúng ta lu mờ dần đi và có khi tắt ngấm. Vì thiếu bác ái, thiếu lòng nhân từ nên những ai tiếp xúc với chúng ta đều cảm thấy mặn chát, khô cằn thiếu sức sống vui tươi. Xin Chúa giúp chúng ta dám hy sinh và từ bỏ mình mỗi ngày để trở nên ánh sáng và muối men cho đời. Amen.

4/ VÌ ĐỜI VÀ CHO ĐỜI

(Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng)

Muối

Muối rất cần để bảo vệ thực phẩm. Và hình ảnh ấy cũng nói đến những con người đóng vai trò giáo dục, có bổn phận và trách nhiệm “bảo vệ và gìn giữ” những vẻ đẹp cao quý, thiêng liêng, những giá trị đạo đức nhân phẩm để con người sống “nên người”, sống “cho ra người” hơn. Ca dao Việt Nam có câu: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.

Muối là gia vị làm cho thức ăn được ngon miệng, mặn mà. Từ đó nó gợi cho con người hình ảnh tình nghĩa đậm đà mà con người cần phải có để cuộc đời thêm đẹp, thêm ấm áp. Nếu không tình đời sẽ “lạt như nước ốc, bạc nhơ vôi”.

Ánh Sáng

Ánh sáng chiếu soi vạn vật, nhờ ánh sáng con người chiêm ngưỡng được vẻ đẹp cảnh vật quanh ta.

Nhờ ánh sáng, con người định hướng được hướng đi của đời mình. Nhờ ánh sáng con người vượt qua được nguy hiểm, tiếp tục cuộc hành trình an toàn, và đến bến bờ hạnh phúc. Như ánh sáng Hải Đăng cần thiết cho những cuộc hành trình ở Đại Dương bao la.

Ánh sáng thiên nhiên gợi cho ta hiểu ánh sáng tâm hồn. Đôi mắt mùa lòa làm cho con người đau khổ vì sống trong tăm tối, nhưng đôi mắt tâm hồn “mùa lòa” sẽ dẫn con người đến sự sụp đổ hoàn toàn. Mùa Xuân thiên nhiên có thể không đến với những con người mà đôi mắt đã bị cướp đi ánh sáng, nhưng nếu tâm hồn họ đã vươn lên được niềm hạnh phúc cao cả, nếu đôi mắt tâm hồn của họ đã nhìn xuyên thấu những giá trị cao quý của đời người, dù sống trong tăm tối, tâm hồn họ vẫn rực sáng với muôn điều hạnh phúc kỳ diệu sẽ đến trong thế giới nhiệm mầu của riêng họ.

Điểm chung của muối và ánh sáng

Muối và ánh sáng đều đem lại sự an bình. Không hư hao, và tránh những điều xấu có thể đến.

Muối và ánh sáng đem lại cho đời những điều tốt đẹp hơn. Mặn mà và tươi sáng.

Muối và ánh sáng đều chịu hao mòn. Tan biến và dần dần tự hủy đi tạo ra muôn thứ tốt đẹp và hữu ích. Những hạt muối hòa tan và mất đi để có những bữa ăn ngon. Những cây nến hao mòn và mất đi để cho đời ánh sáng. Mặt trời một ngày nào đó cũng tắt khi nguồn năng lượng cạn kiệt.

Muối và ánh sáng đều thầm lặng hy sinh. Khi dùng những món ăn ngon, người ta khen thịt, cá, rau, quả…không ai khen muối. Khi ngắm cảnh đẹp, người ta khen núi, sông, hoa, lá, mây trời… không ai khen ánh sáng.

Vì đời và cho đời

Muối thì phải mặn. Nếu muối mà không mặn thì có còn là muối không?

Ánh sáng thì phải chiếu sáng. Nếu ánh sáng mà không chiếu sáng, thì có còn là ánh sáng không?

Môn đệ thì phải theo gương thầy. Môn đệ mà không giống thầy, thì có còn là môn đệ thầy không?

Chúa Giê-su, Thiên-Chúa-làm-người. Ngài dành cả cuộc đời ở trần thế nầy để “vì đời và cho đời”.

Vì đời và cho đời như “muối và ánh sáng”.

Hãy nhìn vào cuộc đời của Đức Ki-tô, Đấng Cứu Thế, từ Bê-lem đến đỉnh Can-vê! Còn ai “vì đời và cho đời” hơn như thế không?

Nên môn đệ Chúa Giê-su phải là “muối” và “ánh sáng” theo gương của Thầy Chí Thánh của mình là Chúa Giê-su.

Chính anh em là muối cho đời (Mt.5,13).

Chính anh em là ánh sáng cho trần gian (Mt.5,14).

“Muối và ánh sáng vì đời và cho đời”.

Và tất cả múc nguồn từ Chúa Giê-su Ki-tô.

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. (Ga.1,14).

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. (Tv 119,105).

“Muối và ánh sáng vì đời và cho đời”, để đời có Niềm Tin, Hy Vọng và Vui Sống. Để đời biết sống đúng ý nghĩa kiếp người và tìm về bến bờ hạnh phúc vĩnh cửu trong Tình Yêu Thiên Chúa.

“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga.14,6).

Lạy Chúa,

Xin dạy cho con,

và soi sáng cho con,

biết suy nghĩ và hành động,

theo thánh ý Chúa. Amen.

 

bài liên quan mới nhất

Gp Lạng Sơn - Cao Bằng: Thánh Lễ Truyền Dầu 2024

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng