Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng – Năm A

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng – Năm A

(Is 35, 1-6a. 10; Gc 5, 7-10; Mt 11, 2-11)

“Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi một Ðấng nào khác?”

 

1/ DUNG MẠO ĐỨC KITÔ

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thánh Gioan Tiền Hô là một vị tiên tri cương trực. Ngài không hề run sợ trước thế lực, cường quyền. Ngài chỉ quan tâm một điều: làm chứng cho chân lý. Khi Hêrôđê Antipas cướp vợ của người anh, thánh nhân đã không ngần ngại lên tiếng công kích hành động vô luân của nhà vua. Vì thế mà thánh nhân bị bắt giam trong ngục Machéronte. Khi bị giam trong ngục, thánh nhân vẫn theo dõi những hoạt động của Chúa Giêsu. Hôm nay thánh nhân sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi gây ngỡ ngàng cho ta: “Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải chờ đợi một Đấng khác?”.

Thật lạ lùng đến khó hiểu. Người đi mở đường, người giới thiệu Đấng Cứu Thế nay lại nghi ngờ Người mà mình giới thiệu. Đó là bi kịch của thánh Gioan Tiền Hô. Câu hỏi cho thấy thánh nhân ở trong một tâm trạng hoang mang. Đức tin của ngài chao đảo. Nửa tin nửa ngờ.

Sự hoang mang của thánh Gioan Tiền Hô đến do hai nguyên nhân sau:

1) Nguyên nhân thứ nhất: Chúa Giêsu có những việc làm khác với lời Gioan loan báo.

Thánh Gioan Tiền Hô đã loan báo một Đấng Cứu Thế uy nghiêm, đến để trừng phạt nhân loại. Trong Phúc Âm tuần trước, thánh nhân đã răn đe người Do Thái: Búa rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn cho vào lò lửa. Thiên Chúa đến cầm sàng mà rê thóc. Thóc sẽ được cho vào kho, còn rơm, trấu sẽ bị cho vào lò lửa đốt đi. Sứ điệp quả thật là dữ dội, bởi loan báo ấy đã gây xôn xao sợ hãi. Thế mà khi Chúa Giêsu đến, Người đã hành động khác hẳn. Không oai phong, quyền lực, Chúa Giêsu tỏ ra là Đấng Cứu Thế tràn đầy lòng nhân từ: “Người không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”. Gioan Tiền Hô loan báo sự trừng phạt. Nhưng Chúa Giêsu lại đến để cứu chữa, tha thứ. Chúa Giêsu nói: “Con người đến không phải để lên án, nhưng để cứu chữa”. “Chỉ những người bệnh mới cần đến thầy thuốc”. Thật là trái ngược. Trách nào Gioan chẳng hoang mang.

2) Nguyên nhân thứ hai: Gioan bị giam trong tù.

Ông bị ngược đãi, tất nhiên. Hơn nữa ông cảm thấy mình thất bại. Đi rao giảng sự công chính nhưng chỉ gặp bất công. Đi rao giảng ơn giải thoát nhưng lại bị giam cầm. Hết rồi những sứ điệp rực lửa. Hết rồi thời hy vọng tràn đầy. Thê thảm hơn nữa, ông tự hỏi: Sao Đấng Cứu Thế không đến giải thoát mình? Sao Ngài để cho sứ giả của Ngài mòn mỏi trong tù? Sao Ngài để cho bạn hữu bị khinh miệt cười chê? Lời sấm của Isaia còn rành rành: “Đấng Cứu Thế sẽ mở cửa phóng thích tù nhân”. Thế mà sao chờ đợi hoài chẳng thấy. Và Gioan nghi ngờ: hay Ngài không phải là Đấng Cứu Thế. Bị giam cầm, bị ngược đãi, Gioan còn có thể chịu được. Nhưng mối nghi ngờ gặm nhấm, thiêu đốt tâm hồn ông. Ông e sợ mình đã lầm đường, lầm người. Không nén lòng được, ông đã sai môn đệ đến hỏi thẳng Chúa Giêsu: “Ngài có phải là Đấng Cứu Thế, hay chúng tôi phải chờ đợi một Đấng khác?” Câu hỏi táo bạo nhưng quan trọng, vì quyết định cả ý nghĩa cuộc đời Gioan.

Trước câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp. Nhưng chỉ yêu cầu các sứ giả về thuật cho Gioan những việc Ngài làm: “Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.

Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của Isaia về Đấng Cứu Thế. Đồng thời cũng thanh luyện cái nhìn của ông về dung mạo Đấng Cứu Thế.

Đấng Cứu Thế không phải là vị vua oai phong từ trời ngự xuống trên đám mây. Nhưng chỉ là một hài nhi bé nhỏ sơ sinh xuất hiện giữa loài người như một mầm cây bé bỏng.

Đấng Cứu Thế không phải là vị vua sang trọng ngự trong cung điện nguy nga. Nhưng chỉ là anh thợ mộc nghèo hèn sống trong một làng quê hẻo lánh.

Đấng Cứu Thế không phải là vị quan tòa oai nghiêm hét ra lửa, thở ra khói. Nhưng chỉ là một lương y hiền từ đến chữa lành những vết thương, an ủi những ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi.

Đấng Cứu Thế không đến trong vinh quang huy hoàng, trong chiến thắng rực rỡ. Nhưng chỉ âm thầm và tình nghĩa như một người bạn thân thiết.

Đấng Cứu Thế không đến trong hàng ngũ những người quý phái có địa vị cao trọng trong xã hội. Nhưng lui tới với những người bé nhỏ nghèo hèn, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội.

Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến tôi tỉnh ngộ. Chúa Giêsu đã cho tôi một hình ảnh trung thực về dung mạo Đấng Cứu Thế. Qua câu trả lời đó, Chúa Giêsu cũng muốn nói với tôi rằng: Nếu con muốn Giáo Hội là hình ảnh đích thực nguyên tuyền của Thày, con hãy xây dựng một Giáo Hội không quyền lực, không tiền bạc, không phô trương. Hãy làm cho Giáo Hội mang dung mạo của Thày: một dung mạo khiêm tốn, nghèo hèn, bình dị, thân ái và nhân từ. Nếu con muốn tiếp tục sứ mạng của Thày, hãy chạy trốn quyền lực, hãy sợ hãi tiền bạc, hãy tránh thói phô trương. Hãy yêu thích những việc âm thầm bé nhỏ. Trước hết hãy đến với những người nghèo hèn. Hãy bắt đầu bằng tình thương. Vì chỉ có tình thương mới cứu được thế giới.

Ta đang chờ đón Chúa đến. Hãy cảnh giác. Chúa không đến trong một biến cố kinh thiên động địa. Chúa không có những pha biểu diễn ngoạn mục. Chúa không đến trong những thành công rực rỡ. Chúa không đến trong uy tín hay quyền lực. Chúa sẽ chỉ đến rất âm thầm, bé nhỏ nhưng đầm ấm tình người. Chúa sẽ đến trong một bàn tay kín đáo nâng đỡ. Chúa sẽ đến trong một nụ cười khích lệ. Chúa sẽ đến trong một cái bắt tay thân ái. Chúa đến chỉ thoáng qua. Nơi nào có dấu hiệu của tình thương, nơi đó đang vẽ nên dung mạo của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận ra dung mạo đích thực của Chúa, để con biết đón tiếp Chúa trong Mùa Giáng Sinh năm nay. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Đức Thánh Cha đã khiêm nhường xin lỗi Trung Quốc. Bạn nghĩ sao về cử chỉ này? Cử chỉ của Đức Thánh Cha có làm tổn thương đến uy tín của Giáo Hội không?

2) Bạn muốn một Giáo Hội yêu thương phục vụ hay một Giáo Hội cai trị quyền uy?

3) Bạn nghĩ gì về những lầm lỗi trong Giáo Hội?

4) Bạn phải làm gì để làm chứng cho Chúa. Bằng những việc lớn lao hay bằng những việc nhỏ bé hằng ngày?

2/ SỰ SÁM HỐI CHÂN THÀNH

( Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Người xưa thường nói “cái nết đánh chết cái đẹp” nhưng hôm nay người ta lại nói: “Cái đẹp đè bẹp cái nết”, và ngày xưa người ta nói: “Hồng nhan bạc phận”, còn ngày nay người ta nói: “Hồng nhan bạc triệu”. Đôi khi xấu người còn bị xem thường như trong chuyện vợ xấu Vũ Trọng Phụng đã miêu tả thật mỉa mai như sau: Chị Doãn là một người đàn bà, có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp trai…”. Đàn bà mà có nhan sắc của đàn ông thôi cũng đủ là thiệt thòi quá rồi, lại thêm “người đàn ông không đẹp trai” thế thì coi như tiêu tùng về phần nhan sắc luôn rồi.

Vì cái đẹp thể xác được ưa chuộng nên chúng ta thấy ngày nay người ta chỉ chú trọng làm đẹp thể xác mà quên đi điều quan trọng là cần có một tâm hồn đẹp. Họ mặc áo lụa là, gấm vóc, sang trọng nhưng tâm hồn thì nhếch nhác bởi biết bao tội lỗi chồng chất. Họ chú trọng rửa tay chân mà quên rửa sạch tâm hồn. Cái nết không được dạy dỗ, uốn nắn nên ngày nay chúng ta thấy xã hội đầy những con người xấu và gương xấu tràn lan.

 Lời kêu gọi sửa lại cách sống dường như cũng đang vang lại cho nhân thế hôm nay. Gioanmời gọi mọi thành phần dân Do thái hãy làm đẹp phẩm chất của mình để đón tiếp Đấng Messia. Đối với đám đông dân chúng hãy biết sống chia sẻ với nhau. Hãy sống đùm bọc nhau trong tình bác ái chân thành qua việc chia sẻ cơm ăn, áo mặc. Đối với người thu thuế và người giầu có hãy sống công bình bác ái. Đừng cho vay nặng lãi. Hãy sống bằng một trái tim nhân ái biết xót thương kẻ bần cùng lầm than. Đối với binh lính, Gioan đề nghị hãy biết thương dân, đừng hà hiếp bóc lột, đừng sống theo kiểu tham quan vô nại, hãy sống theo chức vụ của mình là để bảo vệ và gìn giữ sự an ninh cho dân làng.

Nghe lời Gioan ai nấy đều muốn thay đổi lối sống cho đẹp lòng Đấng Messia. Từng đoàn người đến sông Giordan. Trong đó có đủ mọi thành phần già trẻ, lớn bé. Quyền qúy cao sang và đói khổ bần hàn. Tất cả đều cúi mình sám hối. Tất cả đều muốn thay đổi lối sống. Sửa lại những quanh co gian trá của lòng người. Lấp đầy những hố sâu của ngăn cách bằng tình yêu chân thành. Và san bằng núi đồi kiêu căng bằng đời sống hoà hợp mến yêu. Một bầu khí thật vui tươi và an bình trải rộng khắp giòng sông Giordan. Một niềm hy vọng cho một thế giới không còn bất công, không còn hận thù chỉ còn có sự chia sẻ, cảm thông trong yêu thương chân thành. Một bầu khí hứa hẹn những ngày tháng thanh bình như lời tiên tri Isaia đã nói: “sói nằm chung với chiên con. Trẻ con thò tay vào hang rắn độc. Người ta sẽ lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy và nhân loại sẽ cùng nhau hát vang tiếng hát hoà bình”.

Hôm nay, Giáo hội cũng gợi lại hình ảnh đó để nhắc nhở con người thời nay. Chúa đã đến với chúng ta hôm nay qua tha nhân, qua các bí tích. Chúa sẽ đến với chúng ta trong ngày cuối cùng của đời người dương gian, và Chúa sẽ đến trong uy nghi vinh hiển trong ngày quang lâm. Vậy có ai đó đã tự hỏi lòng mình: tôi phải làm gì để đón tiếp Chúa? Nếu chúng ta tin rằng Chúa đã giáng sinh và đang ở cùng  chúng ta, liệu rằng chúng ta có gì để dâng cho Chúa? Có lẽ Chúa không cần chúng ta xây nhà nguy nga lộng lẫy cho Chúa. Chúa cũng không cần chúng ta trải thảm lót đường cho Chúa. Chúa chỉ cần chúng ta dâng cho Chúa tấm lòng thanh sạch không vương vấn tội nhơ. Một con tim tràn đầy tình yêu thương đồng loại. Một tấm lòng muốn sửa đổi, muốn thăng tiến bản thân cho tốt hơn, cho đúng với giáo huấn và lề luật của Chúa.

Xin cho chúng ta cũng biết sửa đổi tính hư nết xấu để trở thành người đẹp trước mặt Chúa và tha nhân. Chúng ta cũng cầu nguyện một cách đặc biệt cho các bạn trẻ đang lầm đường lạc lối, đang nghiện ngập được ơn hoán cải, cho những người cha đang say xưa rượu chè, cờ bạcbiết sống có trách nhiệm với gia đình, và cho  những người tham lam cho vay nặng lãi, những người có chức có quyền đang hà hiếp kẻ yếu hèn biết sống lòng xót thương. Xin cho họ được ơn hoán cải để họ luôn là người đẹp trước mặt anh em. Amen

3/ CHÚA LÊN TIẾNG

(Bông hồng nhỏ)

Cuộc đời luôn có những thăng trầm thử thách. Chính những thử thách sẽ làm cho cuộc đời ta thêm ý nghĩa, qua thử thách ta được trưởng thành hơn. Cũng giống như bao vị ngôn sứ khác, ông Gioan Tẩy Giả cũng gặp thử thách khi bị bách hại. Sau một thời gian miệt mài rao giảng kêu gọi người ta sám hối để đón chờ Đấng Mêsia, ông bị tống ngục vì đã dám lên tiếng phản đối trước hành động sai trái của vua Hêrôđê. Ngồi trong ngục thất, ông Gioan chờ đợi câu trả lời của Đức Kitô.

Thánh Mátthêu thuật lại: “Đang ngồi tù, ông Gioan nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Cảnh tù đày đã khiến cho ông thực sự gặp thử thách, ông rơi vào hoang mang. Đức Kitô là Đấng mà ông đã từng làm chứng: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thật rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,34), chính ông cũng đã giới thiệu về Đức Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29).  Phải chăng, Đức Kitô thật sự đã quên vị Tiền hô của mình?

Khi gặp thử thách, vị ngôn sứ của Chúa vẫn luôn lắng tai nghe thánh ý Thiên Chúa dành cho mình. Ông Gioan đã dành cả cuộc đời để vâng theo thánh ý của Thiên Chúa và ông đã đón nhận cái chết trong cảnh tù đày. Sứ mạng của ông đã hoàn tất. Chúa Giêsu đã hết lời khen ngợi vị ngôn sứ của mình và làm chứng cho ông: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11). Theo Chúa, ta cũng sẽ gặp những thử thách vì chính Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” ( Mc 10,29-30).Ta có tin rằng chính Chúa sẽ lên tiếng bênh vực ta trong lúc ta bị bách hại không? Hãy cảm nếm sự hiện diện của Chúa trong từng chi tiết nhỏ của cuộc sống và để Ngài lấp đầy tâm hồn ta. Chúa vẫn lên tiếng trả lời ta, điều quan trọng là ta phải biết lắng nghe và khao khát nghe Lời Chúa.

Lạy Chúa Giêsu! Cảm tạ Chúa đã lên tiếng bênh vực con trong những lúc con gặp bước ngặt nghèo. Lời Chúa vẫn làm vang vọng lên trong tâm hồn con niềm tin và hy vọng, chiếu sáng cho con nhìn thấy con đường phải bước tới. Xin Chúa biến đổi tâm hồn con và nâng đỡ con những khi con vì Chúa và vì Tin Mừng mà gặp thử thách. Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến! Amen.

4/ MONG ĐỢI

(Lm. Vũ Đình Tường)

Thánh Gioan Tiền Hô đi trước Đấng Cứu Thế, rao giảng chuẩn bị tâm trí mọi người đón nhận Đấng Cứu Thế khi Ngài đến. Gioan rao giảng

‘Hãy thống hối, vì nước trời đã đến gần’ Mat 3,1.

Gioan kêu gọi mọi người thống hối, nhận phép rửa từ ông như là dấu chỉ của thống hối, ăn năn, trở về con đường công chính. Gioan tin tưởng Đấng Cứu Thế sắp đến và khi Ngài đến, Ngài sẽ đến với oai phong, dũng mạnh và quyền lực. Nhắc lại bài đọc tuần trước, Gioan rao giảng

‘Cái rìu đã đặt sát gốc cây, cây nào không sanh quả tốt đều bị chặt, quăng vào lửa… tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa… thóc lép bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt. Mat 3,11.

Vua Hêrôđê bắt giam Gioan vào ngục tối vì ông can đảm ngăn cản vua cưới chị dâu, bà Herodias là vợ của anh trai. Mat 14,1-12. Lí do khác có lẽ do tiếng vang của Gioan. Hêrôđê sống trong lo sợ, ngày nào đó ngai vàng của ông sụp đổ vì theo ông, đám đông tin theo, đặt kì vọng vào Gioan, và họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì Gioan kêu gọi, ngay cả việc nổi loạn chống lại nhà vua. Hêrôđê sợ đám đông và cũng sợ mất ngai vàng.

Gioan tin là khi Đấng Cứu Thế đến Ngài sẽ sửa phạt những tâm hồn cứng đầu, bởi lòng dạ họ ra chai đá, không chịu thống hối, đón nhận tin mừng. Trong ngục thất, Gioan nghe tiếng đồn thổi về Đức Jesu. Ngài đến không mang sửa phạt, mang lửa thiêu đốt, trái lại Ngài đến để tha thứ, chữa lành và chung bàn ăn với phường gian ác, kẻ tội lỗi. Điều này nằm ngoài mong đợi của Gioan, vì thế ông thắc mắc và sai môn đệ của mình đến gặp Đức Kitô hỏi cho rõ lẽ xem, Ngài là Đấng Cứu thế hay ông còn phải đợi Đấng khác. Trả lời môn đệ Gioan, Đức Kitô không xác nhận, cũng không từ chối. Ngài nói với họ, về thuật lại cho Gioan biết những gì các ông nghe và thấy:

Người mù xem thấy, kẻ què đi được, phong hủi được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo được Tin Mừng Lc 11,5.

Đức Kitô đến rao giảng tình yêu vô biên của Thiên Chúa, lòng Chúa xót thương vô bờ. Đấng rộng lượng, từ bi . Ơn gọi của Đức Kitô là tái tạo trật tự vũ trụ do tội lỗi gây ra, và lấy lại sự sống trường sinh cho nhân loại. Lí do khác khiến Gioan bất an bởi ông bị cầm tù, lo lắng không làm tròn nhiệm vụ rao giảng mở đường cho Đấng Cứu Thế. Đại đa số trong chúng ta, cuộc sống khổ sở ngục tù, thiếu ăn, thiếu ngủ, bệnh tật hành hạ, ghẻ lở, đe doạ, đánh đập, ảnh hưởng đến tâm trí họ, phán đoán bị lung lạc. Gioan có lẽ không qua tâm nhiều đến an toàn bản thân. Ngài không sợ chết rũ tù, nhưng sợ không hoàn thành trách nhiệm rao giảng và đó là mối quan tâm hàng đầu của ông. Sai môn đệ đến gặp Đức Kitô với hy vọng làm sáng tỏ vấn đề ông đang quan tâm. Một khi Gioan chắc chắn, Đấng Cứu Thế đã đến, ông cũng biết và an tâm mình đã hoàn thành sứ mạng và ngày ra đi gần kề. Sau khi môn đệ Gioan đi khỏi, Đức Kitô ca ngợi Gioan trước đám đông. Gioan, một thân, một mình, không quân đội, không giữ chức vụ nào trong chính quyền, thế mà nhà vua lo lắng, sợ sệt. Một người có đám đông ủng hộ, tiếng tăm vang lừng, dẫu thế Đức Kitô nói với mọi người, người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn những gì Gioan nhận được từ trần thế. Những ai chân thành đón nhận Đấng Cứu Thế vào trong cõi lòng sẽ nhận được vinh quang nước trời. Đó là phần thưởng dành cho những tâm hồn tín trung.

 

bài liên quan mới nhất

Ngày 20/4: Thánh Anê Môntepuxiano (1268-1317)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng