Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 30 Thường Niên – Năm C

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 30 Thường Niên – Năm C

 (Hc 35, 15b-17. 20-22a; 2Tm 4, 6-8. 16-18; Lc 18, 9-14)

“Người thu thuế ra về được khỏi tội”.

1/ ĐỪNG XÉT ĐOÁN

(ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Tâm lý thông thường, ai trong chúng ta cũng có khuynh hướng và thói quen xét đoán người khác khi người ta vắng mặt. Việc xét đoán và kết luận về một người nào thường mang tính chủ quan phiến diện và nhiều lúc gây ra những hậu quả khôn lường. Khi xét đoán người khác, chúng ta tự coi mình là chuẩn mực, và nếu ai không giống như chúng ta thì đều bị kết án và phê bình. Xét đoán là một thói quen xấu. Người tin Chúa cần loại bỏ thói xấu này.

“Hai người lên Đền thờ cầu nguyện” – Chúa Giêsu bắt đầu câu chuyện với mục đích cảnh báo chúng ta về thói quen xét đoán chỉ trích người khác. Người biệt phái tự coi mình là người công chính. Anh lên Đền thờ cầu nguyện, nhưng thực ra anh đã lợi dụng môi trường thiêng thánh này để khoe mình và để xét đoán người khác. Nội dung lời cầu nguyện của anh toàn là những lời khoe khoang. Không những khoe khoang những việc đạo đức mình làm, anh còn nặng lời kết án người khác. Nhận định của anh về người khác thể hiện rõ sự ghen tỵ, hằn học. Chúa Giêsu kết luận: lời cầu nguyện của người biệt phái không được nhận lời. Bởi lẽ anh không đến Đền thờ để cầu nguyện nhưng để phô trương.

Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng có quyền xét xử. Ngài là thẩm phán công minh – tác giả sách Huấn Ca khẳng định như thế. Truyền thống Kinh Thánh thường diễn tả Thiên Chúa bênh vực và bảo vệ những người nghèo khổ cô thế cô thân. Những ai lợi dụng quyền hành mà bắt nạt và chèn ép những người yếu thế, sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt. Cũng vậy, lời cầu nguyện của người nghèo được Chúa lắng nghe. Tác giả đã dùng hình ảnh “lời cầu nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm” để diễn tả mối quan tâm của Thiên Chúa. Ngài luôn nhận lời họ khi họ cầu nguyện. Lời cầu nguyện của người thu thuế trong câu chuyện là lời cầu nguyện chân thành. Nội dung lời cầu nguyện của anh là nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình để xin Chúa rù lòng thương. Anh không khoe khoang. Anh cũng không lôi người khác vào lời cầu nguyện của mình. Lời cầu nguyện của anh là những lời tâm sự chân thành giữa anh với Chúa, với xác tín Ngài sẽ nhận lời.

Người tín hữu tin Thiên Chúa là Đấng thẩm phán công minh. Họ phải sống thế nào để không bị kết án vào lúc cuối của cuộc đời. Quả vậy, tất cả những hành vi cử chỉ và lối sống của mỗi chúng ta đều được “ghi chép” và sẽ được phơi bày trong ngày phán xét. Ý thức mình sẽ bị phán xét sẽ giúp con người thận trọng hơn trong cách ứng xử và trong đời sống hằng ngày. Tin vào Chúa là Đấng thẩm phán công minh, người tín hữu không hoảng loạn trước đau khổ thử thách. Phaolô đang bị cầm tù và sắp bị đưa ra xét xử. Ông viết cho môn sinh của mình là Timôthê những dòng tâm sự đầy xác tín: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện”. Phaolô đón nhận đau khổ thử thách trong niềm hy vọng, vì ông biết Thiên Chúa sẽ thưởng công cho mình.

“Phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Đó là giáo huấn rút ra từ câu chuyện hai người lên Đền thờ cầu nguyện. Đó cũng là bài học Lời Chúa dạy chúng ta hôm nay. Cuộc sống đầy bạo lực, xung đột và chia rẽ do con người thiếu khiêm nhường, và sẵn sàng được thua mà không nghĩ đến đạo lý làm người. Trong những ngày cuối tháng Mười này, chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria, mẫu gương của sự khiêm nhường. Chính từ sự khiêm nhường mà Mẹ được tôn vinh: “Muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phúc”. Xin Mẹ giúp chúng ta biết thưa “Xin vâng” như Mẹ. Đó là lời xin vâng có phó thác, cậy trông và khiêm tốn. Từ lời xin vâng tuyệt diệu ấy, đất trời được nối kết, Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta.

2/ XIN THƯƠNG XÓT CON

(ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện. Nhưng kết quả thật bất ngờ. Người mà ai cũng kính trọng thì lại không được nhận lời. Người mà ai cũng khinh miệt thì lại được Chúa nhận lời và được công chính hóa. Qua dụ ngôn này, Chúa cho thấy lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa phải là lời cầu nguyện khiêm nhường.

Khiêm nhường không tự mãn.

Người biệt phái tự mãn vì những việc tốt mình làm được. Làm được việc tốt thật đáng khen. Nhưng cần phải nhận biết nguồn gốc việc tốt của mình. Biết nguồn gốc việc tốt phải khởi đi từ nhận biết nguồn gốc bản thân mình. Tôi có mặt ở đời là ơn Chúa ban. Tôi thừa hưởng một sức khỏe, một gia đình, một nền giáo dục, một nề nếp đạo đức, đó là ơn Chúa ban. Vì thế tôi làm được việc tốt cũng là ơn lành Chúa ban. Nếu tôi rơi vào một hoàn cảnh xấu, tôi có làm được việc tốt không? Rất khó. Vì thế đừng tự mãn khi làm được việc tốt.

Khiêm nhường không khinh người.

Người khiêm nhường nhận biết thân phận mình sẽ không dám khinh người. Tôi làm được việc tốt vì tôi có hoàn cảnh tốt. Người kia làm việc xấu vì họ không có hoàn cảnh tốt như tôi. Vì thế không nên khinh người. Hơn nữa, trong tinh thần bác ái huynh đệ, thấy người hèn kém tôi càng phải yêu thương, nâng đỡ. Thấy người tội lỗi yếu đuối tôi càng phải tế nhị kính trọng. Chúa Giêsu vẫn làm gương trân trọng người tội lỗi như đối với người phụ nữ ngoại tình, đối với Giakêu và cả đối với Giuđa nữa.

Khiêm nhường nhận biết thân phận tội lỗi.

Con người đâu có ai hoàn hảo. Huống hồ có những nết xấu đeo đẳng ta mãi không thể dứt ra được. Ta đã ngã đi ngã lại nhiều lần. Biết bao quyết tâm. Biết bao ơn Chúa. Biết bao lời cầu nguyện. Nhưng “một cái dằm” cứ nằm mãi trong thịt khiến ta đau nhức khôn nguôi. Ta không thể nào thoát khỏi tội lỗi. Vì thế tâm tình xứng hợp là khiêm nhường nhận biết thân phận tội lỗi của mình. Khiêm nhường nhận trước mặt Chúa. Khiêm nhường nhận trước mặt anh em. Đó là thái độ trung thực và đúng đắn.

Khiêm nhường xin Chúa ban ơn cứu độ.

Vì không thể tự mình thoát khỏi tội lỗi, không thể đạt tới ơn cứu độ, nên ta cần ơn Chúa. Không thể tự giải thoát, nên ta cần Chúa giải thoát ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Thân phận ta thật khốn cùng. Sức lực ta thật yếu đuối. Nên lời cầu nguyện đúng nhất là: “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Tương truyền đó là lời cầu nguyện liên lỉ suốt đời của thánh Phêrô, vị Tông đồ trưởng, vị Giáo Hoàng tiên khởi.

Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết mình không thể sống công chính tự sức riêng, nhưng chỉ được “công chính hóa” nhờ ơn Chúa. Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết ta được ơn Chúa không phải vì ta xứng đáng nhưng vì được Chúa thương yêu. Với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con”, ta nhận biết rằng lời cầu nguyện khiêm nhường là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa.

“Lạy Chúa, xin thương xót con”

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Tôi có hay tự mãn vì mình sống tốt hơn người khác không? Thái độ này có đúng không?

2) Tôi có hay khinh miệt, lên án người khác không? Thái độ này có đúng không?

3) Tại sao tôi phải khiêm nhường khi cầu nguyện?

4) Tôi có một nết xấu thường phạm. Tôi đã xưng tội nhiều lần và quyết tâm chừa cải. Nhưng chứng nào tật ấy. Bạn có cảm nghiệm được điều này nơi bản thân không?

3/ BIẾT NGƯỚC MẮT NHÌN TRỜI

(Lm. Giuse Lê Danh Tường)

Giáo xứ kia là một giáo xứ gần như toàn tòng Công giáo. Có một người ngoại giáo từ làng khác tới giáo xứ để làm nghề. Vì thế mà anh ta quen biết nhiều người trong giáo xứ. Thấy anh sống tốt, có người gạn hỏi anh: Sao anh không theo đạo với chúng tôi luôn đi. Anh trả lời: Tôi ăn ngay ở lành, không trộm cắp, không giết người, không lừa lọc ai. Đạo nào mà chẳng thế. Tôi sống thế là được rồi.

Nếu sống đạo là chỉ giữ những luật lệ, tránh không phạm tội trọng thì quả thực đạo nào cũng như đạo nào. Bởi cái luân thường đạo lý ở đời đâu mà chẳng vậy. Theo Đạo của Chúa là không chỉ sống tốt ở đời mà còn sống thánh, sống vươn lên vượt ra khỏi cái hạn hẹp quẩn quanh ở đời này. 

Trong bài Tin mừng Lc 18, 9-14, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn. Trong dụ ngôn này có hai nhân vật đứng trong cùng một nhà thờ nhưng với hai thái độ khác nhau.

Người biệt phái dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về những gì ông đang có. Ông không xin Chúa thêm điều gì. Ông hãnh diện về những gì ông đã làm được: ông không tham lam, không bất công, không ngoại tình như những người khác. Ông cảm tạ Chúa không về những gì Chúa đã làm cho ông nhưng là những gì chính ông đã làm được. Đi xa hơn nữa, ông biệt phái đã so sánh ông với người thu thuế đang đứng phía cuối nhà thờ: Tôi không như tên thu thuế kia, tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả những hoa lợi của tôi.

Ông dám kết án người thu thuế là kẻ gian tham vì người thu thuế đứng ra lấy thuế của dân mà nộp cho đế quốc Rôma. Nộp đủ chỉ tiêu thì được hưởng huê hồng số thu phụ trội!

Ông dám kết án người thu thuế là kẻ bất lương vì dân Do Thái đang có khát vọng độc lập, thoát ra khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, thì kẻ lấy thuế của dân mà nộp cho ngoại xâm là củng cố thế lực cho đế quốc, là hành động bất lương.

Ông dám kết án người thu thuế là kẻ ngoại tình vì người thu thuế đã đánh mất niềm tin và lòng trung thành với Chúa. Ông đã phản bội Thiên Chúa, đi ngoại tình với đế quốc Rôma.

Ông biệt phái đứng đó trước nhan Thiên Chúa nhưng ông không hướng nhìn lên Chúa. Ông đã nhìn xuống người thu thuế và suy xét lòng mình với những lề luật lẽ đời, ông thấy mình đạo đức. Ông ngẩng đầu cao ngạo và thấy mình xứng đáng được hưởng Nước Trời rồi.

Còn người thu thuế thì ngược lại với thái độ của ông biệt phái. Người thu thuế quả thực đã phạm nhiều điều đáng trách. Nhưng chắc chắn ông không phải là người tội lỗi nhất thế gian. Nếu ông nhìn xuống ông cũng sẽ thấy những người tội lỗi hơn ông nữa. Nhưng người thu thuế đã không nhìn xuống những người khác. Ông ngước nhìn lên Thiên Chúa. Ông suy xét lòng mình trước sự cao cả và tràn đầy tình thương của Thiên Chúa, ông thấy mình quá tội lỗi và thật xấu hổ. Ông không dám nhìn lên Chúa nữa mà chỉ biết cúi đầu ăn năn kêu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13).

Người biệt phái nhìn xuống người khác mà không biết nhìn lên Thiên Chúa nên ông dám đứng thẳng để cầu nguyện, để vênh váo. Người thu thuế không nhìn xuống người thấp hèn hơn mình nhưng nhìn lên Thiên Chúa nên ông không dám ngẩng đầu mà chỉ biết cúi mình kêu xin. Người biệt phái cậy dựa vào sức của riêng mình. Còn người thu thuế cậy dựa vào lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Người thu thuế chỉ lo giữ trọn lề luật, tự hào về những gì mình đã làm được mà không biết đến tình thương của Thiên Chúa. Người thu thuế ăn năn về những điều mình đã lỗi phạm, chạy đến với Chúa với tình con thảo nài xin Chúa xót thương.

Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã quả quyết: “người này ra về và được khỏi tội còn người kia thì không. Vì tất cả những ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 18,14).

Nếu tôi thường xuyên hướng nhìn lên Chúa, sống gắn bó với Thiên Chúa thì mọi sự tôi đã làm được chẳng đáng là gì trước những gì Chúa làm cho tôi. Nhìn lên Chúa tôi chỉ còn biết thờ lạy và cảm tạ Ngài. Tôi ý thức được sự yếu hèn của mình. Và như vậy tôi không còn dám chê trách ai vì tôi quá tội lỗi, tôi đâu có đáng gì. Tôi chỉ còn biết nài xin Chúa thương xót và cứu vớt lấy mình, cứu vớt lấy người anh chị em đang sống quanh tôi. Tôi hiểu được sự đau khổ của người khác và sẵn sàng cảm thông, chia sẻ với người khác trong cuộc sống hằng ngày.

Theo đạo là để sống với mọi người và luôn hướng lòng về với Chúa. Theo đạo là bước đi trên con đường tiến tới sự thánh thiện mà Thiên Chúa là đích điểm. Người tín hữu sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Tiêu chuẩn sống của người có đạo là tiêu chuẩn Nước Trời. Sống không chỉ để tránh làm điều bất trung bất nghĩa, nhưng còn phải yêu thương, phục vụ, và nên thánh. Người có đạo luôn bước đi với đôi mắt ngước nhìn Trời.

Lạy Chúa, giữa đêm tối mịt mùng xin Ngài cất tiếng, để con định hướng lòng con về với Ngài. Con chỉ là phận hèn tội lỗi, xin thánh hoá con và kéo con đi trên con đường nên thánh.

bài liên quan mới nhất

Ngày 20/4: Thánh Anê Môntepuxiano (1268-1317)

bài liên quan đọc nhiều

Giới thiệu Tổng quát về Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng