Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A

(Is 11, 1-10; Rm 15, 4-9; Mt 3, 1-12)

“Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”.

 

1/ TÌM MỘT CON ĐƯỜNG

(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

“Tìm một con đường, tìm một lối đi

ngày qua ngày, đời nhiều vấn nghi

lạc loài niềm tin, sống không ngày mai

sống quen không ai cần ai”

Đó là lời mở đầu bài hát “Và con tim đã vui trở lại” của Đức Huy. Bài hát mở ra một cái nhìn lạc quan giữa cuộc sống còn đầy nghi ngờ, chia rẽ và hận thù. Vâng, giữa bối cảnh hỗn độn và đầy vấn nghi đó, cần phải tìm một con đường để đem lại niềm vui cho con người, giúp họ sống tích cực yêu thương, bất kể trong hoàn cảnh nào.

Mỗi khi Mùa Vọng về, lại thấy xuất hiện hình ảnh Gioan Tẩy giả trong Phụng vụ. Vị ẩn sĩ này khiêm tốn chỉ nhận mình là một tiếng kêu trong sa mạc. Sa mạc là nơi hoang vu bát ngát, chỉ có nắng, gió và cát. Một tiếng kêu trong sa mạc nhiều khi như vô vọng và vô ích. Tuy vậy, tiếng kêu ấy vẫn vang lên, và đã lôi kéo nhiều người trở lại với Chúa. Ông được gọi là vị “Tiền hô”, nghĩa là người đi trước mở đường. Gioan Tẩy giả kêu gọi: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối thẳng để Người đi”. Con đường mà vị ẩn sĩ này nói đến, chính là con đường tâm hồn. Ông đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể với dân chúng và với từng hạng người đang xếp hàng xin ông thanh tẩy. Tựu trung những lời khuyên nhắm tới tâm tình sám hối, sửa lại những sai lầm, thay đổi cuộc sống và thân thiện với tha nhân. Lời phê phán của ông rất nghiêm khắc: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: chúng ta đã có tổ phụ Abraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây. Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”. Qua những lời này, ông cảnh báo: một thứ đạo đức bề ngoài không có khả năng cứu rỗi con người, nhưng cần có tâm tình đạo đức và đời sống nội tâm, thiện chí quay về với Chúa và phục thiện.

Mùa Vọng là mùa tìm một con đường để đến với Chúa, nhưng cũng là dọn một con đường để Chúa đến với mình. Thiên Chúa là Cha, luôn bao dung chờ đợi và giang rộng vòng tay ôm lấy các tội nhân để họ trở về và được tha thứ. Tuy vậy, nhưng tâm hồn ngổn ngang bề bộn những đam mê dục vọng hoặc đầy ắp những hận thù thì không thể đón Chúa. Khi thiện chí canh tân đời sống và thanh tẩy tâm hồn, chúng ta sẽ được đón Chúa đến. Con đường Chúa đến tâm hồn ta sẽ thênh thang rộng mở.

Và con tim đã vui trở lại

tình yêu đến cho tôi ngày mai

tình yêu chiếu ánh sáng vào đời

tôi hy vọng được ơn cứu rỗi.

Và con tim đã vui trở lại

và niềm tin đã dâng về người

trọn tâm hồn, nguyện yêu mãi riêng người mà thôi…

Nhạc sĩ Đức Huy không trực tiếp nhắc đến Chúa trong ca từ của ông, nhưng chúng ta thấy hiện rõ hình ảnh của một Đấng là đối tượng của tình yêu và niềm tin tuyệt đối. Đấng ấy, người Kitô hữu gọi là Cha. Hình ảnh “dẫu như tôi phải đi qua vực sâu tối, tôi vẫn không sợ hãi gì vì người gần bên tôi mãi” chính là ý tưởng của Thánh vịnh 23, câu 4 mà chúng ta vẫn thường xuyên hát trong Đáp ca của Thánh lễ cầu hồn.

Một khi có Chúa đến trong tâm hồn, con tim chúng ta sẽ được phục hồi và vui trở lại. Tình yêu đến thức tỉnh chúng ta và chúng ta sẽ nhận ra Chúa đang hiện diện trong cuộc đời. Đó là kết quả của thiện chí sám hối phục thiện.

Xã hội hôm nay đang có nguy cơ bị hoang mạc hóa. Mỗi người tín hữu được mời gọi trở nên một tiếng kêu giữa sa mạc để giới thiệu Chúa và chuẩn bị con đường cho Ngài đến giữa con người. Ta hãy xem ngôn sứ Isaia diễn tả một xã hội mơ ước trong tương lai, khi Chúa đến: “Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương”. Vâng, chính chúng ta hãy cộng tác với Chúa để làm cho hình ảnh ấy trở thành hiện thực. Giáo Hội của Chúa Giêsu, xuyên suốt lịch sử, vẫn đang cố gắng để làm giảm thiểu bạo lực và chiến tranh. Giáo Hội cổ võ hòa bình và phát triển, giúp con người xích lại gần nhau hơn để sống trong sự thân thiện hài hòa. Nhờ lời cầu nguyện và cộng tác của Giáo Hội, các cường quốc trên thế giới đã có thể bàn bạc với nhau tìm ra những giải pháp xây dựng hòa bình và góp phần thăng tiến phẩm giá con người. 

Hãy cùng tìm một con đường để dẫn đưa cuộc sống này tới niềm vui. Con đường ấy chính là Chúa Giêsu. Chính Người đã tuyên bố là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Nhờ con đường Giêsu mà chúng ta gặp Chúa Cha là suối nguồn hạnh phúc và là nguồn mạch của sự thánh thiện. Đến với Chúa Giêsu, chắc chắn tâm hồn chúng ta sẽ được bình an, và con tim chúng ta sẽ vui trở lại sau những tháng năm u buồn. Hạnh phúc sẽ tràn trề như đại dương và tình yêu sẽ nối kết muôn người.

2/ CÁC SỨ ĐIỆP CỦA GIOAN TIỀN HÔ 

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Các nước đang phát triển có hướng đô thị hóa rất mạnh. Dân quê bỏ đồng ruộng ra thành thị. Chính phủ lo đô thị hóa nông thôn. Càng phát triển, người ta càng có khuynh hướng tiêu thụ rất mạnh: ăn sang, mặc đẹp. Vậy mà Phúc Âm hôm nay đưa ra hình ảnh thánh Gioan Tiền Hô, một người sống trong sa mạc, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo da thú. Phải chăng là Phúc Âm đã lỗi thời, đi ngược với đà tiến hóa của nhân loại?

Để trả lời cho vấn nạn này, trước hết ta hãy cùng nhau đào sâu những sứ điệp Phúc Âm được nhắn gửi qua đời sống của thánh Gioan Tiền Hô. Thánh Gioan Tiền Hô tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Đây không phải là một tiếng kêu vô hồn vô nghĩa. Nhưng là tiếng kêu có nội dung, là những sứ điệp gửi đến loài người.

1) Sứ điệp thứ nhất mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy vào sa mạc.

Vào sa mạc là sống với thiên nhiên, sống hòa hợp với đất trời, bảo vệ cây cỏ, dã thú. Trong nền văn minh tiêu thụ hiện nay, người ta khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không nghĩ đến tái tạo. Thiên nhiên đang bị hủy diệt, rừng xanh đang lâm nguy, súc vật đang kêu cứu. Trong bối cảnh ấy, sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô có giá trị như một thức tỉnh con người trước sức tàn phá của nền văn minh tiêu thụ.

Vào sa mạc là tìm nơi yên tĩnh mà nghỉ ngơi. Vì các đô thị lớn đã hoàn toàn bị ô nhiễm: ô nhiễm vì tiếng động, ô nhiễm vì khói xăng, ô nhiễm vì rác rưởi, ô nhiễm vì bụi bặm.

Thế nhưng sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô vượt lên trên những nhu cầu của xã hội, của sức khỏe để nhắm vào đời sống tâm linh con người. Nhịp sinh hoạt trong xã hội công nghiệp càng ngày càng tăng tốc độ. Con người luôn luôn vội vã đuổi theo công việc. Vì thế dễ rơi vào tình trạng sống hời hợt bề mặt. Không có thời giờ lắng xuống bề sâu. Vào sa mạc tâm linh, tức là tạo cho mình một thời gian và một không gian yên tĩnh. Dứt lìa những bận bịu lo toan trong cuộc sống để trở về với mình, đối diện với lòng mình.

Sa mạc không có đường đi. Nên người đi vào sa mạc sẽ đi theo con đường Chúa chỉ dẫn. Như xưa dân Do Thái lang thang 40 năm trong sa mạc, không biết đường đi, chỉ biết đi theo áng mây cột lửa nên đã tìm thấy đường đi về với Chúa, đã gặp được Chúa, đã thành dân của Chúa. Như tiên tri Êlia chạy trốn trong sa mạc đã chẳng tìm được đường thoát thân. Nhưng đã được Chúa chỉ cho con đường hy vọng. Như Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày, nên đã tìm thấy con đường của Chúa Cha là hy sinh, khiêm nhường, sống trọn tình con thảo.

Cũng vậy, người vào sa mạc tâm linh sẽ gặp mình và trong sâu thẳm lòng mình sẽ gặp được Chúa. Vì Chúa còn thân thiết với ta hơn chính bản thân ta. Vì Chúa còn sâu xa hơn chính nội tâm ta.

2) Sứ điệp thứ hai mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sống khổ hạnh.

Ta tưởng sống khổ hạnh đã đi vào quá khứ. Thực ra các nước văn minh đang đi vào con đường của thánh Gioan Tiền Hô. Một trong các vấn đề lớn của người phương tây hiện nay là giữ sao cho khỏi lên cân, để khỏi bị cholesterol, để khỏi bị chứng bệnh xơ cứng động mạch, để ngăn chặn bệnh tiểu đường, để khỏi bị mỡ bao tim, người ta đã phải kiêng ăn, bớt uống.

Ăn uống đơn sơ đạm bạc không những có lợi cho sức khỏe mà còn giúp ta tiết kiệm để chia sớt với những vùng thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng vượt lên trên tất cả sức khỏe thân xác lẫn đạo đức liên đới xã hội, nếp sống khổ hạnh trước hết và trên hết nhắm phục vụ đời sống tâm linh. Ăn uống là nhu cầu căn bản của con người. Nó thuộc về bản năng sinh tồn. Ăn uống đứng đầu các khoái lạc. Khi làm chủ được ăn uống, người khổ hạnh cũng dễ tiến tới làm chủ được bản thân. Chế ngự được bản năng ăn uống, ta sẽ dễ chế ngự được tham, sân, si khác trong con người. Đó là bước khởi đầu trên con đường đức hạnh dẫn ta đến gặp Chúa và trở nên thân thiết với Chúa.

3) Sứ điệp thứ ba mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sám hối.

Phải sám hối vì con người là lầm lỗi, là xa lạc. Các thánh chính là những vị không ngừng sám hối để đổi mới bản thân cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng.

Phải sám hối vì đó là điều kiện tiên quyết để đón nhận Tin Mừng, để được vào Nước Trời.

Có hai đặc tính giúp xác định một sám hối đúng nghĩa:

Đặc tính thứ nhất là triệt để. Sám hối không phải là ngồi đó mà than khóc. Nhưng là thay đổi đời sống. Không phải thay đổi một phần mà thay đổi trọn vẹn. Là đổi mới hoàn toàn. Sám hối phải triệt để như dân thành Ninivê, bỏ hết việc ăn chơi, bỏ đàn hát, đọc kinh cầu nguyện, xức tro, mặc áo nhặm. Sám hối phải triệt để như Phaolô, bỏ hẳn ngựa, gươm, bỏ hẳn nếp sống cũ, bỏ hẳn con đường cũ, để tin nhận Đức Kitô, sống một nếp sống hoàn toàn mới. Sám hối phải triệt để như Giakêu, bán hết gia tài, đền bồi gấp bốn, chia sẻ với người nghèo…

Đặc tính thứ hai là cấp bách. Không từ từ do dự vì thời giờ đã tới hồi cấp bách. Cái rìu đã đặt sẵn ở gốc cây. Cái sàng đã đặt sẵn ở sân lúa. Cây không sinh trái sẽ bị đốn ngay. Trấu sẽ bị sàng lọc ra ngoài.

Như vậy, con người và sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô không hề lỗi thời. Những sứ điệp sa mạc, sứ điệp khổ hạnh và sứ điệp sám hối vẫn luôn hiện thực. Những sứ điệp ấy soi sáng con đường ta đi, phải tu sửa để gặp được Thiên Chúa Cứu Độ. Cuộc đời gương mẫu của thánh nhân là sức nóng vừa lôi cuốn vừa thúc giục ta. Vì thế Chúa Giêsu đã khen Ngài là “ngọn đèn chiếu sáng và tỏa nóng”. Ánh sáng của Ngài báo hiệu một bình minh chói lọi huy hoàng. Sức nóng của Ngài dẫn ta đến tận nguồn lò lửa. Lò lửa ấy sẽ chiếu sáng, sẽ đốt cháy mọi trái tim trong tình yêu và sẽ thanh luyện ta nên tinh tuyền. Bình minh ấy, lò lửa ấy chính là Mặt Trời Công Chính, là Chúa Giêsu mà chúng ta đang chờ mong trong đêm tối cuộc đời này. Amen.

GỢI Ý SUY NIỆM

1) Thánh Gioan Tiền Hô chuyển đến ta những sứ điệp nào?

2) Đối với bạn, sứ điệp nào cấp bách hơn cả?

3) Cấp bách và triệt để là hai đặc tính của sám hối Phúc Âm. Bạn có quyết tâm làm lại cuộc đời của mình hoàn toàn và ngay hôm nay không?

4) Bạn đã bao giờ cảm nghiệm niềm vui thiêng liêng do cầu nguyện, sám hối và tự chế chưa?

3/ HÃY DỌN CON ĐƯỜNG CHO ĐỨC CHÚA

(Lm. G.B Trần Văn Hào, SDB)

Khi thành phố bắt đầu về đêm, dòng người và xe cộ trở nên thưa thớt, người ta thấy xuất hiện những công nhân cặm cụi đi ra quét dọn các con đường. Niềm vui của họ là nhìn  những con đường sạch bóng cho ngàn người đi qua. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một bài hát cũng mượn những vần thơ diễn tả hình ảnh người phu quét đường: “Người phu quét lá bên đường, quét cả nắng vàng quét cả chiều thu”. Có một vị chính khách nọ khi ra tranh cử tổng thống cũng nói với mọi người :“ Nếu tôi được bầu chọn làm nguyên thủ quốc gia, công việc đầu tiên tôi sẽ làm là cho xây dựng những con đường”.

Cũng vậy, Giáo hội ngày hôm nay mời gọi chúng ta đóng vai người phu quét lá để dọn con đường trong tâm hồn đón Chúa đến. Giáo hội trích mượn lời hiệu triệu của Thánh Gioan tiền hô để nhắn gửi chúng ta :“ Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi (Mt 3, 3 )”.

Nhưng dọn đường như thế nào?

Đạo là đường. Đạo Công giáo không phải là một pháo đài gồm chứa những luật lệ cứng ngắc để chúng ta rút lui vào đó cố thủ. Đạo mà Chúa Giêsu khai sáng là một con đường rộng mở thênh thang để chúng ta bước tới, đi đến gặp gỡ Thiên Chúa và anh em. Chúa Giêsu đã nói: “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Cuộc hành trình đức tin của chúng ta cũng chính là con đường đưa dẫn chúng ta tiến về ánh sáng và sự sống vĩnh cửu. Nhưng con đường đó nhiều khi ngập đầy bụi bặm và rác rưởi của tội lỗi mà chúng ta cần phải quét dọn hằng ngày.

Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma đã viết “ Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy anh em hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương” (Rm 13, 12.13). Bóng tối của màn đêm là hình tượng biểu trưng tội lỗi và sự chết. Vũ khí của sự sáng mà Thánh Phaolô nhắc bảo chính là sức mạnh Thiên Chúa ban cho những ai được Thần khí hướng dẫn để không sống theo xác thịt. Điều mà Thánh Phaolô nói tới cũng tương hợp với lời hiệu triệu của thánh Gioan mà chúng ta nghe trong bài Tin mừng hôm nay. Con đường cong queo của những luồn lẹo gian dối phải uốn cho ngay. Lũng sâu chất chứa những thù hận và cách ngăn phải lấp cho đầy. Núi cao của tham vọng và ích kỷ phải bạt cho bằng. Muốn sửa lại những con đường đó, chúng ta phải đi vào hành trình hoán cải nội tâm một cách sâu xa.

Hoán cải và trở về

Có một người đàn ông nọ vô tình đọc thấy một bản cáo phó trên một trang báo. Người ta nhầm lẫn đưa tin ông vừa mới chết. Ông xúc động, nhưng bàng hoàng hơn cả vì bản cáo phó xem ông như một kẻ giết người hàng loạt, vì ông đã chế tạo nhiều vũ khí để sử dụng trong chiến tranh. Bản cáo phó đã đánh động tâm hồn ông, và ông quyết định chuyển hướng. Thay vì phục vụ chiến tranh như trước đây,  ông bắt đầu dấn thân phục vụ cho hòa bình. Ông đã hiến dâng toàn bộ tài sản ông sở hữu để cổ vũ cho công lý và hòa bình trên khắp thế giới. Người đàn ông ấy chính là Alfred Nobel, người đã khai lập giải Nobel hòa bình để phục vụ cho mục đích này. Đó là một con người đã biết thức tỉnh và trở về trong sám hối.

Hoán cải (metanoia) theo nguyên ngữ Hy lạp chính là trở về, trở về với Chúa và trở về với anh em. Trong mùa vọng cũng như trong mùa chay, chúng ta được nhắc nhở thực hành việc sám hối. Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa rộng, thì trong suốt cuộc lữ hành trần thế, chúng ta vẫn luôn cần phải trở về liên tục, bởi vì đây là thái độ nội tâm căn bản thể hiện đức tin của mọi tín hữu quy hướng về Thiên Chúa. Sám hối không phải chỉ là nhớ lại một vài lỗi phạm và đến tòa cáo giải xưng thú để lương tâm được thanh thản. Sám hối trước hết và trên hết chính là một tư thế nội tâm để quay trở về. Cuộc lữ hành đức tin chúng ta giống như một con  thuyền nhỏ trên dòng sông chảy ngược. Con thuyền không thể đứng yên một chỗ mà phải tiến tới, nếu không, con thuyền sẽ bị dòng nước cuốn ngược lại. Vì thế cuộc hành trình trở về được Giáo hội nhắc nhở trong mùa vọng như một động thái cần thiết để đón chờ Chúa đến. Chúng ta không thể trở về với Chúa mà lại không biết cách trở về làm hòa với nhau. Cũng thế, sự hoán cải mà thánh Gioan Tiền hô nói đến, đòi hỏi chúng ta phải phá đổ bức tường cách ngăn của những thù hận, phải uốn lại cho ngay những luồn lẹo gian dối trong cách hành xử thường ngày làm phương hại đến cận nhân chung quanh. Thánh Gioan tiền hô còn vay mượn hình ảnh 1 cái rìu đặt sẵn dưới gốc cây và 1 người cầm nia rê lúa trong sân để mạnh mẽ khuyến mời chúng ta hoán cải (Mt 3,10-12). Trở về với Chúa và trở về với nhau là dấu chỉ biểu tỏ sự sám hối cách chân thực.

Có lẽ chúng ta đều biết bức tranh nổi tiếng vẽ bữa tiệc ly của danh họa Leonardo da Vinci. Ông tập trung cao độ để phác họa dung mạo Chúa Giêsu ngồi giữa các học trò trong giờ phút ly biệt đầy thân thương và quyến luyến. Nhưng cầm cọ lên, ông lại buông xuống vì không thể vẽ nổi. Nguyên nhân vì chiều hôm trước, ông mới cự cãi kịch liệt với anh hàng xóm bên cạnh và tâm hồn đầy bất an. Cuối cùng ông quyết định gác bút, đi làm hòa với người bạn ấy rồi mới trở về xưởng vẽ. Chúng ta thấy dung mạo Chúa Giêsu trong bức tranh rất sống động và toát lên một tình yêu vô hạn. Không có bình an trong tâm hồn, Leonardo da Vinci không tài nào thể hiện được chân dung Đức Giêsu trong bức họa nổi tiếng ấy. Cũng vậy, chúng ta không thể nào đến với Chúa mà tâm hồn vẫn còn những rào chắn khổng lồ cách ngăn chúng ta với anh chị em chung quanh mình.

Hình mẫu nơi Gioan tiền hô

Gioan tiền hô là người gác cổng dẫn vào Tin mừng. Ngài là nhịp cầu giao nối giữa cựu ước và tân ước. Gioan mời gọi dân chúng sám hối để trở về, nhưng ông tự thú ông không phải là đấng Messia, mà chỉ là người phu quét đường, còn Đức Giêsu mới chính là con đường để chúng ta bước tới. Ông chỉ là tiếng kêu giữa sa mạc vọng lại lời, còn Đức Giêsu mới chính là ‘Lời’, là ‘Ngôi Lời đã trở thành xác phàm’. Vì thế Gioan tóm kết sứ mạng của mình trong câu châm ngôn ‘Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại. Có Đấng đến sau tôi nhưng cao trọng hơn tôi. Tôi không đáng cúi xuống xách dép cho Ngài’. Sự khiêm tốn mà Gioan nêu gương chính là chìa khóa căn bản để chúng ta bày tỏ tâm thức sám hối, trở về với Chúa và với nhau. Khiêm tốn nhận ra những giới hạn và bất toàn nơi mình, chúng ta mới có thể quét sạch rác rưởi trong tâm hồn, dọn đường cho Chúa đến. Thánh Gioan đã nêu gương mẫu cho chúng ta về thái độ khiêm tốn căn bản này.

Kết luận

Trong một cuộc triển lãm, họa sĩ Vangog có trưng bày một bức tranh tuyệt đẹp với tựa đề ‘Chúa đến’. Ông vẽ Chúa Giêsu đang đứng gõ cửa trước một căn phòng. Một người bạn đến xem tranh, tấm tắc khen ngợi tài nghệ của ông, nhưng anh bạn góp ý: “Này Vangog, bức tranh của anh khá hoàn hảo nhưng còn thiếu xót một chi tiết, có lẽ anh quên không để ý tới. Căn phòng Chúa đứng gõ cửa còn thiếu một nắm đấm để mở ra”. Vangog trả lời: “ Không phải thế đâu. Chúa đang đứng gõ cửa căn phòng tâm hồn mỗi người chúng ta. Còn bạn hay tôi, chúng ta có mở hay không là do chúng ta quyết định. Nắm đấm để mở cửa phòng nằm ở bên trong, chứ không nằm phía bên ngoài”.

Trong mùa vọng, chúng ta đợi chờ Chúa đến. Ngài đang đến gõ cửa tâm hồn từng người. Cửa phòng có được mở ra hay không, và Chúa có đi vào được căn phòng tâm hồn chúng ta hay không, còn tùy nơi cá nhân từng người.

4/ LỜI CÔNG BỐ CỦA GIOAN TẨY GIẢ 

(Lm. Giuse Nguyễn An Khang)

Gioan, có biệt danh là Tẩy giả. Mátthêu trích dẫn Isaia 40,3 để giới thiệu: Gioan Tẩy giả chính là tiếng kêu trong hoang địa mà ngôn sứ Isaia tiên báo, có nhiệm vụ dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Sống trong hoang địa từ thời niên thiếu (Lc 1, 80), Gioan xa lánh mọi tiện nghi (Mt 11,8; Lc 7,25), xa lánh những khuôn khổ đạo đức Dothái, đặc biệt của đền thờ và hội đường. Ông gần những người Esseniens ở Qumrân. Mátthêu khi phục sức cho Gioan Tẩy giả giống Êlia, mang một bộ áo da lông, ngang lưng thắt dây da (2V 1,8). Mátthêu mặc nhiên bảo, Gioan Tẩy giả chính là Êlia. Theo truyền thống, ÊLia đã được đưa lên trời, không chết, sẽ trở lại làm Tiền hô cho ngày cánh chung, ngày Đấng Messia đến (Mt 3,23).

Trong hoang địa, Gioan lấy châu chấu và mật ong làm thức ăn. Mátthêu không quả quyết Gioan chỉ sống bằng hai thức ăn đó. Châu chấu chẳng phải thức ăn lạ thường. Người Bédouins hiện thời thường ăn châu chấu chiên hoặc ướp muối. Tài liệu Damas ở Qumrân có bảo phải chiên hoặc luộc chúng mà ăn. Còn mật hoặc mật ong tìm trong các hốc đá, hoặc nước rỉ của cây Tây hà liễu.

Bởi cuộc sống đơn sơ đạm bạc, Gioan không có vấn đề béo phì, nhồi máu cơ tim, tiểu đường hay dư cholesterone. Gioan, một con người với thân hình khoẻ mạnh và khắc khổ, nhưng nơi ông toát ra một tâm hồn thánh thiện. Hữu xạ tự nhiên hương, người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđêa, cùng khắp vùng ven sông Giođan kéo đến với ông.

Thi hành sứ vụ trong hoang địa, có lẽ Gioan muốn gắn liền với truyền thống khá phổ biến trong Israel. Theo truyền thống, thời Israel lang thang trong hoang địa, từ Ai cập vào đất hứa, được xem như một thời kỳ chứa chan ân sủng, tuyển dân sống thân tình với Thiên Chúa, được Ngài đối xử nhân hậu (Đnl 2,7). Vì thế, người ta tin, thời cánh chung, nước Thiên Chúa sẽ khởi đầu trong hoang địa và Đấng Messia sẽ xuất hiện tại đấy (Mt 24,26). Do đó, một vài thủ lãnh các phong trào thiên sai thường dẫn đồng đảng của mình vào hoang địa (Cv 21,38).

Ở hoang địa Gioan rao giảng gì? Gioan kêu gọi: "Anh em hãy sám hối, vì Nước trời đã gần đến". Sám hối hay hối cải, tiếng Latinh "conversio", tiếng hy lạp "metanoia", có nghĩa thay đổi não trạng, ăn năn trở lại, canh tân đổi mới. Trong Cựu ước, từ này có nghĩa bỏ tà thần trở về với Đức Giavê. Trong Tân ước, nó giả thiết một sự thay đổi toàn diện bao hàm cả về phương diện tiêu cực bỏ đàng tội lỗi, lẫn phương diện tích cực hướng con người về Thiên Chúa.

Với Gioan, chốn hoang địa không còn là nơi cô tịch, nó đã trở thành trung tâm khơi động một phong trào sám hối, đầy nghịt những người. Thấy nhiều người thuộc phái Pharisiêu và Sađốc đến chịu phép rửa, Gioan nói với họ: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?" Tại sao Gioan gọi họ như thế? Có lẽ Gioan thấy nơi họ có sự gian dối, giống con rắn trong sách Sáng thế. Họ đến chịu phép rửa không để được tha tội, nhưng để dò xét ông (Ga 1,19-28).

Tuy gọi là "nòi rắn độc", nhưng Gioan vẫn cho họ một lời khuyên: "Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối, đừng nghĩ: Chúng ta đã có tổ phụ Abraham." Người Dothái thường tự hào là con cháu Abraham. Họ quan niệm: Ngày cánh chung, ngày Giavê sẽ biểu lộ cơn thịnh nộ của Người. Cơn thịnh nộ ấy sẽ giáng trên lương dân, những kẻ tội lỗi. Còn toàn thể con cái Israel được tham dự vào thế giới tương lai, bởi lời Thiên Chúa hứa cho Abraham và các tổ phụ vẫn có giá trị cho hậu duệ. Theo lối cắt nghĩa của các giáo sĩ, hậu duệ ấy là những người con xác thịt của Abraham. Bởi đấy, trong Dothái có câu châm ngôn quả quyết, ai thuộc dòng máu Dothái, chắc chắn sẽ được cứu rỗi. Một châm ngôn kiểu đó dễ làm cho một số người Dothái sống phóng túng về mặt luân lý và làm cho những người Pharisiêu và Sađốc tự mãn kiêu căng. Đối với Thiên Chúa là con cháu Abraham hay không, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là có giữ giao ước, có yêu mến và thực thi ý Người hay không. Nếu Israel không trung thành với Thiên Chúa, không tin vào Đấng Người sai đến, Người sẽ làm cho những hòn đá trở nên con cháu Abraham, nghĩa là loại trừ Israel và kêu gọi lương dân làm thành một Israel mới phát sinh hoa trái (Mt 8,11-12).

Bởi thế, Gioan đã kêu gọi họ sám hối. Nếu họ không sinh quả phúc đức để chứng tỏ lòng sám hối, họ không thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Theo Gioan điều đó cần thiết và cấp bách, không trì hoãn được, vì Nước trời đã đến: "Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa". Cũng như không gì có thể cứu cây khô khỏi lửa đốt, cũng chẳng có gì cứu nổi Israel chai đá khỏi cơn oán phạt.

Đấng sáng lập đến sau ông, quyền thế hơn ông. Sánh với Người ông chẳng là gì. Phép rửa ư? Phép rửa của Gioan là phép rửa tạm thời, phép rửa bằng nước, giục lòng sám hối. Phép rửa của Người là phép rửa bằng Thánh Thần và lửa, là sự thanh tẩy tuyệt đỉnh, ban ơn tha tội và sự sống mới. Con người ư? Ông chỉ là Tiền hô, là người dọn đường không đáng xách dép cho Người. Người là Đấng Messia, là Đấng thẩm phán đầy quyền năng: tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân, thóc mẩy thu vào kho lẫm, thóc lép bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.

Thật tuyệt vời, Gioan Tẩy giả đã khiêm nhường tự xóa mình đi trước Đấng mà ông đã nhận nhiệm vụ dọn đường. Đức Giêsu phải lớn lên, ông phải nhỏ đi. Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ là lúc ông vào nhà tù Macheronte, ở đó ông đã bị chém đầu. Với cái chết, Gioan đã hoàn thành sứ vụ Tiền hô dọn đường. Ông là người vĩ đại. Jean Perron viết: "Thu tóm trong chính mình tất cả những ngôn sứ từ thời Êlia, đấng Tiền hô rõ ràng là ngôn sứ sau cùng đồng thời cũng là người thứ nhất trong các tông đồ Kitô giáo, kết thúc ngôn sứ và mở đầu Phúc âm, ông là bản lề nối Cựu ước và Tân ước". Đức Giêsu quả quyết: "Trong các người nam không ai trọng hơn Gioan Tiền hô".

 

bài liên quan mới nhất

Dưới ánh sáng Lời Chúa | Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh, năm B: Cây nho và cành

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng