Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Hiển Linh

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Hiển Linh

(Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a. 5-6; Mt 2, 1-12)

“Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua“.

1/ HÃY BỪNG SÁNG!

(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mở đầu bằng một lời hiệu triệu rất long trọng, qua lời ngôn sứ Isaia: “Hãy đứng lên, bừng sáng lên, Giêrusalem”. Nội dung của bài sách thánh thứ nhất cho ta thấy một bầu khí sôi động, hùng hồn như lệnh triệu tập của một đại lễ, hay một cuộc tổng động viên. Giêrusalem không còn vẻ tĩnh lặng đơn điệu của ngày thường, mà trở nên điểm quy tụ của cả thế giới. Mọi vương quyền trên thế giới đều đến đây để phủ phục tôn thờ Đấng Tối Cao. Mọi sản vật quý hiếm từ mọi miền đều được chuyển tải về đây để dâng tiến Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài. Những đoàn lạc đà nhiều chưa từng thấy, đến nỗi che rợp đất. Lạc đà là phương tiện giao thông của thời đó. Khi nói đến số lạc đà nhiều như vậy, có nghĩa là khách thập phương đông vô kể, từ muôn phương đang tiến về thành Thánh. Giêrusalem chói ngời, rạng rỡ, như cô dâu được trang điểm kỹ lưỡng, toả hào quang đến mọi miền xung quanh.

Vì lý do gì mà Giêrusalem bừng sáng đến thế? Đó là vì Đấng Cứu thế đã xuất hiện. Lời ngôn sứ Isaia bảy trăm năm trước đó đã được ứng nghiệm. Đấng Cứu thế đã hạ sinh. Người là Vua các vua và là Chúa các chúa. Thánh lễ hôm nay được gọi là lễ Hiển Linh. Từ này thường được dùng trong Kinh Thánh Cựu ước để diễn tả việc Thiên Chúa xuất hiện. Mỗi khi Ngài xuất hiện, hoặc để tỏ quyền năng tuyệt đối của Ngài, hoặc để cứu giúp dân Do Thái đang gặp tai ương hoạn nạn. Việc Thiên Chúa hiển linh cũng nói lên sự quan tâm chăm sóc đối với Dân được tuyển chọn. Trong lịch sử Cứu độ, nhiều lần Chúa đã hiển linh để cứu giúp dân Do Thái. Như thế, lễ Hiển Linh giới thiệu với chúng ta: Đức Giêsu là Vua của các vua. Người là Đấng muôn dân mong đợi. Ba nhà đạo sĩ, mà chúng ta quen gọi là ba vua, đã từ phương xa đến để chào kính và tôn thờ vị Vua mới sinh. Ba loại lễ phẩm: vàng, nhũ hương, mộc dược cho thấy ba vị này đến từ ba miền khác nhau của phương Đông. Các nhà chú giải Kinh Thánh giải thích: vàng là lễ vật tặng các vua chúa ; nhũ hương là lễ vật dâng tiến các thần linh ; mộc dược là thuốc thơm để tẩm liệm thi hài người quá cố, như một lời tiên báo Chúa Giêsu sẽ chịu chết để cứu độ nhân loại.

Khi mừng lễ Hiển Linh, Giáo hội cũng giới thiệu cho chúng ta: Đức Giêsu là Đấng Cứu độ toàn thể nhân loại. Người cũng là Vua vũ trụ. Vương quốc của Người là vương quốc tình yêu, công bình và bác ái. Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, chúng ta đã suy tư về tước vị Vua của Chúa Giêsu. Qua Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu, ơn Cứu độ được đề nghị cho toàn thể thế giới, chứ không giới hạn nơi dân tộc Do Thái như quan niệm của Cựu ước. Thực tế hôm nay đã chứng minh: trên khắp hoàn cầu, mọi quốc gia và lãnh thổ, Đức tin vào Chúa Giêsu được tuyên xưng và loan truyền. Hệ thống tổ chức của Giáo hội như các Giáo phận, các Dòng tu, các Giáo xứ, các Cộng đoàn đã chứng minh có Chúa hiện diện và điều khiển Giáo hội. Giáo hội của Chúa bao gồm mọi màu da, mọi ngôn ngữ, mọi văn hoá, mọi truyền thống. Giáo hội như một vườn hoa mênh mông với ngàn hương sắc khác nhau. Tất cả đều có chung một Phép rửa, một Đức tin, một Phụng vụ. Chất men Tin Mừng đã thấm nhập nơi mọi nền văn hoá và mọi dân tộc. Thánh Phaolô đã diễn tả trong thư gửi giáo dân Êphêsô như sau: « Trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cùng được thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa muốn » (Bài đọc II).

Thánh vịnh 71 được hát lên trong phần Đáp ca đã diễn tả tình thương bao la hải hà của Thiên Chúa: « Người giải thoát bần dân kêu khổ, và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo… Mạng sống dân nghèo, Ngài ra tay tế độ”. Tác giả Thánh vịnh cũng ca ngợi vinh quang sáng ngời của vị Tân Vương: Triều đại Người, đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị. Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng trái đất ». Đức tin Kitô giáo đã nhận ra vị Tân Vương này là Hài nhi Giêsu sinh hạ tại Bêlem năm xưa.

Nếu ơn Cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô có tính phổ quát, thì bất kể ai, nếu thành tâm thiện chí thì đều được Thiên Chúa đón nhận vào gia đình của Ngài. Dưới cái nhìn của người Do Thái, ba nhà đạo sĩ được coi là những « người ngoại », nhưng họ có trái tim chân thành và thiện chí đi tìm Chân lý. Các ông đã vượt qua đường trường với bao nguy hiểm, để tìm cho bằng được vị Vua mới sinh. Những khó khăn không làm các ông nhụt chí và bỏ cuộc, kể cả khi không nhìn thấy ngôi sao dẫn đường. Cuộc tìm kiếm của ba nhà đạo sĩ phần nào phác họa đời sống đức tin của người Kitô hữu chúng ta. Bởi lẽ tin là một cuộc lên đường tìm kiếm liên lỉ, là một chuỗi liên tục những khám phá bất ngờ. Những ai nỗ lực tìm kiếm Chúa sẽ gặp được Ngài. Đức tin trước hết đòi chúng ta phải biết chấp nhận những hy sinh. Các nhà đạo sĩ là những người trí thức uyên thâm. Họ đã chấp nhận rời bỏ quê hương lên đường vì nhận ra thông điệp của ngôi sao lạ. Trong đời sống đức tin, muốn được gặp Chúa, chúng ta cũng phải chấp nhận từ bỏ lối sống không phù hợp với giá trị Tin Mừng. Khi các nhà đạo sĩ không còn nhìn thấy ngôi sao, họ không nản lòng, nhưng kiên trì tìm hiểu để thấy hướng đi cho mình. Mục đích được gặp vị Vua mới sinh đã cho các ông quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Các ông nêu gương cho chúng ta về sự kiên nhẫn và hy vọng. Quả thế, trong hành trình tìm kiếm Chúa, có những lúc chúng ta cảm thấy nản chí vì những thử thách gian nan. Sự kiên trì và cậy trông chắc chắn sẽ giúp ta tìm thấy Chúa và gặp gỡ Ngài.

Khi các nhà đạo sĩ cảm thấy đứng trước ngõ cụt của hành trình tìm kiếm vị Vua mới sinh, các ông đã vào Giêrusalem. Ở đây, các chuyên gia đã khảo cứu Kinh Thánh và tìm được lời giải đáp. Nhờ hướng dẫn trong lời ngôn sứ Mika (x. Mk 5,1), các ông tiếp tục lên đường và cuối cùng đạt được điều nguyện ước của mình. Ngày hôm nay, Chúa vẫn đang ngỏ lời với chúng ta trong Kinh Thánh. Nội dung Kinh Thánh là một câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người. Muốn tìm kiếm Chúa, ta phải chuyên tâm học hỏi và suy niệm Lời Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh. Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta trên bước đường đời. Chuyên tâm suy niệm và sống Lời Chúa sẽ giúp ta sống thánh thiện trọn lành.

“Hãy bừng sáng!”. Đây là lời mời gọi ngôn sứ Isaia gửi đến thành thánh Giêrusalem. Đây cũng là lời nhắn nhủ mà Giáo Hội gửi đến các tín hữu nhân dịp lễ Hiển Linh hôm nay. Đức Kitô là Ánh sáng muôn dân. Thiên Chúa đã phán qua lời ngôn sứ Isaia: « Này đây Ta đặt con làm ánh sáng muôn dân, để con đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất » (Is 49,6). Lời này đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Người là ánh sáng trần gian. Người đến để dẫn dắt nhân loại bước ra khỏi u tối của tội lỗi và của quyền lực sự chết. Nhờ Bí tích Thanh tẩy, mỗi Kitô hữu tiếp nhận ánh sáng của Đức Kitô, để rồi trong cuộc sống thường ngày, họ trở nên ánh sáng, phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa giữa cuộc đời còn nhiều tăm tối. Trở nên ánh sáng để soi sáng cho bản thân. Trở nên ánh sáng cũng để giúp người khác từ bỏ tội lỗi, nên con người hoàn thiện nhờ thấm nhuần giáo huấn của Chúa Giêsu. Ba nhà đạo sĩ đã nhờ ánh sao soi đường để đến thờ lạy Hài nhi Giêsu, Vua muôn dân. Ơn gọi của người tín hữu là trở nên ngôi sao toả sáng trong cuộc đời. Chúng ta đang sống trong Giáo Hội, tức là sống trong thành thánh Giêrusalem mới. Nếu cá nhân mỗi tín hữu toả sáng, thì Giáo hội của Chúa cũng sẽ toả sáng và làm điểm quy tụ cho muôn dân hướng về.

Thưa anh chị em, như ba nhà đạo sĩ, chúng ta hãy đến thờ lạy Chúa Giêsu, tôn vinh Người là lý tưởng của cuộc đời chúng ta. Nhờ lòng yêu mến và chuyên tâm tuân giữ Lời Chúa Giêsu, chúng ta sẽ trở nên giống như Người. Đó là vinh dự, đồng thời cũng là bổn phận của người Kitô hữu trong bối cảnh cuộc đời hôm nay.

2/ THÀNH TÂM THIỆN CHÍ SẼ GẶP CHÚA

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình ra. Việc Chúa sinh ra được loan báo cho mọi người biết dưới nhiều hình thức khác nhau như: lời các ngôn sứ loan báo từ nhiều thế kỷ trước, đạo binh thiên thần ca hát, ngôi sao lạ xuất hiện… Tuy nhiên không phải ai cũng gặp được Chúa.

Có những người không gặp Chúa, dù biết rõ những chỉ dẫn về Người.

Đó là những kinh sư, biệt phái. Họ hiểu biết Thánh Kinh. Khi ba nhà đạo sĩ đến hỏi thăm, họ đã đọc vanh vách lời ngôn sứ loan báo Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem. Nhưng họ không gặp được Chúa, vì họ hiểu biết lý thuyết mà không thực hành. Ngồi một chỗ mà không chịu lên đường. Chỉ chú ý tới chữ nghĩa sách vở mà không chú ý tới cuộc sống con người. Chỉ tìm trong sách vở mà không tìm những dấu chỉ trong đời thường.

Đó là Hêrôđê. Bạo vương này muốn tìm Chúa nhưng không gặp Chúa, dù ông có binh hùng tướng mạnh trong tay. Ông không gặp Chúa vì ông tìm Chúa không phải vì Chúa mà vì quyền lợi của ông. Ông tìm Chúa không phải để thờ lạy nhưng để giết chết. Ông tìm Chúa không phải để tôn vinh Chúa nhưng để tôn vinh bản thân. Ông tìm Chúa không phải để làm theo ý Chúa nhưng để bắt Chúa phải theo ý ông. Vì thế Chúa đã vượt thoát khỏi tầm tay của ông. Vĩnh viễn ông không gặp được Chúa.

Những người xem ra gần gũi nhất, hiểu biết nhất, có phương tiện nhất đã không gặp được Chúa. Trái lại, những người có vẻ nghèo hèn, thiếu thốn phương tiện, xa xôi cách trở lại gặp được Chúa. Đó là các mục đồng và đặc biệt ba nhà đạo sĩ mà ta nhớ đến trong thánh lễ hôm nay.

Họ đã gặp Chúa vì họ đã lên đường. Dù không biết lời tiên tri loan báo, không biết lời hứa, không thuộc Thánh Kinh, nhưng khi thấy ngôi sao lạ, họ đã lên đường ngay tức khắc. Lên đường nói lên thái độ ngoan ngoãn tuân theo ơn Chúa soi sáng. Lên đường nói lên thái độ dấn thân. Lên đường nói lên lòng cương quyết đi tìm. Lên đường là chấp nhận gian khổ để đạt được điều mơ ước.

Họ lên đường và đã gặp Chúa vì lòng họ khao khát. Khao khát chân lý nên đêm đêm họ không ngừng quan sát bầu trời tìm kiếm ánh sao, vì thế cả một bầu trời bao la, chỉ một ánh sao lạ xuất hiện, họ đã nhận biết. Khao khát chân lý nên khi Chúa vừa tỏ mình qua dấu hiệu ngôi sao, họ đã vội vã theo sát dấu ánh sao đi tìm. Khao khát gặp Chúa nên khi ánh sao vụt biến mất, họ đã không nản lòng, quyết tâm dò hỏi cho ra.

Họ đã gặp Chúa vì tâm hồn họ đơn sơ thành thực. Đi tìm Chúa chứ không tìm bản thân. Đi tìm Chúa để thỏa lòng khao khát chân lý chứ không để thỏa mãn những tham vọng đen tối. Đi tìm Chúa để thờ lạy Chúa chứ không vì lợi lộc cá nhân. Với tâm hồn đơn sơ, họ đã nhận ra ý Chúa, dù ý Chúa chỉ nhẹ nhàng qua một ánh sao. Với tâm hồn đơn sơ, họ đã nhận ra chính Chúa, dù Chúa có ẩn thân dưới hình dáng một em bé yếu ớt nghèo nàn, trong khung cảnh rất tồi tàn của chuồng bò hôi hám.

Đời sống đạo của tôi cũng là một cuộc đi tìm Chúa. Tôi sẽ chỉ gặp được Chúa nếu tôi noi gương ba vua, có tâm hồn đơn sơ thành thực, có lòng khao khát Chúa vì chính Chúa, và dám dấn thân thực hành những điều Chúa truyền dạy, đặc biệt là giới răn bác ái, phục vụ Chúa trong những anh em nghèo khổ.

Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường lối của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Tại sao những kinh sư, biệt phái và Hêrôđê không gặp được Chúa?

2) Có những người ngoại đạo thành tâm thiện chí như ba vua. Bạn đã gặp ai như thế chưa? Bạn nghĩ gì về họ?

3) Muốn gặp Chúa, bạn phải làm gì?

4) Ba vua nhờ ngôi sao dẫn đến gặp Chúa. Bạn phải làm gì để trở thành ngôi sao đưa người khác đến với Chúa?

3/ BƯỚC THEO ÁNH SAO GIÊSU

(Lm. Giuse Lê Danh Tường)

Ngày lễ Hiển Linh là ngày Thiên Chúa tỏ mình ra với con người. Thiên Chúa đến ở với con người và mời gọi con người đến với Ngài. Ngài mời gọi con người bằng những dấu chỉ trong cuộc sống. Đứng trước những dấu chỉ ấy, mỗi người phản ứng mỗi khác. Nhưng trên hết, Chúa muốn mỗi người đón nhận và lên đường đi theo sự chỉ dẫn của Ngài.

Ba thái độ khác nhau

Trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu ngày lễ Hiển linh nổi lên ba thái độ khác nhau của con người đứng trước lời mời gọi của Thiên Chúa qua dấu chỉ ngôi sao lạ.

Các kinh sư và biệt phái đọc Kinh thánh và đã nhận ra ngôi sao là dấu chỉ về việc Chúa tỏ mình ra, nhưng các ông không lên đường để tìm gặp Hài nhi. Các ông tự hào về sự hiểu biết của mình và dừng lại thoả mãn với lý trí. Các ông không gặp được thực tại cụ thể và sống động của một Thiên Chúa đầy tình thương. Cái biết của các ông đã trở nên vô dụng.

Vua Hêrôđê tìm hỏi về ý nghĩa dấu chỉ mà ngôi sao lạ xuất hiện và ông đã được giải nghĩa. Ông đã lên đường để tìm kiếm hài nhi, nhưng không để gặp gỡ một Thiên Chúa sống động, mà là để chống lại Thiên Chúa. Ông tìm gặp Thiên Chúa nhưng không phải để tìm gặp sự thật, không phải để trải nghiệm sự sống dồi dào nơi Thiên Chúa; nhưng để ông tìm kiếm bản thân, củng cố địa vị, duy trì quyền lực. Sự nhận biết như thế chỉ đẩy ông vào vực thẳm của tăm tối, của hận thù, của tan vỡ.

Các đạo sĩ nhận được dấu chỉ và các ông đã lên đường đi theo dấu chỉ. Các ông đã gặp Hài nhi, gặp được Thiên Chúa.

Vì sao lại có những thái độ khác nhau như vậy

Các kinh sư và biệt phái là những người có đạo, đọc Kinh Thánh thường xuyên nhưng họ không thực sự khao khát được gặp Chúa. Họ khao khát khám phá tri thức và bằng lòng với lối sống thực tại nên họ không lên đường đi tìm Chúa.

Hêrôđê  khao khát quyền lực và danh vọng chứ không khao khát Thiên Chúa, không khao khát chân lý và sự thật, nên ông sẵn sàng tìm giết Hài nhi, tàn sát Chân lý để củng cố địa vị quyền lực của mình.

Các đạo sĩ là những người khao khát chân lý, khao khát Thiên Chúa và dám lên đường để đi tìm chân lý, nên các ông đã tìm đến với Hài Nhi.

Thái độ cần phải có trong đời sống kitô hữu

Muốn là Kitô hữu thực thụ, người tín hữu cần có một tâm hồn khao khát Chúa, khao khát chân lý, khao khát sự thật.

Chỉ với một tâm hồn luôn khao khát Thiên Chúa người ta mới có thể nhận ra được những dấu chỉ Chúa gửi đến trong cuộc sống; người ta mới nhạy bén nhận ra lời mời gọi nhỏ nhẹ của Thiên Chúa. Cũng ngôi sao ấy, nhưng chỉ những tâm hồn khát khao gặp gỡ Thiên Chúa như các đạo sĩ mới nhận ra lời mời gọi đến gặp Hài nhi mới hạ sinh.

Nhưng nguyên khao khát Chúa thôi chưa đủ. Một thái độ luôn sẵn sàng lên đường đi tìm gặp

Chúa là điều tối cần thiết. Các đạo sĩ không ngồi chờ thụ động. Thấy ánh sao lạ, họ quyết tâm lên đường ngay để thực hiện cuộc tìm kiếm. Đối với họ, lên đường không là điều đơn giản. Họ phải ngưng công ăn việc làm, bỏ dở nhiều dự định, dấn thân vào xứ lạ, vượt sa mạc mênh mông khô cằn, đi nhưng chưa biết chắc địa chỉ mình đến.

Có lúc như tuyệt vọng: ngôi sao biến mất. Dầu vậy họ đã không nản lòng. Họ cứ tiếp tục lên đường và lòng kiên trì đã đưa họ tới đích. Họ đã gặp Thiên Chúa ở một nơi không phải cao sang, không phải cung vàng điện ngọc, nhưng là nơi máng cỏ, nơi hang đá giá lạnh; không phải là một ông hoàng nhưng là một hài nhi bé nhỏ; không phải vua chúa quan quyền vây quanh nhưng là hai người thường dân quê mùa cùng với lũ trẻ chăn chiên chăn bò. Chỉ có thái độ dám lên đường như các đạo sĩ, chúng ta mới gặp được Thiên Chúa.

Sự gặp gỡ Thiên Chúa sống động sẽ biến đổi đời sống chúng ta

Khi gặp được Chúa rồi, các nhà chiêm tinh đã được biến đổi trong đời sống nên các ông lên đường trở về theo lối khác.

Cuộc gặp gỡ Hài nhi, gặp gỡ Thiên Chúa đã đem lại cho các đạo sĩ một cuộc đời mới. Đời họ đã chuyển sang một hướng khác. Họ không đi về hướng cũ có sự truy lùng của Hêrôđê. Họ đã không về với con đường đầy hận thù, chia rẽ, quyền lực, danh vọng… Nhưng họ đi về với một con đường khác. Con đường có sự hiện diện của Thiên Chúa, con đường của niềm vui và bình an sâu thẳm trong tâm hồn.

Hôm nay đây, nếu ta thực sự gặp gỡ Thiên Chúa, Người cũng sẽ dẫn ta đi sang một lối mới. Đó là lối về bình an. Một sự đổi mới thực thụ sẽ diễn ra trong ta. Để rồi nhờ đó, ta có thể trở nên ánh sao sáng giữa những người đang sống xung quanh ta. Nhờ ánh sao đức tin trong tâm hồn ta mà người chưa biết Chúa có thể tìm đường đến với Chúa.

Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta. Nếu chúng ta khao khát Ngài, sẵn sàng lên đường tìm kiếm Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ gặp Ngài. Sự gặp gỡ Thiên Chúa sẽ cho chúng ta một cuộc sống mới, cuộc sống bình an thực thụ ngay giữa cuộc sống đầy giông tố của ngày hôm nay.

Lạy Chúa, xin soi sáng lòng trí con. Xin thúc đẩy con lên đường rời xa cuộc đời cũ để con được sống cuộc đời mới trong bình an của Chúa.

4/ HÃY ĐỨNG LÊN, HÃY TỎA SÁNG RA

Các bài đọc của lễ Hiển Linh đều hướng về một chủ đề chính: “Chúa Kitô là ánh sáng chiếu soi muôn dân”. Nơi bài đọc I được trích từ sách tiên tri Isaia: “Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra” (Is 60,1-6).

Đó là lời tiên tri Isaia loan báo về tương lai huy hoàng của Giêrusalem. Giêrusalem có được như vậy, được trở thành trung tâm của muôn dân đổ dồn về đó là vì nhờ Giêrusalem có Thiên Chúa hiện diện ở giữa. Không có Thiên Chúa hiện diện thì Giêrusalem vẫn chỉ như bao thành khác. Ánh sáng mà Giêrusalem nhận được từ Chúa đã chiếu soi muôn người, ánh sáng đó lôi kéo tất cả mọi người, không trừ một ai đến với Chúa. Giêrusalem ngày xưa là hình ảnh của Giáo Hội, vì Giáo Hội là nơi qui tụ tất cả mọi dân tộc.

Lời tiên tri Isaia loan báo về tương lai huy hoàng cho Giêrusalem được ứng nghiệm trong biến cố các vua từ Phương Đông tìm đến Vua dân Do Thái mới sinh đã được thánh sử Luca ghi lại (x.Lc 2,1-12).

Gặp được Chúa Giêsu và thờ lạy Ngài, đó là mục đích cuối cùng của đời người chúng ta, và đó cũng là trung tâm của bài Tin Mừng Lễ Hiển Linh hôm nay. Các mục tiêu cuối cùng trên, chúng ta thấy có những nhân vật nổi bật như vua Hêrôđê, các trưởng tế và luật sĩ tại Giêrusalem, các đạo sĩ từ Phương Đông. Mỗi một người trong hoàn cảnh riêng của họ đều được Chúa mạc khải cho, được Chúa mời gọi đến với Ngài bằng những con đường khác nhau. Các đạo sĩ nhờ ngôi sao sáng của thiên nhiên trong vũ trụ, một kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa. Các trưởng tế và luật sĩ thì qua con đường mạc khải của Kinh Thánh, qua lời dạy của các tiên tri mà họ biết nằm lòng. Vua Hêrôđê thì qua chứng tá của những kẻ qua con đường gặp Chúa, qua chứng tá của các đạo sĩ và các trưởng tế, luật sĩ tại Giêrusalem. Nhưng rồi chỉ có các đạo sĩ là đi đến cùng con đường, là gặp được Chúa Giêsu và thờ lạy Ngài.

Chúa ban cho mỗi người, cho mọi người con đường để gặp Ngài, nhưng chỉ có những ai thành tâm thiện chí và can đảm đi đến cùng, đi trọn con đường thì mới thành công trong việc gặp gỡ được Chúa.

Trong ngày Lễ Ba Vua hay Lễ Hiển Linh hôm nay, chúng ta trước nhất vui mừng vì thấy rõ hành động Thiên Chúa không dành riêng ân sủng của Ngài cho một nhóm người nào, nhưng Ngài kêu gọi tất cả mọi người đến với Ngài, đồng thời chúng ta cần tự vấn chính mình về thái độ trước Chúa Kitô, chúng ta đã thực sự gặp Chúa và tôn thờ Ngài hay chúng ta cũng có thái độ giống như vua Hêrôđê xem Chúa như là kẻ thù, như là người cản trở sự thành đạt của mình, vì đó mà hành động ngấm ngầm chống lại Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con được bắt chước thái độ của các đạo sĩ ngày xưa muốn ra đi khỏi nơi an toàn tự nhiên của mình để gặp Chúa và tôn thờ Chúa tại nơi mà Chúa muốn dùng để mạc khải cho chúng con về Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con được gặp Chúa và tôn thờ Chúa là Đấng cứu rỗi duy nhất đời con. Amen.

 

bài liên quan mới nhất

Giáo phận Bắc Kinh chuẩn bị Ngày cầu nguyện cho ơn gọi: “Sứ mệnh bước theo Chúa Kitô”

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng